Uraine sẽ chết với ‘bầu sữa Mỹ’
Để kế hoạch biến Ukraine trở thành một tấm lá chắn chống lại Nga có thể thành công, Mỹ cần chấm dứt chiến lược bầu sữa của mình đối với đất nước Đông Âu vừa mới trải qua cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua này.
Chiến lược của Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine là gì? Đó là câu hỏi đóng vai trò mấu chốt quan trọng nhất đối với không chỉ với địch thủ của Mỹ và đồng minh trong vấn đề Ukraine là nước Nga, mà nó còn là yếu tố quyết định trong việc xác định những diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột phức tạp này.
Không ai nghi ngờ gì về mục đích lớn nhất của Mỹ và EU là muốn Ukraine trở thành tiền đồn và tấm lá chắn gần nước Nga nhất mà phương Tây có thể đẩy về phía Moscow. Nhưng, để kế hoạch biến Ukraine trở thành một tấm lá chắn chống lại Nga có thể thành công, Mỹ cần chấm dứt chiến lược bầu sữa của mình đối với đất nước Đông Âu vừa mới trải qua cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua này.
Theo đó, một trong những vấn đề nóng nhất trong tuần qua là việc Quốc hội Mỹ thảo luận về việc có nên thông qua nghị quyết cung cấp cho Ukraine những vũ khí chiến lược có sát thương cao trong cuộc chiến chống lại quân ly khai ở miền Đông và đồng nghĩa với việc chống lại nước Nga hay không. Đây được coi là đỉnh điểm trong cuộc tranh cãi về việc xác định chiến lược mà Mỹ sẽ sử dụng trong vấn đề Ukraine đã diễn ra trong suốt giai đoạn vừa qua trước cả khi hiệp định ngừng bắn được ký kết ở Minsk.
Video đang HOT
Trong đó các ý kiến trái chiều trong quốc hội Mỹ vẫn đang phân ra làm hai phe, trong đó hoặc là phản đối hoặc là đồng tình trong việc nước Mỹ sẽ cung cấp các vũ khí chiến lược có thể làm thay đổi cán cân cuộc chiến và làm thay đổi hoàn toàn tính chất cuộc xung đột.
Sở dĩ như thế, là vì một sự cung cấp vũ khí chiến lược có mức sát thương cao cũng đồng nghĩa với một sự tuyên bố leo thang xung đột trong đó Mỹ đã công khai ủng hộ và giúp đỡ quân đội Ukraine chống lại quân ly khai miền Đông và Nga. Những nghị sĩ chủ chiến trong quốc hội Mỹ thì tán thành và tìm mọi cách để thúc đẩy nghị quyết này được thực hiện với lý do rằng quân đội Ukraine nếu không nhận được sự hỗ trợ này có thể sẽ không đủ sức chống lại quân ly khai miền Đông có thể được Nga trang bị những loại vũ khí tối tân.
Và nước Mỹ cần tăng cường sự hiện diện của mình ở Ukraine khi mà cuộc chiến đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho Kiev. Trong khi đó những nghị sĩ phản đối thì cho rằng động thái cung cấp vũ khí chiến lược cho quân đội Ukraine ở thời điểm hiện tại là chưa cần thiết, khi quân đội Ukraine vẫn đang làm khá tốt vai trò của mình và chưa cần thiết phải leo thang cuộc chiến ở thời điểm hiện tại.
Thực tế là không chỉ có nước Mỹ phân làm hai phe trong vấn đề đưa ra chiến lược cần thiết ở Ukraine, mà ngay cả EU và chính phủ Ukraine ở Kiev cũng vậy. EU, đứng đầu là Đức và Pháp nghiêng về phương án chưa cần thiết cho việc cung cấp các vũ khí chiến lược cho quân đội Ukraine ở thời điểm hiện tại và điều quan trọng nhất hiện nay là cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ cho việc phục hồi nền kinh tế và tái thiết Ukraine.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine lại đang muốn thúc đẩy việc Mỹ cung cấp các vũ khí chiến lược cho quân đội nước này hơn bao giờ hết, vì nó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chính thức hỗ trợ và đứng về phía Ukraine trong cuộc chiến. Sở dĩ như thế, là vì tổng thống Ukraine Poroshenko có vẻ như vẫn chưa từ bỏ ý định chấm dứt cuộc chiến bằng một thắng lợi quân sự quyết định, trong đó quân đội Ukraine sẽ đè bẹp quân ly khai để chiếm lại toàn bộ khu vực phía Đông nước này.
