Uống sinh tố hay uống hóa chất?
Một thứ bột sền sệt được lấy trong một chiếc túi vàng rồi trộn cùng đường và đá tạo thành một cốc sinh tố hoa quả đẹp mắt.
Có lần, anh bạn cảnh báo: “Ra quán đừng có gọi sinh tố. Hoa quả để vô thời hạn, mất vệ sinh lại toàn hoá chất độc hại, tôi chỉ nghĩ có thể anh bạn cảnh báo vậy vì cái cối xay sinh tố được sử dụng liên tục trong ngày, chủ quán không kịp rửa.
Chỉ đến khi được tận mắt chứng kiến công đoạn làm sinh tố của một cửa hàng cà phê, tôi mới phát hoảng thực sự: Đó không còn là thứ đồ uống được làm từ hoa quả tươi và sữa đặc nữa.
Một lần nhìn, sợ đến già!
Một lần vào quán cà phê ở khu Nam Đồng, tôi và hai người bạn gọi một ly cà phê, nước dừa và một cốc sinh tố. Ngồi một lúc, tôi vào khu vệ sinh, đi qua chỗ bà chủ đang chuẩn bị làm sinh tố cho khách, tôi được chứng kiến cận cảnh công đoạn pha chế sinh tố. Máy sinh tố cáu bẩn, chỗ để pha chế thì nào là giẻ lau, vỏ trái cây…
Tôi đứng như chôn chân khi thấy chủ quán lấy ra một túi nilông màu đỏ trong đó có thứ gì sền sệt màu vàng (sau này tôi mới biết đó là hoa quả đã được xay sẵn), xúc vài thìa bỏ vào máy sinh tố, rồi lại đổ thêm ít nước màu vàng đựng trong chai Lavi và một ít nước trắng đựng trong chai thuỷ tinh nhỏ (không rõ là nước gì), ấn nút. Chỉ sau hơn 1 phút, cốc sinh tố với hương thơm quyến rũ đã được làm xong.
Nguyên liệu làm sinh tố được bày bán công khai.
Ra đến bàn, tôi nhìn vào cốc sinh tố mà Linh (cô bạn đi cùng) vừa gọi, ậm ừ nói: “Nhìn cốc sinh tố ngon nhỉ”. Linh liền đáp: “Ngon thì gọi mà uống, làm gì mà cứ hau háu nhìn vào đồ uống của người khác, vô duyên”.
Theo phản xạ, tôi quay phắt sang phía Linh rỉ tai: “Khiếp lắm! Tôi xin bà từ lần sau đừng uống sinh tố nữa. Lúc nào cũng cảnh vẻ, uống sinh tố cho đẹp da. Bà cứ uống cà phê cho lành”.
Thấy tôi nói vậy, Linh ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì, gặng hỏi: “Bà làm sao thế? Lần nào đi tôi chẳng gọi sinh tố, có thấy bà can ngăn bao giờ đâu. Hãm! “.
Nghe Linh nói vậy tôi tua lại quy trình làm sinh tố mà mình vừa nhìn thấy. Nghe xong, Linh… thề không bao giờ gọi món sinh tố nữa, còn tôi nghĩ vẫn rùng mình.
Bột và nước cốt để làm sinh tố “nguyên chất”.
Hình ảnh bà chủ quán cà phê cứ ám ảnh tôi, chẳng lẽ bây giờ ăn uống thứ gì cũng phải cảnh giác? Đem thắc mắc của mình đến hỏi Hoà, một chủ quán cà phê trên phố Vọng (cũng là cô bạn cùng học đại học) về “công nghệ” chế biến sinh tố mà mình đã gặp phải, Hoà thủng thẳng trả lời: “Không thế thì hàng cà phê húp cháo à?. Câu trả lời của Hoà khiến tôi quá sốc, tôi không thể tin bạn mình cũng dùng những mánh khoé như vậy. Mặt tôi cau lại, đỏ bừng: “Thế mọi ngày bà cũng cho tôi uống cái thứ… vớ vẩn đó à? “.
