Ứng dụng công nghệ phát hiện, xử lý vi phạm giao thông
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và tai nạn giao thông tại các đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do người lái xe vi phạm quy định về trật tự ATGT đường bộ, nhất là vượt quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ…; tai nạn giao thông đường sắt có nguyên nhân chủ yếu của người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định khi tham gia giao thông tại đường ngang giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó có sự buông lỏng quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế.
Trong Chỉ thị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký, Bộ Công an được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách, chú trọng tuần lưu, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng xe khách lưu thông cao, các tuyến đường đang thi công nâng cấp, mở rộng; phối hợp với các đơn vị của ngành giao thông vận tải để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện quá niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách.
Đồng thời chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; trong đó lưu ý chỉ đạo Công an các địa phương nắm vững lịch trình chạy tàu qua địa bàn để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô do địa phương cấp giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Video đang HOT
Đồng thời triển khai kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, chú trọng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, tránh vượt, nồng độ cồn, phần đường, làn đường; khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban An toàn giao thông, phối hợp UBND cấp huyện và doanh nghiệp khai thác, bảo trì đường sắt xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trong đó quan tâm tuyên truyền, phổ biến quy tắc giao thông và cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông tại các đường ngang; tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm ATGT tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt; bảo vệ hành lang an toàn đường sắt; phân công cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, thực hiện kế hoạch.
Công bố danh sách các xe ô tô chở khách quá hạn đăng kiểm
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và trực tiếp kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm tốc độ và hành trình trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến nay; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải đối với các Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ xe ô tô kinh doanh vận tải đang quản lý vi phạm cao; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, lập danh sách các xe ô tô chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; đồng thời để người dân và cơ quan truyền thông cùng tham gia giám sát.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất ATGT, đề ra biện pháp khắc phục về kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất ATGT đường sắt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các địa phương có đường sắt đi qua, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang đường sắt; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; hướng dẫn quy tắc ATGT đường sắt cho người được các địa phương bố trí cảnh giới tại các đường ngang; cung cấp lịch trình chạy tàu cho lực lượng Công an và Thanh tra giao thông để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Tăng cường an toàn giao thông đường sắt
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ mà có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt quản lý kinh doanh và các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường kết nối các phương thức vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách đường sắt, hàng không, đường thuỷ nội địa nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm ATGT đường sắt, nhất là vốn đầu tư xây dựng các đường ngang, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Nhật Lâm
Theo_VnMedia
Ngân sách Nhà nước cần công khai, minh bạch
Sáng 2-6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Mở đầu phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi. Dự thảo Luật NSNN quy định về một số vấn đề quan trọng như thu, chi NSNN, bội chi NSNN, phân cấp quản lý NSNN giữa trung ương và địa phương, về dự phòng và dự trữ tài chính, về công khai, minh bạch NSNN...
Phiên họp sáng 2-6
Liên quan đến các khoản thu, một số ý kiến đề nghị nên quy định thu xổ số kiến thiết (XSKT) vào cân đối ngân sách theo Luật NSNN hiện hành, trong đó có ý kiến đề nghị chỉ để lại một phần thu xổ số cho địa phương, số còn lại nộp NSNN để phân bổ như các khoản thu ngân sách từ thuế. Có đại biểu đề nghị các khoản thu từ xổ số chỉ phục vụ cho chi đầu tư, chi giáo dục, không dùng để chi thường xuyên.
Về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thu từ XSKT là các khoản thuế thu từ hoạt động XSKT, vì vậy khoản thu này phải được cân đối chi NSNN như đối với các khoản thuế, lệ phí và phí.
Tuy nhiên, hoạt động XSKT là hoạt động vui chơi có thưởng (không khuyên khích) có sự quản lý của Nhà nước và mục đích thu từ hoạt động XSKT là để phục vụ lợi ích công cộng. Nếu đưa vào chi cân đối NSNN như đối với các khoản thuế, lệ phí và phí sẽ tạo áp lực cân đối cho các địa phương trong thu NSNN từ khoản thu này, đồng thời tạo ra sự không bình đẳng giữa các địa phương do số thu từ hoạt động XSKT của các địa phương hiện nay có sự chênh lệch, gây thiệt thòi cho các địa phương có nguồn thu lớn từ XSKT.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) phát biểu
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). Theo ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), thu XSKT nên tính là thu NSNN mới chặt chẽ, nhằm tránh thất thu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) cần có chương riêng về kế toán, kiểm toán, không nên gộp chung với quyết toán ngân sách do đây là các nội dung hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, việc đảm bảo cân đối nguồn thu-chi NSNN phải gắn liền với phân cấp, phân quyền nhằm giảm tối đa việc chi cho bộ máy hành chính cồng kềnh.
ĐB Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND tối cao phát biểu
ĐB Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng, về cơ chế hỗ trợ cho ngân sách địa phương, cơ quan tư pháp, nhiều địa phương muốn hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp nhưng hiện không có cơ chế hỗ trợ cho các tòa án. Do vậy, dự thảo cần quy định rõ hơn về vấn đề này. Ngoài ra, sự phân bổ các loại việc tòa án phải giải quyết còn chưa tập trung nên cần có quy định sử dụng ngân sách dự phòng để có thể điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan tòa án hoạt động thuận lợi...
Theo_An ninh thủ đô
TP Hồ Chí Minh: "Loạn"... xe "dù", bến "cóc Ngày 26-5, tại TP Hồ Chí Minh, Ban ATGT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Giao thông tổ chức hội thảo: "Giải pháp loại bỏ xe dù, bến cóc". Hội thảo nhằm nhận diện thực trạng hoạt động "xe dù, bến cóc" tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua; nguyên nhân và ảnh hưởng của "xe dù, bến cóc"...