“Uống rượu bia rồi lái xe như người múa dao giữa chợ”
“Một ông uống rượu bia rồi lái xe, nếu dùng từ “người điên” thì hơi nặng, nhưng cũng có thể nói họ như người mất kiểm soát, cầm dao múa giữa chợ, uy hiếp đến an toàn tính mạng người khác”, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
Ngày 11/3, tại hội thảo “tịch thu phương tiện: pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giải thích rõ lý do tại sao đề xuất tịch thu phương tiện của người “nặng” hơi men khi lưu thông trên đường.
60% tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, chỉ trong tháng 2 vừa qua, cả nước đã xử lý trên 17.500 người vi phạm nồng độ cồn. Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia như hiện nay là không thể chấp nhận được. Và cũng chính vì mục tiêu bảo vệ tính mạng, tản sản của người dân nên Ủy ban An toàn giao thông đã đề xuất hình thức xử lý đủ sức cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đồng ý với đề xuất tịch thu xe của người “nặng” hơi men
“Một ông uống rượu bia rồi lái xe, nếu dùng từ “người điên” thì hơi nặng, nhưng cũng có thể nói họ như người mất kiểm soát cầm dao múa giữa chợ, uy hiếp đến an toàn tính mạng người khác. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị áp dụng chế tài nặng chưa từng có ở Việt Nam đối với người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, đề xuất trên dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành. Như điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ rõ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Quang Huy đưa ra dẫn chứng cụ thể: có tới 60% tai nạn giao thông hiện nay liên quan trực tiếp đến rượu, bia. Với số người chết do tai nạn giao thông là 35 người/1 ngày Tết vừa qua, ông Huy nhận thấy đó là con số rất đáng đề suy nghĩ.
“Nếu sử dụng rượu, bia không đúng mức, nó có tác hại rất lớn đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ hoàn toàn đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông, phải có chế tài thật mạnh giảm tai nạn giao thông để xã hội lành mạnh, văn minh”, ông Huy phân tích rõ.
Video đang HOT
Với mong muốn người dân tham gia giao thông được an toàn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông là tịch thu phương tiện của “ma men”. Ông Cương cũng cho biết, đề xuất trên có cơ sở pháp lý, nhưng cơ sở pháp lý ở đây đã đầy đủ chưa, rõ nghĩa chưa thì cần phải bàn tiếp.
“Người vi phạm giao thông rất phổ biến, gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, tôi trân trọng đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông. Chế tài phải mạnh mẽ, nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, lập lại trật tự, an toàn giao thông”, ông Cương nêu quan điểm.
Liên quan đến đề xuất trên có phù hợp pháp luật hay không, ông Cương cho rằng, những gì còn thiếu thì phải bàn, bổ sung để tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Cương cho biết thời gian tới có thể góp ý để Quốc hội thống nhất các vấn đề, hoàn thiện cơ sở pháp lý để có chế tài xử lý mạnh người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Lo ngại tranh chấp khi tịch thu xe của “ma men”
Ông Phan Hữu Thư – nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp – lưu ý đến tính khả thi đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông. “Bằng cách này tôi thấy tính khả thi không cao. Vì văn bản này có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chẳng nhẽ cả nhà họ có cái xe, chỉ uống vài chén rượu và lại bị thu mất”, ông Thư nói.
Nhiều vấn đề bất cập trong đề xuất được đại biểu nêu ra tại hội thảo
Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp ủng hộ chế tài phạt nặng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Tuy nhiên, điều ông Thư băn khoăn là phạt thế nào cho phù hợp. Ông Thư thiên về hướng hình phạt phải có khung tương ứng với lỗi người vi phạm.
Tiến sĩ Đồng Xuân Thành, giảng viên Đại học Công nghiệp TPHCM cũng nhận định, việc tịch thu phương tiện là chưa khả thi. “Luật tôi thấy chưa cụ thể nên phải tính toán kỹ tính khả thi của đề xuất xem diễn ra trong thực tế như thế nào để lực lượng chức năng không tùy tiện bắt giữ xe của dân”, Tiến sĩ Thành lo ngại.
Trước khi cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Hoàng Trung xin phép cho đại biểu trong hội trường biểu quyết để xem có bao nhiêu người đồng ý quan điểm tịch thu phương tiện của người “nặng” hơi men. Tuy nhiên, Luật sư Trần Vũ Hải – đại diện ban tổ chức không đồng ý. Phải mất vài phút phân bua giữa hai bên mới đi đến thống nhất, Luật sư Trung nêu ý kiến cụ thể rằng hệ thống pháp luật nếu đưa quy định này vào là chưa hợp lý bởi kèm theo nó là hàng loạt vấn đề phát sinh.
“Tôi đồng ý nâng mức xử phạt nhưng không nên tịch thu phương tiện. Nếu điều này được thực hiện tôi e sẽ xảy ra tranh chấp giữa chủ phương tiện với người cho mượn”, Luật sư Trung cho ý kiến.
Quang Phong
Theo Dantri
Yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGT) vừa có công điện yêu cầu các Bộ ngành, các tỉnh và thành phố tăng cường biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt trước những diễn biến phức tạp và tình hình tai nạn có xu hướng gia tăng.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, riêng 9 ngày tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụtai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người.Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông ngày 10/3, tại Km 639 750 (đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động) trên đường sắt Bắc - Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tàu khách SE5 do đầu máy số hiệu D19E - 968 kéo, chạy hướng Bắc - Nam đã đâm vào ô tô đầu kéo biển kiểm soát 75C-031.99 kéo rơ móc BKS 75C - 00185 đang chở đá băng qua đường sắt, hậu quả làm 1 người chết và 3 người bị thương.
Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang khu vực dân sinh. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt.
Công tác cứu hộ vụ tai nạn đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra ngày 10/3
Để ngăn chặn tình trạng này, bảo đảm TTATGT đường sắt, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu chỉ đạoTổng công ty đường sắt Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, sửa chữa đường sắt bảo đảm thông tuyến trong thời gian sớm nhất; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
Chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; tuyên truyền hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải cần chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan có liên quan rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền,phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt và cảnh báo các nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương, qua hệ thống truyền thanh xã, phường.
Đối với Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua phối hợp Tổng Công ty đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện các giải pháp trong Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020. Tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép.
Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền,phổ biến cho người dân biết quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt và cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt nhất là đường ngang không có gác chắn trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, qua hệ thống truyền thanh xã, phường.
Cùng với đó, các tỉnh và thành phố chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với Thanh tra giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm vững giờ tàu qua địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động để phát hiện, xử lý vi phạm (đóng mở chắn, hoạt động của thiết bị) và xử phạt vi phạm quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông đường bộ.
Kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt;nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý.
Yêu cầu đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn. Đối với các đường ngang trong đô thị đẩy nhanh việc thực hiện phương án kết nối hai hệ thống tín hiệu đường sắt và đường bộ để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.
C.N.Q
Theo Dantri
Tịch thu xe sẽ nảy sinh nhiều kiện tụng, tranh chấp TS Trần Thế Quân - Cục phó Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nếu được chấp thuận sẽ làm nảy sinh rất nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp. Đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy...