Ước muốn hoàn lương của 2 tử tù
Đón Tết ở tù, được ăn bánh chưng, kẹo, giò, “những thứ đó ở nhà chưa bao giờ có”, tử tù Sồng Văn Chứ hối hận: “Tôi chỉ mong Chủ tịch nước sẽ ân xá, để được về nuôi mẹ, nuôi con”. Cùng chung hy vọng, tủ tù Trần Đăng Hinh nói “Tôi tự biết tội của mình nên luôn chấp hành mọi quy định của Trại và hy vọng Chủ tịch nước xem xét tha tội chết…”.
Một cái Tết nữa qua đi, phạm nhân Sồng Văn Chứ, đang thi hành án tại Trại tạm giam Thanh Hóa biết mình được sống thêm một tuổi nữa. Mới đó mà cũng đã gần chục năm ăn Tết ở trại, trong đó có 3 năm sống với tâm trạng lo âu của người chờ thi hành án tử. Tuy vậy, Chứ cũng thấy ấm lòng bởi sự quan tâm của các cán bộ quản giáo.
Sồng Văn Chứ vốn sinh ra trong một gia đình người Mông nghèo ở bản Pá Hộc, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa. Tuổi thơ của Chứ sớm trôi qua trong sự đói khổ của gia đình có bố nghiện ma túy nặng.
Nhà nghèo, bố nghiện lại không được học hành nhiều nên khi có người dưới xuôi lên nhờ đi mua giúp ma túy, Chứ đồng ý ngay. Mỗi chuyến như vậy, Chứ được cho một ít tiền, đủ để mua thuốc phiện cho bố dùng. Chưa đến 20 tuổi, Chứ lấy vợ, sinh con trai đầu lòng. Bố vợ Chứ là Sồng A Da cũng là một đối tượng chuyên vượt biên mua ma túy. Từ khi có con rể, thi thoảng, Sồng A Da nhờ Chứ đi mua ma túy giúp mình hoặc rủ Chứ cùng đi cho vui. Năm 2002, Chứ bị bắt, bị kết án 15 năm tù giam và thi hành án ở Trại giam số 5, Bộ Công an.
Đến giữa năm 2007, đường dây ma túy do Sồng A Da cầm đầu, bị Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá, Chứ cũng có tên trong danh sách các đối tượng của đường dây. Lần này, Chứ phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Lúc mới bị kết án, Chứ suy sụp lắm. Suốt ngày chỉ khóc lóc kêu trời, than thân trách phận. Được các cán bộ quản giáo động viên, dần dần Chứ ổn định tinh thần. Bây giờ, Chứ đã phần nào ý thức được tội lỗi và trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Tôi hỏi: “Thế vợ con anh đến thăm bao nhiêu lần?”. Chứ nói giọng buồn buồn: “Chưa đến lần nào cán bộ ạ”. Rồi Chứ kể, Chứ rất thương các con. Lúc bị bắt, vợ mới chửa đứa thứ 2, bây giờ nó cũng gần 8 tuổi rồi, thế mà chưa bao giờ gặp. Đứa đầu hơn 12 tuổi, từ khi bố bị bắt, cũng chưa gặp Chứ lần nào. Tôi hỏi: “Mong muốn lớn nhất của anh là gì”. Chứ nói: “Tôi chỉ mong Chủ tịch nước sẽ ân xá, để được về nuôi mẹ, nuôi con”.
Tôi lại hỏi: “Thế anh ăn cơm có đủ no không”, nước có đủ dùng không?”. “Thoải mái cán bộ ạ, cơm ăn không hết, nước tắm rửa, nước uống cũng vậy. Thi thoảng cán bộ đi đâu về cho ít chè, tôi uống ngon lắm…”. Tết vừa rồi còn được ăn bánh chưng, kẹo, giò… những thứ đó ở nhà chưa bao giờ có.
Khác với Chứ, phạm nhân Trần Đăng Hinh, 38 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La có cuộc sống khá giả hơn. Hinh từng có gia đình hạnh phúc với một đứa con trai. Tuy nhiên, người anh trai của Hinh vì hám tiền đã lao vào mua bán ma túy kéo theo cả Hinh. Vợ Hinh can ngăn chồng không được đành bỏ nhà, bỏ chồng đi bặt tăm. Thấy mua bán ma túy có tiền, Hinh càng lún sâu vào và cặp bồ với Lê Thị Lợi, có thêm một đứa con gái.
