UNICEF đảm bảo năng lực chuyển chở 850 tấn/tháng liên quan tới phân phối vaccine ngừa COVID-19
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết trong năm 2021, mỗi tháng cơ quan này có thể vận chuyển tới 850 tấn hàng hóa – bao gồm vaccine ngừa COVID-19 và trang thiết bị bảo quản đi kèm – tới 82 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, nếu sẵn có một lượng vaccine như vậy.
Một loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Sinovac được giới thiệu tại Hội chợ quốc tế về thương mại và dịch vụ Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 6/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo trên được đưa ra trong bản đánh giá mới của UNICEF, công bố ngày 18/12. Đánh giá là một phần trong quy trình mua và vận chuyển vaccine COVID-19 tới các nước nghèo theo Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX – một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vaccine (Gavi), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) khởi xướng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine phòng bệnh COVID-19.
Thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore khẳng định đây là một khối lượng công việc khổng lồ và mang tính lịch sử, nhưng tổ chức này sẵn sàng đảm nhận.
Đánh giá của UNICEF đã xem xét năng lực vận chuyển bằng đường hàng không và đường bộ để hiểu rõ hơn các thách thức, khó khăn khi vận chuyển vaccine trong năm 2021. Kết quả cho thấy các hãng hàng không thương mại có khả năng vận chuyển vaccine đến tất cả 92 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp trong số 190 nền kinh tế tham gia COVAX. Chi phí ước tính cho công việc này là khoảng 70 triệu USD.
So sánh khối lượng hàng liên quan tới vận chuyển vaccine nói trên với các tuyến đường chở hàng và thương mại trên toàn cầu, UNICEF cũng thấy rằng năng lực của ngành vận tải hàng không hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu về vaccine của khoảng 20% dân số ở phần lớn 92 nước nói trên. Dự kiến vaccine COVID-19 sẽ được ưu tiên vận chuyển trên các chuyến bay thương mại hiện có và các chuyến bay vận tải cũng như huy động một số phương tiện vận tải khác tới các nước nhỏ hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận.
Video đang HOT
UNICEF đang làm việc với các hãng hàng không và ngành logistics để được ưu tiên vận chuyển vaccine đi khắp thế giới.
Vấn đề tài chính cũng rất quan trọng. UNICEF kêu gọi các nước quyên góp 410 triệu USD để hỗ trợ chi phí vận chuyển vaccine, thuốc điều trị và các công cụ chẩn đoán trong năm 2021. Ngoài ra, UNICEF ước tính cần 133 triệu USD để đảm bảo các vấn đề về hậu cần liên quan đến bảo quản vaccine tại 92 nước nghèo nhất thế giới.
Theo thông tin mới nhất, COVAS đã tiếp cận được gần 2 tỷ liều vaccine, cao gấp đôi so với khả năng cung ứng của chương trình này, với lô hàng đầu tiên dự kiến được phân phối trong quý I/2021.
COVAX đặt mục tiêu phân phối 1,3 tỷ liều vaccine đã được phê chuẩn cho 92 nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021. Toàn bộ 190 nền kinh tế đã đồng ý tham gia chương trình này sẽ tiếp cận được vaccine trong 6 tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý I/2021. Điều này phụ thuộc vào việc phê chuẩn và khả năng sẵn sàng phân phối vaccine của các nước.
Mỹ phê duyệt vaccine Covid-19 thứ hai
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vaccine Covid-19 của Moderna để sử dụng khẩn cấp, sau vaccine của Pfizer và BioNTech.
"Với sự sẵn có của hai loại vaccine để phòng ngừa Covid-19, FDA đã thực hiện một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này", Giám đốc FDA Stephen Hahn tối 18/12 (sáng 19/12 giờ Hà Nội) cho hay.
Động thái diễn ra một ngày sau khi ban cố vấn của FDA bỏ phiếu phê duyệt vaccine này với 20 phiếu thuận và không có phiếu chống.
Việc vaccine của Moderna được phê duyệt sẽ mở đường cho chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu phân phối 6 triệu liều vaccine trên khắp nước Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng Covid-19 nặng nề nhất trên thế giới.
Lọ có dòng chữ "Vaccine Covid-19" bên cạnh logo của công ty công nghệ sinh học Moderna hồi tháng 11. Ảnh: AFP .
Moderna bắt đầu phát triển vaccine Covid-19 từ hồi tháng 1, hoàn tất thử nghiệm vaccine Covid-19 sau Pfizer và BioNTech. Vaccine Covid-19 của Moderna được phát triển trên công nghệ tổng hợp ARN thông tin, với hai mũi tiêm cách nhau khoảng 28 ngày và không đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ cực thấp như sản phẩm của Pfizer và BioNTech.
Cả vaccine của Moderna và Pfizer đều đạt hiệu quả khoảng 95% đối với dân số nói chung, dù của Moderna đạt hiệu quả 86% đối với người trên 65 tuổi.
Không như Pfizer, vaccine của Moderna được phát triển với sự hỗ trợ tài chính đáng kể của chính phủ liên bang. Chiến dịch Thần tốc của chính quyền Trump đã đầu tư 4,1 tỷ USD vào việc phát triển và phân phối vaccine, trong khi Viện Y tế Quốc gia giúp chạy các thử nghiệm lâm sàng cho công ty.
Moderna cũng đã ký hợp đồng trực tiếp với chính phủ để điều hành việc phân phối, do đó chính quyền sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dịch vụ hậu cần so với Pfizer. Chính phủ đã ký hợp đồng với McKesson, một trong những nhà phân phối thuốc bán buôn lớn nhất thế giới, để phân phối vaccine.
Vaccine sẽ được vận chuyển từ nhà sản xuất đến các điểm phân phối của McKesson, sau đó sẽ được gửi đến 64 khu vực pháp lý khác nhau để tiêm chủng. Cách tiếp cận đó trái với Pfizer khi vaccine của hãng này được vận chuyển trực tiếp đến các bệnh viện và trung tâm y tế do các yêu cầu về bảo quản lạnh.
Chính quyền Trump đã ký thỏa thuận vào mùa hè để cung cấp tổng cộng 100 triệu liều vaccine Moderna trong quý đầu tiên của năm 2021. Đầu tháng này, các quan chức Chiến dịch Thần tốc thông báo chính quyền đã mua thêm 100 triệu liều từ Moderna cho quý thứ hai.
Với việc hai loại vaccine đã được phê duyệt, giới chức y tế cho biết họ dự kiến cung cấp đủ liều đầu tiên cho 20 triệu người vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sẽ còn lâu nữa vaccine mới được phổ biến. Ngay cả trong điều kiện hoàn hảo, dân số nói chung có thể sẽ không được tiêm chủng cho đến cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 2021. Cho đến lúc đó, giới chức y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh những tháng tới sẽ rất thảm khốc.
Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tiêm vaccine cho người dân Trong bối cảnh các thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho thấy những tín hiệu khả quan, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha thông báo kế hoạch tiêm vaccine cho người dân, bắt đầu từ ngày 27/2. Người dân nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 tại Hildburghausen, Thuringia, miền đông nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 18/12, Bộ trưởng...