Vá xe kiểu ‘cướp cạn’ giữa Sài Gòn: ‘Nhân vật chính’ biến mất
‘Nhân vật chính’ trong bài viết Vá xe kiểu ‘cướp cạn’ giữa Sài Gòn đã ‘biến mất’ khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.
Ngày 13.11, ông Võ Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM), cho biết sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Vá xe kiểu “cướp cạn” giữa Sài Gòn, phản ánh điểm vá xe ở góc đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) chuyên bẻ van, đâm thủng ruột xe của khách để thay ruột “đểu”, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra nhưng người đàn ông tên Huệ đã không còn hành nghề ở khu vực đó.
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, ông Huệ đã không còn hành nghề ở góc Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)ẢNH: ĐỨC TIẾN
Cũng theo ông Hưng, thời gian tới P.Bến Nghé sẽ tiếp tục các cử lực lượng kiểm tra, theo dõi, nếu phát hiện ông Huệ sẽ đưa về phường xử lý.
Ngoài ra, UBND P.Bến Nghé cũng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử lý nhiều điểm vá xe lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn phường.
Video đang HOT
Một máy bơm hơi ở điểm vá xe lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (P.Bến Nghé) bị lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữẢNH: ĐỨC TIẾN
“Đa phần các điểm vá xe vỉa hè vi phạm lấn chiếm vỉa hè là người ở khu vực khác đến; một số trường hợp người trên địa bàn phường thì chính quyền địa phương cũng đã vận động viết cam kết yêu cầu họ chấp hành không lấn chiếm vỉa hè. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát nếu phát hiện các trường hợp ngoan cố không chấp hành thì lập biên bản tịch thu tang vật và xử phạt theo quy định”, ông Hưng nói.
Theo Đức Tiến (Thanh Niên)
Vì sao khó dẹp xe chở hàng cồng kềnh?
Ở Việt Nam, tin chắc không ít người đã từng một lần chứng kiến các vụ tai nạn thương tâm do xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh gây ra. Vậy mà, bất chấp sự bức xúc của dư luận, tình trạng xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh vẫn dày đặc trên đường phố Sài Gòn và trở thành những chiếc "máy chém" lưu động.
Mới đây nhất, trên quốc lộ 1 đoạn qua phường Bình Hưng Hoà B (Q. Bình Tân, TP.HCM), một người đi xe máy đã phải chết thảm vì tránh một xe ba gác chở hàng cồng kềnh, dẫn đến bị xe tải cán qua người.
Chỉ khi gặp tổ công tác, những chiếc xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh mới không còn được du di.
Đe doạ giết người
Chứng kiến cảnh tượng thương tâm trên, ông Hoà, một người dân địa phương, đã bức xúc thốt lên rằng cái "máy chém" trong vụ tai nạn trên là chiếc ba gác chở hàng cồng kềnh, chứ không phải cái bánh xe tải cán ngang người nạn nhân. "Luật pháp ở đâu không thấy. Tôi chỉ thấy xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh vẫn cứ ngang nhiên đầy đường...", ông Hoà ngao ngán.
Thật vậy, ngày 28.10, giữa trung tâm TP.HCM - nơi có rất nhiều cảnh sát giao thông (CSGT), cảnh sát tuần tra đi tuần tra, kiểm soát giao thông - nhưng phóng viên vẫn ghi nhận những chiếc xe ba, bốn bánh chở cồng kềnh đủ loại hàng, luồn lách từ đường lớn tới hẻm nhỏ tại TP.HCM. Nhiều xe như những "máy chém" khi chở đủ loại tôn, kính sắc nhọn nhưng không hề che chắn, phóng bạt mạng. Theo sau một xe chở hơn chục tấm kính lớn từ đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) đến cầu Thị Nghè (Q.1), chúng tôi nhiều lần thót tim với chiếc "máy chém" này. Những tấm kính lớn xếp chồng nhau theo chiều thẳng đứng, nhô hẳn cạnh sắc nhọn ra ngoài do vượt quá chiều dài thùng xe mà không hề được che chắn gì. Vậy mà tài xế vẫn cho xe chạy rầm rập, bóp còi inh ỏi, kèn cựa với những phương tiện khác trên đường. "Máy chém" này đi tới đâu, những phương tiện khác phải dạt ra tới đó, vì sợ bị quẹt trúng.
Cùng ngày, trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1), một xe ba bánh chở hàng chục thanh sắt dài gấp bốn lần thùng xe, chạy nghênh ngang theo hướng về cầu Khánh Hội. Xe cũ, hàng nặng nên khi di chuyển, xe như "bò" trên đường, nhả khói đen ngòm và gằn lên âm thanh inh ỏi mỗi lúc tài xế rồ ga. Xe chạy tới đoạn khúc quanh trước công trình xây dựng nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), do có rào chắn công trình, mặt đường bị thu hẹp, tài xế bẻ cua khiến các thanh sắt chắn ngang đường, hàng loạt phương tiện phía sau phải thắng gấp.
