Ưu ái tướng về hưu, Trump gây lo ngại về nội các quân sự hóa
Việc ông Trump nhắm đến nhiều tướng lĩnh gây lo ngại ông có thể ‘ quân sự hóa’ chính sách đối ngoại và khiến quân đội có nhiều ảnh hưởng khi ra quyết định.
Donald Trump (trái) và tướng Michael Flynn. Ảnh: George Frey
Hai tháng trước ngày nhậm chức, nội các của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang được định hình. Nhiều tướng lĩnh về hưu đã đến gõ cửa nhà tổng thống đắc cử để “phỏng vấn xin việc”, trong số đó có cả những người từng bất đồng sâu sắc với chính quyền Obama.
Trước đây cũng có không ít lần các tổng thống đắc cử cân nhắc tướng về hưu cho những vị trí quan trọng như giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA). Tuy nhiên, ông Trump đã thể hiện sự cởi mở với các tướng về hưu mạnh mẽ đến mức làm dấy lên câu hỏi về sự cân đối giữa thành phần xuất thân nhà binh và dân sự trong chính quyền tương lai. Việc ông Trump chưa từng có kinh nghiệm về quân sự cũng như đối ngoại càng khiến vấn đề này trở nên đáng chú ý, theo NYTimes.
Ông Trump tuần trước lý giải vì sao ông lại cân nhắc các tướng lĩnh cho những vị trí quan trọng trong nội các mới. “Tôi cho rằng đã đến lúc phải chọn các viên tướng”, ông nói, hé lộ sự ưu ái dành cho lối tư duy nhà binh. “Hãy nhìn những gì đang xảy ra. Chúng ta không chiến thắng, không thể đánh bại bất kỳ ai”.
Việc ngả theo các quan chức quân sự có thể phản ánh thực tế ông Trump không có nhiều lựa chọn từ phía dân sự. Nhiều người từng tham gia chính quyền phe Cộng hòa đã công khai phản đối chiến dịch tranh cử của tỷ phú, đặc biệt là sau bê bối khoe “thoải mái sàm sỡ phụ nữ” của ông.
Bản thân ông Trump thì tuyên bố sẽ không cần nhiều người trong số họ, và cam kết sẽ “tháo nước ở đầm lầy”, ám chỉ cải tổ bộ máy tại Washington.
Ông Robert Goldich, cựu chuyên gia phân tích quốc phòng với 44 năm theo dõi các chính quyền Mỹ, cho biết việc ông Trump dành nhiều sự chú ý cho các tướng lĩnh về hưu có thể chưa từng có tiền lệ.
Tướng ba sao Michael Flynn là người đã được xác nhận nằm trong nội các mới ở vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Đây là chức vụ không cần thượng viện Mỹ phê chuẩn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng tới quá trình ra quyết định của tổng thống.
Ông Flynn được cho là bị buộc phải từ chức giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội năm 2014 do bất đồng ý kiến với cấp trên. Sau đó, ông đã chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Obama trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ủng hộ ông Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử.
Trong số những người đang được Trump cân nhắc còn có hai tướng thủy quân lục chiến 4 sao về hưu là James Mattis – ứng viên cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, và John Kelly, người có thể trở thành bộ trưởng an ninh nội địa. Một số cái tên khác đang được nhắc tới còn có tướng về hưu Jack Keane và cựu giám đốc CIA trong chính quyền Tổng thống Obama, tướng 4 sao David Petraeus. Ông Petraeus từng nắm quyền lãnh đạo CIA giai đoạn 2011-2012 trước khi phải ra đi vì bê bối tình ái và tiết lộ một số thông tin mật với một nhà viết tiểu sử.
Ông Kelly vừa nghỉ hưu năm nay với một sự nghiệp thành công, trong đó đỉnh cao là vị trí tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam của Mỹ. Ông từng bất đồng ý kiến với Nhà Trắng về việc đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo, đồng thời bày tỏ hoài nghi khi quân đội Mỹ cho phép phụ nữ được tham gia mọi vị trí chiến đấu.
Video đang HOT
Donald Trump (trái) gặp tướng James Mattis tại New Jersey ngày 19/11. Ảnh: Reuters
Lo ngại
Ông Bing West, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng, cho rằng ông Trump khôn ngoan khi tìm tới các tướng về hưu. “Đất nước này đang trong một cuộc chiến dài. Hoàn toàn hợp lý khi tìm kiếm kinh nghiệm từ những người đã chứng tỏ rằng họ biết cách chiến đấu”, ông West nói.
