Uống thuốc tiểu đường chứa chất cấm, một phụ nữ tử vong
Thuốc trị tiểu đường trôi nổi chứa chất cấm nhưng bệnh nhân không hề hay biết, chỉ nghe theo quảng cáo trên mạng.
Mới đây, Khoa hồi sức tích cực và chống độc BV Thống Nhất (TP.HCM) tiếp nhận hai bệnh nhân nhập viện cấp cứu do uống thuốc chứa chất cấm phenformin để điều trị bệnh đái tháo đường. Trong đó, một người đã tử vong.
Người bệnh tử vong là bà ĐTS (67 tuổi) nhập viện vào ngày 16-10 trong tình trạng lơ mơ, đau bụng, đi tiêu phân lỏng nhiều, choáng, huyết áp tụt, đo đường huyết rất cao, vượt ngưỡng đo của máy, suy hô hấp rất nặng.
Bệnh nhân được xác định nhiễm toan lactic do chất cấm phenformin, chuyển Khoa hồi sức tích cực tiến hành lọc máu. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng nên gia đình xin đưa về nhà vào chiều 20-10. Người nhà cho biết bà S. có tiền sử bệnh tiểu đường 10 năm nay, gần đây bà mua hai loại thuốc, nhãn mác in chữ Trung Quốc uống trị bệnh và xảy ra tình trạng trên.
Bà L. đang điều trị tại BV Thống Nhất. Ảnh: HL
Video đang HOT
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân VTBL (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nhập viện trong tình trạng đau lưng, mỏi cơ xương khớp, xét nghiệm thấy bị nhiễm toan lactic rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân sắp rơi vào hôn mê nên được chuyển Khoa hồi sức tích cực và điều trị hoàn toàn bằng nội khoa, ổn định đường huyết. Sau khi điều trị được hai ngày, bệnh nhân đã ổn định và chuyển Khoa nội yêu cầu.
Người bệnh cho biết tìm trên mạng thấy quảng cáo loại thuốc trị tiểu đường hoàn do Công ty Difoco sản xuất rất tốt (được biết loại thuốc này đã bị cấm lưu hành – PV) nên tìm mua. Khi bà uống được ba tháng thì xảy ra tình trạng trên.
Theo BS CK2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó Khoa hồi sức tích cực và chống độc BV Thống Nhất, từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận 4-5 trường hợp bị toan chuyển hóa rất nặng, nguy kịch sau khi uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc chứa chất cấm phenformin.
Thuốc trị tiểu đường nhãn in chữ Trung Quốc chứa chất cấm phenformin. Ảnh: HL
Cũng theo BS Ánh, hoạt chất phenformin được phát hiện vào năm 1950 và bước đầu ghi nhận sử dụng hiệu quả cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, đến năm 1963, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những ca bị biến chứng do chuyển hóa toan lactic nặng sau khi uống thuốc. Đến thập niên 1980, chất phenformin đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam thuốc trôi nổi chứa chất cấm này vẫn xuất hiện. Bằng chứng là các BV thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận các bệnh nhân sau khi uống thuốc chứa chất này.
Biến chứng sử dụng chất cấm phenformin là người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, yếu cơ. Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp, rối loạn tri giác và suy hô hấp. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong.
“Người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên mạng mà sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi bị bệnh cần đến BV để được bác sĩ tư vấn và dùng thuốc theo chỉ định” – BS Ánh khuyến cáo.
Theo PLO
Cảnh giác nhiễm toan lactic khi dùng metformin trị đái tháo đường týp 2
Vừa qua, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi đến các cơ sở y tế và cơ sở đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam yêu cầu cập nhật, bổ sung thông tin về việc mở rộng sử dụng metformin trên một số bệnh nhân suy giảm chức năng thận và cập nhật các khuyến cáo cụ thể về việc sử dụng thuốc trên đối tượng bệnh nhân này trong tờ hướng dẫn.
Ảnh minh họa
Theo đó, nhiễm toan lactic là tình trạng cần quan tâm. Nhiễm toan lactic là một tai biến hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và thường gây tử vong cho bệnh nhân. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra biến cố, metformin được coi là yếu tố tăng nặng do có tác dụng ức chế quá trình tân tạo glucose từ các cơ chất khác nhau, trong đó có lactat. Vì vậy, những bệnh nhân đang điều trị bằng metformin cần được rà soát và rất thận trọng với những yếu tố nguy cơ liên quan. Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên, như chuột rút, tình trạng yếu cơ, nhược cơ nặng, đau vùng bụng hoặc ngực, cần tạm dừng điều trị ngay và xác định nồng độ lactat trong máu.
Những ca nhiễm toan lactic liên quan đến metformin trong quá trình giám sát thuốc hậu mãi xảy ra chủ yếu trên những bệnh nhân bị suy thận nặng. Nguy cơ tích luỹ metformin và nhiễm toan lactic liên quan đến metformin tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của suy thận bởi metformin được thải trừ chủ yếu qua thận. Vì vậy, trước khi khởi đầu điều trị với metformin cần ước tính mức độ lọc cầu thận (eGFR) của bệnh nhân, cũng như cần theo dõi mức lọc cầu thận ít nhất một năm một lần ở tất cả các bệnh nhân sử dụng metformin. Ở bệnh nhân có khả năng tăng nguy cơ suy thận (người cao tuổi), chức năng thận nên được đánh giá thường xuyên hơn.
Khi sử dụng đồng thời metformin với một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic liên quan đến metformin đối với bệnh nhân suy giảm chức năng thận dẫn tới những thay đổi đáng kể về mặt huyết động, ảnh hưởng tới cân bằng acid và base hoặc làm tăng tích luỹ metformin, vì vậy cần cân nhắc và theo dõi bệnh nhân thường xuyên hơn...
Mai Hương
Theo suckhoedoisong
Chỉ số xét nghiệm hơi cao, đừng chủ quan! Nhiều người thở phào khi thấy kết quả khám, xét nghiệm có chỉ số hơi cao - chưa đến mức gọi là bệnh. Song, thực tế họ đã rơi vào "vùng xám" - chủ quan là thành bệnh Một năm trước, chị Trần Thị D.T (29 tuổi) đi xét nghiệm và được bác sĩ (BS) thông báo đường huyết hơi cao. Chị đã...