Trước đó, trưa 26.10, trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua Q. Bình Thạnh), một chiếc ba gác chở nhiều bó sắt dài gấp đôi thân xe, khi đang di chuyển ở làn đường xe hai bánh thì bất ngờ bung thùng, văng bánh. Những thanh sắt không được che chắn phía trên ập xuống, làm hàng chục phương tiện trờ tới phải né dạt. Không chỉ ở trung tâm, tình trạng xe chở hàng cồng kềnh cũng phổ biến ở nhiều quận, huyện vùng ven gây ra nỗi ám ảnh cho người đi đường. Tai nạn thương tâm ở quận Bình Tân như nêu ở trên là một ví dụ sống động, nhưng xem ra vẫn không có hồi kết.
Đừng đổ cho nghèo mà xem thường mạng người
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xe ba, bốn bánh chở hàng quá khổ vẫn diễn ra liên tục tại TP.HCM, bởi nhu cầu sử dụng còn rất cao. Loại phương tiện này có kích thước nhỏ, di chuyển thuận tiện ở các tuyến đường hẹp, mức giá lắp ráp và thuê vận chuyển khá rẻ... nên được nhiều người sử dụng, trong đó đa phần là người nghèo. Trách nhiệm trong việc chấn chỉnh, đầu tiên là của các đơn vị phụ trách về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là lực lượng CSGT. Thế nhưng, công tác xử lý các phương tiện vi phạm cũng còn hạn chế, bởi chỉ mang tính chất tạm thời, được một số kết quả sau những lần ra quân rồi lại tái diễn, không duy trì được như kết quả ban đầu.
Vậy còn nguyên nhân nào khác? Thực tế, nếu ai có theo chân tổ chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các loại xe chở hàng hoá các loại, vi phạm quy định về an toàn giao thông ở TP.HCM, mới thấy ngoài trách nhiệm của lực lượng chức năng còn có lỗi "liều" rất lớn của những người điều khiển phương tiện. Hầu hết những người chạy xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, đã nại đủ mọi lý do để "xin xỏ". Tuy nhiên do gặp phải tổ công tác nên mọi hình thức xin xỏ đều không được chấp nhận. Từ đây, không ít những chuyện cười ra nước mắt đã xảy đến.
Vì quá "bức xúc" chuyện mình chở hàng quá tải không được CSGT cho qua như những lần trước, ông Tâm, người bị CSGT cương quyết lập biên bản xử phạt trên quốc lộ 22 (đoạn qua địa phận huyện Hóc Môn) ngày 19.10 vừa qua, nói: "Người ta nghèo khó mới phải làm liều như vậy chứ ai muốn đâu. Các anh mà xử phạt là cả nhà tui chỉ có nước chết". Cuối cùng, ông Tâm thừa nhận biết chuyện chở tôn, chở sắt cồng kềnh là nguy hiểm, nhưng ông không nhận chở thì người khác cũng nhận chở!
"Bài than thở" của ông Tâm cũng là "bài" chung của những người chạy xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh khi bị CSGT "tuýt còi" là lập tức đưa ra. Đáng nói, không phải trường hợp nào CSGT cũng kiên quyết xử phạt như trường hợp của ông Tâm, nên tình trạng xe ba, bốn bánh chở hàng cồng kềnh cứ thế nghênh ngang. Lý giải về việc chưa cương quyết trong việc xử lý nghiêm các bác tài liều mạng trên, một CSGT cho rằng nhiều lúc thấy họ tội, họ nghèo nên anh em không nỡ phạt, mà chỉ tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật. Trong khi đó, ông Hoà thị lại "tố" rằng thấy không ít vụ do dấm dúi thì được cho qua.
Có thể hoài nghi của ông Hoà không phải là tất cả nhưng chuyện nại lý do nghèo để vi phạm luật, chuyện thấy nghèo nên thông cảm là khó có thể chấp nhận. Bởi đằng sau cái sự nại nghèo, nại khổ ấy là chiếc "máy chém" sẵn sàng gây hoạ cho người đi đường bất cứ lúc nào. Vậy phải chăng đã đến lúc lực lượng chức năng kiên quyết xử nghiêm những người nại nghèo, nại khổ kể trên. Và trong tương lai cần tăng nặng mức xử phạt, có thể là tịch thu xe ngay tức khắc nếu chở vừa cồng kềnh, vừa sắc nhọn. Có như vậy mới mong các "máy chém" mới hết lê khắp nẻo Sài Gòn!
Theo Giang Thanh - Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
TP.HCM: Đột kích 3 quán bar, phát hiện hàng chục người chơi ma tuý Lực lượng công an bất ngờ ập vào kiểm tra 3 quán bar nổi tiếng tại trung tâm TP.HCM, phát hiện nhiều dân chơi đang nhún nhảy trên nền nhạc âm thanh sôi động, trong đó nhiều người còn sử dụng ma tuý. Ngày 28.10, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an TP HCM...