Vá đập Sông Tranh 2: Chuyện giờ mới kể
Chuyện vá đập Sông Tranh 2 hồi tháng 5/2012 qua lời kể của TS Nguyễn Bách Phúc.
Đúng vào thời điểm chủ đầu tư đang thuê các nhà thầu trong nước và Trung Quốc chống thấm hơn 30 khe nứt ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2, TS Nguyễn Bách Phúc – Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học TP. Hồ Chí Minh được vào thăm đập và chứng kiến việc chống thấm vào ngày 6/5/2012.
Xin giới thiệu chuyện vá đập Sông Tranh 2 hồi tháng 5/2012 qua lời kể của TS Nguyễn Bách Phúc.
Nước đã từng chảy xối xả qua các khe nhiệt trong thân đập của thuỷ điện Sông Tranh 2. Ảnh: KS Lê Văn Tăng
… Trên đường từ đỉnh đập men theo mặt hạ lưu đập đến cửa vào thân đập (đường dài chừng 30 – 40 mét), chúng tôi nhìn thấy hai vị trí ngay sát đường đi, trên mặt hạ lưu đập vừa được trám bêtông, một chỗ có thể đoán mới trám cách đây 1 – 2 ngày, chỗ thứ hai mới trám cách khoảng 1 – 2 giờ, vữa ximăng còn chưa khô.
Hóa ra ở đây vẫn tiếp tục bịt mặt hạ lưu thân đập- là điều tối kỵ, bởi như vậy sẽ giữ nước lại trong thân đập, sẽ làm hư hỏng thân đập, là phá hoại đập- điều mà dư luận đã nói đến rất nhiều. Sự việc này có thể dẫn đến nhiều câu hỏi khó trả lời.
Khi leo bộ xuống hành lang thứ ba- nằm dưới đáy đập, sâu gần 100 mét so với đỉnh đập- tôi đã rơi vào “nông nỗi” của Thúy Kiều khi theo Sở Khanh chạy trốn Tú Bà: “Dặm đường bước thấp bước cao hãi hùng”.
Số là mấy trăm bậc ở đây không có bậc nào giống bậc nào, cái cao cái thấp, cái rộng cái hẹp, lại không có lan can vịn. Sau chuyến thăm, tôi có dịp hỏi một vài chuyên gia thiết kế và thi công đập, họ đều nói rằng ở những đập mà họ đã thiết kế và thi công thì không “bước thấp bước cao” như thế. Nếu các chuyên gia này nói đúng, thì hóa ra đập Sông Tranh 2 là đặc biệt khác người.
Video đang HOT
Ngày 16/11- sau một ngày trận động đất có cường độ 4,7 độ richter xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Phó GS-TS Phạm Hữu Si – thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhà nước – đòi hỏi phải làm rõ: Sự mâu thuẫn giữa các số liệu đo của trận động đất này. Con số đo được gia tốc nền là 268cm/s2, tương đương với động đất cấp 6,5 độ richter, nếu theo thang MSK 64 thì lớn đến cấp 9, nhà cửa sụp đổ, thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, ở đây thực tế vẫn bình thường.
Lời giải thích của Phó GS-TS Cao Đình Triều – Viện Vật lý địa cầu, đang có mặt ở Bắc Trà My- về sự nghi ngờ của Phó GS-TS Phạm Hữu Si: Máy đo gia tốc nền lại được chủ đầu tư đặt “cao chót vót” – ngay trên mặt đất, nên không thể có số liệu chính xác được. Thông số gia tốc nền mà chúng tôi cần là dưới đáy đập thì hiện tại không lấy được vì không có máy đo”. Như vậy đã rõ: Sau mỗi trận động đất, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 đều báo cáo con số đo được gia tốc nền…, vì máy đo không đặt ở đáy đập nên những con số mà chủ đầu tư đã công bố là hoàn toàn không chính xác.
Gần đến hành lang thứ ba, tôi nghe thấy tiếng động ầm ầm như một cỗ máy nào rất lớn đang chạy, bèn hỏi bảo vệ nước gì ở trong này mà chảy ghê thế và nhận được câu trả lời: Nước thấm! Tôi vô cùng ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng được nước thấm mà lại chảy ầm ầm như thế. Càng đi xuống tiếng nước càng to, đến mức trao đổi với người bên cạnh phải ghé sát vào tai và nói thật to mới nghe thấy.
