UNCLOS – cơ sở giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển ( UNCLOS) quy định mọi thứ từ chủ quyền quốc gia với việc khai thác tài nguyên biển, đi lại, cho đến giải quyết tranh chấp.
Hai tàu hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy
Hôm nay 12/7, Tòa Trọng tại Thường trực tại The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Hội đồng xét xử được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS.
Với 17 phần, 320 điều khoản và 9 phụ lục, UNCLOS bao trùm tất cả các khía cạnh quy định về đại dương và vùng biển, theo AFP. Trang web của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng UNCLOS “đặt ra một cách thức quản trị toàn diện về pháp luật và trật tự ở các đại dương và biển của thế giới, thiết lập các quy định cho tất cả việc sử dụng đại dương và nguồn tài nguyên của chúng”.
Lịch sử hình thành UNCLOS
Trong nhiều thế kỷ, luật duy nhất trên biển là “brute force”, tức dùng vũ lực để thiết lập quyền tài phán. Vào thế kỷ 17, quyền của mỗi quốc gia đối với biển được giới hạn trong phạm vi “vành đai hẹp” (narrow belt) tính từ bờ biển của nước đó. “Phần còn lại của biển được tuyên bố là ‘mở cửa tự do’ với tất cả và không thuộc về nước nào”, theo trang web của LHQ.
Theo Marine Insight, vào thời bấy giờ, có một trường phái tư tưởng được gọi là “quyền tự do về biển”. Theo học thuyết này, không có giới hạn hay biên giới nào đặt ra cho các hoạt động buôn bán bằng đường biển và các hoạt động thương mại khác.
Qua nhiều thế kỷ, khi công nghệ phát triển và nhu cầu của con người ngày càng lớn, một vấn đề xuất hiện: Tình trạng khai thác quá mức tài nguyên biển vào giữa thế kỷ 20. Nhiều nước cảm thấy cần phải bảo vệ các tài nguyên biển của họ.
Vào nửa sau của thế kỷ 20, các công nghệ mới, các phương pháp khai thác dầu khí hiện đại và dân số bùng nổ đã làm gia tăng căng thẳng xung quanh các ngư trường dồi dào hải sản và các tranh chấp về quyền lợi đối với các tài nguyên quý giá.
Năm 1945, Mỹ đơn phương mở rộng quyền tài phán đối với tất cả các tài nguyên ở thềm lục địa của nước này. Hành động này dẫn đến các động thái tương tự của Canada, Chile, Peru, Argentina, Ethiopia, Arab Saudi cũng như các quốc gia có nhiều đảo như Indonesia và Philippines.
Video đang HOT
Cuối năm 1967, nhiều mối nguy xuất hiện ở biển từ các tàu ngầm hạt nhân cho đến các tên lửa đạn đạo và các vụ tràn dầu thường xuyên xảy ra.
Đối mặt với nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang có thể tàn phá các đại dương, năm 1967, đại sứ Malta tại Mỹ Arvid Pardo, được xem là cha đẻ của UNCLOS, kêu gọi thiết lập “một cách thức quản trị quốc tế hiệu quả đối với biển”. Vấn đề đặt ra là phải có một quy định cụ thể để bảo vệ và kiểm soát tài nguyên biển.
Lời kêu gọi của ông Pardo mở đường cho Hội nghị về Luật Biển lần thứ ba được tổ chức tại New York, Mỹ vào năm 1973. Trước đó, hội nghị về luật biển lần thứ nhất và lần thứ hai lần lượt được tổ chức vào năm 1956 và 1960 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trong hội nghị thứ ba kéo dài gần 10 năm, các đại biểu đã tranh luận quyết liệt về dự thảo UNCLOS. Mãi tới tháng 4/1982, Đại hội đồng LHQ mới thông qua UNCLOS. Công ước này bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/1994 sau khi được 150 nước ký và 67 nước phê chuẩn.
Hội nghị LHQ về Luật biển lần thứ ba tại New York, Mỹ tháng 12/1973. Ảnh: UN
Vì sao Mỹ không phê chuẩn UNCLOS?
UNCLOS được xem là luật về biển phổ quát nhất hiện này và có tính ràng buộc về pháp lý.