Năm 2007, lúc đường dây ma túy từ Thanh Hóa lên Mộc Châu, Sơn La bị phát hiện, cả Hinh và Lợi bị bắt. Đây là vụ án ma túy lớn do Công an Thanh Hóa khám phá, với 6 án tử hình và nhiều án chung thân. Hinh cũng là một trong những đối tượng nhận án tử. Lợi bị 17 năm nhưng được hoãn thi hành án vì đang có thai. Lúc mới sinh con, Lợi cũng đưa con lên thăm bố. Một thời gian sau, khi sắp đến kỳ thi hành án, cô ta bặt tăm luôn. Đứa con trai lớn ở nhà không có người chăm nom đành theo mẹ sang sinh sống ở nước ngoài.
Video đang HOT
Là tử tù, nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, anh ta vẫn thấy mình xao xuyến. Hinh kể: “Tôi tự biết tội của mình nên luôn chấp hành mọi quy định của Trại và hy vọng Chủ tịch nước xem xét tha tội chết…”.
Được biết, để các phạm nhân yên tâm cải tạo, đặc biệt là các tử tù, các CBCS Trại tạm giam – Công an tỉnh Thanh Hóa luôn gần gũi, động viên, tạo tâm lý bớt lo lắng cho họ.
Chính vì vậy, ngay từ lúc giao thừa Tết Canh Dần, các anh chị em quản giáo, nhất là CBCS ở Đội Trọng án và Ban Giám thị đã đến từng phòng giam, tặng quà, chúc tết các phạm nhân. Nhờ có sự quan tâm sát sao của các cán bộ, các phạm nhân, nhất là phạm nhân tử tù đều yên tâm đón Tết không ai có biểu hiện tiêu cực. Đây là một trong những thành công lớn của Trại tạm giam Thanh Hóa trong công tác quản lý, giáo dục những người đã từng gây ra tội ác.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đường hoàn lương của cô gái "mang HIV"
Nghiện ngập, rồi đi tù vì tội buôn bán ma túy, lại phát hiện đang nhiễm trong mình căn bệnh HIV, T. đã nghĩ cuộc đời với mình thế là hết.
Quá khứ lầm lỗi
Lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến năm 23 tuổi Cao Thu T. (sinh năm 1982, ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam vì tội buôn bán ma túy.
Hết thời gian thụ án 4 năm, tháng 5/2009, T. trở về với hai bàn tay trắng. Khó khăn lắm, T. mới tìm được gia đình đã thất lạc, thì lại biết tin chồng đã qua đời trong thời gian T. ở trại. Mất nhà cửa, mất chồng... dường như khiến T. tay trắng lại hoàn trắng tay.
T. gấp quần áo đã qua giặt khô để chuẩn bị giao hàng cho khách.
Những ngày mới từ trại trở về, T. sống trong thất vọng ê chề. Vấp ngã trước những thị phi của xã hội, sự quay lưng của bạn bè, người thân và những người quen biết, khiến suy nghĩ của T. không thể nào thoát khỏi thân phận của một "con nghiện" đi tù mới về.
Căn phòng nhỏ chừng 10m2 nhưng là nơi cư trú, sinh hoạt của 5 người: bố, mẹ, T. và hai đứa con nhỏ. Mới ra tù, thật khó để T. bắt đầu làm lại cuộc đời, trong khi 5 miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào những buổi tối nhặt rác trên tàu của người mẹ già.
T. bắt đầu đi kiếm việc làm. Lần đầu tiên T. được nhận làm người giúp việc, tuy tiền lương không nhiều nhưng ít nhất nó là những bước đầu tiên để T. làm lại cuộc đời.
Đi giúp việc được 2 tuần, T. lại đến bệnh viện thử máu theo yêu cầu của chủ nhà. T. bỗng lặng người trước kết quả trên tay: dương tính với HIV. Đau đớn, bất ngờ, sốc thật sự với T. Phía trước T. là không còn việc làm, mới ra tù, lại mang trong mình hai căn bệnh HIV và viêm gan.
"Hạnh phúc đựng trong một tà áo hẹp"
Đang tâm sự, phải mất một khoảng im lặng thật sâu, T. mới cất giọng nói tiếp như một lời thì thầm: "Thực sự T. cũng không biết mình mắc căn bệnh từ đâu, và từ khi nào? Lúc cầm kết quả trên tay, T. không còn nghĩ được gì cho mình nữa. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là liệu hai đứa nhỏ có bị nhiễm căn bệnh này?".
