‘Us – Chúng ta’: Tiếng nói chính trị của đạo diễn da màu Jordan Peele
Không chỉ là một bộ phim “dọa người” đơn thuần, “Us – Chúng ta” được cho là tiếng nói chính trị của đạo diễn Jordan Peele mang tính chất châm biếm về một nước Mỹ chia rẽ dưới thời Trump.
Giống như trường hợp của không ít phim kinh dị lắt léo như Get Out, Hereditary tác phẩm kinh dị mới nhất của đạo diễn Jordan Peele Us cũng chia rẽ giới phê bình và khán giả đại chúng. Ở trang đánh giá phim IMDb, Us đạt điểm 7,5/10 từ hơn 4000 lượt chấm điểm của khán giả, trong khi số điểm bộ phim nhận được từ 134 chuyên gia trên trang Rotten Tomatoes là 98%.
Tại thị trường Việt Nam, tác phẩm của đạo diễn da màu Jordan Peele cũng nhận được vô số ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng phim quá lắt léo, những câu hỏi ngày càng dày đặc và trở nên rối rắm bậc nhất ở kết phim, buộc khán giả đại chúng phải có sự tập trung từ đầu đến cuối và những kiến thức nhất định để giải mã hết các tầng nghĩa. Đặc biệt, không chỉ là một bộ phim “dọa người” đơn thuần, Us được cho là tiếng nói chính trị của đạo diễn Jordan Peele mang tính chất châm biếm về một nước Mỹ chia rẽ dưới thời Trump.
Tựa đề “Us”
Bộ phim của đạo diễn Jordan Peele gây tranh cãi ngay từ khi chưa công chiếu vì tựa đề phim, “Us” có nghĩa là “chúng ta”, “chúng tôi” hay “Hoa Kỳ”, “nước Mỹ”. Thế nhưng sau khi xem xong Us, khán giả có thể khẳng định rằng tên phim bao hàm cả hai ý nghĩa này. Lời thoại quan trọng của cậu con trai Jason: “They are us” (“Họ là chúng ta”) cũng được hiểu là “Họ là nước Mỹ”, trong đó, những “người bị xích” đại diện cho hình ảnh nước Mỹ chia rẽ trong xã hội hiện đại và dần đánh mất sự tự do bởi các chính sách của ông chủ Nhà Trắng đương thời. Điều này không quá ngạc nhiên đối với tác phẩm của Jordan Peele – đạo diễn da màu từng thắng giải Oscar nhờ bộ phim kinh dị lên án vấn nạn phân biệt chủng tộc.
Tầng hầm
Tồn tại song song với những con người phiên bản người thật, có một thế giới khác được tạo nên bằng hình thức nhân bản vô tính. Tạo ra các phiên bản vô tính “chia đôi 1 linh hồn cho 2 cơ thể”, thế giới thứ hai được mô phỏng không khác gì thế giới thật phía trên đến từng hành động, với mục đích sử dụng những người này để thao túng “người phía trên”. Song, kế hoạch thất bại, các phiên bản nhân bản vô tính bị lãng quên, nhốt lại mãi mãi phía dưới tầng hầm rộng lớn. Những “tầng hầm bỏ trống, không được sử dụng với mục đích cụ thể” tại Mỹ cũng được nhắc đến ngay từ đầu phim.
Những tầng hầm trong bộ phim kinh dị của đạo diễn Peele tượng trưng cho mặt tối ở xã hội đương thời, nơi những phiên bản dị dạng, khổ sở của các bản thể sinh sống và tồn tại qua nhiều thế hệ. “Người bị xích” có thể là tầng lớp người nghèo, công nhân, người nhập cư tại “miền đất hứa” hoa lệ – mà hoa cho người giàu còn lệ cho kẻ nghèo. Mặt khác, nhiều khán giả cho rằng hình ảnh tầng hầm còn nhằm ngụ ý các đường hầm ngầm ở Mexico đưa người nhập cư trái phép sang Mỹ, lập luận này cũng có lý hơn với những con thỏ đủ màu sắc tràn ngập tầng hầm.