Thế nhưng, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng nước Mỹ không nên cung cấp các vũ khí cho Ukraine. Nếu Mỹ thực sự muốn Ukraine trở thành một tấm khiên vững chãi, thì Washington không nên tiếp tục chiến lược trong đó coi Ukraine như một đứa bé cần bú mớm. Trên thực tế, Ukraine đang là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến hàng đầu trên thế giới và tự nó có thể sản xuất được các loại vũ khí cần thiết cho cuộc chiến của mình mà không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong năm 2013 lợi nhuận từ lĩnh vực xuất khẩu khí tài quân sự của Ukraine đã đạt mức gần 2 tỷ USD, một con số không nhỏ chút nào. Đất nước Đông Âu này là một trong những nhà cung cấp khí tài hiện đại nhất thế giới với những mặt hàng chủ lực khiến cả những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới phải thèm khát, đó là động cơ phản lực AI-222, tuabin khí cho tàu chiến vốn đang được Trung Quốc và Ấn Độ đặt hàng số lượng lớn trong những năm qua. Đó còn là tên lửa cho chiến đấu cơ Mig29 và những chủng loại xe tăng và xe bọc thép.
Theo ước tính Ukraine là một trong số 9 nước có doanh số xuất khẩu khí tài quân sự lớn nhất thế giới trong vòng vài năm trở lại đây. Và trong tình trạng đó, rõ ràng việc Mỹ cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine là không cần thiết khi mà nước này có đủ khả năng để sản xuất ra những loại vũ khí cần thiết và có hiệu quả cao trong cuộc chiến của mình.
Một số chính khách, như cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và giờ đang là một nhà lập pháp thuộc liên minh cầm quyền Ukraine, đã chỉ ra rằng việc Mỹ cung cấp các loại vũ khí chiến lược cho Ukraine sẽ chỉ khiến những nhà tài phiệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của nước này trục lợi. Đó là vì dù quân đội Ukraine vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn trang bị và cần thiết được trang bị vũ khí hơn bao giờ hết, thì nước này vẫn đang xuất khẩu hàng loạt các mặt hàng vũ khí cho các nước trên thế giới do các đơn hàng từ trước đó.
Bà Tymoshenko đã phát biểu một câu rất nổi tiếng, rằng “Ukraine có quyền gì đòi nước khác cung cấp vũ khí, khi mà chính chúng ta đang xuất khẩu vũ khí đi khắp thế giới”. Tình trạng các nhà công nghiệp quốc phòng Ukraine trục lợi bất chấp tình trạng xung đột của đất nước và quân đội thiếu thốn vũ khí đã được nhắc đến từ lâu, và thậm chí có ý kiến còn cho rằng sở dĩ tổng thống Poroshenko tỏ ra sốt sắng trong việc muốn Mỹ cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine là vì như thế sẽ che giấu được việc quân đội nước này đang thiếu hụt vũ khí do sự vô trách nhiệm của ngành công nghiệp quốc phòng.
Vì thế, việc Mỹ cung cấp vũ khí chiến lược cho Ukraine là điều không cần thiết và chẳng khác gì bú mớm cho một đứa trẻ đủ sức tự nuôi sống được bản thân. Thậm chí về lâu dài việc tiếp tục nuông chiều Ukraine có thể khiến nước này ỷ lại và không đủ sức mạnh để đề kháng lại Nga. Quan điểm của Đức và Pháp trong vấn đề này đang tỏ ra có lý hơn là Mỹ, theo đó cách tốt nhất để giúp Ukraine ở thời điểm hiện nay là cung cấp tài chính và xem xét quá trình hồi phục kinh tế.
Một khi Ukraine đủ mạnh mẽ để độc lập về kinh tế, thì ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến của nước này cũng sẽ đủ sức để tự sản xuất ra các vũ khí chất lượng cao mà không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ hay bất cứ nước nào khác. “Nếu muốn biến một nước thành một tấm khiên, hãy rèn nó một cách chắc chắn nhất có thể, chứ không phải là nâng niu nó như một món hàng mã”, đó là thông điệp mà bà Merkel và cựu thủ tướng Ukraine Tymoshenko đang muốn gửi đến nước Mỹ.
Theo Một Thế Giới