Vắc xin dại khan hiếm do… lạm dụng chích ngừa?
Đại diện Bộ Y tế khẳng định “không phải trường hợp nào bị chó cắn cũng chỉ định chích ngừa bệnh dại”. Tuy nhiên, trên thực tế có hơn 99,1% người bị súc vật cắn được chỉ định chích ngừa, đây là nguyên nhân khiến vắc xin ngừa dại “ cháy hàng”.
“Không phải cứ chó cắn là tiêm vắc xin dại”
Báo Dân trí đã phản ánh tình trạng khan hiếm, hết vắc xin chích ngừa bệnh dại thời gian qua tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn TPHCM. Tình trạng khan hiếm vắc xin đã khiến cộng đồng lo lắng vì tỷ lệ tử vong nếu mắc dại là 100%.
Nếu bị súc vật tấn công, nhiễm dại người bệnh sẽ cầm chắc cái chết
Dại là vắc xin dịch vụ (không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia) được sản xuất bởi hai nước Pháp và Ấn Độ. Một trong những nguyên nhân khiến vắc xin này khan hiếm được xác định là do Pháp ngưng sản xuất, nguồn hàng Ấn Độ cung cấp qua các công ty dược cho thị trường Việt Nam không đủ đáp ứng bởi nhu cầu sử dụng quá lớn.
Liên quan đến quy định của Bộ Y tế về chỉ định chủng ngừa dại cho người bệnh PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: “Không phải mọi trường hợp bị chó cắn thì đều chỉ định tiêm vắc xin dại. Chỉ những con chó bị dại cắn người mới có khả năng lây truyền bệnh dại sang người, không phải cứ chó cắn người là gây ra bệnh dại”.
Cũng theo PGS Đắc Phu: “Những người bị chó cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương thì mới có chỉ định tiêm huyết thanh và tiêm vắc xin ngừa dại ngay. Những trường hợp bị chó cắn xa thần kinh trung ương, chó cắn người không phải là chó bị bệnh dại thì có thể theo dõi, nếu sau 10 ngày chó không bị bệnh, không bị ốm thì người bị chó cắn không cần tiêm vắc xin”.
“Không phải cứ chó mèo cắn người là nhiễm bệnh dại”
Video đang HOT
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định: “Quan điểm của Bộ Y tế là chỉ định đúng kỹ thuật, đúng tính chất bệnh. Quan điểm này luôn được quán triệt và có chương trình tập huấn tiêm chủng bệnh dại cho các cơ sở tiêm chủng. Người bệnh chẳng may bị chó cắn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi hoặc tiêm vắc xin trong những trường hợp cần thiết”.
99,19% chích ngừa dại trước 10 ngày sau thời điểm bị súc vật cắn
Thực tế chỉ định chích ngừa bệnh dại trên địa bàn TPHCM đang dườn như đi ngược lại những thông tin Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định. Bởi theo số liệu phóng viên thu thập được từ Chi cục Thú Y TPHCM, trong 2 tháng đầu năm 2018 toàn thành có 3.177 người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng. Số trường hợp tiêm ngừa trước 10 ngày sau thời điểm bị súc vật cắn lên tới 99,19%.
Lý giải cho câu hỏi “Liệu có phải vắc xin ngừa dại khan hiếm là do bị lạm dụng?” PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM cho hay: “Ở góc độ phòng bệnh, với bệnh dại, khi đã mắc thì 100% trường hợp đều tử vong. Vắc xin bệnh dại hiện nay độ an toàn cao, khác với vắc xin ngừa dại cũ (loại cũ có ảnh hưởng nhất định đến người tiêm – PGS Trọng Lân), để đảm bảo an toàn, đôi khi phải nới rộng chỉ định chủng ngừa – thực tế nhiều nơi còn triển khai tiêm dự phòng”.
Hơn 99,1% nạn nhân bị súc vật cắn chích ngừa dại trước 10 ngày
“Về mặt dịch tễ học, bệnh dại ghi nhận hầu như trên vùng dịch tễ khắp cả nước. Khi dịch tễ học bệnh dại quá lớn, bệnh nhân bị chó cắn hoặc mèo cắn đòi hỏi phải có thực chứng nhưng bác sĩ chỉ được nghe lại từ người bệnh như: chó cắn như thế nào; nó có biểu hiện bệnh hay không; nó được tiêm phòng dại chưa… khiến người làm công tác chuyên môn gặp khó khăn. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh thì cần tiêm ngừa, tránh nguy cơ tử vong” – PGS Phan Trọng Lân cho hay.
Viện trưởng Viện Pasteur cho biết thêm: “Việc tiêm ngay sau khi bị chó cắn hay tiêm chậm hơn để chờ theo dõi phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế. Nếu bắt người bác sĩ chặt chẽ quá, chẳng may có trường hợp nhiễm bệnh dại sau khi bị súc vật cắn nhưng không được chỉ định chủng ngừa thì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Phòng bệnh phải hơn chữa bệnh, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng trên đàn chó chưa đạt như mong muốn (độ bao phủ phải trên 80%), quản lý đàn chó còn lỏng lẻo thì các trường hợp nguy cơ khi bị chó mèo cắn cần tiêm ngừa để đảm bảo không có ca tử vong do mắc bệnh dại xảy ra.
“Quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh dại là tiêm ngừa cho đàn chó mèo để miễn dịch của chúng với bệnh cao lên. Khi chúng không mắc bệnh thì con người nếu không may bị chúng cào, cắn cũng sẽ không nhiễm bệnh.
Nhiệm vụ của việc tiêm vắc xin ngừa dại trên đàn chó hiện nay là do ngành Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm” – PGS.TS Trần Đắc Phu.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Hiểm họa quà vặt trước cổng trường
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thương tâm gây ra chủ yếu do bất cẩn của HS khi ăn quà vặt như kẹo, chè, trà sữa... ở cổng trường.
Nạn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc là nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ ngay trước các cổng trường học trên địa bàn TPHCM.
Lập "chợ" trước cổng trường
Ngay đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10), giáp ranh với quận 5, giao lộ có nhiều trường học, nhất là vào giờ sáng và giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe lưu động, gánh hàng rong bày bán đủ các món ăn nhanh: Cơm; bánh mỳ; nước ngọt; bánh tráng, bắp rang bơ, kẹo bông, thịt xiên nướng, xúc xích nướng... thường xuyên đổ bộ, án ngữ ngay trước cổng trường, thậm chí "họp chợ" ngay giữa lòng đường.
Theo quan sát của chúng tôi, đặc điểm chung của các thực phẩm bày bán ở đây là đều được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi, và nguyên liệu thì có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh - sinh viên (HS-SV) và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.
Mỗi giờ tan học là thời điểm những quán hàng nằm sát cổng trường hay những gánh hàng rong xung quanh bắt đầu hoạt động náo nhiệt. Chủ một quầy hàng nhỏ ở khu vực này cho biết, HS-SV ở đây rất thích ăn bánh tráng trộn... Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các gói quà vặt có màu sắc bắt mắt với giá chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, đa số đều không rõ nguồn gốc...
Tại khu vực cổng Trường THPT An Đông (quận 5) vào giờ tan trường, đủ kiểu quán hàng di động: Thịt nướng, xúc xích, bột chiện, thịt nướng... "mọc lên như nấm". Xen kẽ là những quán nước mà chủ quán dùng bàn tay lem luốc không đảm bảo vệ sinh bốc đá cho vào cốc nhựa... Cùng với đó, các loại bò bía, trái cây, bánh bột lọc, cá viên chiên... được chủ hàng đựng trong các khay nhựa để phơi nắng bám bụi đường, thậm chí còn bày bán ngay trên nắp cống bốc mùi hôi thối...
Khuyến cáo về thức ăn không rõ nguồn gốc
Đề cập đến vấn đề quản lý hàng rong tràn lan cổng trường học, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho rằng, thức ăn đường phố cũng như hàng quà bày bán tại cổng các trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND quận, huyện, phường, xã.
Riêng tại khu vực căng tin và các bếp ăn trường học trên địa bàn TPHCM, Ban quản lý ATTP đang phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM triển khai tại các quận, huyện, tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát, để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm cung ứng trong trường học phải đạt chuẩn, an toàn. Nếu đơn vị cung cấp thực phẩm không đạt chuẩn, Ban quản lý sẽ khuyến khích, vận động nhà trường thay đổi một đơn vị cung ứng khác.
Theo bà Phong Lan, để kiểm soát được vấn đề thức ăn đường phố, thì đối với những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cần phải được tập huấn về vệ sinh ATTP, phải có giấy khám sức khỏe, các thực phẩm cung ứng phải có nguồn gốc rõ ràng.
Từng quận, huyện cũng như Ban quản lý ATTP thành phố tiếp tục tuyên truyền và có biện pháp để giúp giảm thiểu nguy cơ mất vệ sinh ATTP, việc lấy mẫu xét nghiệm và kiểm tra ngưỡng ATTP phải được thực hiện thường xuyên... nếu có phát hiện là phải xử lý nghiêm.
Để giải quyết triệt để nạn quán hàng rong "tấn công" cổng trường học, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Các bậc phụ huynh cần tuyên truyền, giáo dục con em mình không mua thức ăn ở ngoài cổng trường, hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ - bà Lan nhấn mạnh.
Thụy An
Theo giaoducthoidai.vn
Bé trai hai tháng tuổi bị chó cắn khi đang ngủ Bé trai ở Nghệ An đang ngủ trên võng thì bị chó cắn làm chảy máu, tổn thương vùng mặt. Bệnh nhi được người nhà đưa đến khoa Răng hàm mặt - Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng trên mặt có nhiều vết thương do chó cắn. Các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu để ngăn máu chảy...