USS Simpson – chiến hạm từng đánh chìm tàu tên lửa Iran
Với chiến tích trong một trận chiến cách đây 27 năm, chiến hạm USS Simpson đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh hải quân Mỹ.
Chiến hạm USS Simpson. Ảnh: US Navy
Tại căn cứ Mayport của hải quân Mỹ ở bang Florida, chiến hạm USS Simpson giờ đây bị biến thành một con tàu hoang. Các lối đi lát gạch trên tàu đen xỉn, bốc lên những luồng hơi nóng ẩm. Không khí tĩnh lặng đến kỳ lạ. Tiếng ồn không ngưng nghỉ của máy móc, nhịp đập của một chiến hạm đã biến mất. Các ô cửa sổ bị che chắn kỹ trong khi mọi ống thông gió cũng bị bịt kín lại. Các dải ruy băng ghi nhận chiến tích lẫy lừng của con tàu được gỡ xuống và cờ hiệu cũng không còn tung bay. Dù vậy, con tàu ấy vẫn còn một câu chuyện mà người đời sau sẽ kể mãi, theo CNN.
Hải quân Mỹ hôm 29/9 chính thức làm lễ cho chiến hạm USS Simpson ra khỏi biên chế, khép lại trang cuối của một câu chuyện giàu ý nghĩa nhất trong lịch sử quân đội nước này.
USS Simpson là chiến hạm cỡ nhỏ hiện đại cuối cùng của Washington từng đánh chìm tàu chiến đối phương trong chiến tranh. Giữa 272 tàu chiến của hải quân Mỹ ngày nay, chỉ một con tàu thực hiện điều tương tự, đó là chiến hạm USS Constitution. Nó đã đánh chìm không ít tàu hải quân Anh trong cuộc chiến diễn ra vào năm 1812. Tuy hiện vẫn hoạt động nhưng nó chủ yếu được sử dụng làm tàu triển lãm tại cảng Boston.
Giây phút rạng danh của chiến hạm USS Simpson đến vào năm 1988, khi cuộc chiến tranh Iran – Iraq bước vào giai đoạn cuối. Tàu USS Simpson đã bắn 4 quả tên lửa trúng vào tàu tên lửa tấn công Joshan của Iran trong cuộc chiến ở Vùng Vịnh, trận đối đầu trên mặt nước duy nhất của hải quân Mỹ kể từ Thế chiến II đến nay.
“Đó là chiến công to lớn đối với một chiến hạm như USS Simpson”, Đại úy Eddie Davis, sĩ quan chỉ huy cuối cùng của tàu, cho biết.
Ba cựu thủy thủ khác của USS Simpson gồm Mark Tierney, Tom Buterbaugh và James McTigue cũng đồng tình với ý kiến của Davis. Họ chính là những chàng trai đã lập nên chiến công năm xưa. Nay họ lần đầu tiên gặp lại sau 27 năm để kể về cuộc chạm trán ngày 18/4/1988.
Tierney, 59 tuổi và, Buterbaugh, 55 tuổi, là những người có mặt tại lễ biên chế chiến hạm USS Simpson vào năm 1985.
“Chúng tôi đã làm lễ biên chế cho USS Simpson, huấn luyện thủy thủ, đưa họ ra khơi để rồi chúng tôi làm nên lịch sử”, Tierney nói. 80% thủy thủ trên chiến hạm USS Simpson lúc đó đều lần đầu tiên làm nhiệm vụ trên tàu. “Họ mới chỉ được huấn luyện khi bước chân lên tàu”, Tierney cho hay.
McTigue, 67 tuổi, hạm trưởng của USS Simpson hồi năm 1988, được điều tới tàu 4 tháng trước khi vụ chạm trán trên Vùng Vịnh xảy ra.
“Tôi là tân binh”, McTigue nói, mặc dù khi đó ông là người gần như lớn tuổi nhất trong số 200 thành viên thủy thủ đoàn.
Đấu tay đôi
Video đang HOT
Chiến hạm của Iran bốc cháy sau khi trúng bom của máy bay Mỹ trong chiến dịch “con bọ ngựa”. Ảnh: US Navy
Sáng hôm đó, chiến hạm USS Simpson nhận lệnh phá hủy hai giàn khoan dầu khí của Iran nhằm trả đũa vụ tấn công thủy lôi nhằm vào chiến hạm USS Samuel B. Roberts của hải quân Mỹ xảy ra 4 ngày trước.
Sự việc tàu Mỹ bị tập kích khiến tổng thống Ronald Reagan lập tức ra lệnh tấn công những mục tiêu của Iran trên Vịnh Ba Tư nhằm thúc ép Iran sớm ký hiệp định đình chiến với Iraq. Washington đặt tên nhiệm vụ lần này là chiến dịch “con bọ ngựa”.
