V-League trước bài toán chống tiêu cực
Việc rút ngắn giải đấu giúp cho V-League căng hơn ở cuộc đua trang ngôi vô địch, nhưng cũng có khả năng dẫn đến nguy cơ “nhường điểm”, “cho điểm”. Điều quan trọng là nhà tổ chức giải phải tinh tường.
Bất cứ phương án nào cũng có ưu điểm và có cả mặt trái, điều quan trọng là những người cầm cân nẩy mực phải tinh, phải sáng suốt và phải đủ cái uy, cái dũng khi cần sử dụng đến cái uy và cái dũng đấy.
Phương án rút gọn V-League, tất cả 14 đội đá vòng tròn 1 lượt ở giai đoạn 1, sau đó phân nhóm đá tiếp vòng tròn 1 lượt (theo từng nhóm) ở giai đoạn 2 của V-League 2020, có ưu điểm là buộc các đội phải tập trung cao độ hơn, bởi đường đua sẽ ngắn hơn.
Đặc biệt, với các đội tranh ngôi vô địch, họ không còn nhiều thời gian để “chạy đà” như các mùa giải trước đây. Muốn vô địch, các ứng cử viên phải chiến đấu cật lực ngay từ đầu, đặc biệt là tránh sẩy chân trước các đối thủ trực tiếp.
Nhiệm vụ chống tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở mùa giải đặc biệt năm nay
Nhưng mặt trái của phương án này nằm ở chỗ với các đội không đá để vô địch, cũng không lo trụ hạng thì sao? Đường đua càng ngắn, số lượng đội tranh chung kết xuôi (8 đội) và chung kết ngược (6 đội) càng được phân hoá, thì vai trò của các liên minh, tức là nhóm các đội có chung mục đích và chịu chung sự ảnh hưởng nào đấy càng dữ dội.
Video đang HOT
Những đội đã yên tâm trụ hạng, nhưng lại không có chỉ tiêu leo cao sẽ yên tâm với vị trí của mình, rồi từ chỗ hết động lực, có thể dẫn đến nguy cơ “nhường điểm”, “cho điểm” vì tình thân và vì ý đồ tiêu cực.
Phương thức phân nhóm đá VCK xuôi và ngược là phương thức mà bóng đá Việt Nam từng áp dụng ở giải đội mạnh toàn quốc (tương đương với V-League ngày nay) cách nay hơn 20 năm.
Ngày ấy, cũng vì phương thức này dễ nẩy sinh tiêu cực theo cách nêu ở trên, nên khi tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá nội mới bỏ kiểu VCK, để đá theo dạng league, vòng tròn 2 lượt như các nền bóng đá tiên tiến thế giới vẫn làm.
Hoàn cảnh đặc biệt sau dịch Covid-19 buộc chúng ta phải quay lại với phương thức đấy, nhưng cũng từ chỗ trở lại với phương thức tổ chức cũ, những nhà điều hành bóng đá nội phải có cách làm khác với những năm tháng cũ, để loại trừ bóng ma tiêu cực.
Ví dụ nếu đá theo kiểu cũ, xoá toàn bộ điểm số của các đội ở giai đoạn 1, đồng loạt trở lại vạch xuất phát từ giai đoạn 2, thì nhóm những đội đã chắc suất top 8 hoặc yên phận ở nhóm 6 đội cuối bảng sẽ như thế nào? Khả năng có đội lợi dụng kẻ hở này để “tát nước theo mưa” là khả năng không thể loại trừ.
Ngược lại, nếu các nhà làm giải vẫn giữ điểm số giai đoạn 1, đòi hỏi tất cả đội bóng phải tăng tốc ngay từ đầu để chiếm lợi thế mà không có nhiều toan tính. Đến giai đoạn 2, họ vẫn phải dốc sức thi đấu để tranh các thứ hạng hoặc tránh rớt hạng, vì giai đoạn 2 rất ngắn.
Dĩ nhiên, phương án nào cũng có ưu và có nhược, nhưng việc giữ lại điểm số sau giai đoạn 1 sẽ công bằng với các đội, thay vì xoá sạch đá lại từ đầu.
Ngoài ra, để chống tiêu cực thì rất cần sự tinh tường, cần cái uy, cái dũng của những nhà điều hành giải. Đòi sự tự giác của tất cả các đội và toàn bộ nền bóng đá là điều không tưởng, và nếu có sự tự giác tuyệt đối đấy thì có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ chẳng cần đến các đơn vị hành pháp, cơ quan thực thi kỷ luật và cả tổ chức điều hành.
Đây là lúc mà VPF cần thể hiện vai trò của mình, sau khi quá mờ nhạt trong thời gian vừa qua. VPF từng bị chê là thiếu nhạy bén khi đưa ra các phương án tái khởi động V-League trong thời gian đầu, nhưng toàn xa rời thực tế, trong khi phương án đá rút gọn hiện tại xuất phát từ đề xuất của HLV Chung Hae-Seong của CLB TPHCM, sau đó được cải tiến, chứ dấu ấn của VPF đối với phương án này rất nhỏ.
Mong rằng trong công tác điều hành giải V-League 2020, cũng chống tiêu cực ở mùa giải đặc biệt này, VPF có thể làm tốt hơn những gì mà họ từng thể hiện trong thời gian qua, nhằm tạo sự công bằng cho toàn bộ giải đấu!
Thể thức mới sẽ giúp V-League có nhà vô địch mới?
Trong hoàn cảnh đặc biệt sau đợt nghỉ dài vì dịch Covid-19, V-League 2020 diễn ra theo thể thức cũng đặc biệt không kém, và thể thức mới khả năng sẽ cho ra nhà vô địch mới.
Theo đó, V-League 2020 chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, 14 đội hiện tại thi đấu theo thể thức vòng tròn 1 lượt (thay vì vòng tròn 2 lượt như mọi năm), gồm 13 vòng đấu (bao gồm cả 2 vòng đấu đã diễn ra trước dịch Covid-19), chọn ra 8 đội có thứ hạng cao nhất.
8 đội có thứ hạng cao nhất này sẽ góp mặt tại VCK của giai đoạn 2, tiếp tục thi đấu theo thể thức vòng 1 lượt, gồm 7 vòng đấu, xác định thứ hạng. Đội đứng hạng cao nhất trong số 8 đội vào VCK của giai đoạn 2 sẽ là nhà vô địch của toàn giải.
Ngược lại, 6 đội có thứ hạng thấp nhất giai đoạn 1 sẽ dự... VCK ngược của giai đoạn 2, cũng đá theo thể thức vòng tròn 1 lượt, gồm 5 vòng đấu, xác định suất duy nhất rớt hạng ở mùa giải năm nay, giành cho đội đứng thấp nhất.
V-League 2020 sẽ thi đấu theo thể thức khác biệt so với mọi năm
Thể thức này tương tự như giải các đội mạnh toàn quốc hồi đầu và giữa những năm 1990, trước khi V-League ra đời. Tuy nhiên, các đội sẽ đá nhiều trận hơn, vì hiện có nhiều đội hơn, cũng như các giai đoạn đều được đá theo vòng tròn, chứ không bắt cặp đá play-off với các cặp đấu từ tứ kết đến chung kết như trước đây.
Vả lại, khác với cách tổ chức VCK xuôi và ngược của giải các đội mạnh toàn quốc hồi cách nay hơn 20 năm, ở giai đoạn 2 của V-League 2020, các đội không thi đấu ở những địa điểm tập trung, mà đá ở trên sân của những đội góp mặt tại giai đoạn này. Riêng sân của đội nào thì tuỳ vào tình hình thực tế của các cặp đấu, cũng như việc ưu tiên cho đội chưa đá trên sân nhà trong chính cặp đấu ấy, tại giai đoạn 1.
Trong hoàn cảnh và thể thức đặc biệt như thế, khả năng V-League năm nay sẽ có nhà vô địch mới so với mọi năm, vì nhà vô địch quen thuộc CLB Hà Nội với thói quen tăng tốc muộn ở lượt về của các mùa giải trước sẽ không còn điều kiện để thực hiện điều này ở mùa giải năm nay.
Đội bóng của bầu Hiển ở các mùa giải vừa rồi ít khi là nhà vô địch lượt đi, họ chị thật sự "nóng máy" ở lượt về, rồi vượt lên trên đối thủ để giành ngôi vô địch.
Năm nay, số lượng trận đấu ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 không giống như mọi năm, các đối thủ ở 2 giai đoạn cũng khác rất nhiều, nên tính chất của cuộc đua đến ngôi vô địch sẽ khác.
Dĩ nhiên, đội bóng thủ đô vẫn là ứng cử viên rất nặng ký cho danh hiệu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, những cái tên đầy tiềm năng như đương kim Á quân CLB TPHCM, hay đương kim đệ tam anh hào Than Quảng Nỉnh sẽ có thêm cơ hội cho riêng từng đội, nếu các đội vừa nêu biết tận dụng cơ hội của mình, đừng để sẩy chân trong những trận cầu và ở những thời điểm quan trọng nhất.
Thậm chí, ngay đến các đội sở hữu lực lượng tuyển thủ quốc gia đông đảo như Viettel hay HA Gia Lai cũng có cơ hội cải thiện thứ hạng, so với chính họ các mùa giải đã qua, một khi họ biết cách giải quyết tốt các trận đấu với những đối thủ trực tiếp!
Đội hình 11 cầu thủ Việt Nam từng thi đấu ở nước ngoài Đội hình này có hàng tấn công rất mạnh, với nhiều ngôi sao lớn của bóng đá nội, có khả năng bổ khuyết cho nhau gồm Huỳnh Đức, Công Vinh và cả Công Phượng. Thủ môn: Đặng Văn Lâm (Muangthong United). Chắc chắn không ai xuất sắc hơn thủ thành Việt kiều Nga trong số những cầu thủ Việt Nam từng ra nước...