Ủy ban ATGT Quốc gia ra công điện sau nhiều tai nạn thảm khốc
Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có công điện gửi các bộ: Công an, Giao thông Vận tải; Thông tin -Truyền thông và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu rõ: Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường cao tốc (phổ biến là xe khách đâm đuôi xe tải). Nguyên nhân do lái xe vi phạm quy tắc giao thông khi điều khiển phương tiện như: chạy quá tốc độ quy định, không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe, chuyển làn không có tín hiệu báo trước, vượt xe sai quy định.
Để kịp thời ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải trên đường cao tốc, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho các Sở Giao thông Vận tải; chỉ đạo Cục Quản lý đường cao tốc cung cấp dữ liệu trên hệ thống camera giám sát cho lực lượng cảnh sát giao thông để xử phạt đối với lái xe vi phạm, nhất là lỗi vi phạm về tốc độ, vượt xe. Tăng cường công tác quản lý hạ tầng đường cao tốc bảo đảm đủ các điều kiện an toàn; tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời đối với tai nạn, sự cố của phương tiện xảy ra trên đường cao tốc.
Chiếc xe nát bươm sau vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc TP HCM – Trung Lương ngày 17/7/2014
Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường thực hiện Chỉ thị số 08, ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông. Đồng thời tăng cường kiểm tra bảo dưỡng phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định để bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng có hiệu quả phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ giám sát phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, tập trung giám sát, phát hiện xử lý các vi phạm: chạy quá tốc độ, vi phạm tốc độ tối thiểu, đi sai làn đường, chuyển làn không có tín hiệu báo trước, vượt sai quy định, vi phạm khoảng cách an toàn, vi phạm nồng độ cồn… Trọng điểm là tuyến cao tốc: Long Thành – Sài Gòn -Trung Lương; Pháp Vân – Ninh Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; một số đoạn tuyến Nội Bài – Lào Cai đã khai thác.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo hệ VOV1, kênh VOV giao thông đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo các vi phạm, nguy cơ tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, xe tải trên đường cao tốc; tăng cường tuyên truyền các quy tắc giao thông trên đường cao tốc.
Video đang HOT
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để xử lý các vi phạm về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông, nhất là vi phạm về tốc độ. Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục đội ngũ lái xe phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, tổ chức cảnh giới, phòng vệ ngay sau khi xe bị sự cố, tai nạn./.
Phi Long
Theo_VOV
Phạt mũ bảo hiểm rởm, tít mù rồi lại...vòng quanh?
CSGT mà không phải phân biệt thật giả thì làm sao họ có quyền đưa ra kết luận là cái mũ này là mũ bảo hiểm rởm để xử phạt người dân?
Những chiếc mũ bảo hiểm này đang khiến cơ quan chức năng lúng túng
Tìm trong Nghị định 171, người tham gia giao thông chỉ có thể bị xử phạt 2 hành vi: "không đội mũ bảo hiểm" và "đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định" chứ hoàn toàn không có quy định gì về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Vậy dân nên hiểu làm sao?
Từ ngày 1/7/2014, người tham gia giao thông trên cả nước sẽ bị xử phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng vì hành vi đội mũ bảo hiểm rởm, theo các cơ quan chức năng là căn cứ vào Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, tìm khắp trong Nghị định này, thật bất ngờ vì không có điều khoản nào quy định về phạt "người đội mũ bảo hiểm rởm".
Cụ thể, ở điểm i, khoản 3 điều 6 của Nghị định này quy định: người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt từ 100-200 ngàn đồng trong trường hợp: "Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ".
Tuy nhiên, trên báo Tiền phong, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: "Người đi mô tô, xe máy đội loại mũ không phải là mũ bảo hiểm (không có khả năng bảo vệ khi xảy ra tai nạn) coi như không đội. CSGT trước hết chỉ tập trung xử lý những trường hợp này, họ không phải làm nhiệm vụ phân biệt thật giả và xử lý với trường hợp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng hay không, tem gắn trên mũ giả hay thật. Điều này không gây khó khăn cho CSGT và người dân không lo việc phạt oan".
Đọc câu phát biểu của vị Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, chẳng biết ai thế nào chứ tôi thấy càng đọc càng thấy mịt mùng, khó hiểu. Tức là vì trong Nghị định 171 không có điều khoản nào quy định về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, cho nên với người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm thì sẽ bị "coi như" không đội và xử phạt như người không đội? Cái chữ "coi như" này mà rơi vào tay một tiến sĩ triết học thì chắc hẳn phải có một đề tài nghiên cứu tầm cỡ chứ chẳng chơi.
