“Ước Hẹn Mùa Thu” có đang cười cợt kém duyên và bôi bác hình ảnh người đồng tính?
Ước Hẹn Mùa Thu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có hẳn hai nhân vật phụ thuộc giới LGBT được lôi ra làm “miếng hài” phục vụ khán giả?
Bình (Hoàng Phi) và Phong ( Duy Khánh) là một cặp đôi đồng tính trong Ước Hẹn Mùa Thu với nhiệm vụ chuyên… diễn hài để chọc cười cho khán giả. Sẽ duyên dáng hơn nhiều nếu những miếng hài của đạo diễn Quang Dũng không bị cài cắm một cách quá chủ quan, và gửi đi những ấn tượng không hay đến khán giả về hình ảnh những người đồng tính.
(Từ đây bài viết có tiết lộ nội dung phim, quý độc giả lưu ý trước khi đọc)
Yếu tố LGBT ở đâu trong “Ước Hẹn Mùa Thu”?
Nếu để ý, có thể thấy khá nhiều chi tiết gây hài dựa trên các yếu tố LGBT được cài cắm khá nhiều trong phim. Không ở đâu xa, ngay từ đầu phim đã có thể thấy cách ăn mặc của Phong có phần hơi lố. Cậu trang điểm lòe loẹt, mặt vẽ như hề rồi sau đó dán ba cái phao bơi lại làm một. Bình vừa nhìn thấy Phong đã bình luận: “Em mày sau này bóng chắc luôn!”. Đây là một chi tiết đánh đồng khá thô kệch. Cứ hễ ai thích ăn mặc lòe loẹt đều sẽ “bóng”? Và cứ “bóng” là sẽ thích ăn mặc lòe loẹt, trang điểm như một chú hề?
Phong từ bé đã thích ăn mặc lòe loẹt, suy ra lớn lên Phong sẽ “bóng”?
Cặp đôi Bình – Khánh đem chuyện “pùm” nhau bên giường bệnh của Duy ra kể như một câu chuyện vui.
Sau đó thì Bình lại phát hiện ra mình cũng là đồng tính. Thế là cặp đôi “pùm” nhau ngay trên giường của bệnh nhân Duy ( Quốc Anh) đã say giấc ngủ thực vật? Nhân vật Bình vô duyên vô cớ, đã có người yêu và trước giờ chưa bao giờ thích Duy. Bỗng dưng ngày cậu bạn thân tỉnh dậy, Bình lại có thái độ nhìn… mông bạn và đôi lúc là “sàm sỡ” Duy. Đây có phải chi tiết cho rằng: Cứ hễ là gay sẽ phải có thái độ quấy rối bất kỳ trai thẳng nào mà chả cần lí do?
Có phải “Ước Hẹn Mùa Thu” đang đánh đồng rằng cứ hễ gay thì sẽ thích ăn mặc, trang điểm lòe loẹt như một… mâm ngũ quả?
Phim mang cả những khía cạnh cuộc sống những người đồng tính ra để đùa. Khi Duy chạm đáy nỗi đau, hai vợ chồng Bình – Phong lại đang ở phòng đối diện làm “chuyện mờ ám”. Làm gì thì không biết nhưng khi hối hả chạy sang thăm hỏi Duy thì cả hai chỉ mặc độc có chiếc quần trong và mồ hôi nhễ nhại. Khi bị Duy phát hiện, cả hai chỉ biết bẽn lẽn giấu đi mồ hôi trên người.
Một tình tiết nhàm chán khác là phân cảnh giả gái khi 3 nhân vật Phong, Bình, Long giả gái để tạo tiếng cười. Cứ cần hài hước là phải giả gái cũng là 1 điều đã cũ mòn và thiếu hiện đại.
Long – Bình – Phi giả gái trong “Ước Hẹn Mùa Thu”
Tại sao lại chọn LGBT làm yếu tố gây cười?
Có rất nhiều cách để gây cười. Phong cách trào phúng, châm biếm hoặc tạo ra những nhân vật hậu đậu, ngớ ngẩn là một ví dụ. Vậy tại sao yếu tố LGBT lại được chọn để làm chủ đề gây hài chính trong Ước Hẹn Mùa Thu?
