Ứng viên tổng thống Pháp bị cáo buộc tiêu 5 triệu euro cho các công việc khống
Nghị viện châu Âu cáo buộc ứng viên tổng thống của đảng Mặt trận Quốc gia, bà Marine Le Pen, đã tiêu tốn tới 5 triệu euro cho các công việc khống. Con số này lớn gấp hơn hai lần số tiền ước tính trước đó.
Ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen (Ảnh: AFP)
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin điều tra Pháp ngày 27/4 cho biết bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, bị cáo buộc sử dụng ngân sách để trả tiền lương cho nhân viên trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017. Nghị viện châu Âu (EP) cho hay bà Le Pen đã tiêu tốn 4.978.122 euro để trả lương cho ông Thierry Legier (vệ sĩ cho bà Le Pen) và bà Catherine Griset (chánh văn phòng).
Luật sư của EP, ông Patrick Maisonneuve, đã xác nhận số tiền này. Trước đó, tổn thất của vụ bê bối này ước tính khoảng 1,9 triệu euro.
Theo nguồn tin, bà Le Pen được cho là đã trình lên EP các “bản hợp đồng ma” đối với ông Thierry Legier và bà Catherine Griset. Tuy nhiên trên thực tế, bà Griset đang làm việc cho đảng Mặt trận Quốc gia tại Pháp chứ không phải làm việc tại Nghị viện châu Âu.
EP cũng cho rằng 17 nghị sĩ của đảng Mặt trận Quốc gia, trong đó có bà Le Pen, đã sử dụng công quỹ để chi trả cho các công việc riêng. Tuy nhiên, các nhà điều tra không tiết lộ có bao nhiêu công việc khống liên quan trong vụ bê bối này.
Các nghị sĩ châu Âu bị nghiêm cấm dùng ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) để chi trả cho các hoạt động chính trị trong nước của họ.
Video đang HOT
Bà Marine Le Pen một mực bác bỏ các cáo buộc sử dụng công quỹ cho các công việc khống, đồng thời lên án cuộc điều tra, cho rằng đây là hành vi can thiệp chính trị. Trong khi đó, EP khẳng định sẽ xóa quyền miễn trừ truy tố đối với bà Le Pen, một động thái có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chạy đua vào điện Elysee của Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia.
Bà Marine Le Pen đang là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho ghế tổng thống Pháp. Trong cuộc bỏ phiếu vòng 1 ngày 23/4 vừa qua, bà Le Pen đứng ở vị trí thứ hai sau ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron. Hai ứng cử viên này sẽ đối đầu lần nữa vào ngày 7/5 tới. Bà Le Pen được biết đến là một ứng viên bài châu Âu, theo chủ nghĩa dân túy và từng cam kết tiến hành trưng cầu ý dân đưa Pháp rời khỏi EU nếu đắc cử tổng thống.
Nhật Minh
Theo CNA
Những ứng viên nặng ký trong bầu cử tổng thống Pháp 2017
Mỗi 5 năm một lần, cử tri Pháp đi bầu tổng thống. Cuộc bầu cử lần này, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, diễn ra trong bối cảnh chính trị của Pháp những năm gần đây có nhiều thay đổi.
Các ứng viên triển vọng trong bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 (Ảnh: New Statesman)
Cuộc bầu cử lần này có 11 ứng viên, trong đó có 5 ứng viên nổi bật: Franois Fillon (đảng Cộng hòa), Benoit Hamon (đảng Xã hội), Marine Le Pen (đảng Mặt trận Quốc gia), Emmanuel Macron (Phong trào Tiến lên), Jean-Luc Mélenchon (Nước Pháp bất khuất).
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính trị của Pháp những năm gần đây có nhiều thay đổi. Cấu trúc chính trị theo các đảng phái cổ truyền (thân hữu, thân tả, cực hữu) dần dần không còn thống nhất. Nhiều phong trào xã hội xuất hiện. Trong danh sách kể trên, hai ứng viên cuối cùng thể hiện biểu hiện đó.
Cuộc tranh luận trên truyền hình
Đài truyền hình BFMTV và Cnews đã mời tất cả các ứng viên tranh luận trực tiếp hôm 4/4 với loạt câu hỏi như tương lai nào, mẫu xã hội nào cho nước Pháp (với các vấn đề về giáo dục, an ninh, dân nhập cư, tinh thần thế tục và tôn giáo, môi trường; mẫu kinh tế nào cho tương lai của Pháp (đề cập 4 vấn đề quan trọng là công ăn việc làm, khả năng mua của người dân, người hưu trí và sức khoẻ); vị trí nào cho nước Pháp trên trường quốc tế.
