Ủy ban Hiến pháp Syria khai mạc phiên họp đầu tiên tại Thụy Sĩ
Ủy ban Hiến pháp Syria, bao gồm 150 thành viên trong chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự, đã lần đầu tiên nhóm họp tại Thụy Sĩ. Đây là bước đi đầu tiên tiến tới con đường hòa giải chính trị.
Ủy ban Hiến pháp Syria lần đầu tiên nhóm họp. (Nguồn: threadreaderapp)
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 30/10, Ủy ban Hiến pháp của Syria, bao gồm 150 thành viên trong chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự, đã lần đầu tiên nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ.
Liên hợp quốc xem đây là bước đi đầu tiên nhằm hướng tới con đường hòa giải chính trị.
Phiên khai mạc do Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Geir O. Pedersen, đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp bên phía Chính phủ Syria Ahmad Kuzbari và Chủ tịch Ủy ban bên phía phe đối lập, ông Hadi Albahra chủ trì tại trụ sở châu Âu của Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.
Video đang HOT
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đặc phái viên Pedersen nhấn mạnh: “Đây là một giây phút lịch sử.”
Cuối tháng Chín vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria nhằm soạn thảo một Hiến pháp mới cho quốc gia Trung Đông này.
Việc triển khai các công việc của Ủy ban này là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập để bắt đầu thực hiện một khía cạnh quan trọng trong Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng Hiến pháp mới.
Ủy ban Hiến pháp Syria là bước đầu tiên trên con đường dài tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria.
Các thành viên Ủy ban sẽ hợp tác để giúp hàn gắn đất với sự hỗ trợ tích cực của Liên hợp quốc, mang lại hy vọng cho người dân Syria đang gánh chịu đau khổ kéo dài do cuộc xung đột hơn 8 năm qua và khiến hơn 400.000 người thiệt mạng./.
Theo Tố Uyên-Xuân Hoàng (TTXVN/Vietnam )
Ra mắt Ủy ban Hiến pháp: Sự khởi đầu cho một "Syria mới"
Ủy ban Hiến pháp Syria hôm 29/10 chính thức ra mắt với cuộc họp đầu tiên tại Geneva, Thụy Sĩ, hứa hẹn tạo ra sự thay đổi tích cực cho tình hình Syria.
Sáng kiến xây dựng hòa bình kéo dài 2 năm qua do Liên Hợp Quốc dẫn đầu, được xem là bước đi quan trọng để tiến tới một cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria bùng phát từ năm 2011, cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người và khiến hàng triệu người phải lánh nạn.
Việc ra mắt Ủy ban Hiếp pháp này là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập Syria, thực hiện một điều khoản quan trọng trong nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đó là thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng Hiến pháp mới. Ủy ban gồm 150 thành viên, đại diện của cả chính phủ và phe đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, với mục đích sửa đổi hiến pháp và nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hơn 8 năm qua.
Để chuẩn bị cho lễ ra mắt chính thức của Ủy ban Hiến pháp Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 29/10 có cuộc họp với Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen. Ba Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng các thế lực nước ngoài không được can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: "Ủy ban Hiến pháp Syria không phải là điểm hoàn tất của một tiến trình, mà chỉ là sự khởi đầu của một con đường khó khăn mới, với nhiều thách thức hơn. Đây phải là thành quả của người dân Syria, do người dân Syria dẫn dắt và được người dân Syria chấp nhận. Tiến trình này không nên có sự can thiệp, kích động hoặc gây ảnh hưởng từ bên ngoài. Đây là những điều mà Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran cam kết và tiếp tục ủng hộ".
Rõ ràng đang có cơ hội cho người Syria tự thảo ra một bản Hiến pháp mới cho mình, là cánh cửa mở ra tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và cộng đồng quốc tế. Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định cũng không nên quá mong đợi vào Ủy ban này sẽ là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 8 năm qua tại Syria.
Để Ủy ban Hiến pháp Syria vận hành và đưa ra các quyết định quan trọng sẽ là một thách thức không nhỏ khi 150 thành viên của Ủy ban đến từ các lực lượng chính trị khác nhau. Điều đó được thể hiện rõ nhất kể từ khi sáng kiến bắt đầu cách đây 2 năm, con đường thành lập Ủy ban này cũng gặp nhiều khó khăn để đạt được sự đồng thuận của các bên. Trong khi đó, các cường quốc luôn muốn gia tăng ảnh hưởng đến tiến trình này trên danh nghĩa giúp tái thiết đất nước, có thể tác động đến tính hiệu quả của Ủy ban.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cần phải một giải pháp toàn diện: "Tất nhiên chúng tôi nhận thức rõ Ủy ban Hiến pháp không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria. Ủy ban Hiến pháp chỉ là một bước đi định hướng đúng đắn trên con đường khó khăn hướng đến một Syria mới. Để có các kết quả cụ thể và rõ ràng cần phải thực hiện các điều khoản khác của Nghị quyết 2254.
Chúng ta cũng cần phải có các bước tiến lớn trên thực địa. Do đó, cùng với việc ra mắt Ủy ban hiến pháp cũng cần có bước đi cụ thể khác, các biện pháp xây dựng lòng tin giữa người dân Syria và người dân Syria với cộng đồng quốc tế".
Mặc dù vậy có thể nói việc ra mắt Ủy ban Hiến pháp Syria là cơ hội để người dân Syria cùng đóng góp tiếng nói xây dựng đất nước, xây dựng lòng tin và thúc đẩy một tiến trình chính trị toàn diện cho đất nước. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua cũng bày tỏ lạc quan về một giải pháp chính trị cho Syria. Ông cho rằng, đây là một cơ hội hiếm có cho hòa bình, các thành viên Ủy ban sẽ hợp tác để giúp hàn gắn đất nước đang bị chia rẽ với sự hỗ trợ tích cực của Liên Hợp Quốc./.
Theo Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp
Nga tố Mỹ 'ngạo mạn và phi pháp' ở Syria Mỹ đã rất "ngạo mạn" khi cử lính đến canh gác các mỏ dầu tại Syria - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết. Ông nói thêm rằng chưa rõ trữ lượng dầu này cần được bảo vệ khỏi tay ai. Những hành động của Mỹ tại Syria đã vi phạm luật pháp quốc tế, vì sự hiện diện của họ...