Uniqlo – “ông vua” ngành thời trang tối giản của Nhật Bản
Với những mẫu áo khoác hiện đại, siêu nhẹ và mang tính biểu tượng, thương hiệu thời trang Uniqlo của Tadashi Yanai hiện là thương hiệu lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản trị giá 17,8 tỷ USD.
Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề may ở Hiroshima, trải qua thời thơ ấu tại tiệm may gia đình với xung quanh là vải vóc và kim chỉ, cậu bé Tadashi Yanai đã sớm tìm thấy cảm hứng cắt may từ cha mình.
Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, ông Tadashi bắt đầu làm việc trong tiệm may ở tuổi 23. Năm 1984, thừa kế công việc kinh doanh của cha, ông đã lập ra Công ty Bán lẻ nhanh Uniqlo, viết tắt từ Unique Clothing Warehouse. Cửa hàng quần áo độc đáo này đã nhanh chóng trở thành “người khổng lồ” trong lĩnh vực may mặc, thời trang của Nhật Bản, với những dòng sản phẩm hướng đến mọi đối tượng, thiết kế không phức tạp và mức giá phải chăng.
Người sáng lập công ty Uniqlo Tadashi Yanai. (Nguồn: Getty Images)
Công ty của Tadashi Yanai gây ấn tượng đẩu tiên trên thị trường với sản phẩm tiêu biểu là áo khoác lông chim siêu nhẹ Uniqlo Ultra Light. Loại áo này đã nhanh chóng được nhiều hãng bắt chước và đưa ra thị trường với nhiều cái tên khác nhau. Với mức giá cạnh tranh, mẫu áo khoác của Uniqlo vẫn thu hút được rất nhiều đối tượng khách hàng, ngay ở thời điểm suy thoái kinh tế những năm 1990.
Hiện thương hiệu này đã có 1.800 cửa hàng trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, doanh thu của Uniqlo đã “vượt mặt” nhiều công ty may có tên tuổi khác của Mỹ như GAP, Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Hiện công ty đang hướng tới việc truất ngôi bán lẻ toàn cầu của Inditex (Zara) và H&M thông qua các sản phẩm may mặc, trong đó có dòng áo khoác siêu nhẹ chủ lực nhờ độ phổ biến rộng rãi.
Đơn giản hóa trong thiết kế quần áo chính là chìa khóa thành công của Uniqlo. Đó cũng là lý do khiến cho những chiếc áo khoác cổ điển siêu nhẹ với màu sắc khác nhau của Uniqlo luôn đạt doanh số cao trong những năm qua. Công ty cũng sản xuất áo khoác cho trẻ em với màu sắc được kết hợp hài hòa, thậm chí còn khá tiện dụng với phần khóa tách khỏi phần tay. Gọn, nhẹ, đơn giản và tiện dụng là những yếu tố đã tạo nên sức quyến rũ đặc biệt của thương hiệu Uniqlo với người tiêu dùng.
Một cửa hàng của thương hiệu Uniqlo tại Mỹ. (Nguồn: Uniqlo)
Tuy nhiên, phần lớn thành công của Uniqlo không thể không kể đến vai trò của “người thuyền trưởng” Tadashi Yanai. Phương châm của Yanai là luôn kiên trì và không ngại thất bại: “Nếu bạn muốn đi vào kinh doanh, bạn không nên sợ thất bại. Nếu bạn không cố gắng bạn sẽ không thành công”. Cùng chính phương châm này đã từng bước tạo dựng sự chắc chắn cho công ty và biến Uniqlo thành một “đế chế” trong lĩnh vực may mặc tại Nhật Bản.
Bản thân Tadashi Yanai cũng rất ngưỡng mộ nhà sáng lập thương hiệu thời trang Zara Amancio Ortega: “Giống như chúng tôi, họ đã phát triển từ một doanh nghiệp địa phương thành một hiện tượng toàn cầu với các cửa hàng trên toàn thế giới. Zara đã cho chúng ta một ví dụ và chúng ta cần tiếp tục noi gương họ”, ông nói.
Trong khi hãng thời trang Tây Ban Nha chủ trương “ sao chép” các xu hướng thời trang trên thế giới thì đội ngũ thiết kế của công ty Nhật Bản lại tập trung vào việc tạo ra những bộ quần áo chất lượng cao và dễ sử dụng.
Theo người thành công, báo quốc tế
Công nghệ AI giúp Uniqlo bán hàng hiệu quả
Không chỉ là một công ty về thời trang bình thường, Uniqlo còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ khách hàng mua sắm. Theo trang Digital Initiative.
Năm 2017 ông Tadashi Yanai - CEO Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo - đã khởi động dự án Ariake nhằm ứng dụng những công nghệ mới trong quá trình bán hàng.
Đa số các nhà bán lẻ trên thế giới đều tập trung vào bán hàng trực tuyến trên website hay ứng dụng. Bên cạnh việc bán hàng, các công ty còn biết được lịch sử mua sắm của bạn. Từ đó, họ sẽ phân tích và biết được sở thích của khách hàng và đưa ra những đề xuất phù hợp cho lần mua sắm tiếp theo.
Ngược lại, khi một người bước vào cửa hàng, họ không nhận được những đề xuất về sở thích cá nhân nào từ nhân viên. Gã khổng lồ thời trang Nhật Bản Uniqlo đã lên kế hoạch ứng dụng công nghệ vào các cửa hàng để giải quyết vấn đề trên.
Cụ thể, công ty này sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện mức độ tồn kho, quá trình kết nối giữa nhà máy, nhà phân phối và cửa hàng bán lẻ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Uniqlo ứng dụng AI trong việc bán hàng. Ảnh: Shorty.
Bằng cách phân tích dữ liệu theo thời gian thực, AI sẽ đưa ra những đề xuất để những sản phẩm phù hợp xuất hiện tại các cửa hàng theo đúng thời điểm. Ngoài ra, vị trí của những mẫu quần áo cũng được sắp xếp đúng nơi, hợp lý để thu hút khách hàng.
Một số cửa hàng của Uniqlo có các kiot chứa hệ thống AI mang tên UMood. Nó có thể đo lường phản ứng của khách hàng khi lựa chọn màu sắc, kiểu dáng. Sau đó, đưa ra các đề xuất về những sản phẩm phù hợp để cho khách hàng lựa chọn.
Uniqlo còn xây dựng những máy bán hàng tự động ở sân bay, nhà ga, trung tâm mua sắm trên khắp nước Mỹ. Các sản phẩm trong máy bán hàng tự động chủ yếu là quần, áo cơ bản. Nếu sản phẩm không vừa hoặc bạn không hài lòng có thể trả lại cho những cửa hàng thông thường.
Ngoài ra, Uniqlo cũng phát triển ứng dụng di động tích hợp trợ lý ảo Google Assistant. Người dùng có thể mua hàng qua ứng dụng này. Các tính năng của ứng dụng bao gồm những sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất hay các sản phẩm mới ra mắt. Tuy nhiên, ứng dụng Uniqlo chưa có mặt tại Việt Nam.
Theo Zing
H&M, Zara, UniQlo... "khuynh đảo" thị trường thời trang Việt Trong lúc hàng loạt thương hiệu thời trang nước ngoài đổ bộ, thời trang Việt cũng đang nỗ lực đầu tư vào thiết kế, nguyên liệu... Đầu tháng 12-2019, đông đảo người xếp hàng rồng rắn kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt để vào mua sắm tại cửa hàng UniQlo Đồng Khởi trong ngày thương hiệu thời trang đến từ Nhật...