Ưng biển quyết đấu Bò rừng ở Hoa Đông
Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang đẩy nhanh khả năng điều động lực lượng đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp tại biển Hoa Đông.
Osprey V-22B đã được triển khai đến Nhật Bản – Ảnh: Wired
Những ngày gần đây, tình hình biển Hoa Đông vẫn căng thẳng khi Tokyo liên tục than phiền bị các tàu chiến lẫn máy bay do thám Bắc Kinh quấy rối. Đáp lại, Nhật thường xuyên phải điều các chiến đấu cơ đến khu vực mỗi khi phát hiện tàu hay máy bay “lạ”. Giữa bối cảnh như thế, Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đang nỗ lực trang bị phương tiện tối tân để có thể chỉ cần vài giờ đồng hồ là đủ sức nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự đến Senkaku/Điếu Ngư khi cần.
Không quân đấu với hải quân
Hiện Nhật Bản nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ, khi Washington vừa hoàn tất việc điều động 24 máy bay đa năng thế hệ mới Osprey MV-22B (còn có biệt danh là Ưng biển – NV) cho lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ Futenma ở Okinawa. Dòng máy bay độc nhất vô nhị này có thể cất cánh như trực thăng và bay đến 450 km/giờ, chở theo đến 32 binh sĩ vũ trang đầy đủ hoặc 6 tấn hàng hóa. Trong trường hợp tung toàn bộ lực lượng, 24 chiếc Osprey MV-22 có thể nhanh chóng chở 500 binh sĩ hoặc khoảng 140 tấn vũ khí và đạn dược đến vùng đảo tranh chấp trong vòng 1 giờ. Mới đây, Kyodo News dẫn lời trung tướng John Wissler, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa, cho hay có thể điều động số Ưng biển của phi đội đó đến Senkaku/Điếu Ngư nếu cần, theo hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.
Tàu đệm không khí Zubr – Ảnh: VALKA.CZ
Video đang HOT
Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách đẩy mạnh tốc độ chuyển quân càng nhanh càng tốt. Hải quân Trung Quốc đã nhận chiếc tàu đệm không khí cỡ lớn tên Zubr (còn gọi là Bò rừng Bison – NV) do Ukraine chế tạo, và chuẩn bị bổ sung ít nhất 3 chiếc nữa.
Nhật cân nhắc xây cơ sở do thám ở Thái Bình Dương Theo Kyodo News, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở tình báo ở đảo Iwoto thuộc Thái Bình Dương nhằm cải thiện khả năng do thám Trung Quốc cũng như sự tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực. Dự thảo ngân sách quốc phòng năm tới đã bao gồm một phần trong số 120 triệu USD chi phí cần để xây dựng cơ sở này. Bộ Quốc phòng hiện có 6 căn cứ tương tự ở những nơi khác, trong đó có Hokkaido, nhằm chặn và giải mã thông tin liên lạc giữa tàu và máy bay. H.G
Được Liên Xô thiết kế cho lực lượng hải quân đánh bộ với mục tiêu có thể nhanh chóng tấn công các quốc gia khối NATO dọc theo bờ biển Baltic, Zubr có thể chở theo 500 lính hoặc số xe bọc thép, vũ khí nặng đến 150 tấn với vận tốc 106 km/giờ. Chỉ cần 4 chiếc Zubr, hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển 2.000 quân hoặc đến 600 tấn vũ khí đến Senkaku trong vòng từ 4 đến 5 giờ, hoặc đảo Miyako-jima trong vòng 6 đến 7 giờ. Tất nhiên, Trung Quốc có thể chế tạo phiên bản nội địa dựa trên thiết kế của Zubr, và trong tương lai sẽ tăng mạnh khả năng chuyển quân đến nhóm đảo tranh chấp.
