Ủy ban Hòa bình Việt Nam gửi thư phản đối Trung Quốc
Về việc Trung Quốc đưa và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu đi cùng, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, gây nên tình hình hết sức căng thẳng ở biển Đông, ngày 10/5, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã gửi thư phản đối tới Hiệp hội nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đã gửi điện tới Hội trưởng Hội hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam, bày tỏ sự quan ngại và bất bình của nhân dân Việt Nam trước hành động xâm phạm này; đề nghị các lực lượng Trung Quốc chấm dứt hành động khiêu khích, rút giàn khoan, không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông; tìm kiếm các giải pháp hợp lý, hòa bình để giải quyết bất đồng, tạo môi trường hòa bình để nhân dân hai nước xây dựng phát triển đất nước, phù hợp với nguyện vọng và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước .
* Thư của Ủy ban Hòa bình Việt Nam gửi Hiệp hội nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị viết: Trong những ngày này, nhân dân Việt Nam hết sức quan ngại về những diễn biến căng thẳng do việc ngày 2 tháng 5 năm 2014, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc hộ tống dàn khoan, trong đó có cả các tàu quân sự, đã liên tục tấn công các tàu Việt Nam trong khu vực này, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và đe dọa tính mạng của con người.
Video đang HOT
Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi ngược với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) được ký giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, vi phạm các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, các trao đổi và thỏa thuận giữa Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Hiệp hội nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, là nguyên nhân chính gây căng thẳng và đe dọa ổn định trên Biển Đông.
Việc làm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước về các vấn đề trên biển, mà còn tác động tiêu cực đến tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước. Dư luận tại Việt Nam đang rất quan tâm và yêu cầu những hành động trên cần phải chấm dứt và không được tái diễn trong tương lai.
Ủy ban Hòa bình Việt Nam cực lực phản đối hành động nêu trên và đề nghị Hiệp hội nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị có những hành động tích cực nhằm tiếp tục gìn giữ mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
* Điện của Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc gửi Hội trưởng Hội hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam nêu rõ: Nhân dân Việt Nam và Hội viên các cấp của Hội hữu nghị Việt-Trung hết sức quan ngại và bất bình về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và tiến hành thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , huy động nhiều tàu đi cùng, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa.
Tình hình hết sức căng thẳng, một số tàu Trung Quốc đã cố tình đâm các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của lực lượng kiểm ngư. Việc làm này của phía Trung Quốc ảnh hưởng tới sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị đang được các cấp các ngành hai bên tích cực xây dựng, ảnh hưởng không tốt đến công tác hữu nghị mà hai Hội hữu nghị đang tích cực xúc tiến nhằm thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trước tình hình này, xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, trên tinh thần hữu nghị và tôn trọng luật pháp quốc tế, đề nghị các lực lượng của Trung Quốc có mặt tại đây chấm dứt hành động khiêu khích, rút giàn khoan, không làm phức tạp thêm tình hình và tiến hành thương lượng để giải quyết bất đồng, tạo môi trường hòa bình để nhân dân hai nước xây dựng phát triển đất nước, phù hợp với nguyện vọng và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Theo Báo Tin Tức/TTXVN
Cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu
Chiều 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nội dung được nhiều người quan tâm là cân nhắc kéo dài tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ.
Nhiều ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại đòi hỏi tuổi nghỉ hưu sớm
Liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu lên cao hơn so với quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển yêu cầu nghiên cứu kỹ khả năng cân đối thu - chi trong tương lai của Quỹ BHXH. "Có nguy cơ đất nước ta chưa giàu nhưng dân số đã già, lại đứng trước cảnh báo về bẫy thu nhập trung bình. Tôi đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.". Có cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần nghiêm túc nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu: "Khi bàn về quy định này trong Bộ Luật Lao động cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nay nếu thấy cần thì có thể sửa ngay trong Bộ Luật Lao động.".
Đánh giá vấn đề từ góc độ quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng thu - chi của Quỹ BHXH là phải thu đúng, thu đủ với mức cao hơn. "Tại sao không thực hiện ngay Bộ Luật Lao động về thu nhập để tính tiền đóng BHXH ngay từ năm 2015 thay vì kéo dài thời gian đóng. Nữ lao động ở khu vực hành chính có thể kéo dài thời gian làm việc, chứ nhiều ngành nghề khác không thể kéo được. 58 nghìn nữ công nhân cao su chỉ 48 - 50 tuổi đã không đủ sức khỏe làm việc được nữa mà vẫn phải đợi đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu là rất bất hợp lý" - ông Mai Đức Chính nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, tuổi về hưu phải tính đến đặc thù ngành nghề và đặc điểm cơ cấu dân số. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra tập hợp thông tin, phân tích đầy đủ các khía cạnh kinh tế - xã hội - chính trị để đưa ra quy định hợp tình - hợp lý. Chủ tịch Quốc hội nói: "Có lộ trình cũng là một giải pháp hay, cần nghiên cứu thêm và nếu cần thì sửa đổi đồng bộ với Bộ Luật Lao động.".
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2015. Văn phòng Quốc hội đề xuất dự kiến 6 nội dung cụ thể để giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn. Đó là hiệu quả sử dụng vốn ODA cho đầu tư phát triển trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2013; tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Nhiều ý kiến thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Theo ANTD
Sắp có thẻ công dân điện tử Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Cùng ngày, UBVTQH đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND...