Uy lực ‘quái thú thép’ giúp Liên Xô chặn đứng phát xít Đức
Những xe tăng KV-1 với giáp dày và hỏa lực mạnh đã chặn đà tiến công của Đức, giúp Liên Xô có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng.
Xe tăng KV-1 được lưu giữ sau chiến tranh. Ảnh: Wikipedia.
Trong 6 tháng đầu chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô, các đơn vị tăng thiết giáp phát xít Đức vượt qua hàng trăm km và áp sát ngoại vi thủ đô Moscow. Bên cạnh thời tiết mùa đông khắc nghiệt, chỉ có sự xuất hiện của những xe tăng hạng nặng “ quái thú thép” KV mới có thể ngăn quân Đức tràn qua Moscow, giúp Hồng quân Liên Xô có thời gian ổn định lực lượng để phản công, theo War is Boring.
Liên Xô là một trong những nước đầu tiên áp dụng học thuyết chiến tranh cơ giới, sở hữu hàng nghìn xe tăng hạng nhẹ T-26 và BT vào thời điểm quân Đức xâm lược. Moscow cũng phát triển mẫu tăng T-28 khổng lồ và T-35 nhiều tháp pháo để chọc thủng phòng tuyến đối phương. Tuy nhiên, những “thiết giáp hạm trên cạn” này thường gặp khó khăn trên địa hình phức tạp, trong khi phần thân lớn bọc giáp mỏng dễ bị đối phương bắn thủng.
Cuối thập niên 1930, nhà thiết kế Josef Kotin phát triển dòng tăng hạng nặng KV, đặt theo tên viết tắt của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Kliment Voroshilov. Xe tăng KV có thiết kế đơn giản, được trang bị vỏ giáp và hỏa lực mạnh hơn nhiều so với dòng T-28 và T-35.
KV-1 được lắp giáp thép dày 70-90 mm, giúp nó bất khả xâm phạm trước đạn xuyên giáp cỡ nòng 37 và 45 mm đương thời của Đức. Trong khi đó, những chiếc xe tăng Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II chỉ có giáp dày 10-35 mm. Dòng KV-1 được lắp pháo nòng ngắn L11 cỡ 76 mm, cùng ba khẩu súng máy 7,62 mm trên thân xe, mặt trước và sau tháp pháo để đối phó bộ binh.
Dòng KV-1 có màn ra mắt đầy hứa hẹn, khi chỉ có một xe bị phá hủy trong cuộc chiến Liên Xô – Phần Lan giai đoạn 1939-1940. Thành công này thúc đẩy Liên Xô cải tiến, cho ra đời xe tăng KV-1 đời 1940 với pháo F32 uy lực hơn, cùng lớp giáp được tăng cường đáng kể.
Xe tăng KV-1 được biên chế thành các tiểu đoàn với lực lượng 16-22 xe, chiến đấu bên cạnh dòng T-34 trong những lữ đoàn tăng thiết giáp hỗn hợp. Những chiếc T-34 có tốc độ cao sẽ bảo vệ sườn và đột kích chớp nhoáng, trong khi KV-1 đóng vai trò lá chắn và mũi nhọn đột phá đội hình đối phương.
Liên Xô cũng chế tạo hơn 300 xe tăng KV-2, nổi bật nhờ tháp pháo hình hộp cỡ lớn, trang bị pháo cỡ nòng 152 mm. Nhiệm vụ chính của KV-2 là tiêu diệt lô cốt từ xa, nhưng đạn nổ mạnh cũng đủ sức phá hủy nhiều loại xe tăng của Đức. Điểm yếu của KV-2 là kém ổn định, khiến nó không thể khai hỏa trên địa hình lồi lõm hoặc trong lúc di chuyển. Gần như toàn bộ các xe KV-2 đều bị phá hủy trong năm 1941 và không có lực lượng thay thế.
Chốt chặn ở Raseiniai
Liên Xô chỉ biên chế 337 xe KV-1 và 132 chiếc KV-2 ở Quân khu miền Tây khi Đức phát động chiến dịch Barbarossa. Tuy nhiên, tình báo Đức đã đánh giá sai về năng lực của dòng xe tăng hạng nặng này.