Để triển khai chiến dịch, Mỹ điều động tới hai nhóm tàu chiến hùng hậu, bao gồm cả tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise. Sau 20 phút kêu gọi lính Iran rời giàn khoan, tàu chiến Mỹ đồng loạt tấn công. Các binh sĩ Iran bắn trả yếu ớt. Cuộc chiến không cân sức nhanh chóng kết thúc sau khi trực thăng Cobra từ tàu sân bay của Mỹ phá hủy ụ đại liên và biệt kích Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) đánh sập các giàn khoan bằng thuốc nổ.
Sau khi tấn công giàn khoan, khoảng gần trưa, USS Simpson cùng hai chiến hạm khác trong nhóm tác chiến, gồm tuần dương hạm USS Wainwright và chiến hạm USS Bagley, phát hiện một tàu của Iran trên màn hình radar.
James Chandler, hạm trưởng tuần dương hạm USS Wainwright kiêm chỉ huy nhóm tác chiến, thông báo cho McTigue biết đó là tàu tấn công tên lửa Joshan đồng thời lưu ý rằng nó có trang bị tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. “Điều này khiến nguy cơ tăng lên một bậc”, McTigue nói.
Gắn đầu đạn 226 kg và có khả năng bay với tốc độ 960 km/h, tên lửa Harpoon đủ sức đánh chìm chiến hạm USS Simpson hay bất cứ tàu nào trong nhóm tác chiến.
Qua hệ thống liên lạc vô tuyến, Chandler 4 lần yêu cầu tàu tấn công tên lửa Joshan không được tiếp tục tới gần.
“Nhưng cuối cùng, nó vẫn tiến tới, đến mức Chandler phải cảnh cáo: ‘Nếu không dừng lại, tôi sẽ đánh chìm tàu của các ông”, McTigue kể.
Đáp trả lời cảnh báo, tàu Joshan phóng một quả tên lửa Harpoon.
Theo McTigue, tuần dương hạm Wainwright không thể bắn trả vì đội hình của nhóm tác chiến gây cản trở các ụ phóng tên lửa của nó. Tuy nhiên, chiến hạm USS Simpson đã “đáp lễ”. Chandler ra lệnh cho McTigue bắn tàu Joshan.
“Tôi quay sang Tierney và ra lệnh ‘Bắn’ rồi Tierney quay sang Buterbaugh truyền mệnh lệnh”, McTigue thuật lại diễn biến sự việc.
Buterbaugh cho biết ông tiếp tục truyền lệnh cho một thủy thủ bên cạnh mình và người này lập tức nhấn nút khai hỏa tên lửa Standard bay xé gió với vận tốc hơn 3.000 km/h hướng đến tàu của Iran.
“Chúng tôi đã nạp đạn đầy đủ và sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi bắn một quả tên lửa và một quả khác cũng sẵn sàng chờ rời bệ phóng, tất cả radar kiểm soát hỏa lực đều ngắm đúng vào đối phương. Sẽ mất không quá lâu để chúng tôi bắn chúng đi”, Buterbaugh kể.
Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong khoảng 3 giây, theo McTigue.
Tên lửa Harpoon của Iran trượt mục tiêu, bay sát tuần dương hạm Wainwright. Tuy nhiên, tên lửa của USS Simpson thì không như thế, chỉ 15 giây sau khi phóng đi, nó khiến tàu Joshan phải một phen chao đảo. 3 quả tên lửa tiếp theo từ USS Simpson và một tên lửa cuối cùng từ tuần dương hạm Wainwright cũng nhắm chính xác mục tiêu, phá hủy tàu Joshan.
Đó là trận đánh tay đôi duy nhất giữa các tên lửa hạm đối hạm trong lịch sử hải quân Mỹ với hỏa lực từ mỗi bên được phóng đi gần như cùng lúc, Tierney miêu tả.
Mốc mới
McTigue, hiện sống ở Orlando, cũng thấy vinh dự khi được đóng góp một phần công sức trong trận chiến được ghi nhận là một trong năm chiến thắng của hải quân mang ý nghĩa quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ.
Theo Craig Symonds, tác giả cuốn “Quyết định giữa Biển khơi” (Decision at Sea) phát hành năm 2005, chiến dịch “con bọ ngựa” giúp xác lập Mỹ là siêu cường số một thế giới với khả năng đưa ra các quyết định chiến trận theo thời gian thực từ hàng nghìn km, năng lực bắn tên lửa chính xác vào các tàu của đối phương ở khoảng cách xa chỉ bằng quan sát qua radar, cũng như khả năng phối hợp tất cả các binh chủng của quân đội thành một cỗ máy phối hợp nhuần nhuyễn.
