UNCTAD: Triển vọng của nền kinh tế thế giới xấu đi do xung đột ở Ukraine
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển ( UNCTAD) ngày 16/3 đã công bố báo cáo đánh giá nhanh về tác động của tình hình căng thẳng ở Ukraine đối với thương mại và phát triển.
Báo cáo cho thấy viễn cảnh xấu đi nhanh chóng đối với nền kinh tế thế giới trong bối cảnh giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng.
Xe tiếp nhiên liệu tại một trạm xăng dầu ở Mississauga, Greater Toronto, Canada, ngày 4/3/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cảnh báo: “Cuộc xung đột ở Ukraine gây ra một cái giá quá lớn về sự đau khổ của con người và đang gây ra những cú sốc cho nền kinh tế thế giới. Tất cả những cú sốc này đe dọa lợi ích đạt được trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và chặn con đường hướng tới phát triển bền vững.”
Ukraine và Nga có vị trí quan trọng trong thị trường thực phẩm nông nghiệp, chiếm 53% thương mại toàn cầu về dầu và hạt hướng dương và 27% thương mại toàn cầu về lúa mì. Có tới 26 quốc gia châu Phi, bao gồm một số quốc gia kém phát triển nhất, nhập khẩu hơn 1/3 lượng lúa mì của họ từ Nga và Ukraine.
Video đang HOT
Bà Grynspan nói: “Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, gây áp lực lên các hộ gia đình nghèo nhất dành phần thu nhập cao nhất cho lương thực, dẫn đến khó khăn và đói kém”.
Theo tính toán của UNCTAD, trung bình, hơn 5% trong giỏ hàng nhập khẩu của các nước nghèo nhất bao gồm các sản phẩm có khả năng bị tăng giá do xung đột. Tỷ lệ này là dưới 1% đối với các nước giàu hơn.
Nguy cơ bất ổn dân sự, thiếu lương thực và suy thoái do lạm phát không thể giảm bớt, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và thế giới đang phát triển còn yếu ớt vì đại dịch COVID-19. Những tác động lâu dài của việc giá lương thực tăng cao là điều khó dự đoán, nhưng một phân tích của UNCTAD về dữ liệu lịch sử đã làm sáng tỏ một số xu hướng có thể xảy ra đáng lo ngại.
Báo cáo cho rằng có mối liên hệ giữa giá lương thực tăng đột biến và bất ổn chính trị. Ví dụ, chu kỳ hàng hóa nông sản trùng với các sự kiện chính trị lớn, chẳng hạn như bạo loạn lương thực 2007-2008 và Mùa xuân Arab 2011.
Các biện pháp hạn chế về không phận, sự không chắc chắn của nhà thầu và lo ngại về an ninh đang làm phức tạp tất cả các tuyến thương mại đi qua Nga và Ukraine.
Năm 2021, 1,5 triệu container hàng hóa đã được vận chuyển bằng đường sắt từ phía Tây Trung Quốc đến châu Âu. Nếu khối lượng vận chuyển bằng đường sắt container hiện nay được bổ sung vào nhu cầu vận tải biển Á-Âu, điều này có nghĩa là tuyến đường thương mại vốn đã tắc nghẽn sẽ tăng từ 5% đến 8%.
Báo cáo cho biết: “Do chi phí nhiên liệu cao hơn, nỗ lực định tuyến lại và năng lực hậu cần hàng hải bằng không, tác động của tình hình căng thẳng ở Ukraine có thể dẫn đến giá cước vận chuyển thậm chí còn cao hơn”. Sự gia tăng như vậy sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế và các hộ gia đình.
Năm 2021, UNCTAD đã mô phỏng rằng việc tăng giá cước vận tải trong thời kỳ đại dịch đã làm tăng giá tiêu dùng toàn cầu lên 1,5%, “với những tác động đặc biệt quá mức đối với các nền kinh tế dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc gia kém phát triển nhất”.
Báo cáo UNCTAD cũng nhấn mạnh sự biến động tài chính gia tăng, thoái vốn phát triển bền vững, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và tăng chi phí thương mại.
Xung đột Nga-Ukraine và Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc
Cuộc xung đột hiện nay sẽ gây hậu quả trực tiếp đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong bối cảnh Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine.
Học giả Pushkar Pushp tại trường quản lý Fore (Ấn Độ), chuyên về thương mại và địa chính trị, châu Á - Thái Bình Dương, nhận định trên trang moderndiplomacy.eu mới đây rằng, sau hơn 2 tuần kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moskva. Những động thái này đã tác động nhất định đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc ở châu Âu và đặc biệt là đối với dự án lớn là "Hành lang Kinh tế Á-Âu Mới". Dự án này kết nối giao thông đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu qua Kazakhstan, Nga và Belarus.