Hoà nói: “Thế bà không để ý sao? Khi nào bà đến tôi cũng phải hất hàm về phía nhân viên nói làm cẩn thận nhé, khách quen của chị”. Nghe Hòa nói vậy tôi vừa tức vừa trộm nghĩ “chắc nó không đến nỗi “đầu độc” mình”.
Ngồi huyên thuyên vài câu chuyện về đạo đức kinh doanh, mánh khóe kinh doanh, Hoà “chốt” lại: “Làm ăn thì phải có lãi. Nếu cứ 100% sinh tố, nước hoa quả nguyên chất thì tôi… đóng cửa từ lâu rồi. Bà đừng can thiệp vào việc của tôi. Hoà thản nhiên nói quán cà phê nào cũng bán thứ nước hoa quả được gọi là “nguyên chất” như vậy thôi. Là bạn nên Hoà không ngần ngại khi nói với tôi về công đoạn pha chế sinh tố từ A đến Z.
Hoà bảo, nếu là nước hoa quả thì pha chế rất đơn giản. Pha một cốc cam “nguyên chất” chỉ cần đến một quả cam thôi. Vắt quả cam đó vào cốc là để tạo mùi, để tạo thêm vị hăng hăng của tinh dầu vỏ cam và có tép cam ở trong cốc, còn lại họ sẽ sử dụng nước hương liệu cam. (Có nơi dùng bột hương liệu giống loại bột mà các cửa hàng trà sữa trân châu pha chế).
Một cân cam cũng chỉ pha được 3 cốc nước cam là cùng, một ngày bán mấy chục cốc thì bao nhiêu cam cho đủ. Đấy chỉ là chuyện pha chế nước hoa quả nguyên chất, còn để có một cốc sinh tố thì chế biến cũng tương tự chỉ khác là sinh tố thì đòi hỏi phải có độ sền sệt. Thường thì nhiều cửa hàng sẽ gọt sẵn hoa quả bỏ vào ngăn đá hoặc xay sẵn các loại hoa quả để khi pha chế sẽ nhanh hơn.
Khi xay loại quả gì thì họ cho thêm nước hương liệu của quả đó vào. Hòa còn mách nhỏ với tôi rằng, với những loại sinh tố mà hoa quả tươi, khi làm họ mới gọt vỏ thì có độ thơm, bùi và dẻo hơn so với hoa quả làm sẵn. Hòa nói, nếu tinh ý khi khách hàng gọi hoa quả dầm, khi nhai miếng quả đó, sẽ phát hiện miếng quả đó xồn xột đá.
Video đang HOT
Đấy chính là hoa quả đã được chế biến sẵn để trong tủ lạnh, khi lấy ra họ chỉ cần cho thêm sữa hoặc sữa chua vào là có cốc hoa quả dầm… Nhiều quán bar cũng mua các loại nước hương liệu này về để pha chế cốc -tai. Nghe đến đây tôi chỉ còn biết lắc đầu, ngẫm mà buồn!
Để truy rõ về các thứ nguyên liệu gọi là nước “hương liệu”, “nước cốt” (nước đậm đặc hơn) mà Hòa đã nhắc đến khi nói về công nghệ chế biến sinh tố, tôi hỏi: “Vậy thứ hương liệu đó thì lấy đâu ra? “.
Hòa đáp: “Dễ ợt, ra chợ là có”!. Chỉ cần bỏ tiền ra là mua được nước hương liệu “màu nào cũng có, hương nào cũng có”, nếu không các chủ quán lớn chế biến hàng trăm cốc sinh tố trái cây, nước hoa quả… mỗi ngày phải ngốn hết bao nhiêu nguyên liệu nào là cam, xoài, dưa hấu, chanh… Hòa quả quyết.
Mặc dù được mắt chứng kiến công đoạn chế biến của một hàng cà phê nọ, rồi được tận tai nghe cô bạn kể về công thức pha sinh tố, nước hoa quả nguyên chất, tôi vẫn không tin. Phải chăng đó chỉ là số ít cửa hàng có kiểu kinh doanh khôn ăn người như thế?
Một lần khác, Hòa dẫn tôi đến một quán cà phê trên phố Hàng Mành, gọi một cốc nước cam nguyên chất không đường. Uống một ngụm, thấy ngòn ngọt, hơi đắng lưỡi. Uống thêm vài ngụm nữa tôi thấy vị hơi hăng hăng của tinh dầu vỏ cam.
