Ước mơ mang bình yên cho Thủ đô
Đại úy Tùng tâm sự, dù có ở vị trí nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải hoàn thành trách nhiệm của một người chiến sĩ công an đó mang bình yên đến với mọi gia đình và người dân Thủ đô.
Tôi gặp Đại úy Nguyễn Trọng Tùng, Trưởng Công an phường Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội) chỉ ít ngày trước khi anh tham dự Lễ biểu dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014. Là người đại diện cho Công an TP Hà Nội, Nguyễn Trọng Tùng đã có những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đại úy Tùng tâm sự, anh luôn có một tâm niệm đó là khi đã lựa chọn công viêc nghĩa là phải phải sống hết mình với nó bất kể những khó khăn gian khổ. Và dù có ở vị trí nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải hoàn thành trách nhiệm của một người chiến sĩ công an đó mang bình yên đến với mọi gia đình và người dân Thủ đô.
Những chiến công thầm lặng
Trước khi trở thành Trưởng Công an phường Văn Chương, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng đã từng có thâm niên hơn 10 năm là lính hình sự. Cái chất “hình sự” thể hiện trong mỗi chuyên án quyết liệt, bản lĩnh, mau lẹ là vậy thế nhưng khi nói về bản thân mình thì anh lại hết sức dè dặt.
Anh không muốn nói nhiều đến những chiến công của mình bởi: “Mỗi khi tôi tham gia một chuyên án, tôi đều coi đó như là nhiệm vụ và có trách nhiệm phải hoàn thành. Tất cả những thành tích mà tôi có được ngày hôm nay đều có được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn từ những người đồng đội. Nếu chỉ có một mình thì chắc chắn đã không thể làm được như vậy”.
Dù vẫn biết những chiến công đều là công sức của cả tập thể thế nhưng nhìn vào những thành tích đấu tranh phòng chống tội phạm của Đại úy Nguyễn Trọng Tùng mới thấy hết được những nỗ lực của anh.
Trưởng thành từ một người lính hình sự rồi trở thành đội phó, anh đã cùng đồng đội tham gia phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ. Và với những chiến công của mình anh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Đại úy Nguyễn Trọng Tùng nhận nhiệm vụ ở đội Hình sự Công an quận Đống Đa ngay sau ngày tốt nghiệp ra trường. Những năm gắn bó, lăn lộn với địa bàn là cả một quá trình dài anh rèn luyện và thử thách bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Nhiều vụ án giết người, cướp tài sản nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Đống Đa trong những năm gần đây anh đều trực tiếp tham gia phá án cùng đồng đội. Những người từng quen biết và làm việc cùng người Đại úy sinh năm 1980 này đều không lạ gì sự nhanh nhẹn, quyết đoán, và khả năng phán đoán tình huống của anh trong những vụ án khó hoặc có tính chất phức tạp.
Còn nhớ vụ án buôn bán người xảy ra trên địa bàn thành phố tháng 6-2010. Ban đầu chỉ từ một vụ việc Trạm cảnh sát Ga Hà Nội phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi mua bán người từ Nam Định để đưa lên Lào Cai và sang Trung Quốc làm gái bán dâm.
Sau khi được Ban chỉ huy công an quận Đống Đa giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình điều tra, phá án, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa bàn với nhiều đối tượng. Anh đã quyết tâm đấu tranh khai thác mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng và giải cứu an toàn cho các nạn nhân.
Với tinh thần kiên quyết đấu tranh, tấn công tội phạm đến cùng, sau hơn 2 tháng điều tra với rất nhiều vất vả, khó khăn anh và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm rõ 15 vụ mua bán người, trẻ em để làm gái mại dâm, giải cứu và tìm được 17 nạn nhân trong đó có 8 cháu là trẻ em, 2 cháu dưới 13 tuổi và khởi tố 29 bị can trong vụ án.
Đại úy Nguyễn Trọng Tùng tâm sự, đối với những vụ án hình sự xảy ra đều cần phải được xử lý một cách nhanh nhạy. Chính vì vậy, dù tính chất phức tạp đến đâu, cũng đều đòi hỏi người chiến sỹ khi tham gia phá án phải có sự tập trung kiên trì để tìm ra manh mối đấu tranh, giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12-2011 đến tháng 3-2012 trên địa bàn quận Đống Đa xảy ra nhiều vụ trộm cắp gỗ Sưa đỏ. Xác định hành vi phạm tội ngang nhiên, bất chấp pháp luật của các đối tượng đã gây nhiều những bức xúc trong dư luận xã hội, Đội Cảnh sát hình sự đã lập chuyên án để đấu tranh.