Các chỉ huy Đức từng sử dụng pháo phòng không hoặc pháo dã chiến bắn thẳng để đối phó xe tăng hạng nặng. Tuy nhiên, chiến thuật này không phù hợp với một đội quân đang liên tục tiến công, do các loại pháo này có khả năng cơ động kém và triển khai mất thời gian. Việc đặt chúng đối mặt với những xe tăng trang bị hỏa lực mạnh của đối phương cũng tạo ra mối nguy hiểm lớn cho kíp pháo và khí tài.
Điểm yếu chiến thuật của Đức xuất hiện ở trận Raseiniai, ngay trong giai đoạn mở đầu chiến dịch Barbarossa. Ngày 23.6.1941, lính Đức trong những chiếc xe tăng hạng nhẹ Panzer 35(t) hoảng hốt khi thấy xe tăng KV-1 của Sư đoàn Tăng số 2 Liên Xô chọc thẳng qua đơn vị họ. Đạn pháo 37 mm của Đức không thể xuyên thủng xe tăng Liên Xô, khiến những chiếc KV mặc sức tiêu diệt bộ binh Đức.
Video đang HOT
Chiếc KV-2 được cho là đã cầm chân Sư đoàn Tăng số 6 Đức. Ảnh: Wikipedia.
Lực lượng Panzer 35(t) phải đuổi theo xe tăng Liên Xô, sau đó bắn hỏng xích một số xe và buộc đơn vị KV-1 rút quân. Tuy nhiên, một chiếc KV-2 đột phá quá sâu và hết nhiên liệu ngay trên tuyến hậu cần của Sư đoàn Tăng số 6 Đức vào ngày 24/6. Tin rằng tổ lái đã bỏ xe, đoàn vận tải chở đạn và nhiên liệu của Đức chọn phương án đi thẳng qua trước mặt chiếc KV-2. Tổ lái Liên Xô ngay lập tức khai hỏa và đốt cháy 12 xe tải.
Một khẩu đội pháo chống tăng 50 mm của Đức bắt đầu bắn phá chiếc KV-2, nhưng nó nhanh chóng bị pháo 76 mm của chiếc xe tăng tiêu diệt. Quân Đức triển khai pháo phòng không 88 mm ở khoảng cách 700 m, nhưng chiếc KV-2 đã nổ súng tiêu diệt khẩu pháo trước khi nó kịp khai hỏa.
Đêm 24/6, lính công binh Đức tìm cách tiếp cận để đánh chiếc xe tăng bằng bộc phá. Tuy nhiên, các khẩu súng máy trên xe tăng đã chặn đứng hoàn toàn đợt tấn công tự sát này. Lo lắng trước việc một xe tăng Liên Xô chặn đứng cả sư đoàn tăng thiết giáp Đức trong 24 giờ liên tục, tướng Erhard Raus quyết định tổ chức một đợt tấn công hiệp đồng giữa tăng, bộ binh và pháo binh vào sáng 25/6.
Một số tăng Panzer 35(t) hạng nhẹ khai hỏa để đánh lạc hướng kíp tăng Liên Xô, trong khi các khẩu pháo phòng không 88 mm được triển khai. Chỉ hai trong số 12 viên đạn pháo 88 mm xuyên thủng chiếc KV-2. Khi bộ binh Đức trèo lên tháp pháo, chiếc xe vẫn còn khả năng chiến đấu.
Hàng loạt quả lựu đạn được ném vào trong, cho tới khi tháp pháo xe tăng KV-2 ngừng chuyển động. Một số tư liệu cho rằng quân Đức đã chôn cất 6 lính tăng Liên Xô với nghi lễ trang trọng nhất vì khâm phục sự dũng cảm của họ.
Cú sốc tại Kamenevo
Bất chấp ưu thế của xe tăng T-34 và KV, quân đội Đức vẫn liên tục đột phá vào lãnh thổ Liên Xô. Dẫn đầu mũi tiến công nhằm vào Moscow là Sư đoàn Tăng số 4, bao gồm một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 5 đại đội tăng Panzer III và IV, cùng 9 khẩu pháo kéo cỡ nòng 88 và 105 mm.
Sáng 6.10.1941, lực lượng Đức tràn qua đội hình xe tăng T-26 và bộ binh tại thị trấn Kamenevo, cách Moscow 270 km về phía tây nam. Tuy nhiên, khi quân Đức tiến tới Tula, họ chứng kiến số lượng khổng lồ xe tăng T-34 và KV đang hướng tới sườn trái của mình. Vào đêm trước đó, Lữ đoàn Tăng số 4 của đại tá Mikhail Katukov đã phục kích hướng tiến quân của Đức.
Một xe tăng KV-1 (trái) và T-34 bị Đức thu giữ sau chiến đấu. Ảnh: Wikipedia.
Các khẩu đội pháo Đức bắt đầu bắn phá xe tăng Liên Xô, nhưng không thể chặn số lượng lớn những chiếc T-34 và KV. Lữ đoàn tăng Liên Xô nghiền nát nhiều khẩu pháo và bắt đầu đánh cận chiến với các xe Panzer. Điểm sáng duy nhất cho quân Đức là khoảng cách gần giúp những chiếc Panzer có cơ hội bắn xuyên sườn xe KV.
Quân Đức phải rút lui sau khi mất 12-13 xe tăng, trong khi Liên Xô chịu tổn thất 8 chiếc KV. Tuyết mùa đông bắt đầu rơi vào ngày hôm sau, làm chậm đà tiến tới Moscow của quân Đức. Trận đánh Kamenevo giúp Hồng quân Liên Xô có thêm thời gian chuẩn bị, đồng thời khiến quân đội Đức sa lầy và không thể chiếm Moscow trước mùa đông.
‘Quái thú thép’ kém tin cậy
Liên Xô chế tạo hơn 4.000 chiếc KV-1, với hàng loạt phiên bản được trang bị thêm giáp. Xu hướng này đạt đỉnh với mẫu KV-1c vào năm 1942, được trang bị pháo ZiS-5 cỡ nòng 76 mm và giáp thép dày 130 mm. Tuy nhiên, nó chỉ đạt tốc độ tối đa 27 km/h trên đường bằng phẳng.
Dòng KV từng bất khả xâm phạm với xe tăng Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II, nhưng chúng cũng có nhiều điểm yếu chí mạng. Tầm nhìn tổ lái kém, hộp số thường xuyên hư hỏng và tốc độ thấp khiến những chiếc KV không thể theo kịp xe tăng T-34 trong các đợt tiến công.
Các nhà thiết kế Liên Xô cho ra đời bản KV-1S với giáp chỉ dày 75 mm, đồng thời cải thiện hộp số và tầm nhìn cho tổ lái, giúp xe đạt tốc độ tới 45 km/h. Vào thời điểm này, xe tăng Đức cũng được trang bị giáp hiện đại, cùng pháo nòng dài 75 hoặc 88 mm, đủ sức xuyên thủng giáp trước KV-1 từ khoảng cách xa. Điều đó khiến những chiếc KV-1 đắt đỏ không còn uy lực như trước và chúng dần biến mất.
Chỉ một số tiểu đoàn KV tham gia phòng thủ vành đai Kursk, trận đấu tăng thiết giáp lớn nhất trong lịch sử thế giới vào giữa năm 1943. Chúng hoàn toàn bị xe tăng Tiger và Panther Đức áp đảo, buộc Liên Xô chế tạo 148 xe tăng KV-85 trang bị pháo nòng dài 85 mm.
Cùng lúc đó, xe tăng T-34 cũng được trang bị pháo 85 mm tương tự, đồng thời dòng tăng hạng nặng IS cũng ra đời nhằm thay thế vai trò của KV. Chỉ còn một số lượng nhỏ xe tăng KV-1 xuất hiện trong những năm cuối Thế chiến II.
Để sở hữu lớp giáp dày, xe tăng KV phải hy sinh khả năng cơ động, tính ổn định và chi phí sản xuất, khiến nó không còn hiệu quả so với những chiếc T-34. Tuy nhiên, dòng KV vẫn là những “quái thú thép” giúp Hồng quân Liên Xô cầm chân quân Đức trong giai đoạn khó khăn đầu Thế chiến II.