UNCLOS cung cấp cho các quốc gia quyền kinh tế trọn vẹn đối với 200 hải lý (370,4 km) tính từ bờ biển của quốc gia đó, hay còn gọi là vùng đặc quyền kinh tế.
Các tổ chức gồm Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Ủy ban đánh bắt cá voi quốc quốc tế (IWC) và Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế (ISA) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quy định của UNCLOS.
UNCLOS có 160 thành viên nhưng Mỹ là nước chỉ mới ký chứ chưa phê chuẩn công ước này. Lý do chính khiến Mỹ vẫn chưa chịu phê chuẩn chủ yếu là vì nước này không tán thành phần XI của UNCLOS.
Phần này đề cập đến khoáng sản ở đáy biển tại vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia. ISA, được thành lập dựa trên phần XI, kêu gọi phân chia công bằng các nguồn lợi từ các đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ phản đối chủ trương này vì cho rằng nó không có lợi cho an ninh và kinh tế của Mỹ. Đó là lý do khiến Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS, mặc dù Mỹ một trong những thành viên quan trọng nhất của LHQ.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói trong và ngoài nước Mỹ, kêu gọi Quốc hội nước này phê chuẩn UNCLOS, để có thể thực hiện tốt hơn các quyền và nghĩa vụ quốc tế của mình.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển
Ngoài Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), UNCLOS cũng thiết lập Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) tại Hamburg, Đức và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan để xét xử những vấn đề liên quan đến UNCLOS.
Các tòa án của UNCLOS đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp tài nguyên, chủ quyền trên biển giữa các quốc gia trên thế giới. Năm 1999, ITLOS ra phán quyết về định mức đánh bắt cá ngừ vây xanh hàng năm giữa Australia, Nhật Bản và New Zealand ở nam bán cầu vào năm 1999. Năm 2015, PCA phán quyết rằng Nga phải bồi thường cho Hà Lan về vụ bắt giữ tàu Arctic Sunrise của tổ chức Hòa bình Xanh trong vụ tàu này phản đối Nga khoan thăm dò dầu khí ở Bắc cực.
Cho tới nay, các phán quyết của tòa quốc tế dựa trên UNCLOS, dù có cơ chế thi hành hay không, đều được các bên có liên quan thực thi nghiêm túc, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên các vùng biển.
Theo Marine Insight, nhờ UNCLOS, các nguồn tài nguyên biển đã được bảo vệ, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi nhu cầu bảo vệ tài nguyên biển còn gay gắt hơn cả thời kỳ thập niên 1960 và 1970. Công ước này còn được kỳ vọng là công cụ quan trọng để cộng đồng quốc tế duy trì trật tự thượng tôn pháp luật trên biển, chống lại bất cứ tham vọng chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế nào.
Hồng Vân
Theo VNE
Tòa trọng tài hôm nay ra phán quyết về vụ kiện 'đường lưỡi bò'
Tòa Trọng tài Thường trực hôm nay sẽ có phán quyết về vụ kiện của Philippines với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Một phiên điều trần tại Tòa Trọng tài Thường trực. Ảnh: PCA.
"Tòa sẽ ra phán quyết vào khoảng 9h GMT (16h giờ Hà Nội) ngày 12/7", Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague, Hà Lan, cho biết trong một thông báo. "Phán quyết sẽ được gửi qua e-mail cho các bên cùng với một thông cáo báo chí có chứa bản tóm tắt phán quyết".
Trung Quốc ngang nhiên vạch ra "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn", đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Năm 2013, Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò", cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Philippines khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Tháng 10/2015, PCA tuyên bố có thẩm quyền xử vụ kiện.
Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện, cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết từ PCA.
Phán quyết từ PCA có thể khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao. Giới chức Mỹ từng bày tỏ quan ngại trước việc phán quyết này có thể khiến Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013.
Diễn tiến vụ kiện Biển Đông. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành.
Như Tâm
Theo VNE
Báo Trung Quốc 'kêu oan' trước khi tòa phán quyết đường lưỡi bò Tờ People's Daily hôm nay đăng bài luận cho rằng Bắc Kinh "chính là nạn nhân" trong tranh chấp Biển Đông, khi Tòa trọng tài sắp phán quyết ngày mai. Tàu khu trục Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ở Hoàng Sa hôm 8/7. Ảnh: AP Trên trang nhất của tờ People's Daily, tác giả bài biết cho rằng vụ...