Ứng phó dịch tả lợn châu Phi: Chặn dịch xuyên đêm, không ngày nghỉ
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt là tại vùng dịch các xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ), Trung Nghĩa (TP.Hưng Yên)và Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) cùng các vùng dịch uy hiếp lân cận, công tác phòng, chống luôn được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc.
Trực dịch xuyên đêm
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, những ngày này, tại vùng dịch xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), không khí phòng chống dịch đang rất khẩn trương, liên tục. Cùng với điểm chốt “trực chiến” được dựng lên tại các đường ngõ xóm, thôn, xã, các tổ công tác của cơ quan liên ngành cũng đi tuần tra, giám sát 24/24.
Ông Đỗ Minh Tuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, quan điểm làm việc của địa phương là không có ngày nghỉ, nhất là các cán bộ ở vùng có dịch và vùng uy hiếp phải “trực chiến” thường xuyên.
Các cán bộ thu y Trung ương và địa phương tiến hành lấy mẫu máu lợn ốm tại một hộ nuôi lợn thuộc xã Lô Giang (huyện Đông Hưng). Ảnh: Trần Quang
“Đến ngày 22.2, chúng tôi cơ bản không để phát sinh thêm ổ dịch, công tác tiêu độc, khử trùng vẫn được tiến hành đồng bộ, toàn diện”- ông Tuân khẳng định.
Có mặt tại điểm nóng Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào những ngày này, phóng viên cảm nhận rõ sự quyết liệt của chính quyền và người dân nơi đây. Từ việc rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng đến lập chốt canh ngăn chặn vận chuyển lợn mắc bệnh… đều được thực hiện nghiêm túc.
“Ngoài 5 ổ dịch được phát hiện từ trước, đến nay địa phương không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Đây thực sự là thành quả bước đầu chúng tôi đạt được, mong rằng địa phương sẽ sớm xử lý thành công được dịch bệnh nguy hiểm này”- ông Phạm Văn Tạo – Chủ tịch UBND xã Đông Đô nói.
Cũng theo ông Tạo, vào những ngày này, cùng với sự hỗ trợ của trung ương và địa phương, xã Đông Đô đã huy động các lực lượng tích cực rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng ngày 1 lần.
“Ngoài ra, 5 điểm chốt (có đầy đủ cán bộ cơ quan liên ngành) tại các cửa ngõ, lối vào xã hoạt động 24/24 giờ nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và không để xảy ra tình trạng người dân đưa lợn dịch ra, vào địa phương”- ông Tạo khẳng định.
Tại xã Lô Giang (huyện Đông Hưng), đi đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy loa truyền thanh xã thông tin về dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, tại các tuyến đường ngõ xóm, việc rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng cũng đang được các cán bộ, nhân dân của địa phương làm rất bài bản. Ngoài ra, các điểm chốt chặn cũng được lập ra từ khá sớm nhằm siết chặt, quản lý việc vận chuyển, tiêu thụ lợn tại địa bàn.
Video đang HOT
“Vào thời điểm này chúng tôi phải làm ngày làm đêm để giúp dân. Có hôm phải làm xuyên trưa, xuyên đêm để lấy mẫu máu, bệnh phẩm tại các trang trại, hộ chăn nuôi đưa đi xét nghiệm kịp thời nhằm đảm bảo phản ứng, xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra”- một cán bộ của Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y) chia sẻ.
Làm đến đâu, chắc đến đó để dân tin
Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, công tác kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng được tiến hành triệt để tại các thôn, xóm ở vùng dịch xã Đông Đô (Hưng Hà) và vùng uy hiếp xã Lô Giang (Đông Hưng).
Có mặt và phát biểu chỉ đạo tại buổi họp khẩn ngay tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) vào chiều tối ngày 21.2, ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta đối phó với dịch tả châu Phi, một dịch bệnh chưa có thuốc chữa và nguy hiểm bậc nhất thế giới hiện nay nên mọi công tác khó tránh khỏi lúng túng,
“Nhưng tinh thần là chúng ta phải quyết liệt, làm đến đâu phải chắc đến đó”, ông Xuyên nhấn mạnh và cho rằng, quan trọng nhất lúc này là phải bình tĩnh đối phó với dịch bệnh, tránh làm cho qua, làm sơ sài. Nhất là trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, các địa phương cũng phải làm thật cẩn thận và phải dân chủ, công khai và minh bạch.
Khi tuyên truyền, vận động bà con, chúng ta phải giải thích rõ về dịch bệnh và độ nguy hiểm của nó để bà con có kiến thức phòng tránh, không giấu khi có dịch.
Riêng đối với công tác kiểm đếm, tiêu hủy lợn chúng ta cũng phải thành lập cả tổ công tác có đủ các thành phần, trong đó nhất thiết phải có cán bộ tài chính và các đoàn thể, mặt trận tổ quốc tham gia thực hiện giám sát công khai.
“Nếu cần thiết, khi làm xong công tác tiêu hủy, các xã cần công bố số lượng lợn tiêu hủy lên loa truyền thanh để toàn dân được biết nhằm tạo lòng tin trong bà con”- ông Xuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Xuyên cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương phải chú tâm thêm công tác hậu cần và chế độ tốt cho các cán bộ, nhân viên tham gia công tác phòng, chống dịch để mọi người yên tâm làm việc đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến thời điểm này, Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ các xã hàng chục tấn vôi bột và thuốc tiêu độc khử trùng để các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
“Chúng tôi đảm bảo sẽ không để các xã thiếu vôi bột và hóa chất, nhất là vùng có dịch và vùng uy hiếp” – ông Dương khẳng định.
Theo Danviet
Cục Chăn nuôi: "Làm theo chuỗi không phải là bỏ rơi nông dân"
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là chăn nuôi lợn và không để nông dân, nông hộ bị bỏ lại phía sau, trong thời gian tới chúng ta cần tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó các doanh nghiệp (DN) phải là đầu tàu...
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Dương (ảnh) - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.
- Nhìn từ nhà máy chế biến thịt mát quy mô lớn của Masan mới khánh thành ở Hà Nam, theo ông, nó sẽ tạo ra cơ hội như thế nào để phát triển ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian tới?
Hiện nay năng lực sản xuất chăn nuôi, nhất là nuôi lợn của chúng ta đã vượt trần so với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, vì vậy việc tìm thị trường xuất khẩu cho thịt lợn và các sản phẩm chăn nuôi nói chung là định hướng mà Chính phủ và Bộ NNPTNT đang thực hiện rất quyết liệt. Việc khánh thành tổ hợp giết mổ và chế biến thịt của Tập đoàn Masan vừa qua là một hoạt động theo định hướng đó của Bộ NNPTNT.
Nếu giải quyết được các vấn đề về chế biến thì chúng ta sẽ đảm bảo được nhiều mục tiêu. Thứ nhất là chúng ta có được sản phẩm thịt lợn sạch, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam nhằm giữ thị trường trong nước. Thứ hai là chúng ta sẽ xuất khẩu sản phẩm đi các thị trường trên thế giới.
Đó mới thực sự là việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng là chia sẻ lợi nhuận của những người tham gia vào quá trình chăn nuôi, giết mổ và chế biến. Qua đó, tránh được tình trạng mỗi người tự kiếm một khu của riêng mình và cuối cùng chúng ta không có một ngành hàng thịt lợn, hay các ngành hàng thực phẩm có đủ sức mạnh để cạnh tranh tốt trong hội nhập ngày nay.
Dây chuyển giết mổ, chế biến thịt lợn theo quy chuẩn châu Âu của Tập đoàn Masan tại Hà Nam. ảnh: Trần Quang
Ông nhìn nhận khả năng xuất khẩu thịt lợn từ các nhà máy chế biến của Masan như thế nào?
Tôi cho rằng, hoàn toàn có khả năng. Nhà máy này sử dụng công nghệ của châu Âu, áp dụng quy trình kiểm soát của châu Âu nên đạt tiêu chuẩn cao.
Về nguồn nguyên liệu, nếu tổ chức sản xuất tốt, áp dụng các quy trình GAP trong các nông hộ thì thịt lợn của chúng ta sẽ có chất lượng tương tự như của châu Âu. Tuy nhiên, trước mắt thịt mát được tiêu thụ trong nước nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt mát trong thời hạn từ 10 đến 12 ngày mà không phải sử dụng thịt cấp đông, đông lạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh việc tập trung cho các DN đầu tàu nhưng bằng mọi
giá cũng không để người dân, nông hộ chăn nuôi bị bỏ lại phía sau. Vậy giải pháp nào để thực hiện điều đó?
Đúng như vậy, hiện nay chúng ta có hàng triệu hộ nông dân, Chính phủ không thể đến từng hộ để tuyên truyền và giúp họ được mà chúng ta phải thông qua các DN, hiệp hội, HTX. Do đó các chính sách và tinh thần động viên của chúng ta nên tập trung vào các chuỗi liên kết nhằm phát huy vai trò trung tâm của DN, họ sẽ là đầu tàu, là người phát hiện ra mệnh lệnh của thị trường.
Và cũng chính DN này họ sẽ đưa lại khẩu lệnh đó cho người chăn nuôi, trang trại, nông hộ để bà con làm theo tín hiệu của thị trường. Đơn cử như việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi an toàn sinh học..., việc này một DN không thể làm được mà cần có vai trò của Nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo cho mọi người có ý thức chăn nuôi sạch, an toàn, để từ đó các DN có vùng nguyên liệu an toàn, sau đó đưa lợn vào giết mổ, chế biến mới đảm bảo chất lượng.
Làm theo chuỗi liên kết như thế thì không phải chúng ta bỏ nông dân, nông hộ mà giúp họ đứng trong một tập thể chứ không làm ăn riêng lẻ nữa.
Còn đối với việc chăn nuôi theo tiêu chuẩn, tôi cho rằng hiện nay các tiêu chuẩn VietGAP, ASEANGAP, GLOBALGAP đều tốt và chất lượng, nhưng mỗi tiêu chuẩn đáp ứng từng phân khúc thị trường khác nhau.
Kế hoạch của chúng ta là tiến lên tiêu chuẩn GLOBALGAP, nhưng trong quá trình thực hiện phải có lộ trình để người nông dân, nông hộ có thể áp dụng nhuần nhuyễn VietGAP, ASEANGAP, còn các trang trại lớn có thể tiến lên tiêu chuẩn GLOBALGAP để dần dần, các nông hộ cũng có thể phấn đấu đạt tiêu chuẩn cao là GLOBALGAP.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm này trong thời gian tới?
Hiện trong các sản phẩm thì lợn sữa của Việt Nam tốt nhất. Theo tôi trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu lợn sữa và lợn choai sang các nước gần như Trung Quốc, Singapore...
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hoạt động giết mổ và chế biến các sản phẩm khác từ lợn thịt, tiến tới xuất khẩu thịt đông lạnh (vừa rồi DN đã xuất được sang Myanmar), tiến tới xuất khẩu thịt mát sang các nước trong khu vực hoặc làm thịt chín, thịt hun khói...
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Ngành chăn nuôi: Đừng vui mừng sớm với "vòng nguyệt quế" Năm 2018 có thể đánh giá là một năm thành công của ngành chăn nuôi khi thị trường rộng mở, việc xây dựng các chuỗi liên kết ngày càng đi vào thực chất, nhiều dự án đầu tư quy mô "khủng". Tuy nhiên, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, không nên vui mừng quá sớm trước "vòng nguyệt quế"....