Ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm
Theo các chuyên gia y tế, với nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại ngày nay, bệnh ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, làm thế nào để người dân có thể tự tầm soát, phát hiện sớm để được điều trị bệnh kịp thời, các triệu chứng chính của bệnh ung thư là gì?
TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Tại buổi giao lưu “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” được tổ chức mới đây tại trường Đại học Y Hà Nội, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư, người dân cần chú ý những điểm sau:
Thứ nhất, cần đi khám sức khoẻ định kỳ, 6 tháng hoặc 1 năm/lầ hoặc khám sức khoẻ hàng tháng, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Điển hình là người mang virus viêm gan B…
Hiện nay, tại Việt Nam có tới 10-15% người mang virus viêm gan B có thể tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Chính vì vậy, người dân cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như: polyp đại tràng, dạ dày,…
Ngoài ra, đối với những người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú của những người này cao gấp 10 đến 20 lần so với cộng đồng. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao.
Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám,…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường như nổi u, hạch… người dân cần đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy có các triệu chứng như: xuất hiện các vết loét ở da, niêm mạc miệng, lưỡi, ho kéo dài, ho ra máu,… cần đến bệnh viện để kiểm tra.
Khi phát hiện các dấu hiệu như: Đau hạ sườn phải âm ỉ, khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài ra máu,… cần phải cảnh giác với bệnh ung thư đại trực tràng.
Video đang HOT
Khi sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú,… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.
Khi bị ù tai, ho khạc ra máu,… cần cảnh giác với ung thư vòm họng.
Thấy có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường cần đề phòng ung thư cổ tử cung.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.
Chính vì vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, các chuyên gia y tế tiếp khuyến cáo người dân cần khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường sàng lọc đối với đối tượng có nguy cơ, tự khám khi có biểu hiện bất thường…
PGS. TS. Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa điều trị nội, bệnh viện K chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Bệnh ung thư có di truyền không?
Cũng tại buổi giao lưu, PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa điều trị nội, Bệnh viện K cho biết, có trường hợp mắc ung thư do di truyền nhưng số lượng này không nhiều, chủ yếu mắc ung thư là do yếu tố ngoại cảnh, điều này đã được khoa học chứng minh.
Một số loại ung thư có thể di truyền do đột biến gen, người bị đột biến có nguy cơ mắc cao hơn so với người không bị đột biến, tuy nhiên không phải cứ đột biến là mắc ung thư.
Chính vì vậy, PGS.TS Vũ Hồng Thăng khuyến cáo những người bị đột biến gen nên đến các trung tâm hoặc gặp chuyên gia tư vấn di truyền ung thư để có kế hoạch phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Cũng theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng, một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư buồng trứng… trên thế giới ghi nhận khoảng 10% mắc do đột biến gen. Khi so sánh tỉ lệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người Việt có tỉ lệ đột biến mắc ung thư trong nhóm thấp nhất thế giới. Đây là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, những gia đình có người thân đang mắc ung thư nên tiến hành các xét nghiệm xem có nguy cơ đột biến hay không, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Thúy Hà
Theo baochinhphu
Bài cuối: Xét nghiệm máu không phải là phương thức chẩn đoán và sàng lọc ung thư
Phát hiện sớm ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả bệnh. Tuy nhiên, do nhiều gói tầm soát ung thư hiện đang bị lạm dụng, đặc biệt xét nghiệm chỉ điểm khối u chỉ có giá trị trong tiên lượng và theo dõi điều trị, nhưng do không được khuyến cáo, giải thích đầy đủ gây hiểu lầm với người bệnh.
Hậu quả nhiều người vì tin vào tầm soát chỉ điểm khối u trong máu dẫn tới bỏ lỡ cơ hội "vàng" trong phát hiện và điều trị bệnh.
Xét nghiệm máu chỉ có giá trị khi đã chẩn đoán mắc ung thư
Trước việc tiêu tốn tiền bạc và thời gian khi tầm soát ung thư bằng các xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu, Ths.BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa Điều trị A, Bệnh viện K cho biết: "Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu có giá trị chủ yếu khi đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư, giúp đánh giá tiên lượng như khi chỉ điểm khối u cao thì liên quan đến tiên lượng xấu. Hoặc đánh giá đáp ứng điều trị, chỉ điểm khối u giảm có thể phản ánh phác đồ điều trị có hiệu quả. Một vai trò nữa là theo dõi tái phát di căn trên bệnh nhân ung thư sau kết thúc điều trị, nếu chỉ điểm khối u tăng gợi ý bệnh tái phát, định hướng cho các bác sĩ làm tiếp các xét nghiệm chuyên sâu, đặc biệt chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí tái phát di căn".
Trong sàng lọc cũng như trong chẩn đoán thì vai trò của chỉ điểm khối u rất hạn chế. Chỉ có 2 chỉ điểm khối u có giá trị kết hợp cùng các phương pháp khác khác trong chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư là PSA trong ung thư tiền liệt tuyến và AFP trong ung thư gan.
Bác sĩ Bệnh viện K thăm khám tuyến giáp cho bệnh nhân.