Ngay sau đó, T. đã đưa hai đứa con đến bệnh viện. Thật may mắn, chúng không bị nhiễm HIV. Đó là niềm vui lớn nhất mà từ trước đến giờ T. chưa từng trải qua.
Khi biết T. bị HIV, nhiều người càng trở nên xa lánh. Từ mặc cảm, tự ti, T. bắt đầu tự nhốt mình trong nhà. "T. sợ sự dè bỉu của tất cả mọi người, sợ sự quay lưng của xã hội lắm..." - T. mím chặt môi: "T. đã cố làm tất cả mọi việc, từ bán nước, nhặt rác, và đẩy xe rác thuê, nhưng không việc nào được suôn sẻ, chán nản, tuyệt vọng lắm".
Sau đó, được sự giúp đỡ về tinh thần của các cô, các chú trong một tổ chức nhân đạo, T. bắt đầu lấy lại niềm tin cho chính mình. Sau suốt quãng thời gian đi bộ khắp thành phố Hà Nội tìm việc làm và tham gia các CLB chia sẻ, T. được các cô chú cho 100 nghìn để mua chiếc xe đạp cũ.
Sau quãng thời gian tìm việc gian nan, T. tìm đến hiệu giặt là của chị Đặng Bích Nga. Đây là nơi cưu mang, cũng là nơi đem lại công việc cho cả 5 chị em - những nạn nhân của bạo hành gia đình. Năm con người, năm số phận khác nhau. Người mất chồng, người mất con, hay chỉ vì lỗi sinh con một bề, các chị bị đuổi ra khỏi nhà.
"Tại cửa hiệu giặt là, thu nhập cho cả năm người không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc sống cho các chị em, nhưng thôi thì đều là những số phận đáng thương, các chị em cưu mang lẫn nhau, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều" - chị Nga, chủ cửa hiệu tâm sự.
Cửa hiệu giặt là, nơi cưu mang những chị em, nạn nhân của bạo hành gia đình.
Chị Nga cho biết, ở cửa hiệu chỉ có T. là ít tuổi nhất, còn tất cả các chị đều trên 50 tuổi, có người gần 60, lại không biết đi xe đạp, nên T. được đảm nhiệm công việc hàng ngày đạp xe đi lấy hàng và giao hàng.
Nhưng rồi thu nhập của việc giặt là cũng không mấy ổn định, công việc lúc có lúc không. Vì vậy ngoài việc giặt là, chị Nga phải kiếm thêm việc gấp vàng mã cho các chị em. Chị Nga đã tìm nhiều cách, nhưng hàng tháng thu nhập của mỗi chị em cũng chỉ được khoảng 500 đến 600 nghìn.
Trong 5 chị em ở tiệm giặt là, có lẽ T. là khó khăn nhất vì một nách hai con, con gái lớn 13 tuổi, con trai 8 tuổi, trong mình lại mang hai căn bệnh, không thuốc thang chạy chữa. Và có thể với cái thân hình gầy gò ấy, T. sẽ gục ngã bất cứ lúc nào. Nhưng với thu nhập của T. hiện nay thì việc mua thuốc để khống chế cho một trong hai căn bệnh T. đang mang trong người là một điều không tưởng.
Nói chuyện với chúng tôi, T. không giấu được những cảm xúc của mình. Đôi vai khẽ rung lên, môi cố mím chặt những tiếng nấc. T. tâm sự, với T. những lỗi lầm trong quá khứ đã không thể lấy lại, ân hận cũng đã quá muộn màng. Vì thế quãng đời dù ngắn ngủi còn lại T. cũng sẽ làm một người lương thiện, làm những công việc lương thiện.
Dẫu rằng không thiếu những lần khó khăn vất vả, những sự rủ rê của bạn bè khiến T. có đôi chút xao lòng, nhưng nhờ có các chị, và hơn nữa là hai đứa con T. đang ngày một lớn, không thể để chúng đi theo con đường lầm lỡ trước đây T. đã đi.
T. lại gồng mình lên để sống. Từng ngày T. thực sự đang cố gắng bắt đầu lại con đường hoàn lương dù phía trước còn lắm chông gai.
Theo Vietnamnet
Đường hoàn lương của cô gái 'mang HIV' Nghiện ngập, rồi đi tù vì tội buôn bán ma túy, lại phát hiện đang nhiễm trong mình căn bệnh HIV, T. đã nghĩ cuộc đời với mình thế là hết. Quá khứ lầm lỗi Lấy chồng từ năm 16 tuổi, đến năm 23 tuổi Cao Thu T. (sinh năm 1982, ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị bắt và bị kết án...