Ung thư xương là gì?
Triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức, nên ở giai đoạn đầu người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh về xương khớp, cột sống…
Ung thư xương là sự xuất hiện một khối u ác tính ở trong xương. Những khối u này thường phát triển rất mạnh và cạnh tranh với những mô xương lành, có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Ung thư xương có thể là nguyên phát (ung thư phát sinh tại chỗ) hoặc ung thư xương thứ phát (di căn từ cơ quan khác đến xương). Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh ung thư xương rất hiếm gặp, đặc biệt là nhóm ung thư xương nguyên phát chỉ chiếm khoảng 0,5%. Bệnh hầu hết gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi (từ 10 đến 25 tuổi). Nguyên nhân chủ yếu của ung thư xương nguyên phát là do rối loạn di truyền liên quan đến quá trình phân bào có gene biến dị. Một số nguyên nhân khác bao gồm bức xạ ion hóa trong quá trình xạ trị, chấn thương…
Ung thư xương thứ phát hay gặp hơn, thường ở người lớn tuổi. Theo bác sĩ Khánh, loại ung thư hay di căn đến xương khớp nhất là ung thư phổi, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là ung thư vú ở nữ giới (khoảng 24%), đa u tủy xương (13%), ung thư đường tiêu hóa (9%) và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới (8%).
Triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. Ảnh: Medical News Today
Ở giai đoạn đầu, ung thư xương thường không có biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng. Đến giai đoạn muộn hơn, bệnh có các triệu chứng đau, sưng nổi u cục, rối loạn chức năng xương, gãy xương, suy nhược cơ thể… Trong đó, triệu chứng nổi bật nhất của ung thư xương là đau nhức. Đau thường khu trú một vị trí nhất định, tăng về đêm và cường độ tăng dần theo thời gian. Những bệnh nhân ở giai đoạn cuối thường gặp những vấn đề như mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn… Bên cạnh đó, khi khối u di căn sang các bộ phận khác, chẳng hạn như phổi sẽ gây ra tình trạng ho dai dẳng, khó thở, tràn dịch màng phổi. Khối u di căn lên gan gây vàng da, vàng mắt, gan to, nước tiểu sậm màu.
Để giúp chẩn đoán xác định ung thư xương (cả nguyên phát và di căn), bệnh nhân cần được thực hiện một vài hoặc tất cả những thăm dò như chụp phim X-quang xương các bình diện, chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ vùng tổn thương, đo xạ hình xương, sinh thiết vùng tổn thương để xét nghiệm tế bào học. Ngoài ra khi nghi ngờ là ung thư xương do di căn từ cơ quan khác đến, chúng ta cần thực hiện thêm một số thăm dò bổ sung tùy trường hợp cụ thể như chụp X-quang phổi, siêu âm tuyến vú, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, xét nghiệm yếu tố ung thư trong máu, nội soi dạ dày, đại tràng, chụp PET..
“Bệnh có thể chữa được nếu phát hiện và điều trị kịp thời”, bác sĩ nói.
Về điều trị, với ung thư xương nguyên phát ở người trẻ, sử dụng hóa chất trước phẫu thuật kết hợp phẫu thuật loại bỏ vùng tổn thương u cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể lên đến 60->70%. Xạ trị chọn lọc vùng tổn thương cũng mang đến kết quả rất tốt.
Với ung thư xương thứ phát, tiên lượng kém hơn vì nhóm bệnh này thường xuất hiện ở người lớn tuổi, kèm theo có tổn thương ung thư ở một hoặc nhiều cơ quan khác (nguyên phát). Chiến lược điều trị ung thư xương thứ phát phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thể trạng bệnh nhân, ung thư nguyên phát là ở cơ quan nào, ung thư di căn đến một xương hay nhiều xương, quyết tâm của bệnh nhân và gia đình.. Mục đích ưu tiên trong điều trị vẫn là chất lượng sống (giảm đau) cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…
Video đang HOT
Để phòng tránh ung thư xương nói riêng và các loại ung thư nói chung là cần sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Thực phẩm tốt cho xương bạn không nên bỏ qua
Có rất nhiều người mắc bệnh về xương khớp nhưng không để ý, đến khi tổn thương xương rồi sẽ rất khó phục hồi. Đây là những thực phẩm bạn nên ăn để xương chắc khỏe hơn.