Xung đột ở Ukraine đang ảnh hưởng lớn đến BRI của Trung Quốc ở châu Âu. Ảnh: AFP
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây tác động trực tiếp đối với BRI trong bối cảnh Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước. Một bên, Trung Quốc là đối tác gần gũi nhất của Nga và bên kia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu chính của Ukraine, khoảng 15% xuất khẩu của Ukraine là sang Trung Quốc. Năm 2013, khi BRI được triển khai, Trung Quốc đã coi Ukraine là một trong những địa điểm chiến lược để có cơ hội mở rộng các dự án tại EU. Năm 2017, Ukraine tham gia BRI với ý định hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt và đường bộ. Tính đến năm 2021, hai nước đã ký hợp đồng xây dựng trị giá 3 tỷ USD trong lĩnh vực giao thông và năng lượng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh giá cao tầm quan trọng của Ukraine đối với BRI của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại của Ukraine với EU khiến nước này trở nên quan trọng hơn với Bắc Kinh, như một trung tâm trung chuyển và một cửa ngõ vào EU của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine đã tăng lên đáng kể. Các công ty Trung Quốc đã coi Ukraine là một trung tâm đầu tư mới và đã đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc COFCO, đã đầu tư 50 triệu USD vào Mariupol, Donetsk. Hành lang Kinh tế Á-Âu mới chính là một cửa ngõ cho Trung Quốc xâm nhập vào thị trường châu Âu.
Hiện tại, có 78 tuyến đường bộ đang hoạt động kết nối Trung Quốc với châu Âu, gồm 180 thành phố và 23 quốc gia của châu Âu. Vào năm 2021, giá trị hàng hóa được vận chuyển bằng các chuyến tàu hàng này khoảng 75 tỷ USD. Các chuyến tàu chở hàng đã vươn tới các trung tâm mới ở Ba Lan cũng như ở Nga.
Tuy nhiên, hiện nay do các lệnh trừng phạt đối với Nga, các công ty có thể chọn không vận chuyển hàng hóa qua Nga. Trung Quốc cũng hiểu rằng dù Nga và Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp, nhưng do cuộc khủng hoảng đang diễn ra, hoạt động xuất khẩu sang châu Âu của Trung Quốc có thể bị xáo trộn. Trung Quốc xuất khẩu hàng tỷ USD thông những chuyến tàu này sang châu Âu và do đó các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra hậu quả trực tiếp đối với mạng lưới BRI của Trung Quốc.
Tiếp theo, các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu đã mang lại sự ổn định trong chuỗi cung ứng vốn đã bị xáo trộn do đại dịch COVID-19. Nhưng tình hình hiện tại ở Ukraine đã làm xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuyến đường hàng hải và hàng không của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề và hành lang BRI này là một lựa chọn để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Xét về giá trị hàng hóa được vận chuyển đến các thị trường này, chắc chắn Trung Quốc hiện nay sẽ không muốn mất thị trường EU.
Trong khi đó, cả Trung Quốc và Ukraine đã đồng ý phát triển hợp tác cơ sở hạ tầng khi ký một thỏa thuận liên chính phủ vào tháng 7/2021. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng mạng lưới của họ trong những lĩnh vực khác như năng lượng mặt trời, gió và điện hạt nhân tại Ukraine. Các khoản vay của Ukraine từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đang tăng lên nhanh chóng, cho thấy sự phụ thuộc kinh tế nhất định của Ukraine vào Trung Quốc.
Ukraine cũng là nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Trung Quốc, bao gồm máy bay và động cơ diesel. Trung Quốc trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Ukraine. Do đó, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể làm suy yếu mối quan hệ mà Ukraine đã và đang dành cho Trung Quốc.
Vấn đề nan giải của Trung Quốc hiện nay là nước này không thể ủng hộ trực tiếp hành động của Nga cũng như không thể phản đối Nga nhưng không muốn mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Vì vậy, Trung Quốc đã chỉ trích phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột này khi tìm cách mở rộng NATO về phía Đông.
Với vị thế trung lập, Trung Quốc chủ trương rằng vấn đề cần được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại. Theo chuyên gia Pushp, trong bối cảnh trên, sẽ là một thách thức đối với Trung Quốc trong cân bằng giữa các bên liên quan.
Mới chớm phục hồi, kinh tế thế giới lại gặp cú sốc lớn từ khủng hoảng Ukraine Căng thẳng giữa Nga và Ukraine không chỉ gây ra bất ổn khu vực mà còn có thể mang lại những hậu quả toàn cầu, với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, từ đó đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế thế giới....