Ủy ban châu Âu đề xuất bộ tiêu chí chung về hạn chế đi lại để tránh sự lây lan của Covid-19
Ngày 4/9, Ủy ban châu Âu đã công bố một kế hoạch cho cách tiếp cận phối hợp nhằm hạn chế di chuyển do các biện pháp được thực hiện bởi các quốc gia thành viên riêng lẻ để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Theo đó, trong đề xuất với Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu cho biết muốn những hạn chế đối với việc di chuyển tự do được phối hợp và thông báo rõ ràng ở cấp Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan này kêu gọi các tiêu chí và ngưỡng quy định chung để đưa ra các quyết định về hạn chế du lịch, bao gồm thông qua việc sử dụng mã màu, một khuôn khổ chung cho các biện pháp áp dụng cho khách du lịch từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao cũng như thông tin rõ ràng và kịp thời cho công chúng về bất kỳ hạn chế nào.
Các tiêu chí nhằm loại bỏ sự khác biệt lớn giữa các tiêu chí quốc gia về việc đưa ra các biện pháp hạn chế di chuyển tự do trong EU. Mã màu được đề xuất sẽ nhóm các quốc gia thành bốn loại: màu xanh lá cây, màu cam, màu đỏ và màu xám. Ủy ban châu Âu khuyến nghị xem xét tổng số ca nhiễm mới trên 100.000 người tại một khu vực nhất định trong khoảng thời gian 14 ngày, tỷ lệ phần trăm xét nghiệm Covid-19 dương tính và số lượng xét nghiệm được thực hiện trên 100.000 người ở một khu vực nhất định trong thời gian 7 ngày.
Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên EU không hạn chế việc đi lại từ các quốc gia có số ca mắc mới dưới 50 ca trên 100.000 người trong khoảng thời gian 14 ngày hoặc khi tỷ lệ phần trăm xét nghiệm dương tính từ tất cả các cuộc kiểm tra Covid-19 trong một khu vực nhất định dưới 3%.
Lập luận về sự cần thiết có bộ tiêu chí chung, Cao ủy châu Âu về Y tế Stella Kyriakides cho biết phải tránh làm gián đoạn thêm các nền kinh tế vốn đã mỏng manh và tránh thêm bất ổn cho người dân sau những tháng sống cùng Covid-19. Còn Cao ủy Tư pháp EU Didier Reynders cho biết quyền đi lại tự do trong EU đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. EU đang đề xuất các tiêu chí đơn giản, có thể áp dụng không phân biệt đối xử, dễ dàng cho các quốc gia thành viên tuân theo và cho phép EU thông báo tới tất cả người dân châu Âu.
EU có kế hoạch giảm 80% ngân sách cho y tế
Với mục tiêu tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch giảm mạnh ngân sách cho ngành y tế dù khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu dược phẩm lâu nay.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ordizia, Tây Ban Nha ngày 8/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Kế hoạch nằm trong khuôn khổ thỏa thuận ngân sách dài hạn được lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua.
Cụ thể, các lãnh đạo EU nhất trí giảm 80% ngân sách cho lĩnh vực y tế xuống còn 1,7 tỷ euro đến năm 2027 để ưu tiên cho mục tiêu cấp bách là phục hồi kinh tế châu lục. Quyết định này được đưa ra dù EU trong nhiều năm qua phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu các loại dược phẩm quan trọng, trong đó có kháng sinh và vaccine.
Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và những nước ngoài châu lục tạm dừng xuất khẩu thuốc để tập trung vào thị trường nội địa. EU vốn phụ thuộc vào nguồn cung thuốc và các thành phần thuốc của Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện các nước thành viên EU đang gặp khó khăn trong việc nhập những loại thuốc cần thiết để điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đề xuất lập một ngân sách y tế chung trong giai đoạn 7 năm có trị giá 9,4 tỷ euro. EU từng đề ra các ưu đãi tài chính để các nhà sản xuất dược phẩm chuyển một số nhà máy từ châu Á sang châu Âu, nhưng giờ đây khả năng sẽ điều chỉnh lại kế hoạch này.
Sau 5 ngày đàm phán ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu cảnh báo sẽ không dễ dàng phê chuẩn thỏa thuận ngân sách này.
Số ca mắc Covid-19 tại một số quốc gia Đông Âu tăng nhanh Sau khi mở cửa trở lại và các biện pháp khôi phục kinh tế, ngày 15/7, một số quốc gia Đông Âu ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại. Cơ quan y tế Romania cho biết đã có hơn 640 trường hợp mắc Covid-19 mới và 21 ca tử vong trong 24h qua. Đến nay, nước này đã có hơn...