Cuộc tranh luận truyền hình, đã kéo dài trên 3 giờ, là cần thiết vì cử tri rất muốn biết đường lối và chương trình của các ứng viên để thực thi quyền chọn lựa của mình.
Hơn năm triệu người đã theo dõi trực tuyến cuộc tranh luận này và nhiều triệu người khác đã xem lại sự kiện này trên Facebook hay trên Youtube vào những ngày kế tiếp. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc tranh luận và nhất là sự trưởng thành chính trị của cử tri Pháp. Các ứng viên chú ý đến chuyện quốc gia và có ý muốn thực thi tốt nhất sự lựa chọn của mình qua phiếu bầu.
Sau cuộc tranh luận này, 25% người theo dõi đánh giá ông Jean-Luc Mélenchon có lập trường thuyết phục nhất, theo một cuộc thăm dò dư luận. Ông Emmanuel Macron được 21% người ủng hộ, ông Franois Fillon có 15% và bà Marine Le Pen nhận được 11%, ông Benot Hamon được 9%, trong các ứng viên khác đều dưới 6%.
Giá trị của các thăm dò ý kiến
Dĩ nhiên kết quả của cuộc thăm dò ý kiến trên không có giá trị tuyệt đối. Các thăm dò ý kiến trước đó cho kết quả rằng ông Macron và bà Le Pen là hai ứng viên dẫn đầu.
Trong phòng kín, lúc đi bầu, cử tri hoàn toàn có khả năng đổi ý kiến. Nhiều người bầu theo truyền thống "tả - hữu" - họ đã chọn khuynh hướng đó một lần và theo nó suốt đời. Nhưng cũng có người bầu theo cảm tính.
Một số lớn cử tri có thể bầu cho đảng cực hữu vì cảm tính. Vì sao vậy? Họ có thể bị "mê hoặc" bởi những lời hứa hẹn của nữ ứng cử viên duy nhất kỳ này - bà Le Pen. Ngoài ra, phần đông trong số họ có cuộc sống khó khăn vì vị trí thấp kém trong xã hội nên khi đảng cực hữu đề nghị hạn chế người nhập cư thì họ ủng hộ vì cho rằng người nhập cư vào cạnh tranh việc làm. Đảng cực hữu thường có những giải pháp ngắn gọn và "mị dân" - điều đó giải thích ít nhất là một phần thắng lợi của đảng như thế ở châu Âu và cả ở Mỹ gần đây.
Ứng viên cho hi vọng thay đổi
Những người tranh đấu cho nhân quyền và phong trào Khai sáng tìm thấy nơi ứng viên Jean Luc Mélenchon một vài hi vọng. Ông Mélenchon đề nghị "cứu con người trước nhất" nhằm tạo bình đẳng xã hội, đánh thuế nặng những bậc lương cao một cách vô lý, tăng mức lương tối thiểu để mọi người đủ sống, giữ tuổi hưu trí lúc 60, trở về luật 35 giờ làm việc mỗi tuần, đầu tư tới mức 100 tỉ euros để tái hồi sinh cho kinh tế, nhất là đầu tư cho năng lượng xanh để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.
Về chính trị, một đề nghị quan trọng của ông Mélenchon là sửa đổi hiến pháp để thêm vào đó quyền của công dân được truất phế, trong nhiệm kỳ, những nghị sĩ và cả tổng thống nữa, đã được bầu nhưng rốt cuộc không thực thi được chương trình như họ hứa.
Về cá nhân, ông Mélenchon "sạch" hơn các ứng viên khác. Không như ông Fillon hiện đang bị cáo buộc về việc dùng công quỹ trả lương cho vợ và cho con, hay ông Macron vốn là người của giới tài phiệt ngân hàng.
Ngoài ra, êkíp của ông Mélenchon gồm rất nhiều người trẻ - dưới 40. Điều đáng nói là trong ê kíp có một nhà kinh tế gốc Việt, ông Hoàng Ngọc Liêm, giảng viên tại Đại học Panthéon Sorbonne, Paris.
Nguyễn Huỳnh Mai
Theo Dantri
Lãnh đạo Nga - Nhật tìm kiếm cơ hội hợp tác tại đảo tranh chấp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/4 đã cùng thảo luận về các dự án kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp, từ đó mở đường cho hai nước ký hiệp ước hòa bình bị đình trệ từ sau Thế chiến II tới nay. Nga - Nhật nhất trí tìm kiếm cơ hội hợp tác...