Ước mơ của bà ngoại sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện
“Mẹ nào mẹ chẳng thương con, thương cháu nhưng giờ có thương thì tôi cũng chẳng biết làm gì cả…”, bà ngoại Lê Văn Luyện nói trong sự nghẹn ngào.
Tội ác của Lê Văn Luyện khiến người thân lâm vào cảnh khốn cùng
Đã hơn 2 năm từ khi Lê Văn Luyện gây ra tội ác tày đình cũng là từng ấy thời gian mà nỗi đau, sự tủi hổ đè nặng lên vai những người thân, gia đình của hắn.
Cũng chỉ vì suy nghĩ nhiều, lo sợ trả thù nên từ một người phụ nữ tháo vát, khỏe mạnh, bà Trương Thị Thơm (mẹ Lê Văn Luyện – PV) đã bị bệnh thần kinh và phải bỏ nhà đi ở nhờ nơi khác.
Giờ đây, người phụ nữ gặp bất hạnh quá lớn trong cuộc đời này còn không dám gặp người lạ và chỉ biết lao vào đi làm thuê, kiếm tiền nuôi con nhỏ ăn học…
Nỗi đau đớn mà bà Thơm phải chịu đựng, có lẽ, người thấu hiểu rõ hơn ai hết chính là mẹ đẻ của bà, người đã luôn ở bên đứa con gái tội nghiệp của mình trong những lúc khó khăn nhất.
Khi chúng tôi trở lại ngôi nhà của cậu ruột Lê Văn Luyện là anh Trương Văn Thắng, cụ Nguyễn Thị Khánh (mẹ đẻ bà Thơm, ông Thắng – PV) đang chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Thấy khách lạ vào nhà, người mẹ già đã ở cái tuổi 78 vội vàng dừng việc bước từ dưới bếp sau nhà lên tiếp chúng tôi.
Cụ Nguyễn Thị Khánh, bà ngoại của Lê Văn Luyện.
Biết chúng tôi có mong muốn được thăm hỏi và tặng quà bà Thơm, cụ Khánh thoáng có chút buồn nhưng rồi cũng không ngần ngại trả lời: “Các bác về tìm cô Thơm nhưng cô ấy đi làm thuê cho người ta mấy hôm nay rồi đã thấy về đâu. Mà làm ở đâu thì tôi cũng chẳng biết vì cô ấy đi cũng không dặn gì cả..”.
Video đang HOT
Khi nhắc đến hoàn cảnh của người con gái tội nghiệp, khuôn mặt cụ Khánh toát rõ vẻ khắc khổ, mệt mỏi, liên tục nhìn xa xăm ra phía ngoài cửa và giọng nói chùng xuống như sắp khóc:
“Vợ chồng tôi sinh được 9 người con, cô Thơm là con gái thứ 3. Vợ chồng cô ấy lấy nhau rồi chăm chỉ làm ăn, kinh tế cũng khá nhưng chỉ vì thằng Luyện gây nên tội tày đình mà cả nhà thành ra cơ sự như thế…
Sau khi sự việc xảy ra, cô Thơm suy sụp, lo lắng đến phát bệnh và cũng vì sợ nên không dám ở một mình trong ngôi nhà của gia đình mà về đây ở với tôi và em trai. Tuy vậy, cô ấy ở cũng không thường xuyên, nay chỗ này, mai chỗ khác, tôi cũng không nắm được.
Giờ cơ sự như thế thì phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta để kiếm tiền mà nuôi con chứ chẳng còn biết làm thế nào bây giờ.
Nhưng mọi thứ giờ đều đắt đỏ mà công sá thì thấp, không liên tục nên cũng chỉ đủ tiền đóng học cho con. Người con trai của tôi ở đây làm nhôm kính cũng chỉ đủ thuốc thang cho bệnh cho tôi chứ không giúp chị gái được gì thêm cả.
Con dại thì cái phải mang, đau đớn, xót xa cho cháu lắm… Còn mẹ nào mẹ chẳng thương con, thương cháu nhưng giờ có thương thì tôi cũng chẳng biết làm gì cả, cơ sự nó đã như thế rồi…”,người mẹ già chia sẻ.