Đây cũng là lần đầu tiên chiến dịch du kích trên biển của Iran gặp thất bại.Song, phương pháp đánh nhanh rút gọn, sử dụng tàu nhỏ chạy nhanh trang bị tên lửa tập kích chiến hạm địch này cũng gây ra không ít tổn thất cho phía Mỹ, khiến chiến thắng của Washington không trọn vẹn.
Năm 1992, Iran nộp đơn lên Tòa án Quốc tế (ICJ), kiện Mỹ về hành vi phá hủy ba giàn khoan phục vụ cho mục đích thương mại của Công ty Dầu khí Quốc gia Iran trong các sự kiện xảy ra ngày 19/10/1987 và 18/4/1988. Đến năm 2003, ICJ ra phán quyết bác cáo buộc và yêu cầu bồi thường của Iran đối với Mỹ. Washington thắng kiện nhưng bị ICJ lên àn vì có “hành động quá trớn”.
USS Simpson thuộc lớp tàu khu trục nhỏ cuối cùng của hải quân Mỹ. Washington trước đây có tới 48 chiến hạm cùng lớp với tàu USS Simpson nhưng đến ngày 29/9, không chiếc nào còn phục vụ.
Chiến hạm USS Simpson phải chấm dứt hoạt động vì đã trải quan 30 năm vận hành, vượt quá thời hạn 20 – 25 năm theo quy định. Một số công nghệ trên tàu thậm chí có thâm niên lên tới 50 năm vì USS Simpson là một trong những chiến hạm cuối cùng sản xuất theo nguyên mẫu của lớp tàu chiến Oliver Hazard Perry được sử dụng từ thập niên 1960 đến 1970.
Xác chiến hạm USS Simpson sẽ được kéo về lưu trữ ở Philadelphia. Mỹ có thể bán tàu lại cho một đồng minh nào đó nhưng linh hồn nó sẽ luôn sông mãi bên các cựu thủy thủ từng gắn bó với tàu.
“Đó là một khoảnh khắc nghẹn ngào đối với tôi”, McTigue nói tại buổi lễ cho chiến hạm USS Simpson ra khỏi biên chế.
Hải quân Mỹ làm lễ cho chiến hạm USS Simpson ra khỏi biên chế hôm 29/9. Ảnh:Facebook
Hồng Vân – Vũ Hoàng
Sức mạnh chiến hạm tàng hình của HQ Ấn Độ vừa đến Đà Nẵng
Chiến hạm tàng hình INS Sahyadri của Hải quân Ấn Độ đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào sáng ngày hôm nay (2/10).
Sáng 2/10, chiến hạm tàng hình INS Sahyadri của lực lượng Hải quân Ấn Độ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thăm hữu nghị Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Vùng 3 Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ ban ngành Trung ương và Đà Nẵng đã đón tàu cùng thủy thủ đoàn 300 người. Trong thời gian ở thăm đến ngày 6/10, thủy thủ đoàn sẽ giao lưu văn hóa, văn nghệ với lực lượng Hải quân Vùng 3, thăm các di tích lịch sử ở Đà Nẵng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay trên tàu, đại tá Kunal Singh Rajkumar - Chỉ huy chiến hạm INS Sahyadri nhấn mạnh, chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hải quân 2 nước. Đây cũng là dịp để Hải quân Ấn Độ và Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Tàu hải quân INS Sahyadri là tàu khu trục tàng hình đa nhiệm thuộc lớp Shivalik, được đưa vào hoạt động vào tháng 7/2012, được trang bị khối lượng khí tài đồ sộ. Tàu có tải trọng hơn 6.000 tấn, dài 142,5 m, rộng 16,9 m, tốc độ 32 hải lý (59 km/h).
Tàu được trang bị các loại súng với đủ kích thước khác nhau, hình thành nên lá chắn có sức mạnh, giúp tàu chống lại các mối đe dọa từ mặt đất, trên không.
INS Sahyadri còn được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu ngầm xa, tên lửa hạm đối hạm - hạm đối không tầm ngắn và tầm trung. Chiến hạm còn có khả năng chở 2 trực thăng tích hợp nhiều chức năng.
Trước khi rời cảng Tiên Sa, lực lượng hải quân hai nước sẽ có cuộc diễn tập song phương về tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Phan Hoàng
Theo_Người Đưa Tin
Cận cảnh chiến hạm tàng hình Ấn Độ thăm Đà Nẵng Chiến hạm tàng hình INS Sahyadri của Hải quân Ấn Độ đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào sáng ngày hôm nay (2/10). Sáng 2/10, chiến hạm tàng hình INS Sahyadri của lực lượng Hải quân Ấn Độ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thăm hữu nghị Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Vùng 3 Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng...