‘Ùn tắc giao thông kìm hãm phát triển cảng biển Sài Gòn’
VnExpress phỏng vấn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM về đề án thu phí hạ tầng cảng biển nhằm tạo nguồn thu giải quyết ùn tắc giao thông.
Đề án Thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đang được Sở Giao thông Vận tải xây dựng, dự kiến trình HĐND thành phố vào cuối năm, kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm đầu tư hạ tầng giao thông giảm ùn tắc cho khu vực cảng biển.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm. Ảnh: Quỳnh Trần.
- Lý do TP HCM xây dựng đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển, thưa ông?
- Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP HCM năm 2019 đạt khoảng 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 trong tổng 600 triệu tấn của cả nước xuất qua cảng. Hệ thống cảng ở thành phố có nhiều lợi thế về năng lực khai thác, gần các khu công nghiệp, chế xuất. Các tuyến sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp… có mạng lưới hàng hải quốc tế dày đặc, đáp ứng các loại tàu thuyền ra vào.
Tuy nhiên, dù nhiều lợi thế nhưng các cảng ở thành phố đang bị “khống chế” năng lực khai thác do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh. Đơn cử như cảng Cát Lái, quận 2, đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 81 chuyến. Khu cảng này mỗi năm đang khai thác khoảng 5,6 triệu teus (1 teu tương đương container 20 feet), trong khi thực tế đáp ứng được 6,4 triệu teus và nếu cao hơn cảng vẫn đáp ứng tốt. Đặc biệt cảng Phú Hữu ( quận 9), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện khai thác khoảng 50% năng lực.
Ùn tắc giao thông đã kìm hãm khả năng khai thác, phát triển các cảng ở TP HCM. Thực trạng này kéo theo hàng loạt hệ luỵ như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng chi phí logistics… Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển ngày càng lớn, lãnh đạo TP HCM yêu cầu xây dựng đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Mục tiêu đề án tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng năng lực vận chuyển hàng hoá góp phần phát triển kinh tế thành phố.
Khi có thêm nguồn lực đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án giao thông xung quanh cảng sẽ được đẩy nhanh gấp đôi so với hiện nay.
Kẹt xe trên đường Đồng Văn Cống gần khu vực cảng Cát Lái, quận 2. Ảnh: Hữu Khoa.
Video đang HOT
- Thành phố dựa trên cơ sở nào để xây dựng mức thu phí hạ tầng cảng biển?
- Mức thu phí được xây dựng trên cơ sở Luật phí và lệ phí. Khi xây dựng mức phí, chúng tôi cũng so sánh với một số địa phương có điều kiện tương đồng TP HCM, cụ thể là Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng có sản lượng hàng hóa 90 triệu tấn mỗi năm, bằng khoảng một nửa thành phố. Mức phí sử dụng hạ tầng công trình, dịch vụ mà cảng này thu từ 16.000 đến 50.000 đồng cho một tấn hàng lỏng, hàng rời; từ 250.000 đồng đến 4,4 triệu đồng cho một container tùy loại. Sau 3 năm áp dụng, đến nay mỗi năm Hải Phòng thu khoảng 1.500 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông khiến hiệu quả khai thác của cảng tăng rất nhiều.
Đề án của TP HCM có mức phí tương tự Hải Phòng. Mức thấp nhất là 16.000 đồng mỗi tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Với lượng hàng hóa năm 2019 hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP HCM thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện, đề án được gửi tới các bên chịu tác động góp ý và phản biện. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố… cơ bản thống nhất các nội dung đề án. Sau khi có đầy đủ ý kiến các bên, Sở Giao thông Vận tải sẽ bổ sung hoàn thiện, đảm bảo đề án khả thi nhất.
- Nguồn phí sẽ được thành phố dự tính sử dụng ra sao?
- Nguồn thu theo quy định phải nộp vào ngân sách thành phố nhưng chúng tôi sẽ đề xuất Sở Tài chính mở một khoản riêng để đầu tư các công trình giao thông kết nối cảng biển chứ không đầu tư dàn trải nơi khác.
Trước mắt, khu vực cảng Cát Lái (quận 2) và Phú Hữu (quận 9) sẽ làm ngay các dự án như mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy, khép đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức)… Tại khu cảng Sài Gòn (quận 4) sẽ đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát – Lưu Trọng Lư và Nguyễn Văn Linh; mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh…
Tuyến đường gần các cảng sẽ được đầu tư xây dựng giảm ùn tắc. Đồ họa: Thanh Huyền.
Phía cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sẽ mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và nghiên cứu làm đường ven sông kết nối cảng dọc sông Soài Rạp… Những công trình này khi hoàn thành sẽ giải quyết rất lớn ùn tắc ở khu vực. Trong danh mục chi tiết các dự án đầu tư, ngoài mức độ ưu tiên từng công trình, chúng tôi đưa ra cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thành từng dự án.
- Việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ảnh hưởng thế nào doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu?
- Việc thu phí chỉ áp dụng với doanh nghiệp xuất nhập hàng hoá qua cảng biển. Quá trình xây dựng đề án, chúng tôi đã đánh giá khả năng hàng hoá “dịch chuyển” đến cảng biển lân cận TP HCM khi triển khai thu phí. Tuy nhiên, việc dịch chuyển này sẽ không đáng kể bởi hiện cảng cạn ICD ở Đồng Nai, Bình Dương chưa có chức năng xuất nhập khẩu. Cảng Cái Mép – Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu là cảng nước sâu, chủ yếu tàu lớn vào trung chuyển hàng, sau đó phần nhiều cũng về Cát Lái và Hiệp Phước.
Do đường kết nối cảng biển tại thành phố ngày càng quá tải khiến doanh nghiệp vận tải, xuất khẩu đều gặp khó khăn. Thời gian vận chuyển, quay đầu xe kéo dài khiến hiệu quả kinh doanh giảm sút. Do đó về lâu dài, các đơn vị vận tải, logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hạ tầng giao thông cải thiện. Các cảng sẽ phát triển đúng năng lực và ngân sách thành phố nhờ vậy tăng thêm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh nghiệp, VAT…
Xe container từ cảng Phú Hữu, quận 9, chạy trên đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Gia Minh.
- Lộ trình thu phí sẽ được thành phố thực hiện ra sao nếu đề án thông qua?
Nếu được đồng thuận, đề án sẽ trình HĐND TP HCM đầu tháng 12. Sau khi được thông qua, các bên sẽ chuẩn bị phần mềm kết nối để thực hiện. Việc thu phí sẽ thông qua hệ thống điện tử, không thu tiền mặt. Hệ thống cũng dựa trên bộ máy nhân lực sẵn có ở cảng để thu phí chứ không làm tăng thêm nhân sự. Việc thu phí ở cảng Cát Lái dự kiến từ tháng 5/2021, tháng 6 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố.
Quá trình xây dựng và lấy ý kiến đề án, chúng tôi cũng lưu tâm tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm, hàng hoá qua các cảng biển tại thành phố vẫn tăng bình quân khoảng 5%, tức hoạt động này không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện Covid-19 đã được kiểm soát nên thời gian thu phí dự kiến giữa năm sau được cho phù hợp.
Thu phí cảng biển ở TP.HCM cần có lộ trình và minh bạch
Các chuyên gia cho rằng việc thu phí và mục đích sử dụng là đúng, song TP cần có một kế hoạch cụ thể về danh mục đầu tư trong thời gian tới.
Đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển (thu phí cảng biển) được Sở GTVT TP.HCM gửi các đơn vị có liên quan để lấy ý kiến trước khi trình lên HĐND TP.HCM. Theo đó, toàn bộ phí thu được sẽ được tái đầu tư vào hạ tầng khu vực cảng biển để kéo giảm tình trạng kẹt xe và giảm chi phí logistics.
Đại lộ Mai Chí Thọ cũng thường xuyên bị kẹt xe do ùn tắc từ phía trong cảng Cát Lái. Ảnh: ĐÀO TRANG
So sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí
Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa có văn bản góp ý gửi Sở GTVT liên quan đến đề án này. Theo đó, Ban thường trực cơ bản thống nhất với dự thảo đề án. Tuy nhiên, ban cũng đề nghị Sở GTVT bổ sung, làm rõ nội dung so sánh mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí... khi sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại các địa phương khác để có thêm cơ sở triển khai thực hiện.
Còn theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP cũng đã cơ bản thống nhất với đề án. Ông Quản cho biết hiện nay sản lượng hàng hóa qua cảng tại TP đã vượt mức dự báo của Bộ GTVT (đến năm 2030 đạt 159,981 triệu tấn, tuy nhiên số liệu năm 2019 đã đạt 170,670 triệu tấn). Trong khi đó, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu, cảng biển TP không đáp ứng được với nhu cầu lưu chuyển hàng hóa, gây ùn tắc giao thông, mất thời gian di chuyển, xả nhiều khí thải ảnh hưởng môi trường..., gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và xã hội.
Do vậy, theo ông Quản, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển TP.HCM là rất cần thiết. Khi có nguồn kinh phí đầu tư sẽ giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tăng vận tốc vận chuyển, tăng vòng quay phương tiện của xe tải và xe container, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Mặc dù thống nhất ủng hộ chủ trương thu phí của đề án nhưng hiệp hội cũng đề xuất trong quá trình triển khai cần phải tính toán mức thu phí phù hợp và theo từng giai đoạn. Lưu ý, việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh cho DN khi lưu chuyển hàng hóa qua cảng của TP.HCM so với các cảng của các tỉnh lân cận.
Cần có danh sách các tuyến đường thu phí
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho biết ủng hộ đề án thu phí cảng biển để đầu tư vào hạ tầng, song TP cần chú ý tính toán thời gian thu phí bởi DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo ông Trường, TP.HCM là một trong ba đô thị có cảng biển lớn nhất cả nước với sản lượng hàng hóa lớn đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL với bốn cụm cảng chính ở TP.HCM. Tuy có thế mạnh song hạ tầng kết nối với các cảng biển trên còn hạn chế, thậm chí đang rơi vào tình trạng quá tải. Từ đó dẫn tới tình trạng kẹt xe triền miên, DN bị ảnh hưởng, chi phí vận chuyển logistics tăng cao nhưng hiệu quả khai thác giảm.
Đơn cử như hệ thống đường chỉ đáp ứng cho khoảng 12.000 xe/ngày đêm, song lượng thực tế đã lên 19.000-20.000 xe/ngày đêm, đỉnh điểm lên 26.000 xe/ngày đêm. Do đó, việc đầu tư đường vào cảng biển là cấp bách, tránh tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn, kìm hãm tốc độ lưu thông hàng hóa. "TP cũng cần có tính toán, đánh giá lại hiệu quả của đề án này sau một thời gian triển khai, tránh tình trạng thu phí mà đường vẫn kẹt" - ông Trường nói.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc thu phí cảng biển là hợp lý và DN vận tải sẽ đồng thuận nếu việc thu phí mang lại hiệu quả. Theo xu hướng quốc tế cần có quy hoạch logistics bao gồm luồng tuyến, cảng biển, cảng sông và các tuyến đường kết nối. Song song đó, mọi kế hoạch thu phí phải đi kèm với quy hoạch logistics, phải đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được rút ngắn thời gian bao nhiêu, DN được lợi thế nào, bởi hiện nay hạ tầng xung quanh cảng biển còn hạn chế, chi phí vận chuyển rất cao.
"Với mức thu phí dự kiến thì TP sẽ đầu tư vào những dự án nào, danh mục cụ thể ra sao và bao lâu nữa thì sẽ hết tình trạng kẹt xe. Hiện nay các phương tiện vận tải đang đi chung với đường dân sinh và nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Sở GTVT cần tính toán, xây dựng các tuyến đường riêng lẻ để tạo sự lưu thông liền mạch. Với những lợi ích mà người dân, DN nhìn thấy thì họ sẵn sàng ủng hộ" - kiến trúc sư Nam Sơn nói.
Tăng cường phối hợp giữa lực lượng Hải quan và Biên phòng Chiều 9/9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng do thiếu tướng Lê Văn Phúc- Phó Tư lệnh làm Trưởng đoàn, về công tác phối hợp giữa 2 lực lượng. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng hoa chúc...