Hơn hai năm qua, ngôi nhà khang trang của gia đình Lê Văn Luyện đã bị bỏ hoang.
Cũng theo lời cụ Khánh, hiện con trai thứ hai của bà Thơm đi làm ở đâu thì gia đình cũng không rõ, còn đứa em út đang học mẫu giáo trong làng.
“Đứa út cũng quấy và hay đòi theo mẹ lắm nên mẹ nó (bà Thơm – PV) cứ phải gửi ông bà nội rồi gửi tôi hoặc cậu nó trông cho sau khi tan lớp để đi làm kiếm tiền chứ không thì chả làm gì được…”, cụ Khánh giãi bày.
Ngậm ngùi trước hoàn cảnh của con nhưng cụ Khánh cũng vơi bớt phần nào nỗi lòng khi hàng xóm, làng giềng hiểu và thông cảm với con gái mình.
“Người ta cũng hiểu và thông cảm nên cũng không ai nói gì cả và giờ có việc làm thuê ở đâu là mấy người trong làng vẫn sang rủ Thơm đi làm cùng để có thêm thu nhập và khuây khỏa đi…”, cụ Khánh tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi về mong ước lớn nhất của cụ bây giờ thì người mẹ già trầm ngâm một lúc rồi đáp:”Tôi cũng như ông bà Ngà, Nhủng (bố mẹ chồng bà Thơm – PV) đều đã già hết cả rồi, sống cũng chẳng được bao lâu nữa nên tôi chỉ có một ước mong là sao cho mọi người trở lại bình thường để con cháu đỡ khổ hơn và cũng mong mẹ con nó được bình yên, làm lụng nuôi nhau …”.
Bóng tối đã dần bao trùm nơi xóm nhỏ, ánh sáng leo lét của chiếc đèn điện phía dưới nhà hắt lên khuôn mặt người mẹ già càng làm khuôn mặt ấy thêm khắc khổ.
Lỗi lầm riêng của một con người có thể đập nát vụn uy tín, tiền bạc, danh dự, nhân phẩm của cả đại gia đình, họ mạc. Nếu mỗi người đều lường trước được hậu quả này, chắc chắn nhiều thảm án sẽ không xảy ra…
Theo Xahoi
'Bàn tay lạnh' của Lê Văn Luyện qua lời kể luật sư
Bàn tay của Luyện không lạnh kiểu người bị phong thấp hay ngâm trong nước đá mà tựa như bàn tay người chết.
Gương mặt của Lê Văn Luyện tại phiên sơ thẩm
Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Số 1 Bắc Giang, người bào chữa cho Lê Văn Luyện, vẫn nhớ cảm giác khi chạm vào bàn tay sát thủ. Đó là những lần bắt tay tạm biệt sau khi ông vào trại giam lấy lời khai của hắn. Vị luật sư vẫn có thói quen vỗ vai hay bắt tay chào thân chủ của mình trước khi ra về.
Thoáng gặp Luyện, luật sư Nguyễn Bá Ngọc không ngờ hắn là một thanh niên trắng trẻo thư sinh như vậy. Nhìn chàng trai khôi ngô trước mặt mình, ông không thể tin nổi đây là kẻ gây ra vụ thảm án tại phố Sàn (Bắc Giang) cách đó không lâu. Nhưng khi lại gần, giáp mặt Luyện, ông mới cảm thấy ớn lạnh. Ông không dám nhìn lâu vào mặt Luyện, đặc biệt là đôi mắt.
Luật sư Ngọc bảo ông từng đọc qua nhiều sách về nhân tướng học nên biết, người có đôi mắt như mắt của Luyện (trắng dã, lòng đen co vào rất nhỏ ở giữa) là tướng sát nhân. Quả thật, Luyện không những sát nhân mà còn là kẻ sát nhân máu lạnh. Không máu lạnh sao dám vung dao giết cả gia đình trong một đêm. Và khi ngồi trước mặt luật sư, kể lại hành trình gây án, hắn vẫn luôn giữ vẻ trầm ổn đáng sợ.
Hiếm có kẻ giết người nào luật sư Ngọc từng tiếp xúc lại bình tĩnh, trầm ổn như Lê Văn Luyện. Những kẻ phạm tội dã man đến đâu, khi vào trại giam cũng luôn cúi đầu. Có kẻ tỏ ra hối hận, lắp bắp không thành câu, có người kể chuyện mình phạm tội với sự rụt rè, run sợ nhưng cũng có kẻ kể chuyện chém giết với sự phấn khích. Còn Lê Văn Luyện kể chuyện thảm sát cả gia đình mà trên mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào.
Hắn luôn ngẩng đầu, nhìn thẳng, trả lời dõng dạc. Luật sư hỏi gì, hắn trả lời nấy. Hắn không e ngại. Luật sư không hỏi, hắn cũng kể. Hắn kể rành rọt quá trình phạm tội. Những chi tiết không cần có trong hồ sơ vụ án, Luyện cũng nhớ kể. Hắn kể cho luật sư nghe mình đã làm gì giết thời gian trong buổi chiều chờ đến khi trời tối để ra tay. Luyện đã ra ngồi trên hòn đá cạnh đường tàu rồi quanh quẩn qua lại...
Luật sư Ngọc còn nhớ, hồi đó là mùa thu, trời vẫn khá nóng. Sau cuộc nói chuyện, ông bắt tay Luyện chào ra về. Vừa chạm vào bàn tay của Luyện, ông giật mình. Ông không ngờ, bàn tay của hắn lại lạnh đến vậy. Cái lạnh không phải của người bị bệnh phong thấp, cũng không phải của bàn tay mới ngâm trong nước đá. Đó là cái lạnh tựa bàn tay người chết. Cái lạnh có lẽ đúng như người ta nói - "máu lạnh". Lần sau bắt tay hắn, luật sư hỏi vì sao tay lạnh thế, Luyện chỉ khẽ nhếch môi bởi chính hắn cũng không biết tại sao.
Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, người bào chữa cho Lê Văn Luyện trong phiên tòa đặc biệt.
Theo luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Lê Văn Luyện không mời luật sư bào chữa mà do tòa chỉ định. Lúc nhận lời bào chữa cho Luyện, ông Ngọc cũng có chút đắn đo. Ông nghĩ, kẻ mang tội giết 3 người trong đêm ở một khu phố quả là điều đáng sợ, nhưng nếu mình không nhận lời thì người khác cũng phải làm.
Đã có kinh nghiệm đi tòa nhiều năm nên vị luật sư biết, những phiên tòa kiểu này không nóng trên bục thẩm phán hay trên ghế luật sư mà nóng ở ngoài cửa. Cảnh tượng người nhà đeo khăn tang, mang di ảnh, hương khói đến tòa vẫn luôn là điều ám ảnh nhiều luật sư. Tiếng la ó, đe dọa vẫn là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhiều lần ngồi tòa, trống ngực luật sư đập thình thịch. Tan phiên xử, luật sư không dám ra về ngay mà phải đợi một lúc cho đoàn người đi hết.
Nhưng rốt cuộc, phiên tòa Lê Văn Luyện ít đáng sợ hơn nhiều vụ khác. Báo chí, công luận quan tâm nhiều đến vụ án này nên cảnh sát được bố trí dày đặc tại tòa. Từng bào chữa cho nhiều bị cáo kiểu này, luật sư Ngọc biết phải làm gì.
Trước khi bào chữa, ông quay xuống nói lời chia buồn với gia đình nạn nhân, những người đang mang vẻ mặt căm phẫn tại công đường. Luật sư cất tiếng dõng dạc: "Tôi hiểu nỗi đau của gia đình nạn nhân. Tội ác của Lê Văn Luyện là quá ghê gớm. Nhưng tôi không nhận lời bào chữa, luật sư khác cũng phải làm. Và họ cũng sẽ phải làm như tôi".
Ông Ngọc biết rằng, luật sư phải cố gắng hết sức, tìm những tình tiết có lợi nhất để bảo vệ thân chủ. Nhưng với Lê Văn Luyện, những tình tiết để bào chữa cho hắn quá ít. Khi mới tiếp xúc lần đầu, luật sư đã nói cho hắn rõ, tội của hắn chỉ phải chịu mức phạt 18 năm tù là cao nhất. Đó là thứ có lợi nhất cho hắn. Ngoài ra, hắn không có tình tiết nào để xem xét trừ phi có kẻ đồng lõa. Hắn nghe xong cũng chẳng nói gì bởi hắn biết mọi việc hắn làm đã quá rõ ràng. Hắn cũng không chối bỏ việc mình làm.
