Ung thư chẳng phải là chấm hết
Ngồi chờ khám tại trung tâm Ung thư bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tháng qua, chị Thanh Phương, 32 tuổi, đến từ Đà Lạt, tâm sự: “Khi biết tin bị ung thư vú giai đoạn 2 tôi sốc lắm. Còn trẻ, mới có con đầu lòng, công việc tốt đẹp, bỗng nhiên mọi thứ sụp đổ và tôi đã muốn tự tử…”.
Ai cho tôi chỗ dựa?
Nhưng Phương cho biết chị không thể tự tử được mỗi khi nhìn đứa con gái xinh đẹp lên hai của mình. Chị nói: “Tôi phải chiến đấu vì vẫn còn một cơ hội sống. Tôi chết thì dễ cho tôi, nhưng con tôi cần một người mẹ?”
Sự động viên và nâng đỡ của cộng đồng có thể giúp bệnh nhân ung thư chiến đấu với bệnh tật một cách nhẹ nhàng.
Và chị Phương đã đi chữa tây y, bỏ qua chuyện “uống thuốc nam” hay tìm kiếm những “chuyên gia dân gian trị ung thư” mà người quen tư vấn cho mình. Chín tháng hoá trị khiến mái tóc chị rụng sạch, nhưng chị chọn cho mình một bộ tóc giả đội lên và đi ra ngoài như mọi người bình thường.
“Đầu tiên không quen, nhưng dần dà tôi cũng vượt qua. Tôi đi uống càphê, xem phim với bạn bè và thấy cuộc đời vẫn đẹp. Mới nhất bác sĩ cho biết bệnh của tôi đã giảm đi nhiều”, chị nói. Thú thật nhìn mái tóc dễ thương của chị tôi không tin đó là mái tóc giả, và nhìn sự tự tin, yêu đời của chị tôi càng không nghĩ đây là một bệnh nhân ung thư.
Nhưng khác chị Phương, chờ nhận giấy xuất viện tại khoa hoá trị và xạ trị trên lầu 9, bà Thiên, 64 tuổi, đến từ An Giang, tỏ ra mệt nhọc. Bà nói: “Tôi bị ung thư ruột, đã mổ và hoá trị được 15 đợt. Tháng nào tôi cũng có mặt ở đây để hoá trị nhưng chẳng biết kéo dài đến bao lâu. Thuốc ngấm vào người làm tôi khó chịu, đau đớn, ăn, ngủ không được. Bệnh kéo dài, người thân của tôi ngày càng bỏ bê. Vào bệnh viện, hỏi bác sĩ, điều dưỡng, họ cũng trả lời qua loa. Tôi chỉ mong một chỗ dựa nhỏ nhoi nhưng cũng không có”.
Video đang HOT
“Ung thư” là một trong những từ ngữ đáng sợ nhất thời nay, nó đáng sợ không chỉ vì sự nguy hiểm chết người, mà còn ở chỗ suy sụp tinh thần khi thiếu sự hỗ trợ của người chung quanh. Anh Minh Nam, 39 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM, may mắn thoát chết vì ung thư phổi cách đây ba năm, chia sẻ trải nghiệm: “Lần đầu tiên tôi đưa kết quả xét nghiệm cho bác sĩ điều trị, ông ấy giải thích qua loa và còn trách tôi sao để mọi chuyện trễ quá như vậy (!). Đến các bác sĩ khác cũng thế, do quá bận rộn với bệnh nhân nên họ không cho tôi bao nhiêu kiến thức”.
Trong một hội thảo mới đây về ung thư của tổ chức phi lợi nhuận Salt Cancer Initiative (SCI) diễn ra ở TP.HCM, TS.BS Phan Liêm, trung tâm MD Anderson Hoa Kỳ , cho biết ông từng nhận email bày tỏ ý định tự tử của một phụ nữ mắc ung thư giai đoạn cuối đang điều trị ở một bệnh viện lớn ở Việt Nam. Bác sĩ Liêm nói: “Do cảm thấy tuyệt vọng, nên bệnh nhân muốn lên lầu cao nhất của bệnh viện, ôm đứa con nhỏ rồi nhảy lầu tự tử”.
Ung thư là cơ hội để sống thêm lần nữa
Mở đầu cuộc hội thảo vừa qua, từ Hoa Kỳ, chị Trương Thanh Thuỷ, sáng lập viên SCI, đồng thời cũng là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, đã chia sẻ vui vẻ với cử toạ về những ước mơ của mình cho bệnh nhân ung thư.
