Vaccine Covid-19 Trung Quốc tạo kháng thể thấp
Vaccine CoronaVac của Sinovac cho thấy tính an toàn, tuy nhiên lượng kháng thể ở người nhận vaccine thấp hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục.
Dữ liệu được công bố hôm 17/11 trên tạp chí khoa học hàng đầu Lancet, cho thấy kết quả vaccine sinh kháng thể thấp ở cả hai giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Sinovac vẫn tin rằng vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả và đủ khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, hai hãng Moderna và Pfizer cho biết kháng thể ở người tiêm vaccine Covid-19 của mình trong các cuộc thử nghiệm cao hơn so với bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Kết quả bước đầu của hai đơn vị này đã khiến Sinovac “yếu” hơn trong cuộc đua hiệu quả của vaccine trong giai đoạn ba.
Thomas Campbell, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Colorado, cho rằng mức độ kháng thể thấp trong thử nghiệm giai đoạn hai của Sinovac là một điều đáng lưu tâm. Kết quả này cũng đặc biệt khi so sánh với mức độ tạo kháng thể với vaccine Moderna và Pfizer trong cùng giai đoạn thử nghiệm.
Thử nghiệm giai đoạn một của Sinovac khởi động hồi tháng 4, với hơn 140 người tham gia. Giai đoạn hai bắt đầu vào tháng 5 với 600 tình nguyện viên. Đối tượng tham gia nghiên cứu có độ tuổi 18-59, tại một quận của Giang Tô, miền Nam Trung Quốc. Tất cả đều không có tiền sử mắc Covid-19, chưa đi đến các khu vực có nguy cơ nhiễm cao và không có dấu hiệu sốt tại thời điểm tham gia.
Video đang HOT
Chuyên viên làm việc tại phòng thí nghiệm của hãng dược Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, tháng 9/2020. Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn một, 23 người trong số 96 người tiêm vaccine gặp tác dụng phụ nhẹ, như đau tại vị trí tiêm. Một người bị phát ban nghiêm trọng và hồi phục sau ba ngày sau điều trị. Ở giai đoạn hai, cơ thể tạo kháng thể nhanh chóng, đáp ứng tiêm ngừa vaccine Covid-19, tuy nhiên lượng kháng thể thấp hơn so với bệnh nhân đã hồi phục.
Thử nghiệm giai đoạn ba của Sinovac đang được thực hiện tại Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 24.000 tình nguyện viên. Người phát ngôn của Sinovac cho biết công ty không thể đưa ra tỷ lệ hiệu quả sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn ba ngay lập tức, vì chưa đủ ca mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu. “Chúng tôi cần thêm một số trường hợp nhiễm để phân tích dữ liệu”, ông cho hay.
Campbell cho rằng Moderna và Pfizer có thể sớm cung cấp kết quả sơ bộ của giai đoạn ba một phần bởi sự leo thang dịch tại Mỹ, khiến số trường hợp mắc Covid-19 trong quần thể nghiên cứu đủ để phân tích.
CoronaVac do công ty Sinovac nghiên cứu là một trong 11 ứng viên dẫn đầu trên toàn cầu, đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn ba. Hồi tháng 9, công ty Sinovac cho biết sẵn sàng phân phối vaccine Covid-19 vào đầu năm 2021 trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành của Sinovac, Yin Weidong, người đã tiêm vaccine thử nghiệm, cho biết rằng ông tin tưởng CoronaVac đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ và Liên minh châu Âu. Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp vaccine cho thế giới”.
Vaccine Pfizer là sản phẩm đầu tiên thế giới hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba với hiệu quả 95%. Vaccine Moderna vẫn trong thử nghiệm giai đoạn ba song hiệu quả sơ bộ ghi nhận là 94,5%. Vaccine Sputnik của Nga cũng được tuyên bố hiệu quả 92%, tuy nhiên các dữ liệu nghiên cứu không được công bố chi tiết.
Nhiều nước ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine
Trong bối cảnh công tác phát triển và điều chế vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đang có những thông tin tích cực, mang lại nhiều hy vọng trong cuộc chiến chặn đứng đại dịch toàn cầu, nhiều nước đang ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine phòng bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung.
Vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Philippines đã đồng ý trả tiền trước cho các hãng dược phẩm để đảm bảo có được hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, cho biết nhà lãnh đạo Philippines đã đồng ý trả tiền trước, bởi nếu không nước này có thể nằm trong số những nước cuối cùng có được vaccine.
Ông Roque cũng cho biết thêm, Tổng thống Duterte cũng "đồng ý về nguyên tắc" một sắc lệnh hành pháp, theo đó những vaccine phòng COVID-19 đã nước ngoài phê chuẩn dùng trong trường hợp khẩn cấp, có thể được sử dụng ở Philippines.
Là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, Philippines có kế hoạch đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng bệnh ban đầu để đảm bảo cho ít nhất 1/4 trong tổng số 108 triệu dân ở nước này được tiêm chủng trong năm tới.
Theo ông Carito Galvez, cựu quan chức đứng đầu lực lượng ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ, Chính phủ Philippines đang đàm phán về với một vài hãng dược điều chế vaccine, trong đó có hãng Pfizer Inc và Moderna Inc (Mỹ) về các hợp đồng cung cấp vaccine.
Bên cạnh đó, giới chức Philippines cũng đang quan tâm tới các thỏa thuận đặt mua vaccine song phương và đa phương, trong đó có khai thác Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) .
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand đã xác nhận đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với hãng dược Janssen thuộc tập đoàn Johnson&Johnson (Mỹ) đặt mua tới 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 một khi vaccine này vượt qua được các cuộc thử nghiệm lâm sàng và được phê chuẩn đưa vào sử dụng.
Trong một tuyên bố ngày 19/11, Bộ trưởng Nghiên cứu, Khoa học và Sáng kiến New Zealand Megan Woods cho biết thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận đối với một loạt sự lựa chọn về vaccine.
Theo bà Woods, thỏa thuận trên là thỏa thuận sơ bộ trong khi một thỏa thuận đăt mua trước chính thức dự kiến sẽ được hoàn tất trong những tuần tới. Theo thỏa thuận, đợt giao vaccine đầu tiên tới 2 triệu liều sẽ được thực hiện từ quý III/2021 và 3 triệu liều sẽ được giao trong cả năm 2022.
Bà Woods cho biết thêm các cuộc đàm phán đặt mua vaccine với các hãng dược khác cũng đang tiến triển tốt. Trước đó, Chính phủ New Zealand đã có thỏa thuận đặt mua 1,5 triệu liều vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức).
Còn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày tới sẽ ký một hợp đồng đặt mua khoảng 20 triệu liều vaccine của Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc. Hiện Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán đặt mua vaccine của hãng dược Pfizer Inc và đối tác BioNTech.
Pfizer chuẩn bị nộp hồ sơ xin phê duyệt vaccine Đại diện hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech cho biết sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine BNT162b2 vào ngày 20/11. Trong phỏng vấn độc quyền với CNN ngày 18/11, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cho biết công ty đang hoàn thành thủ tục giấy tờ với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm...