Ùn tắc triền miên trên tuyến đường cửa ngõ phía Tây Hà Nội
Là cửa ngõ phía Tây thành phố, tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm Hà Nội, đường Cầu Diễn – Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ, một phần nguyên nhân được cho là do việc thi công đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.
Tuyến đường Cầu Diễn – Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy (Hà Nội) dài khoảng 6km đi qua địa phận 2 quận là quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài. Nguyên nhân một phần được cho là do việc thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.
Lòng đường bị rào chắn, lô cốt thu hẹp khoảng 2/3 diện tích, nhiều đoạn hình thành những nút thắt cổ chai gây ùn ứ giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Trong ảnh, một đoạn đường ở khu vực Cầu Diễn bất ngờ bị thu hẹp để thi công nhà ga trên cao. Các phương tiện di chuyển theo hướng từ Cầu Diễn vào trung tâm thành phố bị dồn ứ lại tại nhiều điểm.
Giờ cao điểm, biển người cùng phương tiện nối đuôi nhau dài hàng km, nhích từng chút một. Nhiều người đi xe máy buộc phải đi lên vỉa hè. Theo phản ánh tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn vào những ngày mưa.
Vỉa hè chật kín các phương tiện giao thông. Việc ùn ứ kéo dài hàng ngày khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn.
Vẻ mệt mỏi của một người dân khi bất lực đứng chôn chân trong biển người đông đúc
Chị Nguyễn Xuân Mai (38 tuổi, Phúc Diễn, Hà Nội) cho biết, tuyến đường này gần như ngày nào cũng tắc và trở thành nỗi ám ảnh cho các phương tiện mỗi khi phải di chuyển qua đây. “Mỗi lần đi làm tôi thường phải đi sớm trước từ 30 phút, nếu không sẽ đến cơ quan muộn. Những hôm trời nắng sớm phải chôn chân trong dòng người đông đúc này quả là cực hình”, chị Mai nói.
Cảnh dòng người ì ạch di chuyển trên đường Hồ Tùng Mậu
Video đang HOT
Một người đàn ông đành tấp xe vào lề đường mệt mỏi đứng chờ giao thông thông suốt.
Cùng với phương tiện cá nhân, xe buýt cũng rơi vào tình trạng “dậm chân” tại chỗ.
Lưu lượng xe đông nên một va chạm giao thông nhỏ cũng khiến cho đoạn đường bị dồn ứ lại cả km.
Các điểm đen ùn tắc nghiêm trọng là điểm tại đoạn trường ĐH Thương Mại, ĐH Quốc Gia Hà Nội… Đây là các điểm đón, trả xe bus và tập trung đông học sinh, sinh viên.
Cùng với lượng phương tiện đông đúc, nguyên nhân ùn tắc còn do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn kém. Việc đi ngược chiều, lấn làn, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông còn khá phố biến.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại úy Đặng Thành Trung – Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, việc thi công đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội làm xuất hiện các rào chắn từ phía Cầu Diễn đến hết đường Xuân Thủy (Cầu Giấy). Điều này khiến cho diện tích mặt đường bị thu hẹp các phương tiện di chuyển gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại các điểm rào chắn thi công nhà ga trên cao khiến hình thành các nút thắt cổ chai, các điểm giao cắt, ngã ba đường, khi các phương tiện quay đầu, chuyển làn gây ùn tắc.
Tại các “điểm đen” giao thông này, lực lượng chức năng đã chủ động bố trí lực lượng giải quyết phân luồng, điều tiết giao thông. “Chúng tôi cũng phối hợp với Sở GTVT Hà Nội làm sao để các điểm thi công đã xong thì sớm hoàn thiện để thu rào chắn, còn điểm nào đang thi công hoặc đang tạm ngừng thì mau chóng đẩy nhanh thi công và lên phương án thu hẹp rào chắn để tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông an toàn nhất”, Đại úy Đặng Thành Trung cho hay.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội là dự án trọng điểm của Hà Nội, dài 12,5km, tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng. Tuyến đường sắt có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm và khu depot tại Nhổn. Được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng dự án liên tiếp phải dời tiến độ cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Hà Trang
Ảnh: Trần Văn
Theo Dantri
Thảm cảnh tắc đường trong mắt sếp phó CSGT Hà Nội
Người ta luôn cho mình quyền được đi trước, bấm còi, hối thúc... - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội nhận xét.
Giao thông Hà Nội hiện nay đang ở trong tình trạng rất đáng báo động, vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Vào thời gian cuối năm, hoạt động sơ, tổng kết của các bộ, ban, ngành cũng như việc thông thương, mua bán của người dân đã dẫn đến tình trạng quá tải và tạo nên sự phức tạp của giao thông Hà Nội.
Bên cạnh đó, có thể thấy lưu lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn gia tăng rất lớn, trung bình mỗi năm tăng 6,1% so với năm trước. Đó là chưa kể lượng phương tiện giao thông của người ngoại tỉnh, HSSV, dẫn đến sự quá tải khi quỹ đất dành cho giao thông còn chưa đáp ứng được, tỷ lệ mới đạt 8,65%.
Trong khi hệ thống các phương tiện giao thông công cộng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hầu hết là các điểm giao cắt đồng mức nên chỉ cần một hành vi vi phạm của một cá nhân một vài phương tiện cũng dễ dẫn tới sự xung đột.
Hay một vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông, một số bộ phận chưa tuân thủ tuyệt đối quy định về luật giao thông đường bộ
Chúng ta thường nói rất nhiều đến văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, tuy nhiên có một thực tế là chính những người này khi đi ra nước ngoài hoặc vào TP.HCM thì lại tuân thủ giao thông nghiêm túc. Vậy phải chăng là do cách phân làn, tổ chức giao thông chưa phù hợp và luật chưa nghiêm?
Trước hết, đánh giá nhìn nhận thẳng vào thực tế là một số nút giao thông trên địa bàn Hà Nội chưa thực sự khoa học và hợp lý.
Tuy nhiên, tôi vẫn thấy điều quan trọng nhất chính là ý thức của người điều khiển phương tiện. Họ luôn cho mình cái quyền được đi trước mà bấm còi, hối thúc phương tiện trước.
Ai cũng muốn len lên trước. Ảnh: Trần Thường
Khi vắng bóng lực lượng chức năng còn có tình trạng đi lấn làn, không chấp hành đèn tín hiệu, hoặc dừng đỗ sai quy định, dẫn đến tình trạng giao thông chưa đi vào trật tự.
Ngoài việc di chuyển các cơ quan bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, có cần thêm giải pháp nào?
Trước hết tôi vẫn muốn nhấn mạnh đó là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Các ban ngành vào cuộc để những người tham gia giao thông tự giác chấp hành, nâng cao văn hóa nhường nhịn, văn hóa xếp hàng.
Thứ hai là trong việc phân bổ mật độ dân cư phải tính toán số lượng người trong các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư mới xây nên có sự sắp xếp bố trí khoa học các nút giao thông, các tuyến đường.
Các phương tiện cá nhân ở HN hàng năm tăng trung bình 6,1% năm. Ảnh: Trần Thường
Thứ ba là thực hiện lộ trình trong việc giảm thiểu các phương tiện giao thông cá nhân. Đẩy mạnh năng lực khai thác của các phương tiện công cộng.
Và một trong những biện pháp đồng bộ đó là nâng cao, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền từ gia đình, trường học. Ngoài ra, việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các phương tiện vi phạm có thể tác động trực tiếp đến ý thức của người dân. Đặc biệt nói rõ vào các nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông cũng là cách tác động trực tiếp đến người giao thông, để họ tự ý thức.
Sở GTVT Hà Nội có đề xuất cấm các phương tiện xe máy vào nội đô trong 5 năm tới, vậy theo ông đây có phải là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc?
Mục tiêu là hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên những tuyến đường với điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng và đang bị quá tải. Một số tuyến phố bây giờ đang quá tải 6 - 10 lần so với thiết kế thì việc tìm giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân hoạt động là cần thiết.
Tuy nhiên, để việc cấm một loại phương tiện nào đó tham gia thì phải bố trí được các phương tiện khác thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thấy được lợi ích trong việc sử dụng phương tiện công cộng thì đương nhiên các phương tiện cá nhân sẽ giảm.
Theo Vietnamnet
'Đi xe đạp ở Hà Nội nhanh hơn ô tô' "Đi xe đạp ở Hà Nội vào giờ cao điểm không chậm hơn xe máy và nhanh hơn ô tô. Tuy nhiên, người dân cần lựa chọn chuyến đi cho phù hợp". Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết như vậy tại Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại...