Ứng phó dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã có văn bản kiến nghị một số biện pháp, chính sách để các địa phương, cơ sở giáo dục bảo đảm đủ nguồn lực ứng phó dịch bệnh.
Phun thuốc khử khuẩn phòng dịch Covid-19 tại Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, chỉ một số địa phương cho học sinh cấp THPT đi học trở lại. Tại một số địa phương như: Vĩnh Phúc, Cao Bằng, học sinh cấp THPT đã đi học trở lại từ ngày 2-3. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh trường, lớp học cần được duy trì thường xuyên. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) Nguyễn Ngọc Trâm, trước khi vào học, học sinh được đo thân nhiệt. Hệ thống loa phát thanh của trường liên tục phát đi thông báo về những điều cần biết về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc phát thông báo này, nhà trường tin tưởng sẽ đem lại hiệu quả khi được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy cho biết, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều yêu cầu, hướng dẫn chặt chẽ đối với các nhà trường, phun hóa chất khử trùng kể cả trong thời gian học sinh nghỉ học; vệ sinh toàn bộ trường lớp, môi trường chung quanh, các phòng chức năng, các thiết bị dạy học và đồ dùng học tập của học sinh. Kết thúc mỗi buổi học, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường lớp theo đúng quy định. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được trang bị đủ các công cụ trong phòng dịch như: Máy đo thân nhiệt (mỗi trường ít nhất ba chiếc, có trường chuẩn bị năm đến bảy chiếc), dung dịch rửa tay khô, cồn sát khuẩn và khẩu trang cho học sinh. Nhằm chuẩn bị tốt nhất khi học sinh trở lại trường, tất cả các cơ sở giáo dục đã tổ chức phun khử khuẩn từ ba đến bốn lần ở các lớp học, khuôn viên trường; tổ chức lau dọn bàn, ghế, đồ dùng học tập.
Tại Hà Nội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được ngành giáo dục vào cuộc và triển khai đồng bộ, tích cực. Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, trường thường xuyên có thông báo gửi học sinh, phụ huynh về những lưu ý khi học sinh quay trở lại trường; đã và đang thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo của ngành giáo dục trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo Trưởng phòng GD và ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) Lê Hồng Vũ, điều lo ngại trước khi học sinh quay trở lại trường, nhất là với học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học là các em ăn, học bán trú tập trung, cho nên công tác phòng, chống dịch đã và đang được thực hiện nghiêm túc. Các trường đã triển khai kế hoạch tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học và trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, bên cạnh công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường, lớp học, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh, các trường cần tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở học sinh rửa tay với nước sạch và xà-phòng trước khi vào lớp, sau khi ăn, đi vệ sinh; bảo đảm đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng. Hằng ngày, trước mỗi tiết học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không (đối với trẻ mầm non thì hỏi cha, mẹ các cháu khi giáo viên nhận trẻ); không cho học sinh ra khỏi trường trong giờ học; không cho những người không có nhiệm vụ vào trường…
Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thanh Đề cho biết, đến nay, Bộ đã ban hành 26 văn bản chỉ đạo gửi các trường, địa phương chung quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp từng thời điểm dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ đã huy động toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học tham gia phòng, chống dịch. Kết quả, 100% cơ sở GD và ĐT ở 63 tỉnh, thành phố đã khử trùng trường, lớp học và dụng cụ học tập. Đáng chú ý, nhiều địa phương có những giải pháp linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch và điều chỉnh thời gian học tập của học sinh để bảo đảm an toàn. Nhiều mô hình hỗ trợ phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục đại học bước đầu có sự lan tỏa, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Video đang HOT
Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ GD và ĐT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Đó là: miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019; miễn các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II – 2020. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác. Bộ GD và ĐT kiến nghị hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục; bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các sở GD và ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung…
Để sẵn sàng đón học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, Bộ GD và ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt một số văn bản về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh; có biện pháp thông báo, xử trí khi trường học có trẻ mầm non, học sinh, sinh viên xuất hiện một trong các triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19.
LONG THÀNH VÀ TIẾN ĐỨC
Dịch covid kéo dài 6 tháng, 90% trường tư có nguy cơ phá sản
Lãnh đạo các trường ngoài công lập khẩn cầu Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại trước nguy cơ cạn kiệt tài chính bởi nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, 90% trường tư được khảo sát có nguy cơ phá sản
Lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non tới THPT vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn.
Trong thư, lãnh đạo các trường cho hay dịch bệnh Covid-19" đã khiến các trường kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí". Học sinh phải nghỉ học liên tiếp nhằm tránh Covid-19, nhà trường không có doanh thu và đang mất dần tính thanh khoản.
Nghỉ học kéo dài khiến các trường tư lâm vào cảnh khó khăn
"Hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc. Theo thống kê từ các điều tra của báo chí trước đó, chỉ có khoảng 20% cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi, còn 40% ở mức tồn tại được và có đến 40% vẫn đang phải chịu lỗ. Chính vì thế, khi có suy giảm và khủng hoảng như thế này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản. Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi" - bản kiến nghị nêu rõ.
150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm năm nội dung.
Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, các trường đề nghị Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập hoạt động trở lại để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, trường có doanh thu, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. Các trường cam kết thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng chống dịch.
Thứ hai, các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.
Thứ ba là Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Họ cũng mong Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng chấp thuận gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng từ 3 tới 6% mỗi năm trong năm 2020, 2021.
Thứ tư, các trường mong muốn "công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến (online); tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy".
Thứ năm, các trường đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để được hướng dẫn các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, giải quyết nhanh thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên.
Các trường ngoài công lập cũng nhấn mạnh việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.
"Hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến các cháu bé không có người trông nom, chăm sóc, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm. Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu bị đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế. Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỉ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỉ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc" - bản kiến nghị viết.
Các trường ngoài công lập cũng nhấn mạnh khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoản 80-200 tỉ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây. Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh). Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc.
"Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn. Phản ứng dây chuyền sẽ là khủng khiếp, cả về mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, nhưng nghiêm trọng hơn là giáo dục Việt Nam. Đồng thời, sẽ không có nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào thị trường giáo dục tư nhân với hàng ngàn trung tâm và trường học đứng trước ngưỡng cửa phá sản dây chuyền nữa. Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng" - các trường ngoài công lập cho hay.
Yến Anh
Theo nld.com.vn
Lo dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi dừng Hội khỏe Phù Đổng Do tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi quyết định tạm dừng Hội khỏe Phù Đổng. Theo kế hoạch, Hội khỏe Phù Đổng các cấp tại Quảng Ngãi diễn ra từ tháng 12/2019 - 4/2020. Trong đó, Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh dự kiến từ ngày 13/3- 15/4/2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Ban tổ chức quyết...