Theo Tử Quỳnh (VnExpress)
Chiến dịch Cuồng phong - canh bạc tử thần của Hitler
Hitler đặt cược vào cuộc chiến để chiếm Moscow, nhưng bất lợi trong khâu tiếp tế và thời tiết khắc nghiệt khiến Đức hứng chịu thất bại với nhiều hệ lụy về sau.
Lực lượng Đức tấn công Moscow. Ảnh: Tumblr.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa nhằm xâm lược Liên Xô. Các cuộc bao vây nối tiếp nhau khiến Hồng quân Liên Xô chịu thương vong tới 4 triệu quân. Đầu tháng 10, khi còn cách Moscow 321 km, Hitler phát động chiến dịch "Cuồng phong" để chiếm thủ đô Liên Xô, hy vọng sớm kết thúc chiến dịch mà không biết rằng đang đặt cược vào một canh bạc tử thần, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, Đức Đức triển khai hơn 3 triệu quân với mong muốn sớm kết thúc chiến tranh ở mặt trận phía Đông. Nhưng đến tháng 10/1941, họ đã hứng chịu hơn 500.000 thương vong, chiếm 15% lực lượng xâm lược Liên Xô.
Các đơn vị thiết giáp Đức ở sâu trong lãnh thổ Liên Xô phải bỏ lại một loạt xe tăng trong giao tranh và khoảng 40% xe tải quân sự vì chất lượng đường sá kém. Đường sắt là tuyến tiếp tế huyết mạch cho mặt trận phía Đông, nhưng khổ đường sắt Liên Xô lại rộng hơn đường sắt Đức, khiến tàu tiếp tế không thể di chuyển cho đến khi lực lượng công binh cải tạo lại những tuyến đường này.
Khâu hậu cần không đảm bảo khiến lính Đức trên chiến trường thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, đạn dược và đặc biệt là nhiên liệu cho xe tăng.
Hồng quân Liên Xô có lợi thế đóng quân ở gần các kho tiếp tế. Liên Xô liên tục bổ sung các sư đoàn mới ra tiền tuyến, dù các tân binh chưa được huấn luyện bài bản. Tình báo Đức trước đó chắc chắn Liên Xô sẽ sụp đổ, nhưng không thể hiểu nổi vì sao Hồng quân có thể kháng cự và không ngừng lớn mạnh.
Chiến dịch Cuồng phong được ví như trận đấm bốc giữa hai võ sĩ. Liên Xô có thể triển khai hơn 1 triệu quân và 1.000 xe tăng ở Moscow, phụ nữ và thanh niên thiếu niên cũng đào nhiều tuyến phòng thủ. Quân Đức huy động gần 2 triệu binh sĩ, hơn 1.000 xe tăng, 500 máy bay để tạo thế gọng kìm tiêu diệt lực lượng bảo vệ Moscow, sau đó tràn vào thành phố.
Nếu thời tiết tốt và nguồn tiếp tế hợp lý, quân đội phát xít Đức lúc đó có thể khuất phục bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch Cuồng phong, mọi thứ đều diễn ra đúng như kế hoạch, 4 quân đoàn Liên Xô hứng chịu thất bại nặng nề ở vùng Vyazma.
Tuy nhiên, tới đầu tháng 10, mùa đông lầy lội đặc trưng (Rasputitsa) của Liên Xô bắt đầu, biến chiến trường thành những bãi sình lầy khổng lồ. Các xe cơ giới bị ngập đến trục bánh, đòi hỏi binh sĩ phải dùng sức người kéo lên. Cả bộ binh và xe tiếp tế Đức đều không thể tiến lên trong điều kiện như vậy. Trong khi đó, Liên Xô tổ chức nhiều đợt phản công, khiến quân Đức thiệt hại nặng và kiệt sức.
Xe tăng T-34 Liên Xô cũng khiến lính Đức hoảng loạn và bất lực, bởi chúng có khả năng cơ động tốt trên đường lầy lội, trong khi các vũ khí chống tăng của Đức thường không thể xuyên thủng giáp của nó.
Đức ngừng tấn công để củng cố đội hình vào đầu tháng 11, khi thời tiết ngày càng lạnh hơn, khiến các vùng đầm lầy bị đóng băng. Mặt đất trở nên cứng, bớt lầy lội, giúp họ tiến công hiệu quả hơn. Đến cuối tháng 11, các đơn vị trinh sát Đức chỉ còn cách Moscow 19 km, gần đến mức có thể quan sát thấy các ngọn tháp của thành phố bằng ống nhòm.
Các mũi tấn công của Đức nhằm vào hướng Moscow. Ảnh: Weebly.
Đến đầu tháng 12/1941, nhiệt độ hạ thấp xuống -45 độ C. Dù lường trước được sự khắc nghiệt của mùa đông Liên Xô, khả năng tiếp tế hạn chế buộc Đức phải ưu tiên cung cấp nhiên liệu và đạn dược, bỏ qua áo rét cho binh lính. Họ tin rằng sẽ chiếm được Moscow trước khi mùa đông tới.
Đúng lúc này, Liên Xô điều động 18 sư đoàn tinh nhuệ từ Siberia về Moscow để bảo vệ thủ đô. Đây là lực lượng được huấn luyện bài bản, trang bị tốt, sẵn sàng hoạt động trong mùa đông khắc nghiệt.
Trong cuộc phản công ngày 5/12, các quân đoàn Liên Xô chọc thủng phòng tuyến quân Đức một cách dễ dàng. Vũ khí Đức bị đóng băng, binh lính cũng bị lạnh cóng, có người còn bị dính chặt vào vũ khí. Các binh sĩ Đức sống sót chỉ có thể bất lực đứng nhìn đối phương xuất hiện như những bóng ma trong sương mù và tuyết trắng.
Ở thời điểm quyết định cuộc chiến, một số tướng Đức muốn rút quân ra xa khỏi Moscow, nhưng Hitler lo sợ lui binh sẽ khiến binh sĩ hỗn loạn, giúp Hồng quân Liên Xô tiến gần đến cửa ngõ Đức. Bởi vậy, ông trùm phát xít ra lệnh cho binh sĩ giữ vững vị trí chiến đấu cho đến người cuối cùng theo phương thức phòng ngự co cụm.
Trong chiến dịch kéo dài từ ngày 2/10/1941 đến 7/1/1942, ước tính Đức chịu thương vong 248.000-400.000 quân, trong khi con số này của Liên Xô khoảng 650.000-1.280.000 người. Liên Xô sau đó tăng cường tiềm lực quân sự, bắt đầu xoay chuyển cục diện chiến trường bằng trận Stalingrad từ cuối năm 1942, làm phá sản chiến dịch Cuồng phong của Đức.
Một bãi sình lầy gần thủ đô Moscow. Ảnh: Wikipedia.
Chiến trường đẫm máu ở mặt trận phía Đông tiếp tục kéo dài đến năm 1945. Hitler đã thua trong canh bạc tử thần này khi không thể chiếm được Liên Xô trong chiến dịch Cuồng phong, bởi sau đó Mỹ và Anh đã mở mặt trận thứ hai bằng cuộc đổ bộ ở châu Âu.
Thất bại trong chiến dịch Cuồng phong để lại nhiều hệ lụy cho phát xít Đức. Mệnh lệnh không rút lui của Hitler đã khiến các tập đoàn quân Đức ở Stalingrad và Normandy phải cố thủ đến khi bị xóa sổ. Quân Đức chịu bất lợi liên tục trên chiến trường cho đến khi bị đánh bại hoàn toàn vào năm 1945.
Duy Sơn
Theo VNE
Mỹ từng lên kế hoạch tấn công hạt nhân vào Liên Xô như thế nào Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, nước Mỹ đã lên kế hoạch hủy diệt Liên Xô lúc đó đang kiệt quệ bởi chiến tranh bằng 466 quả bom nguyên tử. Thực tế ngay sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, Mỹ đã lên một kế hoạch tấn công hạt nhân vào Liên bang Xô Viết. Lầu Năm Góc hoàn toàn...