Ukraine trong cuộc đối đầu Đông – Tây
Khi máu của những người biểu tình thân châu Âu đổ trên các đường phố ở thủ đô Kiev, người ta thấy thấp thoáng hình bóng của Mát-xcơ-va và Brussels. Ukraine đang kẹt cứng trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng của hai hai thế lực Đông, Tây.
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine trên thực tế là cuộc chiến địa chính trị giữa Nga và phương Tây.
Tương phản Đông – Tây
Trong nhiều thập kỷ qua, Ukraine luôn là sự tương phản giữa hai vùng rõ rệt.
Khu miền Tây và miền Trung bao gồm cả thủ đô Kiev, giáp với khu vực châu Âu và chịu ảnh hưởng nhiều của nền chính trị phương Tây. Người dân ở đây theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với Liên minh châu Âu (EU).
Phần còn lại là vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và những hoài niệm về thời Liên bang Xô Viết. Khu vực này gồm cả tỉnh Donetsk đông dân nhất nước.
Do nhiều nguyên nhân trong lịch sử, người Ukraine ở miền Tây thường có xu hướng ngả sang Mỹ và phương Tây. Họ ủng hộ cải cách kinh tế triệt để, chấn hưng ngôn ngữ, văn hóa của Ukraine và ước muốn trở thành thành viên của EU cũng như Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngược lại, những người ở miền Đông dường như lại muốn tham gia Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) và muốn tiếng Nga được đưa vào Hiến pháp như là “ngôn ngữ chính”.
Video đang HOT
Chính hình thái “hai nhà nước” trong một đất nước đã đưa đến hai xu hướng phát triển đối lập ở Ukraine, với một nửa ở phía Tây muốn “tiến đến châu Âu” và một nửa phía Đông muốn “quay lại với không gian Xô Viết”.
Nói cách khác, người dân Ukraine đã tự biến mình thành vùng đệm tự nhiên giữa Đông và Tây, và kết quả là bị kẹt cứng trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng kéo dài nhiều năm qua.
Cuộc chiến giành giật không hồi kết
Với một vị trí địa chiến lược nhạy cảm như vậy, Ukraine luôn là địa bàn chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra và cuộc Cách mạng Cam năm 2004 là hai minh chứng rõ nhất cho sự đối trọng này.
Trong những phát biểu mới nhất tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra ở Đức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã thẳng thừng tuyên bố “tương lai của Ukraine thuộc về EU”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hòa giọng khi nói rằng “Hoa Kỳ và EU đứng cùng với người dân Ukraine trong cuộc chiến cho nền dân chủ”. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, “không có nơi đâu cuộc chiến cho tương lai dân chủ của châu Âu lại quan trọng hơn ở Ukraine hiện nay” và rằng, người dân Ukraine “không muốn bị cưỡng ép”, “không muốn tương lai của họ sẽ được liên minh với một quốc gia đứng lẻ loi”, một tuyên bố ngầm ám chỉ Mát-xcơ-va.
Tất nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không thể ngồi yên trước những cáo buộc phi lý của Mỹ và phương Tây. Ông khẳng định bản thân các nước này cũng không thể tha thứ cho những hành động tương tự diễn ra ở nước họ và do vậy, các cuộc biểu tình đường phố, tấn công tòa nhà chính phủ hay cảnh sát không thể được coi là hành động thúc đẩy dân chủ. Theo Ngoại trưởng Lavrov, rõ ràng phương Tây đang cố tình áp đặt lựa chọn của mình cho Ukraine và Nga không dính dáng vào điều này.
Trước đó, ông Lavrov cũng đã không dưới một lần yêu cầu châu Âu không làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ không để cho Kiev bị sụp đổ. Ẩn chứa trong phát biểu này của ông Lavrov là lời đe dọa về khả năng Nga sẽ ra tay can thiệp một khi diễn biến bất lợi cho Mát-xcơ-va. Nó cũng cho thấy cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại Ukraine sẽ ngày càng trở nên khốc liệt và làm tái hiện phiên bản của sự đối đầu Đông – Tây, vốn là bản chất của thời chiến tranh Lạnh.
Trong cuộc đối đầu đó, dù Nga hay phương Tây giành lợi thế thì đối với người dân Ukraine, đó cũng không phải là một chiến thắng khi mà những chia cắt, đối kháng ngay bên trong lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết.
Đức Vũ
Theo Dantri
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine: Không còn nhiều lựa chọn
Khủng hoảng chính trị và bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Ukraine khiến Tổng thống Yanukovych không còn nhiều lựa chọn. Xích lại gần phương Tây hay kiên quyết ngả về phía Nga là hai phương án đang được ông cân nhắc.
Ukraine đang trải qua các cuộc bạo loạn đường phố nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Cách mạng Cam năm 2004.
Với làn sóng biểu tình kéo dài hơn 2 tháng và đặc biệt là cuộc bạo loạn đường phố những ngày gần đây, phe đối lập Ukraine đang nuôi mộng sẽ hạ bệ Tổng thống Yanukovych vào một ngày không xa.
Tuy nhiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ dễ dàng bị tước bỏ quyền lực khi ông vẫn nắm trong tay lực lượng an ninh và tập hợp được quanh mình các chính trị gia giàu có. Khó khăn lớn nhất đối với ông là việc ông không còn nhiều lựa chọn cho việc khôi phục trật tự đường phố khi bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các bên, cả với chính quyền cũng như với những người cầm đầu phe đối lập.
Theo giới phân tích và những người am tường về tình hình chính trường Ukraine, quốc gia từng là thành viên của Liên Xô trước đây đang trải qua thời khắc nguy hiểm nhất với các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi diễn ra cuộc Cách mạng Cam ủng hộ dân chủ năm 2004.