Nhưng quả thật tôi vẫn không thể phân biệt được nước cam đó có xịn hay không. Thấy mặt tôi ngơ ngác, Hòa cầm cốc nước cam lên uống thử. Hòa cười sằng sặc: “Nước cam này họ chế thêm nước hương liệu đây! Dù bật mí cho bà thì bà cũng có sành hơn đâu.
Nước cốt được bày bán tràn lan
Theo lời chỉ dẫn của Hòa, chúng tôi tìm đến phố Hàng Buồm. Dạo một vòng, chúng tôi ghé vào một hàng, chủ cửa hàng đon đả mời chào: “Anh chị cần mua gì? “. Tôi mau miệng: “Tụi em mở quán giải khát, muốn mua ít nước hương liệu, chị có không? Nghe tôi ngỏ ý, chị chủ quán chỉ tay lên kệ hàng: “ở đây loại nào cũng có, cam, ổi, dâu tây, chanh leo, nho… đủ cả”. Những chai nước đủ sắc màu.
Vỏ bao bì đựng nguyên liệu làm sinh tố chỉ có chữ nước ngoài.
Lắc chai nước màu hồng, bên ngoài có ghi hương dâu mà chị chủ quán đưa cho, tôi thấy giống y hệt những chai nước hoa quả bán trong các siêu thị, chỉ khác là màu sắc đậm hơn.
Chợt nhớ, khi nghe Hòa nói về thứ nguyên liệu được gọi là nước cốt có độ đậm đặc hơn, tôi hỏi thẳng: “Loại này loãng quá, chị có nước cốt không?. Chị chủ quán ngước mắt nhìn tôi dò xét rồi bước vào quầy hàng lôi một thùng các tông đựng khoảng chục can nhựa ra và bảo: “Loại ngon đấy! 130.000 đồng /1lít, miễn mặc cả. Lít cũng chế được hàng thùng nước hoa quả rồi”.
Chị này đưa ra một chiếc can 5 lít hương dâu, loại nước sền sệt trong đó quánh lại gần giống kẹo dẻo. Chị chủ quán còn giới thiệu thêm một loại hương liệu dạng bột và bảo: “30.000 đồng /1 lạng, đủ mùi, đủ màu”.
Khi được hỏi về nguồn gốc của những can nước hương liệu này thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Hàng nhập, khỏi lo về chất lượng. Nhấc mấy can nước hương liệu đang bầy trên sạp hàng lên, tôi thắc mắc: “Sao tất cả các hương dâu, táo, cốm đều màu trắng hả chị? Chị chủ quán nói: “Nó là loại tinh dầu rồi, độ đậm đặc cao, chỉ có hương thơm của hoa quả thôi. Loại này cao cấp, giá từ 180.000 – 280.000 lít. Nếu dùng pha nước giải khát chỉ cần loại loãng thôi. Loại tinh dầu này nếu pha quá tay sẽ bị hắc”.
Thấy tôi loay hoay trước những can hương liệu, chị chủ quán hỏi: em đã chọn được hàng chưa?. Tôi ậm ừ: “Chị có loại nào rẻ hơn không, có cả màu, cả mùi nữa. Chị chủ quán gật đầu: “Có! Em mua bao nhiêu để chị pha cho”. “Hương dâu, 100.000 nghìn chị ạ”.
Ngay lập tức, chị này xách một can hương liệu màu hồng, nước sền sệt vào phía trong gian hàng. Theo quan sát của phóng viên, vị chủ quán này đổ một 1/5 nước hương liệu dâu vào chai Lavi 1, 5 lít rồi pha thêm nước trắng. “Ok. Chừng này em pha thoải mái. Bao giờ hết hàng quay lại đây nhỏ!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các cửa hàng dọc phố Hàng Buồm, hương liệu đóng can hoặc bịch nilon cũng được người bán giới thiệu đủ xuất xứ: Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…, nhưng hầu hết không nhãn mác, không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, thành phần các chất có trong sản phẩm.
Các can, hộp hương liệu đang được các chợ bán phổ biến với mức giá 80.000 đến 100.00đồng/lít tùy từng loại. Khi được hỏi về cách pha chế nước hương liệu không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, chủ một cửa hàng thản nhiên nói: “Hương hoa quả, làm gì có độc. Tùy mình pha thôi”.
Tại cửa hàng phụ gia thực phẩm 81 Hàng Buồn, khi chúng tôi hỏi mua hương liệu pha nước giải khát, giống với loại chúng tôi vừa mua được, bác chủ quán chừng 60 tuổi bảo: “Loại tinh dầu (nước cốt) này không dùng trong giải khát được, chỉ dùng trong chế biến thực phẩm và phải có quy trình!. Thế mới biết, nhiều chủ hàng thiên biến vạn hoá, bán theo nhu cầu của người mua chứ không cần biết mức độ độc hại đến đâu.
Chẳng nói đâu xa, ghé vào một quầy phụ gia trong chợ Đồng Xuân, hỏi mua một ít hương liệu hoa quả, chị chủ quán cũng sắp cho chúng tôi một túi đầy toàn là bột cam, dâu, dứa không có nhãn mác và can nước ghi loằng ngoằng toàn chữ Trung Quốc. Thấy chúng tôi băn khoăn bởi không có tiếng Việt, chẳng rõ hạn sử dụng, chủ quán vừa cười vừa giải thích: “ở đây từ trước tới nay chúng tôi vẫn bán những mặt hàng này có làm sao đâu” (!). Nghe chị chủ quán nói, tôi trộm nghĩ: Uống những thứ thực phẩm “vô thời hạn”, lấy gì đảm bảo sức khỏe?
Nhiều chủ cửa hàng khẳng định, họ buôn bán mặt hàng này đã nhiều năm tuy nhiên ít khi có cơ quan nào kiểm tra về chuyện nguồn gốc, nhãn mác. Nếu có cũng chỉ là năm thì mười họa. Tình trạng kiểm tra, xử phạt hành chính dăm ba triệu đồng chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận thu được nên việc vi phạm vẫn tiếp diễn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều quán cà phê, giải khát đã làm người tiêu dùng tưởng rằng sản phẩm của họ hoàn toàn là nước cốt cam, chanh. Nhưng đó chỉ là thủ thuật, còn thực tế, họ chủ yếu sử dụng hương liệu tổng hợp. Nước cam ép, chanh dây thơm ngon được pha chế theo kiểu đếm giọt lấy tiền.
Nước cam ép có màu vàng ngà ngà, đục; còn nước chanh dây thì màu vàng cam. Gọi một ly chanh dây uống thử, mùi không khác gì mùi vị của chanh dây tươi nhưng càng uống càng cảm giác có vị đắng.
Nước nguyên liệu được mua từ các chợ với giá rất rẻ nhưng giá thành một cốc sinh tố thì lại cao ngất ngưởng từ 30.000- 40.000 đồng /cốc. Trong khi đó, chẳng ai có thể thống kê một ngày các quán cà phê bán được bao nhiêu cốc nguyên chất theo công nghệ pha trộn hương liệu. Thượng đế thì cứ vô tư gọi “cho một cốc sinh tố, chủ quán”.
Theo ĐS&PL
Choáng váng vì đến 'địa ngục' giấy ăn
Người dân đang lấy rác lau miệng hàng ngày vì công nghệ sản xuất giấy "kinh dị" này.
Nếu không tận mắt chứng kiến, hẳn ít người tiêu dùng có thể ngờ rằng, đằng sau nhiều loại giấy ăn, giấy vệ sinh trắng bóc, nức mùi thơm đang bán trên thị trường lại là cả một công nghệ sản xuất thiếu vệ sinh đến mức rùng mình.
Những gì "tai nghe mắt thấy" khi chứng kiến công nghệ chế biến giấy ăn, giấy vệ sinh tại các cơ sở sản xuất giấy tại xã Phong Khê (Yên Phong, Bắc Ninh) sẽ khiến không ít người tiêu dùng phải rùng mình, sởn gai ốc.