Cam rất giàu vitamin C, cần thiết cho sự hình thành collagen và góp phần cho xương chắc khỏe - Ảnh: Internet
Rau xanh lá
Canxi có nhiều trong rau họ cải như cải thìa, cải bẹ trắng, cải thảo, cải xoăn, cải rổ và phần lá của củ cải. Một cốc lá củ cải nấu chín chứa khoảng 200 mg canxi (đáp ứng 20% nhu cầu hàng ngày của cơ thể). Hơn nữa, rau xanh chứa nhiều vitamin K, giảm nguy cơ loãng xương.
Khoai tây
Một củ khoai tây cỡ trung bình nướng không muối cung cấp 31 mg magiê và 542 mg kali. Đây là hai khoáng chất giúp xương khỏe mạnh. Cơ thể thiếu magiê sẽ ảnh hưởng đến cân bằng vitamin D, tác động đến xương. Kali trung hòa axit trong cơ thể có thể làm giảm canxi trong xương.
Bắt đầu ngày mới với vị chua
Thêm một quả bưởi vào bữa sáng để đánh thức vị giác. Vitamin C được chứng minh là giúp ngăn ngừa loãng xương. Một quả bưởi hồng hoặc bưởi đỏ có khoảng 91 mg vitamin C, là lượng bạn cần cho cả ngày. Có thể thay bằng một trái cam 83 mg vitamin C.
Quả sung
Năm quả sung tươi trung bình chứa khoảng 90 mg canxi và khoáng chất khác như kali, magiê. Quả sung khô cũng chứa dinh dưỡng tương tự. Nửa chén quả sung khô có 121 mg canxi.
Bơ hạnh nhân
Hai muỗng canh bơ hạnh nhân chứa 112 mg canxi và 240 mg kali cùng đạm và các chất dinh dưỡng khác.
Ngũ cốc
Ngũ cốc có khả năng phòng chống loãng xương bởi trong nó có hàm lượng protein từ 8-14% và đạm thực vật giúp tăng cường mật độ xương.
Hãy xen kẽ vào thói quen ăn uống hàng ngày (bánh mì, bột mì, gạo...) bằng mầm lúa mì, rau quả sấy khô.
Cá hồi
Đây là loại cá có hàm lượng vitamin D dồi dào (khoảng 12-20mg trong 100g cá) nên rất có lợi cho sự tái tạo mật độ xương. Cá hồi là 1 trong 6 thực phẩm giúp bạn phòng tránh bệnh loãng xương tốt nhất.
Hãy ăn cá hồi 2 lần/tuần để đảm bảo nhu cầu vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, phơi nắng cũng giúp cơ thể hấp thụ được một lượng nhỏ vitamin D qua da.
Sữa từ thực vật
Sữa đậu nành, hạnh nhân, hoặc dừa, đều cung cấp dinh dưỡng, canxi và vitamin D.
Protein thực vật
Nửa ly đậu hũ chứa hơn 800 mg canxi. Nghiên cứu cho thấy các isoflavone trong đậu nành làm giảm loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Măng tây
Ngoài chất xơ, đạm, glucid, các vitammin K, C, A, B6, B2, B1, acid folid, măng tây còn có các chất khoáng cần thiết cho cơ thể con người và hệ xương như: kali, magnê, canxi, sắt, kẽm... Măng tây giàu dinh dưỡng nhưng lại cung cấp rất ít calo vì thế là thực phẩm thích hợp cho người ăn kiêng. Trong thực tế, một chén măng tây nấu chín chỉ cung cấp khoảng 40 calo.
Cam và nước cam ép
Cam và nước ép rất tốt cho xương. Cam rất giàu vitamin C, cần thiết cho sự hình thành collagen và góp phần cho xương chắc khỏe. Một quả cam cũng là một nguồn vitamin A tuyệt vời - chất cần thiết cho sự phát triển xương và tế bào.
Quỳnh An (t/h)
Theo motthegioi
Thường xuyên ăn đồ chiên làm tăng tốc độ phát triển khối u Dùng dầu ăn chiên lại nhiều lần và các món ăn chế biến theo phương pháp chiên thường xuyên sẽ lăm tăng khả năng phát triển khối u ác tính trong cơ thể và mắc bệnh ung thư Những thực phẩm chiên xào không chỉ là nỗi ám ảnh đối với những người đang trong quá trình giảm cân vì những món ăn...