Ưu tiên ổn định cuộc sống người dân TĐC thủy điện Sông Tranh 2
Ngày 20/9, UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, lãnh đạo huyện đã có buổi làm việc với đại diện BQL dự án thủy điện 3 và lãnh đạo các xã có khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 nhằm triển khai một số biện pháp ổn định cuộc sống của người dân.
Lãnh đạo 2 xã Trà Đốc và Trà Bui cho biết, ngoài lo lắng về các trận động đất ngày càng gia tăng, người dân sống trong vùng TĐC thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay còn phải đối mặt với một số khó khăn trong sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và thiếu đất sản xuất.
Cột nhà TĐC của bà Hồ Thị Thổ (thôn 3A, xã Trà Đốc) bị đứt lìa với đà. Huyện Bắc Trà My đề nghị BQL dự án thủy điện 3 xây mới lại vì tình trạng hư hỏng nặng không thể sửa chữa được
Phó BQL dự án thủy điện 3, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 – ông Vũ Đức Toàn – cho biết, đơn vị đã thống nhất sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng để sữa chữa hệ thống nước sinh hoạt, đào 2 giếng ở thôn 3 (xã Trà Đốc).
Đối với nước sinh hoạt, hiện tại các khu TĐC có 11 hệ thống với 106 bể cung cấp nước nhưng phần lớn đều bị đứt nước, hỏng vòi… nguyên nhân đều do ý thức bảo quản sử dụng chưa tốt. Các bên thống nhất sẽ rà soát lại toàn bộ, khẩn trương xây dựng thêm một số đập dâng đầu nguồn, bể chứa và đào giếng nước tạo nguồn cung cấp nước độc lập, đồng thời sửa chữa khắc phục hệ thống hiện có, sau đó giao lại cho xã, thôn và người dân sử dụng, gắn trách nhiệm trong bảo quản, sử dụng lâu dài.
UBND huyện Bắc Trà My đề nghị BQL dự án thủy điện 3 khẩn trương xúc tiến xây dựng hoàn tất các công trình còn thiếu vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải phối hợp vận động, tuyên truyền để người dân giữ gìn cũng như sử dụng hiệu quả các công trình này.
Đối với trường mẫu giáo Hoa Phượng, huyện Bắc Trà My yêu cầu phải sớm khắc phục triệt để tình trạng hư hỏng nặng do động đất để giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học
Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cũng đề nghị BQL dự án thủy điện 3 khẩn trương hoàn thành các thủ tục giải thửa để chuyển cho địa phương cấp quyền sử dụng đất cho dân sản xuất. Trong đó, bóc tách rõ ràng đâu là diện tích sản xuất lúa rẫy, đâu là sản xuất diện tích lúa nước… đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân TĐC.
Video đang HOT
Ngoài ra, hoàn thành việc xây dựng chợ ở trung tâm xã Trà Bui, khu nghĩa địa của 2 xã Trà Bui và Trà Đốc sửa chữa, bổ sung một số hệ thống nước cần thiết ở các khu vực TĐC.
Hiện Phòng TN-MT, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cùng BQL dự án thủy điện 3 đang thực hiện việc xác lập, giải thửa 800 ha mà UBND tỉnh có chủ trương chuyển đổi từ diện tích rừng do BQL rừng phòng hộ Sông Tranh 2 quản lý sang đất sản xuất cho người dân.
Khu TĐC cho người dân thủy điện Sông Tranh 2 hoang vắng do thiếu nước sinh hoạt
Theo thống kê của huyện Bắc Trà My, hiện có 17 nhà dân và 3 trụ sở công bị hư hỏng cần phải khắc phục sớm. Trong đó có hai dãy phòng học và công trình phụ tại trường mẫu giáo Hoa Phượng (thôn 1, xã Trà Đốc) tường bị nứt toác có thể sập bất cứ lúc nào.
Trong ngày hôm nay (20/9), đoàn cán bộ của các xã có nhà dân bị nứt và huyện Bắc Trà My cùng với các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra hiện trạng một số nhà người dân bị nứt ở các khu TĐC để thống kê và có cách sửa chữa hợp lý.
Đối với nhà của bà Hồ Thị Thổ, lãnh đạo xã đề nghị BQL dự án thủy điện 3 phải xây dựng mới lại có bê tông cốt thép vì hiện các trụ và đà nhà của bà Thổ đã lìa ra rất nguy hiểm, nếu sửa chữa bằng cách trám trét xi măng sẽ không đảm bảo an toàn. Hiện bà Thổ đang ở nhờ nhà người quen trong thời gian chờ làm lại nhà.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Bắc Trà My, hiện đã có 38 căn nhà TĐC của người dân bị bỏ hoang và đang bị xuống cấp trầm trọng. Trong đó, nhà TĐC tại xã Trà Đốc bỏ hoang nhiều nhất 24 căn, Trà Bui 11 căn và Trà Giác 2 căn.
Gạo được đưa lên hỗ trợ người dân
Cùng ngày, 100 tấn gạo do UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho người dân vùng TĐC công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã được vận chuyển và bàn giao cho huyện Bắc Trà My để thực hiện cấp phát cho người dân.