Các cuộc biểu tình này bùng phát sau khi chính phủ Ukraine đột ngột "quay lưng" lại với kế hoạch hội nhập châu Âu để ngả sang phía Nga. Khoảng một tuần gần đây, các cuộc biểu tình đã bùng phát thành bạo loạn với các cuộc tấn công táo tợn nhằm vào cảnh sát, trong khi phe đối lập leo thang yêu sách buộc Tổng thống Yanukovych phải từ chức để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm, tương tự kịch bản đã thực hiện trong cuộc Cách mạng Cam trước đây.
Tất nhiên, sự leo thang của phe đối lập có "phần đóng góp" không nhỏ từ những hành sự nôn nóng của chính quyền trong việc thúc Quốc hội thông qua 20 dự luật liên quan đến việc điều chỉnh hành vi của người dân, trong đó có dự luật chống biểu tình có ảnh hưởng sâu rộng. Đây chính là "giọt nước tràn ly" khiến phe đối lập có cớ lôi kéo hơn 1,5 triệu người xuống đường tuần hành, bất chấp nhiệt độ ngoài trời xuống tới -100C và đã xảy ra xô xát với cảnh sát.
Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của phong trào chống đối hiện nay bắt nguồn từ sự khủng hoảng nhiều mặt và có hệ thống ở Ukraine, chủ yếu do người dân không đồng tình với hệ thống quyền lực và các chính sách đang được thực thi. Đây là cuộc khủng hoảng trực tiếp theo chiều dọc giữa chính quyền với người dân, và phe đối lập chỉ đóng vai trò xúc tác. Thực tế này đang đặt chính quyền Yanukovych trước hai lựa chọn: hoặc khôi phục tiến trình liên kết với châu Âu theo ý nguyện của người dân, hoặc tiếp tục dựa vào Nga nhưng phải có những bước đi ứng phó phù hợp hơn với phe đối lập.
Trong phương án đầu tiên, Tổng thống Yanukovych sẽ phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn khi phải chia tay với Mátxcơva để quay lại ký kết thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Đây là điều bản thân ông Yanukovych, một nhà lãnh đạo thân Nga, hoàn toàn không muốn khi ông đang phải mang trên vai gánh nặng của một nửa dân số thân Nga ở phía Đông cùng với khoản viện trợ mới nhận được từ điện Kremli.
Rõ ràng sau nhiều năm kẹt trong thế giằng co giữa Đông và Tây, chính quyền của Tổng thống Yanukovych nhận thấy rằng việc thân Nga mang lại nhiều lợi ích thực tế và sát sườn hơn là ngả theo châu Âu, nhất là khi EU chưa cho Kiev thấy rõ những lợi ích từ việc gia nhập châu Âu trong khi Nga thì luôn có những bước tiến lui khôn khéo để "trói chặt" quốc gia giữ vai trò là vùng đệm giữa Nga và phương Tây. Gói viện trợ 15 tỷ USD mà Mátxcơva dành cho Kiev ngay sau khi Ukraine "đóng băng" tiến trình hội nhập châu Âu là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Tuy nhiên, dù không muốn thì ông Yanukovych cũng không thể vì "anh cả" láng giềng mà hoàn toàn phớt lờ phản ứng leo thang trong xã hội chia rẽ ở Ukraine, điều có thể tước đi chiếc ghế quyền lực của ông bất cứ lúc nào. Việc chính phủ mất quyền kiểm soát ở toàn bộ khu vực phía Tây, nơi hầu hết dân chúng mong muốn liên kết với EU, và việc người biểu tình ở thủ đô Kiev không có chút dấu hiệu nhượng bộ đang là sức ép lớn đè nặng lên cả chính quyền Ukraine lẫn nước Nga, nước hiện đang muốn nối dài danh sách các thành công đối ngoại trong không gian các nước hậu Xô Viết.
Thế nhưng, nếu chọn đi theo phương án thứ hai, ông Yanukovych cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Áp lực từ các biện pháp trừng phạt của EU và sự phản kháng mạnh mẽ của một nửa quốc gia ở phía Tây sẽ buộc chính quyền phải đưa ra nhiều nhượng bộ lớn nếu không muốn bị "tan đàn, xẻ nghé". Ông Yanukovych sẽ vừa phải tiến hành đối thoại với đại diện phe đối lập và các lực lượng chính trị trong xã hội, vừa phải xoa dịu EU để không bị lĩnh các đòn trừng phạt không mong muốn. Trong phản ứng mới nhất mang tính bước ngoặt, Tổng thống Yanukovych đã bất ngờ đề nghị lãnh đạo đối lập Arseniy Yatsenyuk và cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko nắm giữ cương vị Thủ tướng và Phó Thủ tướng.
Tổng thống Yanukovych hy vọng với nhượng bộ này, cùng với những cam kết cải tổ chính phủ và thay đổi luật hạn chế biểu tình trong phiên họp Quốc hội bất thường vào ngày 28/1 tới, phe đối lập sẽ chừa cho ông một đường lui trong việc tiếp tục duy trì chính thể hiện nay.
Suy cho cùng, mấu chốt tháo gỡ khủng hoảng tại Ukraine không phải Mátxcơva hay Brussels, mà sự cốt yếu nằm ở chính Kiev.
Đức Vũ
Theo Dantri
Trung Quốc tăng cường tận dụng công nghệ quân sự của Ukraine Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quân sự Ukraine và có thể sớm trở thành đối tác công nghệ quân sự số 1 của quốc gia Liên Xô cũ, theo trang tin Duowei của người Trung Quốc ở hải ngoại. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là một tàu cũ mua lại của Ukaine. Năm...