Hình ảnh những con thỏ đủ màu sắc trong Us vừa đại diện cho các thí nghiệm nhân bản vô tính, vừa tái hiện một nước Mỹ đủ màu da, nhiều chủng tộc. Chính vì thế, hành động cắt đứt đầu con thỏ nhồi bông của bản gốc Adelaide có thể tượng trưng cho những chính sách ngăn cấm người nhập cư đến Mỹ của ông Trump, qua đó thể hiện rõ chất châm biếm chính trị sâu sắc nhưng tinh tế của Jordan Peele.
Tấm biển Jeremiah 11:11
11:11 là con số trở đi trở lại xuyên suốt bộ phim. Về mặt hình thức, con số 11:11 hiển thị trên đồng hồ chỉ là 4 nét gạch thẳng đứng, đối xứng nhau qua dấu “:” nên dù lật ngược hay nhìn qua gương cũng không biến đổi hình dạng. Không những thế, hình ảnh bốn bản sao của gia đình Wilson khi đứng cạnh nhau trong trang phục màu đỏ cũng không khác gì hình dáng của 4 con số này.
Ngoài ra, dòng chữ Jeremiah 11:11 còn chỉ đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh viết về Jeremiah: “Vậy nên, ức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến tai nạn đổ lên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe”, như một lời tiên đoán về thảm họa do “người bị xích” gây ra, đồng thời gợi liên tưởng đến lời nói của Red khi cầm đầu những bản sao nổi dậy: “I want to make a statement”. Câu thoại này cũng tương tự như tham vọng “Make America Great Again” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau này, chính người đàn ông cầm biển ghi dòng chữ Jeremiah 11:11 là nạn nhân đầu tiên của “người bị xích”, được gia đình Wilson nhìn thấy khi vừa đến vùng biển Santa Cruz. Còn người đàn ông đứng trong tư thế dang rộng tay với bàn tay nhỏ máu mà cậu con trai Jason gặp trên bờ biển chính là bản sao của nạn nhân, ông đứng vào vị trí sẵn sàng để xếp thành hàng rào người sau khi lấy mạng xong bản thể của mình.
Hàng rào người với kéo và quần áo đỏ
“Những người kì lạ trong trang phục màu đỏ, tay cầm chiếc kéo” là cụm từ dùng để miêu tả hàng triệu “người bị xích”. Bộ quần áo đỏ gợi liên tưởng đến trang phục tù nhân nước Mỹ, trong khi đó, vũ khí chiếc kéo là vật dụng có hai phần đối xứng giống hệt nhau, tượng trưng cho sự kết nối giữa bản sao và bản gốc của họ. Bên cạnh đặc điểm đối xứng lặp lại, cây kéo còn được sử dụng để cắt, mà cụ thể ở Us là cắt đứt sợi dây liên kết giữa những bản sao và bản gốc bằng cách lấy mạng những “người thật”. Hình ảnh “cắt đứt” trở đi trở lại trong tác phẩm thông qua chi tiết Red đi vào nhà của Adelaide, cắt đứt đầu con thỏ bông; cắt giấy thành hình hàng người nắm tay nhau, rồi cắt đứt sự liên kết giữa hai hình nhân giấy.
Song, dưới góc nhìn chính trị, màu đỏ còn là màu sắc đại diện cho Đảng Cộng hòa của ông Trump, những “người bị xích” cũng đeo găng tay bên phải, ngầm ám chỉ phe cánh hữu trong chiến dịch tranh cử của ông này. Trong khi đó, cây kéo là biểu trưng của sự chia rẽ về xã hội và chính trị trong nội bộ nước Mỹ dưới thời tổng thống đương thời, cũng là những chính sách “cắt đứt”, ngăn chặn khác dưới thời Trump.
Cuối cùng, những người này tạo thành hàng rào người nối liền biên giới nước Mỹ, đây là tình tiết dựa trên một phong trào có thật mang tên Hands Across America nhằm quyên góp cho người nghèo, người vô gia cư diễn ra năm 1986 tại Mỹ. Mang theo những kí ức còn sót lại khi ở trên mặt đất, bản gốc thật của Adelaide đã sử dụng hình ảnh trong phong trào này để dẫn đầu “người bị xích” nổi dậy. Mặt khác, hàng rào triệu người nắm tay nhau cũng tượng trưng cho bức tường đỏ được tổng thống Trump hứa hẹn xây dựng ngăn cách Mỹ và Mexico, ngăn chặn nạn di dân và buôn lậu ma túy.