Lí do có thể chỉ đơn giản là: một cặp đôi đồng tính ra chọc sẽ làm được nhiều khán giả đón nhận. Vì tâm lý chung của người xem ở đây là: “Ai trong đời mà chẳng từng chọc ghẹo, lôi những người đồng tính ra làm trò cười?”. Mặc định trong đầu một số khán giả dị giới, đồng tính là một chủ đề… hài hước. Rất dễ để chọc một khán giả dị tính cười với một câu đùa về người đồng tính. Yếu tố hài hước dựa trên các thành viên cộng đồng LGBT luôn là một kiểu pha trò dễ ăn, dễ thắng với gu hài hước vẫn còn kì thị của khán giả.
Màn biểu diễn giả gái vô duyên đỉnh cao của bộ ba Long – Bình – Phong.
“Miếng” hài về giới LGBT thì có liên quan gì đến phim thanh xuân?
Một phim thanh xuân, đáng lý ra chỉ cần đẹp, lãng mạn và cảm động, gợi lại được ký ức tuổi trẻ cho người xem đã là quá đủ. Với dàn diễn viên toàn nam thanh nữ tú, người đạo diễn bậc thầy trong việc kể chuyện bằng hình ảnh hoàn toàn có thể xây dựng kịch bản theo một hướng khác.
Việc châm chọc giới LGBT xuất hiện trong Ước Hẹn Mùa Thu trở nên rất là… không liên quan. Những miếng hài thiếu cảm thông dường như làm phân tán sự tập trung của người xem vào chuyến hành trình tìm lại quá khứ của nhân vật chính. Nếu bạn để ý, việc Bình và Phong là đồng tính chả giúp Duy giải quyết được gì ngoài tấu hài cho người xem. Đó là một câu chuyện hoàn toàn đứt lìa ra so với tuyến kịch bản chính.
Cặp đôi Phong – Bình cho dù có đồng tính hay không cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến số phận của nhân vật chính. Vậy thì cho vào phim làm gì?
Tới đây, chúng ta lại quay về vấn đề đặt ra ở trên. Có rất nhiều cách gieo miếng hài khác nhau, tại sao phải là những miếng hài từ người đồng tính để mua vui? Trong khi đó, tuyến kịch bản hài vẫn có một nhân vật khác đảm nhiệm khá tốt, đó là Kay Trần (Long). Nghĩa là vẫn có những cách khác để xây dựng cốt truyện hài hước của phim nhưng tại sao đạo diễn cứ phải đem những nhân vật đồng tính ra làm trò mua vui cho người xem?
Kay Trần là một gương mặt hài khá nổi bật trong phim.
Có thể một số khán giả cho rằng những yếu tố LGBT trong phim chỉ là mua vui, và nhiều người đã trở nên quá nhạy cảm khi cứ nhắc đến LGBT nhẹ cái là bị xúc phạm.
Nhưng không thể chối cãi, LGBT trong Ước Hẹn Mùa Thu đang được khai thác rất thiếu nhạy cảm. Để phục vụ mục đích gây cười, các nhân vật đồng tính được xây dựng trở nên lố bịch, cư xử có phần khiếm nhã, thích sờ soạng, sẵn sàng sex mọi lúc mọi nơi và không ý thức được thế nào là lịch sự. Có rất nhiều cách để tạo ra tiếng cười, và việc xây dựng nhân vật đồng tính có phần méo mó, cũ kỹ không phải là cách hay nhất hay đáng khen ngợi nhất. Và những hình ảnh như vậy xuất hiện trong 1 tác phẩm điện ảnh, chắc chắn là ảnh hưởng rất tiêu cực đến cái nhìn của cộng đồng dành cho LGBT, khiến hình ảnh LGBT dễ dàng bị đem ra làm trò cười cả ở trong phim lẫn ngoài đời.
Ước Hẹn Mùa Thu là một tác phẩm điện ảnh thanh xuân nữa của đạo diễn Quang Dũng sau Tháng Năm Rực Rỡ. Phim kể về chàng trai sau khi bị tai nạn giao thông đã sống thực vật hơn 15 trời để rồi tỉnh lại với một thực tại hoàn toàn khác xa với quá khứ mà anh từng sống.
Theo trí thức trẻ
Từ Tháng Năm Rực Rỡ đến Ước Hẹn Mùa Thu: Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa xào lại món cũ?