Lo lắng về ảnh hưởng của quân đội xuất phát từ truyền thống bổ nhiệm quan chức dân sự để kiểm soát các vấn đề quân sự lâu nay tại Mỹ. Đây được xem như nền tảng cho quy định cấm các tướng lĩnh đương nhiệm hoặc mới về hưu chạy đua vào ghế bộ trưởng quốc phòng.
Hiến pháp Mỹ khẳng định sự kiểm soát của các cơ quan dân sự đối với quân đội khi quy định tổng thống là tổng tư lệnh, đồng thời trao cho Quốc hội quyền tuyên bố chiến tranh cũng như quyết định ngân sách quốc phòng.
Việc bổ nhiệm quá nhiều cựu tướng lĩnh vào các vị trí dân sự có thể làm dấy lên lo sợ rằng ông Trump có xu hướng quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ, hoặc trao cho quân đội quá nhiều ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định liên quan đến chiến tranh và hòa bình.
Tuy nhiên, quan điểm này lại bị ông Richard Fontaine, chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ Mới, phản bác. Ông cho rằng chính các cố vấn xuất thân dân sự của chính quyền Tổng thống George W. Bush đã cổ vũ mạnh mẽ nhất cho cuộc tấn công vào Iraq năm 2003. “Theo kinh nghiệm của tôi, các cựu binh thường ít ủng hộ can thiệp quân sự ở nước ngoài hơn so với quan chức dân sự”, ông Fontaine nhận định.
Dù vậy, cũng có những tướng về hưu tỏ ra e ngại khi ông Trump nhắm tới hàng loạt người có xuất thân nhà binh cho các vị trí phụ trách an ninh quốc gia.
“Lo ngại lớn nhất là có quá nhiều tướng trên chính trường. Đây không phải điều hay”, Mark Hertling, tướng 3 sao đã nghỉ hưu và phản đối ông Trump, nói. “Nhưng vì tổng thống thiếu kiến thức về cả quân sự lẫn ngoại giao, những người đó có thể đưa ra một số lời khuyên hữu ích”.
Tướng Hertling đánh giá ông Mattis là người có tài lãnh đạo cùng lối suy nghĩ chiến lược. Ông Trump gặp tướng Mattis hồi cuối tuần trước nhưng chưa cho biết liệu có đề cử người này hay không. Nếu điều này xảy ra, ông Trump vẫn cần phải chờ được Quốc hội phê chuẩn đặc biệt, bởi theo quy định, một sĩ quan quân đội phải giải ngũ tối thiểu 7 năm trước khi được chọn làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Mattis mới chỉ về hưu năm 2013.
Kể từ năm 1947, khi vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ ra đời, mới chỉ có một lần ngoại lệ đó được đề nghị xem xét. Ông George C. Marshall, tướng 5 sao về hưu và từng là ngoại trưởng Mỹ sau Thế chiến II, được Tổng thống Harry Truman chọn làm bộ trưởng quốc phòng năm 1950. Ông Marshall khi đó vẫn trong quân ngũ và đến năm 1959 mới giải ngũ.
Đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua khi đó cho phép ông Marshall lãnh đạo Lầu Năm Góc với sự ngầm định rằng đây là ngoại lệ duy nhất. Đạo luật khẳng định “văn bản này sẽ không được hiểu như sự phê chuẩn của Quốc hội về việc tiếp tục bổ nhiệm sĩ quan quân đội tại ngũ vào vị trí bộ trưởng quốc phòng trong tương lai”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Tướng 'thầy tu chiến binh' - ông chủ tiềm năng của Lầu Năm Góc
Tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis, người có biệt danh "Chó điên" hay "Thầy tu chiến binh" là ứng viên số một cho vị trí bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Donald Trump.
Tướng về hưu James Mattis hôm 19/11 gặp tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại thị trấn Bedminster, bang New Jersey. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm 20/11 viết trên mạng xã hội Twitter ca ngợi James "Chó điên" Mattis là một "viên tướng thực thụ", đồng thời cho biết ông đang cân nhắc lựa chọn Mattis làm bộ trưởng quốc phòng. Một quan chức am hiểu quá trình chuyển giao quyền lực của tỷ phú Trump cũng tiết lộ Mattis hiện là ứng viên hàng đầu cho vị trí trên.
Mọi người đặt cho James Mattis biệt danh "Chó điên" vì chuỗi thành tích trận mạc đáng nể cùng tinh thần chiến đấu hiếm có của ông, theo Telegraph. Gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến từ năm 19 tuổi, Mattis đã tham gia cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như tham chiến ở cả Afghanistan và Iraq.
Năm 2003, khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq, Mattis được thăng hàm thiếu tướng. Một năm sau, ông đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go ở thành phố Fallujah, cách thủ đô Baghdad, Iraq, khoảng 69 km về phía tây.
Tháng 5/2004, Mattis ra lệnh tấn công "nơi trú ẩn an toàn khả khi của các tay súng nước ngoài" ở Mukareeb, một ngôi làng nhỏ ở Iraq. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng lại là địa điểm tổ chức đám cưới. Những đợt dội bom liên tiếp đã cướp đi sinh mạng 42 đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ tham dự buổi lễ.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn cho rằng cuộc tấn công kể trên hoàn toàn hợp pháp. Tướng Mattis khẳng định ông chỉ có 30 giây để đưa ra quyết định hành động hay không.
Mattis sau đó đưa ra cảnh báo các binh sĩ về việc cần tránh tối đa gây thương vong cho dân thường. "Bất cứ khi nào bạn thể hiện sự tức giận hay ghê sợ đối với dân thường, đấy đều là chiến thắng của al-Qaeda cũng như các nhóm nổi dậy khác", ông nhấn mạnh.
Mattis là đồng tác giả một tài liệu hướng dẫn về chống nổi dậy nhằm hạn chế tình trạng bạo lực phe phái tại Iraq trước khi quân đội Mỹ rút quân khỏi nước này hồi tháng 12/2011.
Mattis nổi tiếng là một lãnh đạo luôn "sẵn sàng xông pha vào tận chiến hào" với các binh sĩ. Một tờ báo của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ còn gọi Mattis là tướng lĩnh "đáng kính nhất thời đại".
Mặt khác, Mattis cũng được nhiều người biết đến với những phát ngôn hùng hồn, trong đó phải kể đến các câu khẩu hiệu như "Thất bại không có trong từ điển của thủy quân lục chiến" hay "Hãy lịch sự, chuyên nghiệp, nhưng cần chuẩn bị tinh thần tiêu diệt bất cứ ai bạn gặp".
Tướng quân đội về hưu James Mattis, người được tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cân nhắc bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Ảnh: Reuters
Là một người ham đọc, sở hữu kho sách khổng lồ lên tới 6.000 cuốn, Mattis có hiểu biết sâu rộng về chiến tranh. Chưa bao giờ kết hôn và không có con cái, sự nghiệp quân ngũ 44 năm còn mang về cho Mattis một biệt danh khác là "Thầy tu Chiến binh".
Năm 2005, ông phải nhận hàng loạt ý kiến chỉ trích khi tuyên bố rằng "bắn giết là một điều thú vị" trước các binh sĩ ở San Diego.
Năm 2007, Mattis được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ tư lệnh Liên quân Mỹ và chỉ huy tối cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ba năm sau, ông trở thành lãnh đạo Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), nơi chịu trách nhiệm giám sát, điều hành hai cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, cũng như xung đột ở Yemen và Syria.
Giống Donald Trump, James Mattis phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington hồi đầu năm, Mattis chỉ trích thỏa thuận này song nhấn mạnh đây có thể là lựa chọn duy nhất để kịch bản chiến tranh với Iran không xảy ra.
Dù tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngụ ý Mattis là ứng viên sáng giá cho vị trí bộ trưởng quốc phòng nhưng muốn trở thành ông chủ Lầu Năm Góc, Mattis vẫn cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Tướng James Mattis (trái) và tướng Mohammed Latif của Iraq trong một cuộc họp báo chung tại Fallujah năm 2004. Ảnh: AFP
Vũ Hoàng
Theo VNE
Người ủng hộ ông Trump tẩy chay đề cử ngoại trưởng Mỹ Những người ủng hộ ông Donald Trump không đồng tình với đề xuất của tân tổng thống đắc cử về việc chọn ông Mitt Romney, ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2012 đồng thời là người phản đối ông Trump gay gắt trong chiến dịch tranh cử trước đây, vào vị trí ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ tới....