Video đang HOT
Sau khi triển khai đồng bộ các biện pháp trinh sát, phối kết hợp với tuần tra, mật phục lực lượng Cảnh sát Hình sự phối hợp với các đơn vị đã phát hiện và bắt giữ được 1 đối tượng có hành vi trộm cắp cây gỗ Sưa.
Trên cơ sở này, Nguyễn Trọng Tùng cùng đồng đội đã tiến hành đấu tranh khai thác, mở rộng vụ án tại Ninh Bình, Thanh Hóa truy bắt thêm 11 đối tượng khác đã gây ra 17 vụ trộm cây gỗ Sưa trên địa bàn Hà Nội để củng cố hồ sơ, chứng cứ truy tố trước pháp luật.
Trong vai trò là Đội phó Đội Hình sự quận Đống Đa, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng đã tham gia chỉ đạo điều tra nhiều vụ án phức tạp trên địa bàn quận trong đó đặc biệt là những vụ án cướp giật bằng xe máy. Một trong những khó khăn khi đấu tranh với những đối tượng này là do chúng hoạt động trên địa bàn rộng lại rất manh động và liều lĩnh, nên quá trình truy bắt có thể gây nguy hiểm cho lực lượng công an cũng như người dân.
Các đối tượng trong đường dây buôn bán người
Lính hình sự có duyên bắt… ma
Trong công việc của mình, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng xác định luôn phải đặt mục tiêu đấu tranh phòng chống tội phạm lên hàng đầu. Chính vì vậy mặc dù là một trinh sát hình sự, nhưng Tùng cũng đã nhiều lần tham gia phá án ma túy mà hầu hết đều là những chuyên án lớn. Có thể kể đến chuyên án vào cuối tháng 8-2013.
Qua công tác nắm tình hình địa bàn, Tùng phát hiện nguồn tin có một đối tượng ở Phúc Thọ, Hà Nội giao bán ma túy với số lượng lớn. Sau khi xác minh nguồn tin là chính xác Tùng đã báo cáo Ban chỉ huy Công an quận Ba Đình để lập chuyên án mang bí số VA-207 nhằm đấu tranh.
Đại úy Nguyễn Trọng Tùng được Ban chuyên án phân công phụ trách một mũi trinh sát dựng lại nhân thân, lai lịch các đối tượng đồng thời xác định quy luật đi lại và mọi di biến động của đối tượng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, mũi trinh sát của người Đội phó Đội Hình sự xác định được nguồn ma túy là từ Mộc Châu – Sơn La chuyển về và địa điểm giao dịch ở huyện Đan Phượng – Hà Nội. Nhận được lệnh phá án, anh cùng các đồng đội đã mật phục và bắt giữ được 3 đối tượng khi chúng đang thực hiện việc giao dịch, mua bán ma túy tại nhà nghỉ ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng với tang vật thu giữ gồm 2 bánh heroin.
Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình đấu tranh, khai thác các đối tượng bị bắt, Ban chuyên án xác định đây là một ổ nhóm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy lớn trong đó có một số đối tượng ở “đầu nguồn” chuyên cung cấp ma túy cho nhóm đối tượng này.
Với quyết tâm không để bỏ sót đối tượng, lãnh đạo Công an quận Đống Đa đã giao cho Đại úy Nguyễn Trọng Tùng cùng một tổ công tác đi Mộc Châu, Sơn La để xác minh, truy bắt đối tượng. Sau nhiều ngày lăn lộn ở vùng “rốn” ma túy, tổ công tác đã xác minh và bắt được một đối tượng quan trọng trong đường dây ma túy này.
Không lâu sau khi chuyên án VA-207 kết thúc, Nguyễn Trọng Tùng cùng đồng đội lại tiếp tục phá một chuyên án ma túy lớn khác. Đó là vào thời điểm tháng 11-2013, từ nguồn tin cơ sở Đội CSHS Công an quận Đống Đa xác định đối tượng có tên Trần Quang Báu (SN 1980) trú tại Thái Nguyên thường xuyên mua bán, vận chuyển số lượng lớn ma túy từ Sơn La đi qua Hà Nội về Thái Nguyên.
Sau khi báo cáo lãnh đạo Công an quận và được sự đồng ý, đội CSHS Công an quận Ba Đình đã lập chuyên án đấu tranh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sáng ngày 19-11-2013, tổ công tác của Đại úy Nguyễn Trọng Tùng phát hiện đối tượng Báu đang trên đường vận chuyển ma túy từ Sơn La qua Hà Nội về Thái Nguyên để tiêu thụ đã lập tức thông báo với Ban chuyên án.