"Ước Hẹn Mùa Thu" là một dự án điện ảnh được kì vọng của đạo diễn Quang Dũng sau thành công mang tên "Tháng Năm Rực Rỡ". Tuy nhiên, câu chuyện vượt qua cái bóng của "đàn chị" trước mắt không dễ.
Ước Hẹn Mùa Thu là dự án được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của Tháng Năm Rực Rỡ. Vì cả hai phim đều do cùng một vị người thực hiện, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Thế nhưng, việc lôi quá nhiều yếu tố của phim cũ ra để "xào lại" cho phim mới dường như không thành công cho lắm. Bài toán đã thành công lại không phải là lời giải cho đề bài mà Ước Hẹn Mùa Thu đặt ra.
Trailer "Ước Hẹn Mùa Thu"
Ước Hẹn Mùa Thu được giới thiệu là một phim thanh xuân vườn trường, nơi sẽ gợi nhớ cho khán giả về những trải nghiệm xinh đẹp về thời đi học. Phim xoay quanh câu chuyện của Duy (Quốc Anh). Trước ngày tốt nghiệp cấp III, Duy gặp một tai nạn giao thông thảm khốc khiến cậu sống thực vật trong suốt 15 năm trời. Đến khi thức giấc, Duy trở thành một gã đàn ông 32 tuổi. Giữa một thức tại đã khác hoàn toàn so với quá khứ, Duy có được sự trợ giúp hết lòng của hai người bạn thân: Long (Kay Trần) và Bình (Hoàng Phi) và cậu em trai Phong (Duy Khánh). "Chàng trai" 32 tuổi tìm mọi cách để nối lại mối tình trung học đẹp đẽ với Pha Lê (Hoàng Oanh). Để cuối cùng Duy nhận ra rằng, cả thế giới đã thay đổi và cậu phải chấp nhận việc đã mất đi 15 năm tuổi thanh xuân, lựa chọn duy nhất của cậu lúc này là phải làm lại cuộc đời.
(LƯU Ý: Từ đây bài viết sẽ tiết lộ nội dung phim, mong độc giả cân nhắc trước khi xem)
"Nước mới không nên đựng trong bình cũ"
Ai từng xem Tháng Năm Rực Rỡ hẳn sẽ nhận ra đạo diễn Quang Dũng đã "cài" khá nhiều tình tiết của phim vào dự án mới của mình, nhưng vấn đề rằng cả hai phim không hề "hợp rơ" nhau. Những yếu tố đã hiệu quả với Tháng Năm Rực Rỡ sẽ không có tác dụng tương tự với Ước Hẹn Mùa Thu vì xét cho cùng, về mặt chủ đề đây là hai dòng nội dung khác biệt quá xa.
Tháng Năm Rực Rỡ là phim thanh xuân "thuần chủng", trong khi Ước Hẹn Mùa Thu còn có yếu tố kì ảo trong đó. Nên việc áp dụng những thủ thuật khơi gợi trải nghiệm giống nhau lên cả hai phim sẽ không có hiệu quả giống nhau.
Tháng Năm Rực Rỡ và Ước Hẹn Mùa Thu là hai phim không giống nhau.
Ở Tháng Năm Rực Rỡ, đạo diễn đã rất sáng tạo khi ghép xen kẽ những lát cắt giữa quá khứ - hiện tại vào nhau, để cốt truyện giữa cả hai miền thời gian được hòa hợp. Nhóm Ngựa Hoang ngày nay ngoài việc ôn lại quá khứ, còn phải đương đầu với những khó khăn khi đã trưởng thành. Vấn đề của nhóm đến từ cả quá khứ lẫn hiện tại. Còn đối với Duy thì ngược lại, vấn đề của Duy không phải ở quá khứ để mà hồi tưởng, mà là ở chính lúc anh tỉnh dậy. Đồng ý là đạo diễn muốn sử dụng biện pháp xen kẽ để tạo cảm giác cho khán giả rằng tình cảm giữa hai nhân vật chính vẫn còn đó, nhưng biện pháp này lại khiến câu chuyện thích nghi với lối sống thực của Duy bị đứt đoạn, khó tập trung và khó hiểu.