Riêng chuyện CSGT cả nước vào cuộc xử phạt chuyện đội mũ bảo hiểm rởm bằng một Nghị định không hề có điều khoản nào quy định về "mũ bảo hiểm rởm" và người đại diện cơ quan chức năng về ATGT Quốc gia lại giải thích là xử phạt người dân vì hành vi "coi như" không đội mũ bảo hiểm, nghe ra cứ mù mịt thế nào.
Giả sử vui vui thế này, có một ông tiến sĩ triết học đi xe máy ra đường, bị CSGT tuýt còi xử phạt do ông này có đội mũ bảo hiểm nhưng vì mũ rởm nên bị "coi như" không đội mũ bảo hiểm. Ông này do mắc bệnh nghề nghiệp nên vặc lại: "Thưa đồng chí công an, đồng chí bảo là phạt vì "coi như" tôi không đội mũ bảo hiểm, nhưng tôi lại "coi như" mình vẫn đội mũ bảo hiểm vì rõ ràng trên đầu tôi có đội mũ và tôi "coi như" đó là một cái mũ bảo hiểm, thì đồng chí giải thích thế nào?"
Ví dụ vui thế thôi, để thấy rõ ràng trong chuyện liên quan đến pháp luật, các khái niệm, điều khoản phải được quy định rõ ràng, chuẩn xác, không thể dựa vào cái A để "coi như" B.
Tiếp nữa, theo giải thích của ông Khuất Việt Hùng, CSGT "không phải làm nhiệm vụ phân biệt thật giả và xử lý với trường hợp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng hay không, tem gắn trên mũ giả hay thật". Ô lạ chưa, nếu CSGT mà không phải phân biệt thật giả thì làm sao họ có quyền đưa ra kết luận là cái mũ này là mũ bảo hiểm rởm để xử phạt người dân?
Việc đại diện cơ quan chức năng như ông Trần Minh Dũng- Chánh Thanh tra Bộ Khoa học& Công nghệ khuyến cáo: "Dựa vào cảm quan, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt mũ thật, giả" khiến nhiều người lại càng hoang mang, vì "cảm quan" là giác quan và cảm xúc, nghe vừa cảm tính lại vừa mơ mơ hồ hồ thế nào.
Và bây giờ đến vấn đề mà nhiều người đã đặt câu hỏi: "Tại sao không xử tận gốc, đó là xử phạt, tịch thu, tiêu hủy các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm rởm, để khỏi khổ cho người dân?"
Thì xin thưa, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia giải thích thế này: "Cái khó là những chiếc mũ này không có tem "Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" nên không thể coi là hàng giả và không thể xử lý được người sản xuất và người bán".
Vậy đấy, cơ quan chức năng cũng "gặp khó" khi xử mũ bảo hiểm rởm, vì trên thực tế, nó vẫn rành rành là một cái mũ, chứ không phải là một-cái-gì- đó- giả- vờ là cái mũ để mà bảo đó là hàng giả, không phạt được, không ngăn cấm được. Thế nên chi bằng cứ giao phó hết cho dân, dân mà mua phải mũ rởm thì dân chịu hết.
Câu chuyện mũ bảo hiểm rởm cuối cùng chẳng khác gì chuyện "tít mù rồi lại vòng quanh", toàn những mơ hồ, nào là "coi như", nào là "cảm quan". Thế nên ngay từ ngày đầu tiên xử mũ bảo hiểm rởm, các cơ quan chức năng tuyên bố: "trọng tâm nhắc nhở, tuyên truyền là chính, mục đích không phải phạt thu tiền".
Hỡi ôi, thế thì có khác nào chuyện "giơ cao đánh khẽ", cứ đề xuất ra nhưng chẳng biết thực thi thế nào, hiệu quả đến đâu,? Và quan trọng hơn là qua chuyện này, đã thấy cơ quan quản lý lúng túng ngay từ gốc, nếu đã kiểm soát được nơi sản xuất mũ bảo hiểm rởm, thì liệu có cần phải phạt đến dân hay không?
Câu hỏi này chưa biết ai sẽ trả lời, trả lời ra sao. Người bán mũ bảo hiểm rởm cứ bán, người phạt mũ bảo hiểm rởm cứ phạt. Thôi thì vì mình chỉ có suất là dân thì cứ nghiêm túc mà chấp hành pháp luật đi đã.
Theo Đất Việt
Liệt kê 16 tỉnh bị Phó Thủ tướng phê bình để TNGT tăng Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản phê bình 16 Ban ATGT các tỉnh, thành phố để tăng số người chết do TNGT trong Quý 1 năm 2014. Cụ thể là các tỉnh: Bình Định, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Nam, Hà Giang, Nam Định, Đồng Nai, Trà Vinh, Kiên...