Theo đó, mỗi người dân sống ở khu TĐC sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng trong thời gian 2 tháng, đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói trong mùa mưa bão sắp tới. Số còn lại sẽ dành hỗ trợ cho các hộ dân không nằm trong diện TĐC tập trung nhưng bị thiệt hại nặng về nhà cửa do động đất trên địa bàn.
Theo Dantri
'Cần lập phương án di dân khi phát hiện khả năng vỡ đập'
Lo ngại trước tình hình động đất bất thường xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng người dân khu vực này.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 18/9, GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa gửi văn bản đề xuất Chính phủ về giải pháp ứng phó động đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.
Vai trái của đập thủy điện Sông Tranh 2 bị sạt lở nặng do động đất dồn dập, chủ đầu tư phải dùng rọ đá làm bờ kè bảo vệ dọc hai bên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My. Ảnh: Trí Tín.
Trong văn bản này, các chuyên gia khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu. Do vậy, mùa mưa lũ năm nay, khi cho tích nước cần có quy trình chặt chẽ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng hạ du. Trong quá trình tích nước phải luôn theo dõi ứng suất thân đập, nếu ứng suất này vượt quá giới hạn thì phải xả bớt nước.
"Cần xây dựng phương án di dân khi phát hiện đập có khả năng bị vỡ. Lập mạng lưới cảnh báo cho người dân, đo vẽ bản đồ theo giả định vỡ đập, đánh dấu các khu có cao trình an toàn để người dân có thể di dời trong tình huống xấu xảy ra", GS Hồng đề xuất.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng động đất kích thích là hiện tượng mới ở Việt Nam, chưa có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào về vấn đề này. Chính phủ cần giao cho một bộ (ngành) lập tiêu chuẩn để đánh giá đập thuỷ điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không. Đập này được đặt trên một nền nằm trong khu vực có những đới đứt gãy hoạt động. Việc xuất hiện động đất kích thích có thể là dấu hiệu của sự hoạt động trở lại của đới đứt gãy. Nếu việc khoan phụt của thiết kế không giải quyết được tận gốc vấn đề này thì đập khó đảm bảo an toàn.
Các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu và Viện Địa chất kiểm tra vết nứt tại một trường học ở huyện Bắc Trà My do động đất gây ra. Ảnh: Trí Tín.
Ngay khi đi vào tích nước, đập đã có hiện tượng thấm quá mức cho phép. Hiện nay đã dược xử lý ở bề mặt đập bằng cách dán màng keo ngăn nước ở thượng lưu. Còn các lỗ hổng trong thân đập do thấm gây ra cần được đánh giá trước khi cho phép tích nước. Do vậy, việc lấy mẫu thân đập vừa qua ở lúc chưa tích nước để kiểm tra về cường độ là chưa bảo đảm thân đập đã ổn định, cần tiếp tục theo dõi ứng suất trong thân đập khi tích nước.
Rạng sáng nay, chính quyền địa phương cùng người dân đã ghi nhận ba trận động đất khiến người dân lại bỏ chạy ra khỏi nhà. Tuy nhiên do động đất dưới 2 độ ritcher nên các Trạm địa chấn của Viện Vật lý địa cầu đặt ở Bình Định, Huế không thể ghi nhận được. Như vậy, trong vòng một tháng qua tại khu vực này đã xảy ra đến 20 trận động đất.
Trước tình hình động đất xảy ra dồn dập, GS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu khuyến cáo, trong quá trình tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 cần theo dõi sát sao diễn biến của động đất. Nếu các trận động đất nhỏ xảy ra liên tiếp kèm theo mực nước hồ dâng cao, trận động đất mạnh hơn có thể xảy ra sau đó. Khi ấy cần quan tâm gia cố, chống rò rỉ nước cho đập thủy điện.
Động đất xảy ra dồn dập khiến người dân ở huyện Bắc Trà My và nhiều địa phương sống lân cận thủy điện Sông Tranh 2 hoang mang, sợ hãi. Ảnh: Trí Tín.
Chiều 18/9, Thường trực Hội đồng khoa học thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức cuộc họp khẩn, lấy ý kiến đoàn khảo sát, các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa Chất... để tổng hợp ý kiến nhằm đưa ra kết luận cuối cùng về tình hình động đất thủy điện Sông Tranh 2. Văn bản kết luận này sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích nước trở lại hồ chứa thủy điện này.
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương triển khai tập huấn ứng phó động đất cho người dân đồng thời khảo sát những vị trí đồi cao, xây dựng phương án diễn tập sơ tán, di dời dân, chủ động phòng tránh trong tình huống xấu nhất là vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo VNE
Trà My lại rung lắc, đã có 53 trận động đất Sáng nay, trên địa bàn rừng núi Trà My lại xảy ra 1 trận động đất có cường độ khá mạnh khiến người dân hoảng loạn. Theo UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam kể từ khi hồ chứa Song Tranh 2 tích nước đến nay hơn 1 năm đã xảy ra hơn 53 trận động đất lớn nhỏ. Chánh Văn phòng UBND...