Ở hành lang này, hầu hết các lỗ thoát trên đầu chúng tôi đều tuôn chảy nước. Người ta phải làm phễu hứng nước, truyền nước từ phễu qua ống nhựa, đường kính khoảng 10cm, xuống 2 con mương 2 bên hành lang. Ống nào nước cũng chảy ào ào. Lâu nay báo chí và nhiều người nói ra rất nhiều con số khác nhau về lưu lượng nước thấm: Lúc thì 30lít/giây, lúc thì 75lít/giây, lúc thì bảo đã giảm xuống còn 1,5 lít/giây… Thực ra, con số quan trọng nhất là lưu lượng nước thấm tối đa cho phép theo thiết kế. EVN chưa hề công bố con số này.
Đi bên cạnh tôi là kỹ sư Trần Đình Sính- chuyên gia thiết kế thủy điện của Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1- người đã tham gia thiết kế đập thủy điện Sông Tranh 2. Tôi hỏi lưu lượng nước thấm tối đa cho phép theo thiết kế là bao nhiêu? Kỹ sư Sính trả lời là không nhớ, và nói tiếp: “Thường thì nước thấm chỉ là thấm từng giọt, chứ không chảy ào ào như thế này, thế này là đập có vấn đề!”.
Đến chính giữa hành lang, mọi người dừng lại bên hố gom nước. Ở đấy có hai cán bộ của đập trông coi. Họ cho chúng tôi xem cách đo lưu lượng toàn dòng nước thấm đã thu gom được: Họ cắm cái thước dài chừng 30cm vào một vị trí nào đó giữa dòng nước chảy, dùng ngón tay để đánh dấu độ sâu trên thước, đưa lên chỉ cho mọi người xem độ sâu là bao nhiêu xăngtimét, rồi đưa ra một bảng tra cứu được in sẵn bằng máy tính. Bảng này giúp tra cứu: Giá trị lưu lượng nước thấm toàn đập (lít/giây) tương ứng với độ sâu vừa đo được (cm). Hoàn thành xong thao tác và tra cứu theo kiểu này, họ công bố với chúng tôi là lưu lượng nước thấm của toàn đập hiện nay là 75lít/giây.
Tôi cứ băn khoăn: Một công trình đầu tư trên năm ngàn tỉ đồng, mà lại “tiết kiệm” chi phí cho thiết bị đo đạc, đến nỗi phải thực hiện phép đo rất thô sơ và rất thủ công như thế này sao(?), nhất là đối với phép đo này- một phép đo rất hệ trọng, đánh giá an toàn của đập?
Tôi vẫn rất băn khoăn, làm sao đánh giá được con số này, nếu không bình thường thì mức độ nghiêm trọng đến đâu, trong khi chúng ta không biết trị số cho phép của thiết kế.
… Trên đường trở về- gần cuối hành lang, gặp 1 hộp bằng bêtông nằm bên lề hành lang, kích thước khoảng 60cm x 60cm x 60cm. Người hướng dẫn nói với tôi: Đây là máy thăm dò địa chấn. Ngay lập tức, PGS-TS Cao Đình Triều- Tổng Thư ký Hội KHKT địa vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa lý ứng dụng- đã phản bác ngay: Đây chỉ là địa chấn kế, chứ không phải máy thăm dò địa chấn. Thực ra, máy thăm dò địa chấn và địa chấn kế là 2 thiết bị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Sau này tôi cứ phân vân mãi, sao họ lại nói riêng với tôi như thế? Chẳng lẽ họ không hiểu? Chẳng lẽ, có phải vì tôi đã nhiều lần yêu cầu dùng máy thăm dò địa chấn để khám nghiệm thân đập và nền đập nhằm xác định nguyên nhân sự cố trước khi tiến hành sửa chữa?
Theo 24h
'Không tích nước hồ chứa thủy điện, động đất vẫn xảy ra'
Sau hai ngày khảo sát nghiên cứu ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học đưa ra nhận định dù Chính phủ chưa cho phép tích nước hồ chứa nhưng các đới đứt gãy đã liên thông với hồ nên động đất vẫn xảy ra.
PGS-TS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu cho biết, sau hai ngày khảo sát nhiều vị trí ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, đoàn công tác đã xác định trận động đất 4,7 độ richter vào chiều 15/11 có độ sâu chấn tiêu 6 km, tâm chấn ở vùng lòng hồ cách tuyến đập Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) khoảng 3,5 km về phía thượng lưu.
PGS-TS Cao Đình Triều (giữa, áo đen) cùng các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu thu thập thông tin người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) về trận động đất 4,7 độ richter. Ảnh: Trí Tín
Qua thu thập thông tin, người dân ghi nhận lúc xảy ra động đất 4,7 độ richter, mặt hồ gợn sóng lăn tăn, sủi bọt, một số loài cá phóng lên trên mặt nước. Đặc biệt, các chuyên gia phát hiện các đới đứt gãy đã liên thông với hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
"Nước thẩm thấu qua đới đứt gãy đang hoạt động mạnh, làm cho nền đất đá yếu đi tạo nên chuỗi động đất sớm hơn. Dù Chính phủ chưa cho phép tích nước nhưng lượng nước trong hồ cũng đủ thẩm thấu qua đới đứt gãy gây ra động đất ở khu vực này thời gian tới", PGS-TS Triều nhấn mạnh.
Theo TS Lê Tử Sơn (Chuyên gia Viện Vật lý địa cầu), đới đứt gãy ở vùng Bắc Trà My trong trạng thái ứng suất tới hạn (hoạt động mạnh). Sau đó lại có sự tác động từ hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nên động đất xảy ra sớm, tần suất dày hơn.
Phía thượng lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Trí Tín
Gần một tháng xây dựng, đến chiều nay các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 5 trạm quan trắc động đất ở tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 và những khu vực lân cận. Viện này cũng đang hợp tác với Viện Vật lý địa cầu Ba Lan tiếp tục lắp đặt thêm 5 trạm quan trắc động đất và phối hợp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Ba Lan, Ấn Độ để đánh giá tổng thể động đất tại công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Theo TS Sơn, trong tháng qua, trạm quan trắc động đất đầu tiên đưa vào hoạt động ở thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận "vài chục trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên" và "vài trăm trận động đất nhỏ hơn 3 độ richter".
Liên quan đến nhiều mối nghi ngờ về trận động đất 4,7 độ richter, PGS - TS Phạm Hữu Si, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cho rằng máy đo gia tốc nền ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2 cho kết quả rung chấn là 268 cm/s2, tương đương với động đất 6,5 độ richter, gây rung động cấp 9.
Lo sợ động đất, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My đã treo biển bán nhà, đất ở về quê ở các huyện đồng bằng. Ảnh: Trí Tín
"Lẽ ra trận động đất lớn đến 6,5 độ richter đã gây sập nhà cửa thế nhưng ở khu vực này vẫn chưa có biểu hiện gì khác. Nền đất ở khu vực đặt thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn", PGS - TS Si ngạc nhiên.
Lý giải về sự "hiểu nhầm" này, TS Sơn giải thích, có thể do Ban quản lý dự án thủy điện 3 (đơn vị quản lý trực tiếp thủy điện Sông Tranh 2) đã đặt máy đo gia tốc nền ở đỉnh đập nên rung chấn mới lên đến 268 cm/s2, tương đương rung động cấp 9.(Máy đo gia tốc nền đặt tại công trình ở vị trí càng cao thì khi xảy ra động đất mức rung động càng lớn). Con số này có ý nghĩa về vấn đề thiết kế, kết cấu công trình.
Để biết kết quả chính xác các trận động đất, về nguyên tắc cần phải dựa vào số liệu của máy đo gia tốc đặt ở bên dưới nền móng công trình. "Một lần nữa chúng tôi khẳng định trận động đất xảy ra chiều 15/11 là 4,7 độ richter, thang rung động là cấp 7 chứ không phải cấp 9 như một số người băn khoăn", TS Sơn nhận định.
Theo VNE
Động đất ở Sông Tranh còn mạnh thêm và kéo dài vài năm nữa Trong những năm tới sẽ còn diễn ra động đất có thể với cường độ mạnh hơn, tuy nhiên sẽ không gây nguy hiểm cho thủy điện Sông Tranh 2. Dù vậy vẫn cần tiến hành các biện pháp di dân để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đó là khẳng định của TS Nguyễn Hồng Phương , Phó Giám đốc Trung tâmBáo...