BS Tuấn Anh cho biết: "2 chỉ điểm khối u này cũng chỉ có giá trị tham gia vào sàng lọc phát hiện sớm, chứ không phải là xét nghiệm sàng lọc duy nhất. Thông thường cũng chỉ áp dụng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như bệnh nhân viêm gan, tuổi cao...".
BS Tuấn Anh cũng khẳng định, nhìn tổng thể xét nghiệm máu không phải là phương thức để chẩn đoán và sàng lọc ung thư. Theo bác sĩ, gần đây có một số công ty công nghệ trên thế giới xét nghiệm các đột biến di truyền bằng mẫu máu, nhưng giá trị cũng rất khiêm tốn, có thể giúp đánh giá, phân loại nguy cơ mắc ung thư, nhưng bằng chứng khoa học chưa chắc chắn, nếu có nguy cơ về mặt di truyền thì cần phải đến bệnh viện để làm các xét nghiệm sàng lọc sớm hơn so với khuyến cáo thông thường.
BS Tuấn Anh cũng cho biết, không có xét nghiệm sàng lọc nào chung cho tất cả các bệnh ung thư. Chẳng hạn để phát hiện ung thứ vú phải chụp tuyến vú hay siêu âm vú; ung thư đại tràng phải nội soi đại tràng, tìm máu ẩn trong phân; ung thư phổi phải chụp cắt lớp vi tính liều thấp; ung thư gan phải siêu âm kết hợp với chỉ điểm xét nghiệm AFP...
BS Tuấn Anh cho biết thêm, khi chưa có chẩn đoán mô học ung thư, giá trị xét nghiệm chỉ điểm u rất hạn chế. Vì xét nghiệm này không đặc hiệu, có thể tăng trong một số bệnh cảnh lành tính, đặc biệt viêm.
Phải đến cơ sở chuyên khoa
Phát hiện sớm ung thư có vai trò rất quan trọng, kết quả điều trị ung thư phụ thuộc vào giai đoạn, giai đoạn càng sớm thì điều trị càng hiệu quả. Theo Ths.BS Phạm Tuấn Anh, để sàng lọc phát hiện sớm các ung thư phổ biến, người dân cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể phát hiện sớm bệnh. Sàng lọc ung thư còn được gọi là phòng bệnh cấp 2, nghĩa là đi tìm những dấu hiệu sớm nhất của một bệnh ung thư, để có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, làm tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
Ví dụ như để phát hiện ung thư vú, có 3 phương pháp là: tự khám vú; khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa (phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần khám định kỳ 1 năm/lần); chụp X quang tuyến vú có ưu điểm rõ rệt là có thể phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi chưa sờ thấy khối u. Ung thư cổ tử cung cần làm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung...
Theo BS Tuấn Anh, những người có nguy cơ cao mắc ung thư phải thường xuyên thăm khám ở độ tuổi trẻ hơn. Ví dụ những người có nguy cơ cao ung thư gan như tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin... cần siêu âm gan và xét nghiệm máu AFP định kỳ để phát hiện sớm. Những người nghiện thuốc lá ngoài 50 tuổi, có thể chụp X quang ngực hoặc cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để phát hiện sớm ung thư phổi.
Theo BS. Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, mỗi ung thư có phương pháp sàng lọc khác nhau, với bộ xét nghiệm dành riêng. Điều quan trọng nhất là việc nhận dạng bệnh phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa và bởi bác sĩ ung bướu.
Phải làm gì để dự phòng ung thư? Theo BS Phạm Tuấn Anh, ung thư là bệnh có thể phòng tránh được. Vì vậy mọi người không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh không hít phải khói thuốc sẽ giúp phòng ung thư phổi và nhiều loại ung thư đường hô hấp, đường tiêu hoá không chỉ cho bản thân người hút mà cho nhiều người xung quanh. hực hành dinh dưỡng hợp lý và an toàn như ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế ăn mỡ động vật và đồ ăn rán (chiên) quá cháy, không ăn thực phẩm mốc, bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, phẩm màu, hoá chất bảo quản... để phòng ung thư đường tiêu hoá, ung thư vú, tuyến tiền liệt... Hạn chế sử dụng rượu bia để phòng ung thư gan.
Thực hiện sinh đẻ kế hoạch và tình dục an toàn để phòng ung thư cổ tử cung. Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B để phòng ung thư gan và tiêm vắc xin HPV để phòng ung thư cổ tử cung... Luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể có khả năng chủ động phòng chống ung thư và nhiều bệnh tật khác.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần thăm khám sức khỏe định kỳ ở những bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện, phòng ngừa ung thư sớm.
Trần Hằng
Theo CAND
Bài 1: Bi hài từ sàng lọc ung thư "Sàng lọc 15 loại ung thư bằng xét nghiệm máu cho kết quả chính xác 99%"; "xét nghiệm CEA, CA125, CA 153 để biết mình có mắc ung thư hay không", "chụp PET để phát hiện ung thư"... là những gói dịch vụ tầm soát, sàng lọc ung thư sớm mà nhiều phòng khám, cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ. Mắc...