Ước mơ dang dở của những học sinh mất tích
Cho Eun-jung, một học sinh có mặt trên chiếc phà chìm Sewol, từng mong muốn trở thành một dược sĩ, có một công việc ổn định để ba mẹ đỡ vất vả.
Các học sinh của trường Danwon dự lễ tưởng niệm các bạn học thiệt mạng trên phà Sewol hôm 18/4. Ảnh: WSJ
Cho Moon-gi, bố của Cho Eun-jung, nói lần cuối ông nhìn thấy con gái khi cô bé đang ngủ vào sáng 15/4, trước khi ông đi làm. Dù cố lay nhưng ông không thể đánh thức con gái, ông đã hôn lên trán cô. Ông lý giải việc cô bé tuân theo chỉ dẫn sai lầm của thủy thủ đoàn khi phà nghiêng là do tính kỷ luật nghiêm khắc của Cho Eun-jung.
Đêm trước khi lên phà, Cho Eun-jung chuẩn bị đồ ăn vặt cho bạn bè và hứa với ba mẹ sẽ mang một hộp đầy quýt từ Jeju về. “Nó là đứa luôn cố gắng khiến ba mẹ vui lòng”, ông Cho Moon-gi nói.
Ông Cho bị mất việc năm ngoái khi nhà hàng nơi ông làm việc phá sản. Biết rằng gia đình khó khăn, Cho Eun-jung tự đăng ký và giành được học bổng vào trường Danwon. Cô bé mong muốn sau này trở thành dược sĩ để giúp đỡ gia đình nghèo khó.
Trong khi chờ thông tin ở đảo Jindo, ông Cho tắt dần hy vọng con gái mình còn sống: “Tôi tự nói với mình phải đối mặt với điều tồi tệ nhất. Nhưng ý nghĩ đó khiến tôi phát điên. Tôi không muốn từ bỏ tới khi tận mắt thấy thi thể con gái mình”.
Kim Si-yean rất háo hức với chuyến đi đến đảo Jeju. Ảnh: WSJ
Còn với mẹ của nữ sinh 17 tuổi Kim Si-yeon, buổi sáng 16/4 thật khủng khiếp. Lúc đó bà đang xem truyền hình thì thấy tin chiếc phà trên đường đến đảo Jeju bị nghiêng ngoài khơi tây nam.
Chưa hết ngỡ ngàng, khoảng 9h36 phút, bà nhận được cuộc gọi từ con gái mình: “Mẹ ơi có điều gì rất lạ với chiếc phà. Nó đang nghiêng”. Kim Si-yeon không hề biết chiếc phà đang chìm dần. Cuộc gọi nhanh chóng bị cắt đứt do mất tín hiệu.
Video đang HOT
Đến 10h, Kim Si-yeon gọi lại được cho mẹ mình, nhưng cuộc gọi chưa đầy một phút. Cô nói bị thương ở chân do va đập trên phà, mẹ cô trấn an: “Con đừng lo lắng, hãy ở yên đó, mẹ sẽ đến ngay”.
“Nhưng mẹ không đến được đâu, không thể đâu”, Kim Si-yeo trả lời. Cô nói đã mặc áo phao và sẵn sàng lên thuyền cứu hộ: “Con sẽ gọi lại cho mẹ khi con thoát ra”. Rồi điện thoại lại ngắt.
Bà mẹ 38 tuổi liên tục gọi lại, cả bằng di động và số có định. Bà chầu chực suốt nhưng cô bé không bao giờ gọi lại được. Cuối cùng, bà chỉ biết nhắn một cái tin: “Xin lỗi con mẹ đã không ôm tạm biệt con”.
Trước đó, tối 14/4, Kim Si-yeon cùng bố và em gái tổ chức bữa tiệc sinh nhật giản dị cho mẹ cô tại nhà hàng barbecue Mapo-Galmaegi.
Sáng hôm sau, mẹ Kim Si-yeon lái xe đưa cô đến trường Danwon, để Kim Si-yeon cùng hơn 300 bạn học đi thăm quan đảo Jeju. Chuyến đi này đặc biệt không chỉ vì là chuyến đi chơi chung cuối cùng của nhóm học sinh cuối cấp của trường, mà còn vì Kim Si-yeon sẽ biểu diễn một tiết mục trong buổi trình diễn tài năng ở đảo Jeju.
Kim Si-yeon rất hồi hộp vì cô bé chưa hài lòng với phần nhạc nền do cô tự chuẩn bị từ mấy hôm trước, mẹ cô nói. Là một học sinh theo học chuyên ngành diễn kịch, Kim Si-yeo rất thích thú khi được đứng trước đám đông ở trường Danwon. Cô đặc biệt thích những cặp kính to bản với thấu kính gương, chạy xe mô tô màu đỏ và mặc quần ống bó.
“Bạn ấy có phong cách riêng”, Park Seoung-hyeon, một thành viên của câu lạc bộ nhạc kịch của trường nói về Kim Si-yeo. Là trưởng nhóm của câu lạc bộ này, cô lên kịch bản hầu hết các màn trình diễn của trường thời gian gần đây và thực sự tâm huyết với các vai diễn của mình.
Kim Si-yeo bắt đầu chơi guitar cùng ba mình ở trường tiểu học, sau đó chuyển dần sang soạn nhạc điện tử. Cô cũng viết những kịch bản lãng mạn mà các nhân vật chính là các nhóm nhạc K-pop yêu thích của mình.
Mẹ Kim Si-yeo cho biết cô bé dự định thi vào khoa truyền thông và diễn xuất của đại học Sungkyunkwan của Seoul, một nơi quy tụ nhiều tài năng. Kim Si-yeo cùng bạn bè rất háo hức đến Jeju để đi dạo và thăm các vườn quít. Các học sinh khóa trước đến thăm đảo năm ngoái kể lại họ thích đi bằng phà vì họ có thêm một ngày nghỉ ngơi.
Các em học sinh dự kiến trở về nhà bằng máy bay và tụ họp ở trường vào ngày 18/4 vừa rồi. Nhưng thời điểm đó lại chính là lễ tưởng niệm những em đã thiệt mạng. Bố của Kim Ye-jeon, một học sinh vẫn mất tích nói: “Điều này dường như không phải là thực”.
Rất đông xe đỗ ở con đường nhỏ hẹp ở lối vào phòng tang lễ của một bệnh viện ở Ansan, gần trường trung học Danwon. Mọi người bận đồ tối màu, an ủi lẫn nhau, các em học sinh nắm tay nhau thổn thức.
Theo VNE
Cú rẽ đột ngột của nữ thuyền phó là nguyên nhân chìm phà Sewol
Cú rẽ đột ngột của nữ thuyền phó 25 tuổi thiếu kinh nghiệm được cho là nguyên nhân căn bản dẫn đến vụ lật phà Sewol.
"Khi phà đang tiến về vùng biển gần Jindo, đáng lẽ tôi phải cho phà đi chậm lại trước khi rẽ phải, nhưng tôi vẫn rẽ khi tàu đang chạy với vận tốc gần như cao nhất", Korea Joongang Daily dẫn lời nữ thuyền phó Park trả lời thẩm vấn các nhà điều tra cuối tuần qua. Park là người điều khiển phà Sewol thay thuyền trưởng sáng 16/4.
(Từ trái sang) Thuyền phó thứ nhất tên Cho, thuyền trưởng Lee Joon-seok và nữ thuyền phó Park của phà Sewol. Ảnh: AFP.
Phà chạy với vận tốc 35 km/h, Park nói, trong khi vận tốc tối đa của nó là 39 km/h. "Sau đó, bánh lái tự trượt nhanh chóng, và con tàu mất thăng bằng, tôi không thể kiểm soát được nữa", thuyền phó 25 tuổi nói.
Đội điều tra cho biết, cú rẽ đột ngột của thuyền phó có một năm kinh nghiệm lái tàu lớn, có thể là nguyên nhân của vụ lật phà.
"Đột ngột chuyển hướng con tàu 6.800 tấn đang ở vận tốc 35 km/h giống như cho một chiếc ôtô đang chạy với vận tốc 100 km/h rẽ phải", ông Kim Seong-jin, một thuyền trưởng kỳ cựu có 10 năm kinh nghiệm lái các tàu lớn, cho biết.
Hỗ trợ cho Park là một thuyền phó tên Cho, 55 tuổi, cảnh sát cho biết. Thuyền trưởng Lee Joon-seok, 69 tuổi, đã không ở trong phòng chỉ huy. "Đáng lẽ tôi phải giám sát hành trình vì khu vực này nổi tiếng nguy hiểm", ông Lee nói trong phiên thẩm vấn.
Theo các nhà điều tra, phà đang đi về hướng đông nam khi Park thực hiện cú rẽ 90 độ đầu tiên vào 8h48, rẽ sang hướng tây nam. Sau cú rẽ, phà đi chậm lại với vận tốc chỉ 6 km/h và di chuyển trong 4 phút. Sau đó, không hiểu vì sao phà có cú rẽ thứ hai về phía bắc vào lúc 8h52 và đi thêm 1,6 km nữa. Vào 10h08, phà dừng lại và bắt đầu lật. Các quan chức cho biết điểm mấu chốt trong vụ chìm phà là sự việc xảy ra vào 8h52, khi phà rẽ lần hai.
Phà Sewol rẽ phải lần một ở một góc 90 độ vào lúc 8h48. Nó rẽ lần hai vào lúc 8h52. Đồ họa: KoreaJoongangDaily
Một số chuyên gia hàng hải cho rằng phà bị mất kiểm soát sau cú rẽ đầu tiên, vì vận tốc hạ quá nhanh. Vận tốc giả đồng nghĩa với việc động cơ không hoạt động. Kim Gil-su, một giáo sư về giao thông hàng hải tại Đại học Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc cho biết, chân vịt của phà dường như bị hỏng sau cú rẽ đầu.
"Nếu chân vịt phải của tàu bị hỏng, lực đẩy của nó chỉ còn nằm ở bên trái, vì vậy toàn thân tàu có thể bị nghiêng sang phải", ông Kim nói. "Sau cú rẽ đầu tiên, phòng chỉ huy định rẽ sang trái, nhưng chân vịt hỏng có thể đã làm tàu một lần nữa rẽ sang phải".
"Đáng lẽ cô ấy có thể cân bằng tàu bằng cách rẽ phải một lần nữa", ông Lee Myeong-gyu, một giáo sư hàng hải học tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, cho biết. Các chuyên gia loại trừ khả năng phà đâm vào đá vì phần đáy không bị hư hại.
Tòa án đã phát lệnh bắt giữ thuyền trưởng Lee, thuyền phó Park và thuyền phó Cho và ba thuyền viên khác vì một số cáo buộc, trong đó có ngộ sát.
Tranh cãi xung quanh hành vi của các thuyền viên trên phà Sewol càng mở rộng, khi một nhân chứng hôm qua cho rằng thuyền phó Cho mới là người không phát lệnh sơ tán.
"Thuyền trưởng đã phát lệnh rời tàu tới thuyền phó thứ nhất khi tàu đang chìm. Thuyền phó thứ nhất có trách nhiệm chỉ huy việc sơ tán hành khách", Herald Business dẫn lời ông Oh Yong-seok, một trong những người lái phà Sewol, nói. Đây là bằng chứng đầu tiên ủng hộ tuyên bố của ông Lee rằng ông đã ra lệnh sơ tán trước khi rời phà.
"Tôi thấy thuyền phó thứ nhất đang cầm một chiếc điện thoại di động, nhưng tôi không thấy ông ấy gọi các thuyền viên khác hay hành động để phát lệnh", ông Oh cho hay. Tuy nhiên, ông không nhớ thời điểm lệnh được phát đi.
Cuộc điều tra cũng hé lộ rằng thuyền phó thứ nhất là người nói trong cuộc đàm thoại giữa phà Sewol và trạm kiểm soát hàng hải Jindo VTS. Phà liên lạc với Jindo VTS trong phòng 31 phút, bắt đầu từ 9h06.
Trong cuộc đối thoại cuối cùng, thuyền phó này liên tục hỏi lực lượng tuần duyên đang ở đâu, khi Jindo VTS khuyên thủy thủ đoàn thực hiện các biện pháp an toàn và sau đó là bỏ phà.
Ông này cũng nói với Jindo VTS rằng hệ thống phát thanh không hoạt động và ông không thể phát lệnh sơ tán toàn tàu vào 9h23 sáng. Thủy thủ đoàn phụ trách thông báo trên tàu thì cho hay lệnh mặc áo phao được phát đi lúc 10h sáng, còn lệnh sơ tán diễn ra 15 phút sau.
Vụ chìm phà chở 476 hành khách tuần trước được coi là thảm họa thời bình tồi tệ nhất ở Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ, khi hơn 100 người được xác định đã chết và hàng trăm người vẫn mất tích.
Theo Docbao
Người đầu tiên báo thảm họa chìm phà là một bé trai Cuộc gọi báo nguy đầu tiên từ chiếc phà chìm của Hàn Quốc là của một cậu bé có giọng run run tới trạm cứu hỏa, ba phút sau khi chiếc phà có cú rẽ định mệnh, Reuters đưa tin. Cuộc gọi được chuyển tới lực lượng bảo vệ bờ biển hai phút sau đó và tiếp theo là 20 cuộc gọi từ...