Ước gì vợ tôi không thành đạt
Vợ tôi là một phụ nữ thành đạt. Đó là nhận xét của nhiều người. Nhưng có lẽ mọi tinh hoa cô ấy đều để ngoài xã hội còn ở nhà lại hoàn toàn khác!
Làm phó giám đốc một Công ty lớn với hàng ngàn công nhân khiến vợ tôi phải đi suốt ngày. Hết đến cơ sở, công ty con lại đi khắp các tỉnh để khảo sát thị trường, tìm hướng kinh doanh mới.
Ảnh minh hoạ
Những chuyến đi của vợ tôi nhiều hơn thời gian có mặt ở nhà. Từ lâu, việc cô ấy có ở nhà hay không đã chẳng còn nhiều ý nghĩa với bố con tôi. Bởi cô ấy bắt đầu đi từ lúc 6 giờ sáng, khi con chưa ngủ dậy và chỉ trở về sau khoảng 22 giờ đêm – lúc con đã ngủ say. Do vậy, chỉ có vài chủ nhật hiếm hoi con mới có dịp gặp mẹ.
Có lẽ, với những người chồng khác, việc ăn một bữa cơm do vợ mình chuẩn bị là chuyện bình thường nhưng với tôi thì nó thật là xa xỉ. Cả tuần, may ra cô ấy mới có một ngày rảnh rỗi nhưng luôn viện lý do: “Làm tối mặt tối mũi mới có một ngày được rảnh rang, anh phải để cho em nghỉ ngơi đúng nghĩa chứ!” Và thế là, tôi lại nấu cơm, rửa bát để cô ấy được “nghỉ ngơi”.
Vợ tôi hầu như không biết việc nội trợ nào trong nhà. Từ việc giặt quần áo đến chuyện học hành của con. Những tính toán làm ăn, những lo lắng của công việc đã chiếm hết thời gian và tâm trí của cô ấy.
Video đang HOT
Mọi công việc gia đình từ bên nội đến bên ngoại, cô ấy đều “giao phó” cho tôi hết. Từ việc cưới xin, ma chay đến chuyện giỗ chạp, đầy tháng… cô ấy đều chỉ gửi tiền mừng vì quá bận rộn.
Khi sinh đứa thứ 2, vợ tôi sợ “hỏng” vòng một nên không cho con bú. Tôi có nói thế nào cô ấy cũng không nghe. Sinh được 2 tháng là cô ấy lại bỏ con cho tôi và người giúp việc để lao vào công việc tối ngày. Lắm lúc, nhìn con khóc thét vì khát sữa và thèm vòng tay âu yếm của mẹ mà tôi cảm thấy chua xót quá. Tôi có thể làm mọi thứ giúp vợ nhưng cô ấy cũng cần phải dành chút thời gian cho tôi chứ. Nhiều khi tôi ước vợ tôi không phải là người thành đạt, để tôi đỡ bị mọi người chê cười là người đàn ông bám váy vợ.
Thái Anh
Anh thân mến! Đừng ước vợ mình không thành đạt, mà hãy ước vợ mình biết điều tiết thời gian và sự quan tâm giữa gia đình và công việc hơn. Người vợ thành công và có thu nhập cũng là một niềm tự hào của gia đình, bên cạnh đó thu nhập từ trọng trách của chị chắc cũng mang lại cuộc sống đầy đủ cho cả nhà. Phó giám đốc một công ty hàng ngàn công nhân như vậy, áp lực rất lớn và chị cũng cần sự thông cảm, sự hi sinh của những người thân yêu, đặc biệt là chồng. Nếu mình tự nguyện vui vẻ với công việc chăm sóc gia đình, việc mà chị ấy không đủ sức lực và thời gian để chu đáo, thì công việc dù bận mấy cũng không gây nặng nề như hiện nay. Nếu anh thấy việc đó là chia sẻ gánh nặng cho vợ, anh sẽ tìm ra hạnh phúc trong công việc. Tuy nhiên, như anh viết, thì có thể thấy thời gian riêng tư của gia đình đang bị công việc xâm phạm quá nhiều. Anh có thể thảo luận và cho chị thấy những nguy cơ có thể xảy ra với con cái, sự gắn bó giữa các thành viên để chị tìm cách điều chỉnh. Việc này cũng không nhanh được anh ạ, phải dần dần, kiên nhẫn, với tình yêu thương và sự cảm thông sâu sắc.
Thân mến Nguyễn Vân Anh – CSAGA
Theo VNE
"Ba mẹ ơi chúng con đã biết khóc!"
Tôi ước gì có một tấm vé để về lại thời thơ trẻ đó, nơi mà tôi đã có những lỗi lầm thật sự.
Trong một chuyến đi biển định mệnh, gặp bão tố, ba tôi không may đã mãi nằm lại nơi biển lạnh mênh mông, bỏ lại mẹ và hai anh em tôi sống trong cô đơn buồn tủi, cùng trải qua với bao cay đắng tủi cực của cuộc đời.
Thằng em tôi kể cũng lạ, mỗi lần dọn cơm ra ăn là nó nhảy thỏm vào lòng ba nó ngồi rồi, miệng bi bô đòi ba tôi gắp cho nó đủ thứ. Có lần tôi rình gắp cục thịt từ chén nó, nó giận dỗi hất cơm tung tóe, khóc inh ỏi. Thế là bị ba tôi cho một bợp tai giụi họng, " mầy lúc nào cũng chọc em hoài". Mấy bữa nay ăn cơm không có ba, nó cứ hỏi suốt: " Ba đâu mẹ?"
"Ba đi bắt cá ở biển rồi, mai mới về". Mẹ tôi mặt buồn rượi vừa đút cơm vừa trả lời cho nó. Bà biết là ba của chúng tôi không về nữa nhưng vẫn cứ trả lời như thế cho qua chuyện. Lúc ấy, tôi thấy mẹ đưa tay quẹt ngang trên mặt, có lẽ mẹ tôi đang khóc. Hồi đó tôi học mới lớp một, tuổi thơ bé bỏng nên tôi không quan tâm đến chuyện mẹ tôi có khóc hay không mà chỉ suy nghĩ toàn điều vẫn vơ, không biết ba tôi có trở về nữa không. Tôi nghe đâu đó người ta nói ba tôi chết rồi, nhưng tôi cũng không hiểu chết là gì cả. Chỉ biết là mấy hôm nay không thấy ba tôi đâu nữa, tôi cũng thấy buồn như mẹ tôi vậy.
Hồi đó tôi rất sợ ba tôi vì ba thường đánh mắng tôi nhất. Ba tôi thường la rầy tôi như thế không phải vì ba không thương tôi mà vì tôi quá nghịch ngợm, suốt ngày cứ giành phần hơn về mình mà không bao giờ nhường nhịn cho em tôi cái gì cả.
Từ ngày ba tôi mất, mẹ tôi trở nên cơ cực bội phần, mọi cuộc sống gần như đảo lộn. Mẹ đảm nhận một lúc hai vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha để kiếm tiền lo lắng cho anh em tôi ăn học. Mới sớm tinh sương, khi anh em tôi còn khò ngủ trên giường thì mẹ đã dậy xuống quán để bán nước mía rồi. Cũng từ đó gia đình tôi chỉ sống phụ thuộc vào công việc bán nước mía của mẹ tôi thôi. Ngoài công bận bịu ở bên chiếc xe nước mía, mẹ còn lo toan đủ thứ.
Nhà tôi, hồi đó mỗi lần trời mưa to là trong và ngoài nhà gần như ướt đều nhau. Mỗi lần như thế, mẹ tôi phải đẫm mình hàng giờ mới có chỗ khô cho anh em tụi tôi nằm. Chiều nay sắp có mưa, mẹ lại lụi cụi ôm mấy cụm củi khô vào nhà phòng cất. Quảy nước, giặt đồ, mẹ làm ráo riết mọi việc. Những lúc không có việc gì làm, mẹ lại ra sau nhà bắt sâu cho mấy bụi cải, tỉa ớt, vun cà,...Mẹ không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi cả, vì mỗi lần không làm gì, mẹ lại nhớ ba rồi ngồi khóc một mình.
Nếu tôi được trở về thời đó, tôi sẽ là người con ngoan, người anh tốt (Ảnh minh họa)
Có nhiều hôm bán nước mía được đông khách, mẹ quay người dọc ngang. Đã vậy, không hiểu sao những hôm đông khách lại thường mất điện, mẹ hì hục cầm tay quay rẹt rẹt, những đoạn mía bị ngấu nghiền, nước tuôn lả tả, từng giọt mồ hôi trên người mẹ cũng rơi rải, loang theo. Những lúc trời mưa, không bán nước mía được, mẹ tôi lại nằm gác tay lên trán thở dài: " Trời cứ mưa hoài, lấy đâu ra tiền mua gạo nuôi mấy đứa nhỏ không biết". Còn tôi thì không quan tâm, có khi trời mưa tôi càng thích hơn vì được rủ bạn bè tắm mưa và không cần phải phụ má bán nước mía nữa...
Bây giờ anh em tôi đã trưởng thành, đã xa rời mái ấm thân thương của thời thơ bé và cả chiếc xe nước mía ngày nào của mẹ. Cái chiếc xe mà đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Bây giờ nó đã bạc mòn, những bánh xe đã xì hơi không buồn căng lại. Mẹ tôi giờ đây tuổi đã xế chiều, mái tóc của mẹ đã điểm sương mai, nhìn dáng mẹ mà lòng tôi như thắt lại vì thương kính xót xa.
Có lần tôi đọc một tác phẩm cũng nói về tuổi thơ và tôi như đang bị lạc vào thế giới ấy. Tôi ước gì có một tấm vé để về lại thời thơ trẻ đó, nơi mà tôi đã có những lỗi lầm thật sự, nơi mà tôi đã làm cho mẹ tôi luôn đau buồn, cơ cực. Nơi mà tôi luôn giành đồ chơi của em tôi. Nếu tôi được trở về thời đó, tôi sẽ là người con ngoan, người anh tốt. Tôi sẽ biết bào mía, rửa ly cho mẹ và sẽ nhường tất cả những thứ đồ chơi cho em tôi. Điều đặc biệt hơn, mỗi khi cầm nén hương đốt lên bàn thờ ba, tôi sẽ biết khóc thật nhiều, thật nhiều và thật nhiều.
Khốn thay, khi tôi thấu hiểu thì chuyện đời đã quá muộn. Ba tôi đã ra đi quá sớm, ông không kịp cho tôi cảm nghiệm được thế giới này như thế nào, để có thể biết được nỗi đau nát lòng khi ông không còn nữa. Hôm nay tôi trở về, đứng trước bàn thờ ba, cầm nén hương, mà hai hàng nước mắt cứ rơi trào. Có lẽ đó là những dòng nước mắt đã thấu hiểu thực sự, nhưng đã quá muộn màng, khi mà ba tôi chỉ còn là đống xương tàn mà người đời đã quên dần qua năm, tháng.
Theo VNE
Không ngừng yêu em Lại một ngày nữa, nỗi nhớ về em cứ hiện hữu trong anh như thể ngày nào. Thời gian anh gặp em chẳng được bao nhiêu nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của anh. Anh thèm cái cảm giác được bên cạnh em, được yêu em và trong lúc này, không bao giờ ngừng yêu em. B.T. à! Đã nhiều...