Đồng thời, việc "mối tình đầu" tan vỡ không giúp giải quyết được vấn đề gì cho Duy. Anh cần phải thích nghi, chuyển giao cách suy nghĩ từ một cậu thiếu niên 18 sang một người đàn ông 32 tuổi. Mối tình đầu tan vỡ không giải quyết được vấn đề đó. Ai mà chẳng tan vỡ mối tình đầu? Nhưng làm gì có ai chỉ vì thế mà "bỗng dưng" chuyển hẳn từ chàng trai 18 sang suy nghĩ chín chắn như một người đàn ông 32 tuổi chỉ sau một đêm? Vấn đề đặt ra là, khi một người phải chật vật thích nghi sau cơn ngủ dài 15 năm, thì những kỷ niệm thanh xuân và "mối tình đầu" không phải là giải pháp thực tế.
Cái Duy cần sau giấc ngủ 15 năm không phải là những kỷ niệm thanh xuân.
Ước Hẹn Mùa Thu giống như một nỗ lực bù đắp những gì Duy đã bỏ lỡ trong 15 năm ngủ quên, nhưng anh ta không cần điều đó. Cái anh cần là sự cọ xát tàn nhẫn với cuộc sống, để trưởng thành và lấy lại nhịp sống bình thường nhanh nhất có thể. Cuối phim, Duy vẫn cưỡi xe phân khối lớn, xách ba lô đi... học như một gã trẻ trâu. Không khác gì khi anh chưa bị hôn mê 15 năm trước và phim xem như đã không giải quyết được gì.
"Xào lại" chiêu cũ của "Tháng Năm Rực Rỡ"
Nếu Tháng Năm Rực Rỡ cực kỳ thành công với nhóm Ngựa Hoang thời trẻ gồm những gương mặt như: Minh Thảo, Hoàng Yến Chibi, Trịnh Thảo, Hoàng Oanh, Khổng Tú Quỳnh, Jun Vũ v.v... nhờ sự cân bằng với thực lực diễn xuất giữa các diễn viên thì sang Ước Hẹn Mùa Thu, Quốc Anh lại quá đuối giữa những gương mặt nổi trội. Những câu thoại đơ cứng, không cảm xúc của anh khiến mối dây tương tác giữa Duy và Pha Lê quá yếu. Đến mức việc cô gái cãi nhau với bạn trai vì Duy trông cứ như dựng cho đúng với mạch truyện, chứ thực ra giữa hai người vẫn chỉ là... xã giao.
Sự tương tác giữa hai người này rất... bình thường.
Pha Lê không cần phải xích mích với bạn trai vì mối quan hệ giữa cô và người yêu cũ thật ra khá là... nhạt.
Sáu cô gái của nhóm Ngựa Hoang đã có sự phối hợp cực kỳ ấn tượng. Trong khi đó nhân vật của Quốc Anh lại không xây dựng được mối liên kết với người khác dẫn đến các phân đoạn cao trào không thuyết phục. Trận cãi vã nảy lửa giữa Duy và bạn thân - Bình thực sự rất lạc lõng và không chứng minh được tình bạn giữa cả hai. Tại sao Duy lại nổi giận với bạn thân nhất, người đã bỏ 15 năm cuộc sống để chăm sóc mình? Không biết! Vì xem phim xong vẫn không hiểu.
Tạo hình cũ cho nhân vật mới
Việc phân chia gam màu chủ đạo cho các nhân vật chính giữa hai phim cũng khá rập khuôn. Hiểu Phương của Tháng Năm Rực Rỡ và Duy trong Ước Hẹn Mùa Thu đều được chia cho hai mảng màu vàng và xanh da trời. Đây là dấu hiệu miêu tả tâm lý nhân vật, rằng cả hai là các tuyến nhân vật hiền lành, vui vẻ. Nhưng nếu Hiểu Phương khi trưởng thành (NS Hồng Ánh) trông rất nhã nhặn, chín chắn với màu xanh da trời nhạt thì Duy dường như... đi ngược lại khi càng về già anh chàng mặc đồ càng... lòe loẹt. Từ màu vàng nhạt chuyển hẳn sang màu mù tạt, và xanh nhạt chuyển sang đậm lè như xanh cobalt luôn.
Gam màu của Hiểu Phương và Duy gần giống hệt nhau.
Tuổi càng cao, Hiểu Phương càng nhã nhặn thì Duy lại càng... lòe loẹt. Màu vàng đã chuyển hẳn sang màu... mù tạt luôn rồi.