Nồng nặc xưởng làm giấy
Một ngày tháng 4/2010, chúng tôi về xã Phong Khê (Yên Phong, Bắc Ninh), nơi sản xuất ra đủ các chủng loại giấy từ giấy thùng carton, giấy in, giấy báo, cho tới giấy ăn, giấy vệ sinh, và không khỏi kinh ngạc khi khắp các ngả đường tại xã này luôn nồng nặc mùi tạp chất được thải ra từ những xưởng sản xuất giấy.
Không ngoa khi nhiều người cho rằng nơi đây là một "bãi rác" giấy khổng lồ. Người dân thu mua giấy phế liệu từ khắp các tỉnh, thêm vào đó do điều kiện nhà xưởng thấp kém, chật hẹp nên giấy phế liệu được các chủ sản xuất đắp thành đống từ đầu ngõ vào tận đến vách nhà xưởng.
Nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh "thật dai và mềm mại" chất như... bãi rác thải.
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, cán bộ địa chính - xây dựng xã Phong Khê, toàn xã Phong Khê từ xí nghiệp tư nhân cho tới doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần, công ty... có tất cả khoảng 200 đơn vị sản xuất giấy. Trong đó có 50% đơn vị sản xuất giấy ăn, giấy vệ sinh, mỗi xí nghiệp đạt công suất trung bình từ 1 - 2 tấn/ngày. 100% các đơn vị này có giấy phép kinh doanh nhưng tùy theo cấp độ, quy mô sản xuất để phân loại. Phần lớn các xí nghiệp sản xuất giấy tập trung thành khu công nghiệp, chính thức hoạt động năm 2003. Một số hộ gia đình khác kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ.
Đi qua những con đường lầy lội, nước tù đọng đen ngòm, chúng tôi tới cơ sở sản xuất giấy của gia đình chị L thuộc khu công nghiệp xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Chỉ vài phút nữa thôi, đống giấy lộn lấm lem đất cát này sẽ được đưa vào tái chế.
Trong căn nhà chật chội, ẩm thấp, giấy được bày la liệt, chất đống cao chất ngất. Chúng tôi được "nếm" ngửi thứ mùi chua nồng khó chịu, ầm ì tiếng máy xeo (máy ép giấy), hơi nước bốc mù mịt.
Cảm giác đầu tiên khi bước vào bất kỳ một xí nghiệp sản xuất giấy nào trong khu công nghiệp Phong Khê là sự ngột ngạt, tù túng bởi khói quện lẫn với bụi, mù mịt bao quanh. Tiếp đó là cảm giác về sự ngổn ngang, giấy được vất bừa bãi khắp mọi nơi, mọi chỗ, mọi ngóc ngách, chồng đống từ cao xuống thấp. Giấy thành phẩm đóng gói chỉn chu, xếp hàng thẳng thớm nằm... sát cạnh đống giấy lộn bẩn thỉu. Khoảng cách giữa chúng chỉ là "công nghệ" chế biến giấy được làm theo một dây chuyền giản đơn và tiềm ẩn sự ô nhiễm nghiêm trọng.
Khâu đầu tiên, cũng là khâu quyết định tới chất lượng của sản phẩm là đưa giấy vào máy để xay nghiền. Tuy nhiên, công đoạn này được làm một cách tạm bợ.
Đây là công đoạn giấy bẩn được đưa vào ngâm và nghiền nát.
Nguyên liệu giấy không được chắt lọc cẩn thận mà tạp nham các loại giấy phế thải khác nhau, từ những cuộn giấy vệ sinh bỏ đi, "đầu thừa đuôi cụt" của các xí nghiệp giấy, tới các loại giấy vụn, giấy in, sách báo lem nhem được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau.
Nhiều người khi chứng kiến tận mắt đống giấy thải này không khỏi băn khoăn tự hỏi: Liệu có khi nào, nguyên liệu giấy ở đây không ít loại được gom nhặt từ các bãi rác thải?
Tất cả các loại giấy bẩn được nghiền nhuyễn, hòa trộn vào nhau tạo nên một "hợp chất" nhầy nhụa sủi bọt, đen ngòm.
Tại đây, người công nhân chân đất, nồng nặc mùi mồ hôi vẫn giẫm đạp lên đống giấy nhàu nát, luôn tay ôm những chồng giấy bẩn cho vào bể ngâm kiềm. Những bể ngâm giấy mủn rò rỉ thứ nước thải nhớp nháp nền đất. Chiếc máy với khoanh sắt rỉ đóng cục nổi lên từng mảng. Khí Cl2 từ công đoạn tẩy Javen tỏa ra gây mùi khó chịu. Mỗi xưởng như một con quái vật khổng lồ.
Nước thải tù đọng, rác... lềnh phềnh
Chủ cơ sở L cho biết, xí nghiệp của chị đã kinh doanh sản xuất có thâm niên 5 năm, đội ngũ nhân viên có khoảng 10 người làm những công việc chuyên dụng khác nhau, người chuyên đứng nhặt giấy cho vào nghiền, người đứng ở cuối máy chuyên công tác cuộn giấy vào lô, người cắt giấy cùng một vài nhân viên đóng bao bì.
Máy móc rỉ "tiết" ra chất dịch có màu đỏ đặc quánh.
Mỗi ngày, cơ sở sản xuất giấy của gia đình chị L đưa ra ngoài thị trường trên 1 tấn giấy vệ sinh. Chị L cho biết, sản phẩm giấy vệ sinh sau khi chế biến sẽ được phân phối rộng rãi tại các quán ăn, khu công nghiệp, đặc biệt là hệ thống đại lý rộng rãi trên địa bàn Hà Nội.
Tại Phong Khê, một số lượng lớn hộ gia công nhỏ lẻ sản xuất giấy ăn cung cấp đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, bán rộng rãi trên thị trường. Từ giấy ăn "thường dân" nhất như "giấy phở" (loại giấy ăn thô ráp, màu trắng đục, hình vuông vẫn thường dùng tại các quán cóc ven đường, quán cơm vỉa hè,...) đến các loại giấy ăn cao cấp đều được "chế biến" bằng công nghệ... nồng nặc như trên.
Anh Nguyễn Quốc An, sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Bách Khoa trần tình: "Vẫn biết các giấy ăn tại các nhà ăn tập thể, nhà ăn sinh viên cũng như nhà hàng công cộng không được sạch sẽ, thậm chí chùi miệng lại thấy bẩn và ghê tởm hơn, nhưng đôi khi nó là thói quen, cứ thấy giấy ăn trên bàn thì cầm lấy và đưa lên miệng lau. Chẳng nhẽ ăn xong lại đứng đên, không lau miệng?!".
Nhiều người sau khi sử dụng giấy ăn còn bực tức vì lau xong thì thấy giấy mủn ra, nhoen nhoét khắp quanh miệng.
Qua công đoạn tái chế sơ sài, nhiều loại giấy ăn được hình thành và dù không đảm bảo chất lượng vẫn được sử dụng như bình thường.
Cơ sở giấy Đoàn Chín là một trong những cơ sở sản xuất phôi (lõi giấy to - pv) giấy ăn cao cấp. Từ phôi giấy ăn này, nhiều đơn vị khác lấy về cắt ra thành từng mảnh theo kích thước phù hợp với nhu cầu. Đoàn Chín áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, lắng lọc sơ bộ và tuần hoàn nước thải an toàn môi trường, tuy nhiên nước từ các bể ngầm vẫn tràn ra nền, đọng từng vũng, bốc mùi chua loét. Con mương phía mé sau nhà anh Đoàn Chín nước đặc kịt, rác thải nổi... lềnh phềnh.
Những tấm bạt che bốc mùi tanh nồng ở cơ sở chế biến giấy ăn Đoàn Chín.
Nước thải tù đọng bốc mùi hôi thối ngay sau nhà xí nghiệp sản xuất giấy Đoàn Chín
Do đặc thù không thống nhất giữa khu công nghiệp tập trung và các xí nghiệp sản xuất giấy tự phát nên xã Phong Khê khó quản lý về việc đảm bảo vệ sinh, môi trường. Ông Nguyễn Văn Thụ thừa nhận: Hiện tại, cả xã Phong Khê vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải tập trung.
