V-biz: Anti-fan đang vô tình bị lợi dụng
Có thể những hình thức anti đang làm lợi cho các “thảm họa V-biz”.
Năm 2011, V-biz bùng nổ “thảm họa” từ sân khấu ca nhạc cho đến phim ảnh, truyền hình, còn khán giả thì đủ mọi hình thức anti. Nhưng ở một góc nhìn khác, anti-fan ngây thơ đang bị lợi dụng…
Bạn đang tạo chú ý cho người bạn ghét!
Một nghệ sĩ “hot” đồng nghĩa với việc họ luôn sẽ có cùng lúc fan và anti-fan, hai đối tượng này bổ sung và tạo một luồng dư luận liên tục quanh ngôi sao ấy. Ở một khía cạnh nào đó, anti-fan còn tạo nhiều dư luận giúp nghệ sĩ nổi tiếng dễ hơn là fan. Bạn có thể tự kiểm chứng bản thân ngay lúc này, rằng có phải đối với những người bạn không thích đôi khi bạn cập nhật tin tức về họ còn nhiều hơn những ngôi sao trong lòng bạn không?
Bảo Thy từng công nhận: “Anti-fan chăm sóc Thy còn kĩ hơn fan”
Ca sĩ Bảo Thy từng công nhận: “Anti-fan chăm sóc Thy còn tốt hơn cả fan”! Chính những sự quan tâm liên tục đó đã đưa người bạn ghét trở thành tâm điểm trong mọi sự kiện. Những comment “ném đá” làm tăng view mạnh trên youtube và các trang tin mạng. Trong khi khán giả Việt vẫn còn nhập nhằng giữa việc yêu-ghét thì họ dễ nhầm tưởng một nhân vật được “ném đá” ắt là phải đáng quan tâm vì thế theo đúng logic, người bạn ghét sẽ ngày càng tạo được “sức hút”, đi ngược lại với mong muốn của bạn mà bạn không hề hay biết.
Chưa hết, nếu dạo quanh những trang page “phản cảm” được lập ra để bôi nhọ ca sĩ trên cộng đồng Facebook hiện nay sẽ gây ra một sự thắc mắc lớn: ngôi sao đó đáng ghét, hay những kẻ đang bôi nhọ anh/cô ấy bằng những từ ngữ thô tục mới đáng ghét? Rồi người ta sẽ chuyển sang thông cảm với họ hơn là điều dễ hiểu.
Một trong những Hội anti sao Việt trên Facebook (Ảnh chụp màn hình)
Video đang HOT
Bạn đang… làm giàu cho người bạn ghét!
Có một thời gian, anti-fan nhóm hát “chợ” HKT đã làm một việc rất ngộ nghĩnh đó là… mua vé đi xem tất cả chương trình có HKT. Sau khi vào trong, họ giăng băng-rôn kêu la và bôi nhọ HKT ngay tại sân khấu. Điều này có thể giải thích rằng nhóm fan này đang rất muốn V-pop được trong sạch, nhưng việc làm này đã vô hình tiếp tay cho những kẻ bạn ghét… giàu hơn. Đơn giản là bầu show không cần quan tâm chuyện ca sĩ đó có “chợ” hay không hay bị phản đối thế nào, mà họ chỉ quan tâm đến lượng vé bán ra một đêm. Mà điều này, chắc bạn đã thừa hiểu bạn đang là đối tượng tiềm năng của cả hai đối tượng đó.
Chưa hết, theo một nguồn tin không chính thức thì các ca khúc thuộc loại “Thảm họa V-pop” đang có lượng nhắn tin tải nhạc chuông, nhạc chờ với số tiền thuộc hàng… “khủng”. Không thua kém, mà có khi còn hơn hẳn các bản hit đình đám. Mục đích của anti-fan khi tải các ca khúc này về điện thoại có thể chỉ để vui vẻ, có cái lòe bạn bè cho vui, nhưng lại vô tình làm giàu và “khuyến khích” họ sản xuất nhiều “thảm họa” hơn nữa.
Tạm kết
2011 sắp qua và một năm mới đang đến. Ai cũng muốn V-biz sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn và khán giả chính là nhân tố quyết định cho sự thay đổi đó. Là fan hay anti-fan, điều quan trọng nhất chính là văn minh. Điển hình nhất như đi xem hát thì vỗ tay, nếu không thích, bạn có quyền không nghe – không thấy, chứ đừng vịn vào cớ anti, để làm những điều không hay, không đẹp. Còn gì “đau” hơn khi chính mình lại góp phần làm “rối loạn” V-biz, khiến những “con sâu thảm họa” có phần bành trướng hoạt động lấn át cả những nghệ sĩ chân chính mà mình yêu thích?
Theo PLXH
Ca sĩ "đẻ" ra ca khúc thảm họa!
Liên quan đến những thảm họa nhạc Việt nhiều người tự đặt ra câu hỏi liệu bản thân ca khúc hay ca sĩ là thảm họa?
Thảm họa nhạc Việt và 1 năm "được mùa"
Có thể nói 2011 là năm bùng nổ của hiện tượng "thảm họa V-Pop". Cộng đồng online thì có thêm nhiều Music Video (MV) khôi hài để bàn tán xôn xao. Trong khi đó, dư luận cũng được dịp chỉ trích không thương tiếc những sản phâm âm nhạc nghe "đau tai" này. Những cái tên như Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như, HKT, Phương My,... đã không còn xa lạ đối với công chúng, đặc biệt là giới văn phòng thường xuyên sử dụng internet.
HKT xứng đáng là "đại thảm họa" của nhạc Việt năm 2011
Đến lúc nhìn lại chặng đường của những thảm họa, có lẽ công chúng cần tỉnh táo để nhận biết con đường, mục đích mà những nghệ sỹ này muốn đạt được đó là sự nổi tiếng, khác hoàn toàn với cái gọi là danh tiếng.
Chính Phi Thanh Vân từng tuyên bố: " Con đường ca hát tôi chưa thật sự đi vào luồng chính thống thì thôi, tôi cứ chấp nhận vai trò là "người đẹp hát" đi, có chết gì đâu một cách gọi. Vấn đề là tôi thích hát và được hát. Tôi hát và tôi được trả tiền là thấy vui và hạnh phúc lắm rồi. Vì vậy gọi tôi là người mẫu Phi Thanh Vân hay là ca sĩ Phi Thanh Vân hay người đẹp hát cũng được, tôi không quan trọng điều đó". Và rõ ràng rằng cô ca sĩ của Da nâu chấp nhận cả việc bị gọi là thảm họa để thỏa mãn cái "thích" của mình.
Phi Thanh Vân không sợ bị gọi là thảm họa
Còn về hai "thảm họa" nổi bật nhất trong năm 2011 này là Phương My và HKT thì phải chăng đó là phong cách mà họ chọn cho con đường âm nhạc của mình.
Phương My từng là thí sinh trong cuộc thi Idol, có lẽ ca hát nhiều mà không có được tiếng tăm nên quyết định chọn cách hát và thể hiện khác người, thế là bỗng dưng cô nổi thật dù có bị "ném đá hội đồng". Cô từng tuyên bố: " Sau nhiều năm theo đuổi con đường ca hát đầy chông gai và cạm bẫy thì cuối cùng, Phương My đã được nhiều người biết đến qua danh hiệu: Nói dối - thảm họa Vpop" và cô " hạnh phúc vì clip nhạc của mình được gọi là thảm họa".
Còn Phương My lại hạnh phúc vì được gọi với "mĩ từ" ấy
Với HKT dù có bị gọi là "thảm họa" đi chăng nữa thì không thể phủ nhận sự đầu tư về tiền bạc lẫn công sức, ý tưởng cho những MV của họ được. Và dẫu có bị phê phán, đả kích thì những show diễn của nhóm nhạc này tại tỉnh thành, nhất là ở miền Tây vẫn hút khán giả đến theo dõi.
Ca khúc thảm họa hay ca sĩ thảm họa...?
Khán giả, công chúng yêu nhạc luôn dành những lời đả kích cho những thảm họa âm nhạc. Tuy nhiên, bất chấp sự công kích của búa rìu dư luận những sản phẩm ấy vẫn tồn tại và sống khỏe.
Dòng nhạc thị trường vốn được giới bình dân ưa chuộng nhờ có giai điệu dễ nghe, lời đơn giản dễ thuộc kết hợp thêm vũ đạo sôi động. Về tiêu chí này rõ ràng HKT đã rất thành công với mục tiêu đặt ra của họ. Và những "thảm họa" như HKT, Vũ Hà... vẫn có khán giả nghe họ hát.
Đã đến lúc dư luận nên nhìn nhận vấn đề thảm họa dưới cái nhìn công tâm và đúng đắn hơn. Nếu nghệ thuật là để thưởng thức thì thảm họa chỉ có một mục đích đơn giản là giải trí, và phân khúc rõ ràng cho 1 bộ phận đối tượng nhất định. " Vậy là chứng tỏ, lỗi không phải ở nhạc mà là ở người. Nếu người không có tài thì hát nhạc của diva hay của Trịnh thì cũng sẽ thành thảm hoạ mà thôi. Biến 1 bài hát tầm thường thành một tác phẩm nghệ thuật được hay không là còn tuỳ vào cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ muốn mang đến cho công chúng"- độc giả có nickname Vitconxauxi... chia sẻ.
Ngố Duy Khiêm cho rằng việc đánh giá là thảm họa mỗi người có 1 góc nhìn riêng
"Liên khúc thảm họa" của Ngố Duy Khiêm có thể coi là một cái kết khá đẹp cho một năm 2011 đầy sóng gió của "thảm họa V-Pop". Tác giả đã cover lại 5 thảm họa đình đám của năm 2011, Da nâuvà Tâm hồn là vĩnh cửu (Phi Thanh Vân), Nàng Kiều lỡ bước (HKT), Đừng yêu em (Lê Kiều Như), Nói dối (Phương My) theo một phong cách khá "sang".
Khi được hỏi về mục đích của việc tung ra MV này, chủ nhân của nó bày tỏ: " Ngố muốn để cho công chúng tự thưởng thức và tự cảm nhận về: nhạc sĩ, ca sĩ, ca khúc. Vì yếu tố nào trong 3 yếu tố trên mà một bài hát bị cho là thảm họa? Có bài dở vì giai điệu, vì ca từ, có bài lại vì người thể hiện. Mỗi người sau khi nghe xong sẽ có một cách hiểu khác nhau. Chính cách hiểu của từng người đã thể hiện tư duy của họ về âm nhạc cũng như nhận thức của họ về cuộc sống".
Hồ Ngọc Hà từng tham gia giải cứu V-pop nhưng chưa thành công
"Giải thoát thảm họa", "giải cứu V-Pop" là hai cụm từ được dư luận nhắc đến nhiều khi nhận định về những ca khúc thảm họa trong thời gian qua. Thậm chí vào tháng 7 vừa qua, 1 chương trình mang tên The Savior Show - nhạc trẻ đích thực đã rất nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đã đến lúc công chúng nghe nhạc cũng đã tự mình trả lời được câu hỏi "Ca khúc thảm họa hay là ca sĩ thảm họa?"
Theo BĐVN
Liên khúc thảm họa dậy sóng V-pop Da nâu, Nàng Kiều lỡ bước, Tâm hồn là vĩnh cửu... được làm mới lại bởi 1 cái tên vừa quen vừa lạ. Ngố Duy Khiêm được cộng đồng mạng biết đến là thành viên của nhóm Mr Cù Family, tham gia thực hiện hàng loạt phim hài chế nổi tiếng như Cung tâm kế, Sikula diệu kỳ, Bao Công xử án Tôn...