Đi kèm với việc phân chia mảng màu khó hiểu, đó là tạo hình nhân vật của Quốc Anh. Từ đầu đến cuối phim, chàng diễn viên này không có một phút giây nào trông giống một người đàn ông 32 tuổi trưởng thành, chín chắn. Ngay cả ở những khung hình cuối cùng, trông anh vẫn như mới 20 tuổi với gu ăn mặc trẻ trung, năng động và rất là ra dáng... nam thần Hàn Quốc. Đồng ý là phải tạo không khí phim thanh xuân, nhưng tại sao thanh xuân lại... kéo dài quá vậy? Cảm giác như Duy nhất quyết phải níu kéo cho được 15 năm đã mất của mình vậy. Cơ mà Duy đã 32 tuổi rồi đó nha!
Người đàn ông 32 tuổi vẫn trông như một nam thần Hàn Quốc tuổi 20.
Những câu châm chọc LGBT và body shaming thiếu đồng cảm
Một điểm trừ khá lớn của Ước Hẹn Mùa Thu đó là những miếng hài của phim chủ yếu dựa vào cặp đôi đồng tính Phong - Bình. Những câu nói đùa dựa trên nếp sống của cặp đôi đồng tính này có phần hơi "sượng" và phản cảm. Phim sử dụng những câu chuyện riêng tư và đặc trưng của các cặp gay như yếu tố tình dục, lối sống v.v... để mang ra đùa. Thậm chí, các nhân vật chính còn có phân đoạn bình phẩm cực kỳ thô lỗ về vóc dáng của các cô gái trong phim. Những miếng hài tung vào phim một cách lạc lõng, thậm chí không có nổi một mục đích rõ ràng nào.
Những yếu tố LGBT bị đem ra đùa một cách thô lỗ trong Ước Hẹn Mùa Thu.
Mặc dù nói là phim tái hiện lại những năm 2000 trong bối cảnh nhưng có cần thiết phải tái hiện luôn cả thói quen nhạo báng người đồng tính của tận thập niên trước hay không?
Âm nhạc và hình ảnh - thế mạnh muôn thuở của Nguyễn Quang Dũng
Những bài hát trong phim được sử dụng rất đậm chất tuổi 20 như: Anh Đếch Cần Gì Ngoài Em, Thu Cuối và những bài hát thuở 2000 do ca sĩ Ngọc Linh thể hiện v.v... Đồng thời, phần hình ảnh trong phim đều rất nên thơ, giản dị nhưng vô cùng tình cảm. Có thể thấy, vị đạo diễn tài hoa vẫn chưa bao giờ mất đi khả năng cảm nhận màu sắc, âm thanh tài hoa của mình.
Khả năng thao túng hình ảnh và âm nhạc chưa bao giờ làm khó được đạo diễn Quang Dũng.
Vấn đề là ai cũng đã biết quá rõ về tài năng của đạo diễn Quang Dũng rồi, những thế mạnh của anh đã phát huy không thể thành công hơn ở Tháng Năm Rực Rỡ. Nếu Ước Hẹn Mùa Thu muốn vượt qua được "người tiền nhiệm", nó phải thể hiện sự đột phá, sự "đập đi làm lại" của một người có óc sáng tạo không biên giới chứ không phải lôi cái bình cũ ra rồi đổ nước mới vào.
Cần lắm vị đạo diễn tài năng này một lần bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức với một tác phẩm "căng đét" và "phá bỏ lối mòn" hơn. Vì đối với Ước Hẹn Mùa Thu, anh mới chỉ như đang "chuyển mùa" từ nắng hè của Tháng Năm Rực Rỡ sang cánh rừng thu đầy lá phong đỏ mà thôi.
Ước Hẹn Mùa Thu bắt đầu công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 10/05/2019.
Theo trí thức trẻ
Hoàng Oanh xinh xắn trong teaser "Ước Hẹn Mùa Thu" với tóc bob mái ngắn "Ước Hẹn Mùa Thu" tung teaser đậm chất thanh xuân vườn trường, nhưng điểm khó hiểu nhất là mái tóc cắt ngắn của Hoàng Oanh. Tại sao cứ mỗi lần "hồi xuân" là cô nàng lại phải cắt tóc ngắn? Hoàng Oanh từng gây ấn tượng với khán giả qua vai diễn "chị đại" của nhóm Ngựa Hoang trong Tháng Năm Rực Rỡ...