Luyện chỉ thú nhận với vị luật sư là không hề muốn giết đứa bé 18 tháng tuổi. Nhưng lúc hắn giằng co, giết hại anh Ngọc, chị Chín, đứa bé đã khóc ré lên, sợ bị lộ hắn quát: "Im!", đứa bé lập tức nín bặt. Khi hắn vào nhà vệ sinh rửa mặt mũi, tay chân dính máu, đứa bé lại cất tiếng khóc lớn. Lần thứ 2 hắn quát, đứa bé tiếp tục khóc to hơn nên hắn đã tàn nhẫn cầm dao sát hại cháu bé. Đến nay, nhớ lại tình tiết Lê Văn Luyện nhẫn tâm sát hại đứa bé 18 tháng tuổi nhiều người vẫn nổi da gà. Kể cả luật sư Ngọc, lúc đó ông nghĩ, không biết có nên tiếp tục bào chữa cho hắn hay không.
Theo vị luật sư, bản chất máu lạnh của Lê Văn Luyện thể hiện rõ nhất là khi hắn gây án xong. Nhiều kẻ giết người gây án là do bị kích động hoặc thần kinh mất kiểm soát. Khi nhận ra, người ta sẽ thấy run sợ, tìm cách lẩn trốn. Còn Luyện, hắn không run, cũng không tìm cách trốn thoát ngay. Hắn không vội mà vào nhà vệ sinh rửa mặt mũi, chân tay, rồi thản nhiên bước đi qua những xác chết vấy máu khắp sàn, mở tủ lạnh lấy nước uống.
Lấy vàng xong xuôi, hắn định đi ra bằng lối sau nhưng lúc này trời đã sáng, học sinh của trường học bên cạnh đã lũ lượt kéo nhau tới lớp. Luyện đành quay vào, tiếp tục lấy nước uống ngồi đợi chờ giữa những xác chết. Rồi hắn gọi điện cho anh họ là Trương Thanh Hồng đến. Khi này, học sinh đã vào học, đường phố im ắng, Luyện nhảy ra xe Hồng đang đợi rồi biến mất.
Luyện vẫn luôn bình thản kể lại câu chuyện nhiều lần cho luật sư nghe, kể một cách hồn nhiên, không biểu lộ cảm xúc. Có lần, hắn kể cho luật sư nghe chuyện về gia đình mình, kể chuyện yêu đương. Và những khi đó, khuôn mặt hắn cũng không biểu lộ nhiều cảm xúc.
Lê Văn Luyện (sinh năm 1993, ở xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là kẻ đã gây ra vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích (ở phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 24/8/2011. Lê Văn Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ mới 8 tuổi bị chém đứt tay. Hắn phá tủ kính của tiệm lấy tổng số vàng ước chừng hơn 200 chỉ vàng ta, hơn 150 chỉ vàng tây. Sát thủ bị bắt vào ngày 31/8/2011, sau 6 ngày lẩn trốn. Lê Văn Luyện sa lưới tại khu vực biên giới ở huyện Lạng Sơn khi đang tìm đường chạy trốn sang Trung Quốc. Hắn cũng đã kéo theo bố đẻ và một số người thân họ hàng vào vòng lao lý. Khi phạm tội, Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi. Trong phiên phúc thẩm, TAND tối cao tại Bắc Giang đã tuyên Lê Văn Luyện 18 năm tù tội giết người, 18 năm tù tội cướp tài sản, 9 tháng tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định luật pháp của Việt Nam đối với tội phạm chưa thành niên, Lê Văn Luyện chỉ phải nhận mức án 18 năm tù.
Theo Xahoi
Luật sư kể về bàn tay lạnh của Lê Văn Luyện Người ta gọi Lê Văn Luyện là "sát thủ máu lạnh". Luật sư bào chữa cho hắn cũng thừa nhận bàn tay Luyện lạnh như băng. Luật sư Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Số 1 Bắc Giang, người bào chữa cho Lê Văn Luyện, vẫn nhớ cảm giác khi chạm vào bàn tay sát thủ. Đó là những lần bắt...