Kế hoạch đánh án lập tức được đưa ra, Báu cùng một đối tượng khác bị bắt giữ cùng với tang vật là 1 bánh heroin cùng hơn 4.000 viên ma túy tổng hợp. Đấu tranh khai thác tại chỗ được biết còn 2 đối tượng khác trong đường dây này đang trên đường từ Sơn La trở về. Ngay lập tức Ban chuyên án đã giao cho anh cùng đồng đội chia thành 2 tổ công tác dẫn giải các đối tượng đi Sơn La để phối hợp bắt giữ các đối tượng còn lại. Kết thúc chuyên án, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng cùng các đồng đội đã bắt giữ thêm 3 đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy trái phép này.
Ở vị trí nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ
Kể về con đường đã đưa anh đến với nghề, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng luôn tự hào vì mình đã tiếp bước truyền thống gia đình. Từ ngày nhỏ, Tùng đã ngưỡng mộ công việc của bố mình cũng là một cán bộ trong ngành Công an và luôn có ước mơ sẽ được khoác trên mình bộ sắc phục công an để truy bắt tội phạm.
Mong muốn ấy cứ lớn dần, trở thành một sự thôi thúc mãnh liệt và giúp anh quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng. Thế nhưng, điều đặc biệt hơn cả, mà nói như người cựu trinh sát hình sự này là công việc nhiều lúc bận rộn đến “không còn thời gian để đi tìm hiểu bạn gái” nhưng duyên phận đã đưa anh đến với người bạn đời cũng là một chiến sỹ công an đang công tác tại Công an Hà Nội.
Giờ đây khi chuyển về vị trí mới với vai trò là Trưởng Công an phường Văn Chương, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng vẫn luôn tâm đắc với một điều dù ở bất kỳ vai trò nào thì cũng luôn phải hết mình với công việc, thực sự tâm huyết với nghề và hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của mình.
Anh tâm sự: “Dù ở cương vị công tác mới chắc chắn sẽ vẫn còn bộn bề những khó khăn, nhưng nếu biết phát huy tính tập thể, biết dựa vào đồng đội, biết nâng cao được sức mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì tôi tin rằng sẽ có thể vượt qua được khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Với những thành tích và chiến công xuất sắc của mình, Đại úy Nguyễn Trọng Tùng đã vinh dự được tuyên dương là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014. Sự ghi nhận ấy là một phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh trong cuộc đấu tranh đem lại sự bình yên cho Thủ đô.
Theo Duy Minh
An ninh thủ đô
Gánh gồng cực nhọc nuôi ước mơ con
Ở một vùng quê nghèo của tỉnh Phú Yên, có người mẹ quê mới 40 tuổi nhưng đã phải đơn chiếc nuôi con bằng nghề chặt mía thuê.
Hết vụ, chị lại vào TP.HCM làm "ôsin" kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng, chị có một niềm tin để chịu đựng mọi cực nhọc: hai cô con gái của chị đều là sinh viên hai trường ĐH tại TP.HCM.
Chúng tôi gặp ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hồng - người mẹ tảo tần nuôi con học ĐH - vào một buổi tối muộn. Chị mới đi làm về. Công việc hiện tại của chị ở TP.HCM là giúp việc nhà. Mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, chị cười tươi rói khi hai con gái ra dắt xe đạp vào nhà trọ cho mẹ.
Chị Hồng (giữa) hạnh phúc với hai cô con gái học giỏi, hiếu thảo.
Tay mẹ gãy mấy lần...
Lê Thị Quỳnh Như - cô con gái út của chị Hồng mới đậu ĐH Y dược TP.HCM, ngành nữ hộ sinh - nhớ lại chuỗi ngày nhọc nhằn của mẹ:
"Năm tôi vào cấp III, chị gái Lê Thị Diễm Nhi đang học lớp 12 thì cha mẹ ly hôn. Tôi còn nhỏ nên chưa cảm nhận được nhiều. Chị hai có lẽ hiểu chuyện nên hay buồn. Có lần vào một buổi tối tôi thấy chị và mẹ ngồi ôm nhau khóc.
Rồi sau đó chị chuyên tâm học và đậu vào ĐH Công nghiệp TP.HCM, ngành cắt may. Ngày ngày, mẹ đi chặt mía thuê từ sáng sớm đến tối mịt mới về.
Tay mẹ gãy mấy lần do lúc leo thang chuyển bó mía nặng gần 20 ký lên xe thì thang trơn trượt... Vậy mà chưa bao giờ mẹ cho chị em tôi thấy mẹ đau hay buồn. Mẹ luôn nhắc chị em tôi phải ráng học vì mẹ bảo "người đẹt lét như tụi bây không học thì làm được cái chi".
Vậy là ngôi nhà tuềnh toàng của bà Nguyễn Thị Hương (bà ngoại Như, ở đội 3, thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trở thành mái ấm của ba mẹ con Lê Thị Quỳnh Như.