Nói thêm, vào tháng 9.2015 sau khi tình cờ phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối, người phụ nữ 32 tuổi này đã sốc khi biết mình chưa bao giờ chuẩn bị cho điều này. Nhưng sau khi trấn tĩnh, “Thuỷ Muối” (biệt danh của Trương Thanh Thuỷ), người được gọi là “Nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam”, đã quyết định tuyên chiến với ung thư. Với mục tiêu này, SCI ra đời nhằm kết nối bệnh nhân ung thư, cung cấp kiến thức về bệnh tật cũng như hỗ trợ tinh thần để họ chống lại ung thư.
Trong một chia sẻ mới nhất, chị nói: “Nếu các bạn trẻ mắc bệnh ung thư, thật ra chỉ là ông trời nhắc cho bạn nhớ thời gian con người là hữu hạn, ngày mai không bao giờ tới, cứ sống trọn vẹn ngày hôm nay đi đã. Hãy xem ung thư như một cơ hội để chúng ta sống lại một lần nữa, yêu thương bản thân ta hơn và cả những người thân yêu quanh mình”.
BS Phan Liêm kể lại một câu chuyện có thật mà ông biết. Đó là một bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đến gặp đồng nghiệp ông xin chữa bệnh. Sau khi phát hiện bệnh đã di căn nhiều nơi, bác sĩ nói với bệnh nhân chỉ còn sống tối đa được sáu tháng và khuyên ra về tìm sự hỗ trợ tinh thần để chống chọi trong những ngày tháng còn lại. Bệnh nhânra về, chấp nhận sự thật, vui vẻ sống, tập thiền, tuân theo một chế độ ăn uống phù hợp và sống đến nay… được mười năm! BS Liêm nói: “Kiểm tra lại bệnh nhân, bác sĩ phát hiện các khối u di căn vẫn nằm nguyên đó nhưng không phát triển”.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Thoracic Oncology hồi tháng 3.2010 cho thấy bệnh nhân ung thư phổi có thái độ lạc quan tích cực sẽ sống lâu hơn bệnh nhân bi quan trung bình sáu tháng. Theo các nhà nghiên cứu, ích lợi này thật sự ấn tượng khi biết rằng thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư phổi chưa đến một năm. Với tinh thần này, Trương Thanh Thuỷ đang nỗ lực truyền cảm hứng chiến đấu chống lại ung thư cho mọi người. Thời gian qua chị cho dịch và in tài liệu “Ung thư là gì?” để phát miễn phí tại các bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và đang liên hệ một số bệnh viện mở lớpdạy yoga miễn phí cho bệnh nhân ung thư.
Chị nói: “Đã là người thì ai cũng phải chết, không phải mình sống bao lâu mà mình sống như thế nào. Nếu sợ chết thì sợ cả đời rồi cũng phải chết”.
Theo Bài, ảnh Thanh Tâm ( Thế Giới Tiếp Thị)
Thiếu nữ cắt bỏ "núi đôi" vì sợ ung thư di căn
Dù tuổi xuân phơi phới, nhưng không ít cô gái trẻ mới 20, 21 tuổi đã "nằng nặc" đòi cắt bỏ "núi đôi" vì sợ ung thư di căn. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, các kỹ thuật hiện đại ngày nay có thể giúp cắt bỏ khối u triệt để mà vẫn bảo tồn được vẻ đẹp nữ tính cho chị em.
Có nhiều cách bảo tồn ngực
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh (khoa Ngoại vú - Bệnh viện K T.Ư) cho biết đã gặp nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ vú khi tuổi còn trẻ, thậm chí cả cô gái mới hơn 20 tuổi, chưa chồng. Như năm 2016, cả khoa đã có tiếp nhận hơn 2.400 lượt bệnh nhân điều trị. Đáng lưu ý, hầu hết các bệnh nhân đều "nằng nặc" xin cắt hết tuyến vú, mặc dù các bác sĩ khuyến cáo chỉ cần cắt một phần, bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên cho chị em.
Tầm soát ung thư vú tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: Diệu Linh
Chị em cần tăng cường vận động, tránh béo phì, tăng cường ăn rau xanh, chất xơ, hạn chế ăn mỡ động vật, đồng thời đi khám định kỳ tuyến vú để được chẩn đoán sớm. Tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú sẽ lên đến 80 - 90% nếu phát hiện ở giai đoạn đầu". PGS Trần Văn Thuấn
"Điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh muộn, khối u to hoặc di căn lan tỏa nên phải cắt bỏ vú. Điều nữa là do ngực của phụ nữ Việt Nam khá bé, vì thế, khối u dù chưa lớn cũng đã chiếm gần hết diện tích vú nên phải cắt bỏ đa số tuyến vú. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là tâm lý của bệnh nhân sợ nếu chỉ phẫu thuật loại bỏ khối u thì sẽ không "triệt tận gốc" tế bào ác nên yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ vú, dù bác sĩ khuyến cáo là chỉ nên phẫu thuật một phần" - bác sĩ Quang cho biết.
Theo bác sĩ Quang, dù số ca cắt bỏ vú nhiều nhưng bệnh viện cũng có nhiều kỹ thuật để tạo ngực thẩm mỹ cho bệnh nhân như dùng mô mỡ, da bụng hoặc cơ lưng to lên đắp ngực, đặt túi silicon...
Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, thường chị em sau mổ hết sức tự ti, áo dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ ung thư vú. "Đối với trường hợp phát hiện sớm ung thư vú chúng tôi dùng hóa chất để thu nhỏ khối u lại sau đó chỉ mổ trích khối u, thay vì cắt bỏ toàn bộ tuyến vú. Thứ 2 là cắt vú kết hợp với vét hạch di căn chứ không vét hạch toàn bộ tuyến vú. Điều này sẽ hạn chế các biến chứng to tay, phù nề, hạn chế vận động tay cổ của chị em sau khi bị cắt bỏ vú và vét hạch. Thứ 3 là áp dụng mổ tạo hình, sau khi cắt bỏ tuyến vú thì có thể tạo hình bằng cơ lưng, cơ bụng hoặc silicon nhân tạo" - PGS Thuấn cho biết.
Ngoài ra, theo PGS Thuấn, kỹ thuật xạ trị hiện nay cũng có khả năng đưa tia xạ tới trúng đích hơn, chỉ diệt tế bào ác tính, tránh các tác dụng phụ với các tế bào.
Ung thư vú Việt Nam đang trẻ hóa
PGS Thuấn cho biết, đối với các nước, "đỉnh cao" mắc ung thư vú thường là 60-65 tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì "đỉnh" chỉ 40-50 tuổi, tức là trẻ hơn nhiều so với các nước khác và ngày càng trẻ hơn. Thậm chí, các bác sĩ đã gặp trường hợp chỉ 20-21 đã bị ung thư vú.
PGS Thuấn cũng cho biết, ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung cũng đang có xu hướng gia tăng và đang trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, xã hội. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,7 triệu ca ung thư vú mới, chiếm khoảng 12% tổng số ca mắc mới và 25% tổng số ung thư ở phụ nữ. Còn tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất ở phụ nữ. Theo số liệu năm 2010, ước tính có khoảng 28,1 ca ung thư vú/100.000 phụ nữ.
PGS Thuấn cảnh báo, chị em nên thường xuyên tự kiểm tra ngực, nhìn, sờ để phát hiện màu sắc, khối u bất thường, tốt nhất là sau sạch kinh 5 ngày. Chị em cũng nên đi khám định kỳ để được các bác sĩ chuyên khoa sản, chuyên khoa ung thư tư vấn, khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú. "Ở nước ngoài, họ thường tư vấn phụ nữ nên chụp tuyến vú sau tuổi 45 nhưng ở Việt Nam do xu thế trẻ hóa ung thư vú, nên chúng tôi khuyến cáo, phụ nữ nên tầm soát sau tuổi 40" - PGS Thuấn nói.
Theo các chuyên gia, phụ nữ không nên dùng thuốc tránh thai, thuốc nội tiết thường xuyên là lâu hơn 10 năm. Các thuốc này có tác động đến nội tiết có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, những người thân của người bệnh ung thư vú, đặc biệt là mẹ, con gái hoặc chị em gái nên đi khám để tầm soát ung thư vú. Bởi lẽ, ung thư vú có khoảng 15% nguyên nhân do yếu tố gia đình. Người có họ hàng mắc ung thư vú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần người không có họ hàng mắc ung thư vú.
Theo Danviet
Ăn dâu tây giảm nguy cơ ung thư Bổ sung dâu tây trong chế độ ăn uống hằng ngày giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Scientific Reports. Ảnh: Đ.N.Thạch Các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Marche ở Ý rút ra kết luận trên, sau khi tiến hành nghiên cứu ở loài chuột. Những con chuột có khối...