Đối với xí nghiệp kinh doanh tự phát, Ủy ban xã yêu cầu tập kết chất thải rắn và nước thải về chung một mối. Đối với khu công nghiệp, xã đã thành lập một đội quản lý gồm 11 người làm công tác đi thu dọn rác thải rắn ven đường, tiêu thông rãnh nước ứ đọng, huy động xe chở rác về khu tập trung. Tuy nhiên, việc đôn đốc người dân thực hiện quy định cũng như việc quản lý, xử phạt vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Các bãi giấy rác vẫn chềnh ềnh bên vệ đường gây mất vệ sinh và phản cảm cho người đi lại, cản trở giao thông thôn xóm.
Các bãi giấy rác vẫn chềnh ềnh bên vệ đường gây mất vệ sinh, phản cảm và cản trở giao thông thôn xóm.
Phần lớn các xưởng giấy trong xã Phong Khê đều không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động nên trong quá trình sản xuất đã gây ra một lượng khói bụi khổng lồ, vượt quá tiêu chuẩn cho phép ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân địa phương.
Ngoài ra, trong công nghiệ xeo giấy, để tạo nên một sản phẩm đặc thù hoặc những tính năng đặc thù cho sản phẩm, người ta còn sử dụng nhiều hóa chất và chất xúc tác. Khi chúng tôi hỏi các chủ xí nghiệp thì các nhà sản xuất đều chối rằng cơ sở mình không dùng chất tẩy trắng.
Với câu hỏi "cơ sở sản xuất của chị có sử dụng chất tẩy trắng không", chị L đã vội vã xua tay, trả lời thẳng thừng "không có". Thế nhưng, vừa ra tới ngoài sân, tôi có hỏi một nhân viên đang làm việc, anh thật thà nói: "Chắc chắn là phải có rồi. Em nhìn xem, giấy nhập vào thì ô hợp thế kia, còn giấy thành phẩm thì trắng tinh thế này". Anh nhân viên này tiết lộ, các chất tẩy trắng được cho ngay vào công đoạn đầu tiên để ngâm giấy.
Tại Hà Nội, làng Trích Sài (phường Bưởi, Tây Hồ) là một trong những nơi chuyên cung cấp "giấy phở" nổi tiếng. Làng có hơn 100 hộ dân làm nghề tái chế giấy ăn, xuất 3 - 10 tấn/tháng đổ ra cho các nhà hàng, quán ăn. Xeo giấy nhập về để lăn lóc dưới nền nhà ẩm ướt, giấy ăn thành phẩm cũng chỉ được cho vào bao tải khi có khách gọi, chưa kể, xấp giấy thành phẩm có màu trắng đục, khi lắc, vô số hạt bụi bay ra. Các chuyên gia về y tế nhấn mạnh rằng: Bụi giấy ở các loại giấy ăn chất lượng kém sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Hóa chất chống ẩm và màu công nghiệp khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng khi kết hợp với sự bài tiết của mồ hôi. Nguy hiểm hơn, khi dùng giấy lau miệng, những hóa chất này sẽ xâm nhập vào cơ thể, về lâu dài có thể gây ung thư. Ngoài ra, các hộ làm giấy ăn thủ công ở làng Trích Sài cho biết: Để tẩy trắng một tấn giấy phế liệu cần 9kg sút và 30 - 40l javen. Hai loại hóa chất này đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Theo tiêu chuẩn quốc tế, nồng độ cho phép trong nước của xút và javen là dưới 0,3mg/l. Theo các chuyên gia về hóa học: Nếu xử lý đúng quy trình, lượng xút và javen trong giấy ăn thành phẩm hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu vượt quá mức cho phép, lượng hoá chất tồn dư có thể gây kích ứng da và trở thành "ổ" bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, rộp môi... đối với người mẫn cảm".
Theo VTC
Làm mứt tết cạnh nhà vệ sinh Các mặt hàng thực phẩm như lạp xưởng, bánh mứt, cải chua... đang được tập trung chế biến để kịp tung ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đến một số cơ sở sản xuất những mặt hàng này mới thấy hãi hùng về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa hút thuốc vừa ngâm chân vào chậu mứt...