Vả hầm giò
Quê tôi, hầu như nhà nào cũng có cây vả trong vườn. Đến mùa, trái sai cả gốc cây. Thỉnh thoảng, mạ lại sai tôi mang vả sang biếu bà ngoại và mấy cậu dì ở làng bên.
Mùa vả bắt đầu cùng với mùa mưa ở Huế và đến tháng ba âm lịch thì hết mùa. Nhưng nhiều cây khỏe vẫn cho trái lai rai quanh năm. Vả chế biến được rất nhiều món như trộn, kho, chấm ruốc… nhưng chuộng nhất vẫn là món vả hầm giò heo. Đối với người Huế, vả hầm giò heo không chỉ là món ngon mà còn là món đặc biệt bổ dưỡng dành cho phụ nữ sau khi sinh. Theo Đông y, trái vả có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ, ăn vào sẽ có nhiều sữa cho em bé bú.
Cứ đến mùa vả thì mạ lại nấu món này cho cả gia đình. Chỉ cần ninh giò vừa tới, sau đó cho gia vị và vả vào nấu đến khi vả mềm, thế là bao nhiêu vị ngon thấm đều vào trong từng miếng vả. Bí quyết để có một món vả hầm giò heo đậm đà là nêm vào đó một chút ruốc.
Vị chát thanh đặc trưng của vả sẽ làm tiêu tan vị ngán của giò. Ngược lại, vị béo của giò lại quyện vào vả làm vả đỡ chát và có vị beo béo, bùi bùi rất ngon. Chính sự bổ sung hài hòa ấy đem đến vị ngon ngọt “ngậm mà nghe” cho món ăn này. Trời mưa Huế mà ăn món này với cơm nóng thì “ghiền”, ăn hoài không ngán.
Tuyết Khoa
Theo thanh niên
Canh móng heo hầm đu đủ của ngoại
Hồi còn bé, nằm ngoài nhà nghe trong buồng mẹ tiếng khóc của em từng lúc vang lên và tiếng hát ru ầu ơ suốt đêm của mẹ, lòng cứ bồn chồn không yên. Tôi hỏi ngoại tại sao em cứ khóc quấy, ngoại bảo do mẹ không đủ sữa cho em bú.
Sáng hôm sau, ngoại dậy thật sớm quày quả ra chợ mua móng heo về hầm với đu đủ cho mẹ ăn. Tuy món canh dành cho mẹ, nhưng vì thương tôi, lúc nào ngoại cũng để dành lại một chén. Ngoại nói món này rất lợi sữa cho phụ nữ ở cữ, đồng thời còn có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe sau những ngày làm việc căng thẳng mệt nhọc, hoặc ốm đau.
Vị ngọt của canh được tạo nên nhờ vị ngọt của đu đủ, của thịt móng heo. Ảnh: Hòa Nhơn
Sau khi mua móng heo về, ngoại dùng dao chặt thành từng khoanh nhỏ rồi đem ngâm trong nước có pha muối để thịt không còn mùi tanh, chừng vài phút vớt ra rửa sạch lại bằng lã rồi ướp hành tím băm nhỏ, tiêu, bột ngọt, nước mắm. Ướp khoảng mười phút, sau đó phi dầu nóng lên rồi cho móng heo vào đảo qua vài lần. Khi thấy miếng móng đã săn lại, thấm gia vị, thì cho nước vào. Ngày xưa mỗi khi ngoại nấu món này, tôi hay lăng xăng quanh bếp để được phụ một tay. Nói là "phụ" chứ thật ra là đứng hóng hớt để tranh thủ hít hà cái mùi thơm bốc ra từ nồi canh sôi sùng sục và quan trọng là được "ké" một chén của mẹ. Ngoại bảo tôi nhớ rằng nước dùng nấu canh phải dùng nước đun sôi, có như vậy canh sẽ không còn mùi tanh của thịt móng. Hầm móng được khoảng nửa giờ, gọt vỏ đu đủ, xắt miếng, rửa sạch cho vào nồi nước đang sôi. Đu đủ dùng để nấu canh phải là đu đủ già vừa hái trên cây xuống mới ngon. Trong khi canh sôi, nên cho vào nồi vài cọng sả đập dập để thêm hương vị thơm ngon.
Canh chín, múc ra bát điểm lên trên một ít ngò, ít tiêu bột. Canh này phải ăn khi còn nóng. Vị ngọt của canh được tạo nên nhờ vị ngọt của đu đủ, của thịt móng heo và cả vị ngọt ngào yêu thương của người làm nên món này. Những giọt sữa ngọt ngào cho em bé, sức khỏe cho người bệnh, một phần cũng nhờ vào món canh móng heo hầm đu đủ.
Theo VNE
[Chế biến] - Món ngon từ bông điên điển Cây điên điển (còn gọi là muồng rút, điền thanh) rất thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, từ vùng nước lợ đến vùng cao của ĐBSCL. Hoa điên điển có hương vị rất đặc biệt, được người dân Nam Bộ chế biến thành nhiều món ăn đặc sản ngon miệng và bổ dưỡng. Lá luộc ăn như rau hoặc nấu canh...