Đưa tính thời sự và châm biến chính trị vào tác phẩm điện ảnh đã trở thành phong cách làm phim của đạo diễn da màu Jordan Peele, và với Us, ông cho thấy tham vọng muốn nâng tầm thông điệp, đưa một cộng đồng người nhỏ từ Get Out trở thành toàn nước Mỹ (Us). Vì vậy, từ tựa đề phim đến những hình ảnh trong Usđều không có ít hơn một tầng nghĩa, tạo thành một ý tưởng chính trị xuyên suốt về câu chuyện nữ chính Red đứng đầu một nhóm người “đỏ” nổi dậy, kêu gọi sự bình đẳng và phát triển tốt đẹp hơn cho xã hội.
Theo saostar
'Us - Chúng ta': Hơn cả một phim kinh dị xuất sắc, ẩn chứa nhiều bí mật phải xem vài lần để khám phá
Lời khuyên cho các bạn là hãy để ý kĩ đến những chi tiết nhỏ trong diễn biến câu chuyện và cả sự kiện rùng rợn trong quá khứ đế có thể "thẩm thấu" được hết các tầng của nội dung phim "Us - Chúng ta".
Sau Get Out, đạo diễn Jordan Peele đã ra mắt siêu phẩm kinh dị tiếp theo mang tên Us (Chúng ta). Về mặt chuyên môn, những trải nghiệm mà Us mang đến cho người xem hoàn toàn vượt trội hơn so với những gì người đàn anh của nó đã đạt được.
Us xoay quanh kì nghỉ hè của gia đình Wilson bên bờ biển Santa Cruz. Đây cũng chính là nơi Adelaide từng bị hậu sang chấn tâm lý trong một lần đi lạc trong ngôi nhà gương. Kể từ khi gia đình họ chuyển đến đây, những sự kiện trùng hợp đến rợn gai góc bắt đầu diễn ra và dường như chỉ mỗi Adelaide có thể cảm nhận được có điều gì đó sắp xảy đến .
Một tác phẩm kinh dị đề tài Doppelgange đầy tinh xảo
Câu chuyện lấy đề tài về Doppelgange, đây là yếu tố rất phổ biến trong các phim kinh dị thế kỷ 19, 20. Doppelgange được hiểu như một bản sao bằng xương bằng thịt mà bất kì ai cũng có. Thường người ta chỉ thấy những bản sao này qua gương hay trong những sự kiện đặc biệt nào đó gắn liền với sự chết chóc. Những câu chuyện rùng rợn có thật trong lịch sử đã chứng minh hiện tượng này không phải là sự bịa đặt, khi mà vô số người nổi tiếng đã gặp những bản sao của mình.
Chính tổng thống Abraham Lincoln đã từng thấy "nửa kia" của mình trong gương sau khi thắng cử lần đầu tiên năm 1860. Khi về đến nhà, ông chợt nhận ra có tới 2 khuôn mặt ở trong gương. Một Lincoln bình thường và một Lincoln nhợt nhạt ma quái.
Ở phương Tây, Doppelganger được cho là một thực thể do quỷ dữ tạo thành, còn được gọi với cái tên "Evil Twin". Chúng là đứa trẻ được quỷ sinh ra và đánh tráo với con của người dân nên lớn lên sẽ mang tới tai họa cho nạn nhân.
Yếu tố lịch sử nước Mỹ được đưa vào khéo léo
Tạm bỏ qua những yếu tố chính trị như Tường thành Trump, làn sóng di cư từ Mexico, bài viết sẽ tập trung hơn về mảng lịch sử.
Câu chuyện lấy cảm ứng từ hai sự kiện có thật trong lịch sử Mỹ. Đầu tiên là sự kiện Hands Across America diễn ra vào sáng chủ nhật ngày 25/5/1986. Đây là một hoạt động trong chiến dịch kêu gọi người dân trên toàn nước Mỹ chung tay chống lại nạn đói. Đã có 6,5 triệu người nắm tay nhau tạo thành "sợi xích người" kéo dài khắp lãnh thổ quốc gia. Theo tính toán, dòng người đủ dài để nối 48 bang của nước Mỹ lại với nhau.
Buổi sáng chủ nhật ngày 25/5/1986 tại Mỹ.
Hình vẽ trên bảng có quen thuộc không?
Tiếp theo là những căn hầm bí mật tại quốc gia có lắm "bề chìm" này. Những bí mật đen tối nhất của nước Mỹ có lẽ không phải nằm trong nhà Trắng, mà chúng ẩn sâu trong những căn hầm dưới lòng đất xuyên suốt 14 vùng lãnh thổ của đất nước này.
Không chỉ là những căn hầm như thời chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ có hẳn hệ thống tàu điện ngầm, những dãy hành lang dẫn đến những căn phòng bí mật, thậm chí là nhiều cơ sở nghiên cứu khác với những mục đích mà chắc chỉ có Chúa mới biết. Một số báo cáo mật cho biết, đã từng có những vũ khí sinh học hay thậm chí là thử nghiệm trên cơ thể người với mục đích tạo nên một đội quân bất tử tại những căn hầm này. Tất cả những sự kiện này đều có thật, chỉ là chúng ta không biết nơi để tìm thôi.
Dãy hành lang dẫn đến những căn phòng bí mật.
Nội dung rùng rợn, kịch tính và khó đoán trước
Khác hẳn với những phim kinh dị hiện nay, khi mà người xem đã chán ngấy với những màn đánh chém xuyên suốt phim cộng với một cái kết có phần "cục súc", Jordan Peele đặt người xem vào một mê cung với vô vàn những ngã rẽ, đầy rẫy những chi tiết khiến khán giả không ngừng vắt óc suy nghĩ về kết thúc của câu chuyện. Liệu kẻ thủ ác cuối cùng là ai? Những nhận định của cá nhân liệu đã đi đúng hướng? Còn chi tiết nào đã bị bỏ sót hay không?
Nhiều mắt xích và có phần rườm rà, liệu tất cả thắc mắc của người xem có được giải thích ở cuối phim?
Có quá nhiều chi tiết được đạo diễn lồng ghép xuyên suốt bộ phim Us (Chúng ta), khiến người xem không khỏi lưu tâm, như việc lý do chỉ có duy nhất một bản sao có thể nói chuyện, hay biểu cảm kì lạ của đứa con đối với người mẹ ở cuối câu chuyện. Chính việc không thể đoán trước diễn biến bộ phim cũng phần nào khiến người xem phần nào mất kiên nhẫn.
Ám ảnh tột độ từ hình ảnh và âm thanh
Cũng như Get Out, US kế thừa những tinh hoa do chính tay Jordan Peele tạo ra. Bắt đầu với ngôi nhà gương cho đến những hành lang khiến người xem sởn gai óc, tất cả kết hợp với nhau tạo nên viễn cảnh u ám mà không ai muốn trải nghiệm tới.
Liệu tất cả những gì cô gái thấy trong gương chỉ là hình ảnh phản chiếu?
Tuy nhiên, điều đọng lại trong tân trí phần lớn khán giả có lẽ là khuôn miệng của con quái vật trong màu áo đỏ. Nụ cười ngoác mang tai nhưng không một chút cảm xúc của những kẻ "thần kinh không bình thường" chắc hẳn sẽ khiến người xem có một đêm "ngon giấc".
Với lối dẫn dắt vô dùng khéo léo, câu chuyện sớm đẩy các nhân vật đến bờ vực của sự sống khi họ phải đối diện với những tình huống mà có lẽ, cái chết sẽ đỡ đáng sợ hơn.
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến âm thanh đầy ma mị, đan xen với cả tiếng cười và tiếng huýt sáo gây ám ảnh mỗi khi đoạn phim được đẩy đến cao trào. Jordan Peele dường như đã quá hiểu tâm lí người xem, cũng như nắm rõ những yếu tố có thể kích động giác quan khác của con người chứ không chỉ đơn thuần là thị giác.