Tai nạn trong lần chuyển mía trước Tết 2014 xảy đến với chị Hồng. Chị bị bó mía đâm thấu bụng phải phẫu thuật. Sức khỏe yếu hẳn, chị Hồng không thể đi chặt mía thuê nữa.
Áp lực càng đè nặng lên chị: tiền học của cô con gái lớn ở Sài Gòn, cuộc sống của chị, con gái út và mẹ già ở quê. Thêm nữa là cô út Quỳnh Như cũng sắp vào ĐH.
"Út Như thường bảo con sẽ thi ngành y, sau này còn chăm sóc cho mẹ và ngoại. Làm bác sĩ mới cứu người được..." - chị Hồng tâm sự.
Tết 2014, mẹ của Như, Nhi vào Sài Gòn giúp việc nhà, khi cô con gái lớn vừa bước sang năm 2 ĐH, còn cô út chuẩn bị thi ĐH y. Mỗi tháng, từ Sài Gòn, chị gửi về vài trăm ngàn đồng gọi là tiền đi chợ cho hai bà cháu.
Ba của Như, Nhi cũng lo phụ thêm. Nhưng đồng tiền kiếm được ở quê thật quá nhọc nhằn. Cuộc sống thiếu trước hụt sau nên bà ngoại Như, Nhi chi tiêu rất dè sẻn, nhiều khi đi chợ chỉ 5.000-6.000 đồng.
Thấm thía cảnh nhà nên Như ra sức học. "Nó học ở trường rồi đi học thêm, ngày nào cũng 8 giờ tối mới về nhà. Nhiều hôm trời mưa, nó cũng loi ngoi lóp ngóp đi học. Tui để phần cơm, chờ cửa. Nó về, ăn cơm xong thì học đến nửa đêm. Nó nói nhà mình khổ quá, con phải ráng học, nếu không thì uổng công mẹ cực khổ nuôi tụi con" - bà ngoại Như rưng rưng kể về đứa cháu của mình.
Thao thức cùng con
Hai cô sinh viên quê Phú Yên nay đã tạm ổn định việc trọ học ở TP.HCM. Ba mẹ con sống nhờ phòng trọ của mấy người cháu cùng quê. Chị Hồng đi giúp việc nhà gần đó từ 6h sáng đến 9-10h tối mới về. Trên gác gỗ chật hẹp, nóng bức chỉ có một cây quạt nhỏ dành cho bốn cô sinh viên học bài buổi tối.
"Phần vì tụi nhỏ học bài để đèn khó ngủ, phần vì chật, nhiều đêm thức miết tới gần sáng mới chợp mắt đã tới giờ đi làm. Nhưng thấy con lo học mình cũng vui, có động lực mà làm" - người mẹ nhỏ nhắn của hai cô sinh viên bộc bạch.
Khó khăn vẫn chưa hết với ba mẹ con chị Hồng. Món nợ vài chục triệu sau cuộc phẫu thuật dịp tết vẫn còn ở quê. Chị vừa lo học phí cho hai cô con gái vừa lo chi phí trọ học cho ba mẹ con ở TP.HCM.
"Nợ ở quê thì trả lần lần cũng được, cốt là lo học phí mỗi kỳ gần 10 triệu đồng cho hai đứa. Cứ năm tháng đóng một lần. Gần tới ngày đóng học phí là tôi thao thức tới mất ngủ. Tôi đang tính đi làm thêm gì đó sau giờ làm để có đồng ra đồng vào phòng hờ..." - bà mẹ quê tính toán.
Biết nhọc nhằn của mẹ, cô con gái lớn tranh thủ đi làm thêm từ khi mới vào TP.HCM. Ngoài giờ học, Nhi làm thêm cho một tờ báo mua sắm vào buổi tối. Bài toán chi tiêu, học phí của ba mẹ con Nhi, Như cứ xoay vòng vòng mỗi ngày.
Nhi ao ước có một chiếc máy khâu để thực hành nghề may. Như cũng mong có thêm nhiều dụng cụ học tập để thực hành, không bị nợ học phí mỗi kỳ mỗi tăng. Có lẽ vì những ao ước của hai cô con gái mà không đêm nào chị Hồng trọn giấc.
Theo Lê Vân - Phương Trà/Báo Tuổi trẻ
Không thể bình yên khi nhìn anh Anh đã có gia đình và 2 nhóc đáng yêu. Anh hạnh phúc và thành đạt. Tôi vui vì người tôi yêu thương được hạnh phúc. Nhưng tôi cứ muốn được gặp anh, được ở cạnh anh, được nhìn thấy anh và gục đầu vào vai anh để khóc. Ảnh minh họa Tôi và anh lớn lên trong căn xóm nhỏ đầy hồn...