Dự án Cá voi xanh
Bên cạnh Zubr, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực phát triển máy bay cánh quạt nghiêng, dự án đã được nước này theo đuổi suốt thập niên qua. Trong một tiết lộ gây sốc, website của Viện Phát triển và Nghiên cứu trực thăng Trung Quốc (CHRDI) vào ngày 28.8 đã loan tin Trung Quốc đang phát triển một trực thăng 4 cánh nghiêng, gọi là Cá voi xanh, với mục tiêu vận chuyển 20 tấn hàng hóa với tốc độ hơn 483 km/giờ, bán kính triển khai 800 km. Một chiếc Cá voi xanh mới đây đã được trình làng tại triển lãm công nghệ trực thăng Trung Quốc tại Thiên Tân, cho thấy chương trình này vẫn đang được triển khai. Nghe qua, chức năng của Cá voi xanh có nhiều điểm quá tương đồng với chương trình đã bị hủy của Bell-Boeing vào năm 2009, chế tạo trực thăng V-44 cho lục quân Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bắc Kinh làm thế nào để vượt qua các thách thức mà theo một nghiên cứu của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ đánh giá phải mất từ 20 đến 25 năm mới xử lý được.
Chính những động thái trên của Bắc Kinh khiến Tokyo vẫn chưa hoàn toàn an tâm dù được hỗ trợ bởi 24 chiếc Osprey. Nhật đã bắt đầu cân nhắc khả năng phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm bắn 500 km, để đặt nhóm đảo trên vào tầm bảo vệ. Tên lửa tất nhiên bay nhanh hơn Osprey, nhưng động thái này có thể khuyến khích Bắc Kinh có cớ triển khai thêm tên lửa, cũng như khiến Đài Bắc lên tiếng phản đối.
Theo TNO
Viễn cảnh chạy đua tên lửa hạt nhân Ấn - Trung
Việc Ấn Độ tăng tốc chương trình tên lửa liên lục địa có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.
Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa Agni-V hôm 15.9 - Ảnh: Reuters
Dẫn lời một số quan chức cấp cao, giới truyền thông Ấn Độ loan tin chính quyền đang bắt đầu phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn xa nhất từ trước đến nay trong kho vũ khí của nước này.
Sức mạnh Thần lửa
Tờ The New Indian Express dẫn lời một nhà khoa học thuộc Tổ chức Phát triển và nghiên cứu quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ tiết lộ cơ quan này đang bí mật phát triển tên lửa có tầm bắn 6.000 km. Hiện tên lửa có tầm bắn xa nhất của nước này là Agni-V (5.000 km). Theo nguồn tin trên, tên lửa đang được phát triển là Agni-VI và trong tương lai có thể được mở rộng tầm bắn lên đến 10.000 km.
Hồi đầu tuần, Giám đốc DRDO Avinash Chander, kiến trúc sư trưởng chương trình tên lửa Agni (tên vị Thần lửa của đạo Hindu), dự đoán New Delhi có khả năng phát triển tên lửa tầm bắn 10.000 km trong vòng 2 năm rưỡi. "Tầm bắn là phạm trù dễ giải quyết nhất", tờ The Times of India dẫn lời ông Chander nói. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi DRDO lần thứ hai thử thành công tên Agni-V hôm 15.9. Với Agni-V, Ấn Độ lần đầu tiên đã có thể đặt nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh vào tầm ngắm. Không dừng lại ở đó, Ấn Độ vẫn chưa hài lòng với tầm bắn 5.000 km của Agni-V nên quyết tâm phát triển Agni-VI để thực sự trở thành một thế lực ICBM.
Bên cạnh đó, từ Agni-V trở đi, tên lửa Ấn Độ sẽ được lắp đặt thiết bị chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV), có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc và khi được bắn đi, các đầu đạn sẽ tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau. "Trong khi Agni-V có thể mang đến 3 đầu đạn hạt nhân, tên lửa thế hệ kế tiếp có thể mang 10 đầu đạn, đủ sức tấn công nhiều mục tiêu khác nhau", The New Indian Express dẫn lời một chuyên gia của DRDO cho hay. Cũng theo tờ báo, Agni-VI sẽ sẵn sàng bước vào giai đoạn thử nghiệm trong vòng 3 năm nữa.
Áp lực chạy đua vũ trang
Chương trình phát triển ICBM của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy Trung Quốc triển khai các tên lửa trang bị MIRV, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng trong khu vực. "Giới chức Ấn Độ đã khẳng định ICBM của mình có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Diễn biến trên, kết hợp với động thái tăng khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Thái Bình Dương, có thể thúc đẩy Trung Quốc triển khai tên lửa được trang bị MIRV", tờ The Times of India dẫn báo cáo Danh sách vũ khí hạt nhân toàn cầu 1945 - 2013 viết. Tác giả của báo cáo là 2 chuyên gia Hans Kristensen và Robert Norris thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Theo ông Kristensen, nếu Ấn Độ và Trung Quốc đồng loạt phát triển ICBM trang bị MIRV, cả khu vực sẽ bị đẩy vào cuộc chạy đua hạt nhân đầy căng thẳng.
Báo cáo trên ước tính Trung Quốc có ít bom hạt nhân nhưng đang sở hữu khoảng 250 đầu đạn hạt nhân và sẽ tăng thêm, còn Ấn Độ có khoảng 90 - 110 đầu đạn và cũng lên kế hoạch gia tăng khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Ngoài ra, trang tin Washington Free Beacon dẫn lời giới chuyên gia nhận định các tên lửa đạn đạo DF-31 (tầm bắn 7.200 - 8.000 km) và DF-31A (11.200 - 12.000 km) của Trung Quốc nhằm vào Nga và Ấn Độ, còn DF-41 (12.000 - 14.000 km) được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Các chuyên gia Kristensen và Norris còn cảnh báo không thể không tính đến nhân tố Pakistan, đối tác thân thiết với Trung Quốc và là "láng giềng khó chịu" của Ấn Độ. Islamabad được cho là đã sản xuất từ 100 - 120 đầu đạn và đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo thêm. Do vậy, những diễn biến trên có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chạy đua vũ khí trên bình diện cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ không giới hạn xuất khẩu quốc phòng cho Ấn Độ Trong nỗ lực thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp công nghệ quân sự hàng đầu cho Ấn Độ, Mỹ hứa hẹn dỡ bỏ mọi rào cản trong xuất khẩu khí tài, đẩy mạnh các chương trình hợp tác phát triển vũ khí và sẽ đối xử với Ấn Độ "bằng vai phải lứa" với các đồng minh thân cận như Anh hay Úc. Tuyên bố trên được Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra trong chuyến thăm New Delhi đang diễn ra, theo tờ The Times of India. Dự kiến, hợp tác về lĩnh vực này là một chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào tuần sau. Trong khi đó, trang Washington Free Beacon đưa tin Trung Quốc vừa kêu gọi Mỹ nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng công nghệ hiện đại và dỡ bỏ các giới hạn lâu nay về công nghệ quốc phòng. Theo đó, trước thềm cuộc họp Ủy ban Hợp tác thương mại Mỹ - Trung sắp tới, giới chức Bắc Kinh đã cung cấp cho phía Washington danh sách chi tiết các mảng công nghệ không gian và quân sự mà họ muốn được điều chỉnh. Tuy nhiên, Washington Free Beacon dẫn lời một số quan chức và chuyên gia Mỹ cho biết điều này sẽ khó thành hiện thực trong tương lai gần. H.G
Thụy Miên
Theo TNO
Nhật, Trung Quốc thi nhau tập trận gần Senkaku/Điếu Ngư Nhật và Trung Quốc đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhân kỷ niệm một năm ngày Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp vào hôm 11.9. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP Đài truyền hình NHK cho hay Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật đã mời các phóng...