Kinh dị nhưng không hề thiếu "muối"
Phải công nhận rằng, đạo diễn và cả dàn diễn viên đã làm quá tốt trong việc kết hợp hai yếu tố dường như là đối nghịch nhau. Khác hẳn với những tác phẩm khác có phần gượng ép trong khâu "nêm nếm", USmang lại một góc nhìn và trải nghiệm hoàn toàn mới khi những chi tiết hài hước không hề phá vỡ mạch cảm xúc của câu chuyện.
Đạo diễn Jordan Peele xuất thân là một diễn viên hài.
Công lớn nhất có lẽ thuộc về nam diễn viên đã từng xuất hiện trong Black Panther: Winston Duke trong vai người bố "nhây nhớt" Gabriel "Gabe" Wilson.
Tiếp nối chủ đề nữ quyền trong năm 2019
Từ đầu năm đến nay, đã có vô số những bộ phim khai thác mảng chủ đề này, tiêu biểu nhất có lẽ là Captain Marvel của vũ trụ điện ảnh MCU. Còn đối với phim trong nước, Hai Phượng cũng đã làm quá tốt việc khắc họa hình ảnh nhân vật người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, sẵn sàng làm tất cả mọi việc để bảo vệ gia đình nhỏ của mình.
Hai bộ phim về nữ quyền đã thống lĩnh các phòng phim từ đầu năm đến nay.
Lại một lần nữa trong Us, khán giả sẽ được chứng kiến sự vùng lên của phái nữ, thấm đẫm trong từng câu thoại của người mẹ Lupita Nyong'otrong vai Adelaide Wilson, khi giờ đây, cô mới là người quyết định mọi bước di chuyển tiếp theo của gia đình chứ không phải ông chồng cứng đầu kia.
Dự là sẽ lại có chi tiết "trả con cho tao".
Nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, vô vàn chi tiết "hack não"
Sau khi kết thúc phim, khán giả sẽ tự đặt câu hỏi rằng liệu trong lúc bản thân đang sung sướng tận hưởng cuộc sống, liệu ở ngoài kia có những người chỉ chìm đắm trong đau khổ và bất hạnh, hoặc tồi tệ hơn, họ là chính bản sao "còn lại" của chúng ta?
Thậm chí đến Poster phim cũng khiến người xem phải suy nghĩ.
Thêm vào đó, những chi tiết tưởng chừng như mờ nhạt mới là những thứ "ăn tiền", khi mà khán giả sẽ không ngừng đặt dấu chấm hỏi cho bản thân rằng liệu họ đã hiểu hết những gì tác giả muốn truyền tải.
Như trong ví dụ sau, liệu người cô gái Zora Wilson có liên quan đến những con thỏ được nhốt trong lồng? Phải chăng chỉ những ai đọc được chữ trên chiếc áo của cô bé mới có thể hiểu được ngụ ý của tác giả? Liệu dòng chữ đỏ trên áo chỉ là một sự vô tình hay tất cả đều nằm trong tính toán của tác giả?
Một hình ảnh gây khó hiểu trong phim.
Phải chăng chỉ ai biết tiếng Việt mới có thể hiểu được ngụ ý của tác giả.
Đầy ắp tính nhân văn trong một câu chuyện kinh dị
Tựa đề phim như nhắc lại niềm tin rằng "kẻ thù nguy hiểm nhất của mỗi người chính là bản thân chúng ta", cũng như những chi tiết về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được khéo léo lồng ghép, sẽ đọng lại trong lòng người xem một khoảng lặng về những mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như cách bấy lâu nay chúng ta "đối nhân xử thế".
Trailer chính thức US.
Phim hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.
Theo saostar
'Us - Chúng ta' trở thành phim kinh dị có doanh thu mở màn cao nhất, gấp đôi 'Get Out' và thu lời chỉ sau 3 ngày Thậm chí, con số mà bộ phim "Us - Chúng ta" của đạo diễn Jordan Peele thu về còn cao gần gấp đôi so với dự đoán ban đầu. Có lẽ giờ đây, đạo diễn Jordan Peele đã có thể ăn mừng vì bộ phim kinh dị thứ 2 của ông - Us (Chúng ta) đã thu lại những thành công đầu tiên...