Ukraine triệu hồi đại sứ tại Nga, điều xe tăng tới gần biên giới
Chính phủ Ukraine ngày 17/3 đã quyết định triệu hồi đại sứ của nước mình tại Mátxcơva về nước để tham vấn về sự ly khai của vùng lãnh thổ Crimea. Cùng ngày, nhiều đơn vị xe tăng của nước này đã được điều tới khu vực Donetsk, gần biên giới với Nga.
Thông tin được Bộ ngoại giao Ukraine công bố. Theo đó, đại sứ Volodymyr Yelchenko được triệu hồi để thảo luận “những khía cạnh quốc tế nhất định” của cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật, trong đó 96,7% cử tri tại khu vực Crimea đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga sau 60 năm là một phần của Ukraine.
Đại sứ Volodymyr Yelchenko.
Trong tối qua, Nga đã chính thức công nhận Crimea là quốc gia độc lập.
Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang leo thang tại Ukraine, nơi được xem như trung tâm của cuộc so kè về địa chính trị nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Xe tăng tiến về biên giới Nga
Trong ngày hôm qua, Kiev đã điều động nhiều xe tăng tới khu vực Donbas, phía Đông thành phố Donetsk. Đây chính là khu vực biên giới của Ukraine với Nga, nơi Hồng quân Liên Xô từng đánh bại phát xít Đức để xoay chuyển cục diện Thế chiến II.
Nhưng lần này, khi những đơn vị xe tăng cũ kỹ của Ukraine được triển khai tới các cánh đồng lầy lội trong một nỗ lực nhằm giữ thể diện, súng và tháp pháo trên những chiếc tăng T-64 và T-72 lại chĩa về phía Nga.
Dù vậy, các đoàn xe quân sự của Ukraine ngay lập tức vấp phải sự ngăn cản của các nhóm hoạt động địa phương. Tại làng Elenvola, đã có những tranh cãi nổ ra khi chính những người Ukraine bày tỏ sự giận dữ.
Nhiều xe tăng Ukraine đã được huy động diễn tập tại Kharkiv từ hôm 14/3
“Người Nga và người Ukraine không buốn đánh lẫn nhau”, Ivan Inozemev, một quản giáo nói. “Chúng tôi sẽ vui khi trở thành một phần của Nga, nếu điều đó thành sự thật”.
Video đang HOT
Các quan chức tại Donetsk giờ đang phải đối mặt với cùng lúc hai mặt trận. Mátxcơva muốn họ sẵn sàng phản ứng trước đề nghị can thiệp, và hiện phong trào biểu tình đòi trưng cầu dân ý giống Crimea đang ngày một tăng trong khu vực này.
Trong khi đó, vị tỉnh trưởng tỷ phú của vùng này đã tuyên bố rằng, những nguồn lực hạn hẹp của địa phương sẽ được phân bổ cho hoạt động xây dựng các tuyến hào và các hệ thống phòng thủ khác để cho Nga thấy hành động xâm lược sẽ bị phản kháng.
“Việc này sẽ khiến chúng tôi tiêu tốn tương đương mua 15 trực thăng mới”, Sergei Taruta, một ông trùm ngành kim loại, người đã bốc chốc trở thành người lãnh đạo tỉnh nói tiếng Nga sau cuộc cách mạng Ukraine, khẳng định.
Tiếp đó, ông công bố một cách tiếp cận cứng rắn đối với chính sách của thành phố. Lần đầu tiên, ông Taruta tuyên bố sẽ đối đầu trực diện với các phong trào biểu tình, vốn đã nở rộ thời gian gần đây.
Một ngày sau khi người biểu tình đột nhập vào 3 tòa nhà tại Donetsk, trong đó có trụ sở công ty công nghiệp của chính ông Taruta, vị doanh nhân khẳng định cảnh sát sẽ bắt giữ, và giải tán mọi cuộc tụ tập.
“Sự mềm mỏng đã hết, giờ chúng ta sẽ bảo vệ chính mình”, vị tỉnh trưởng nói.
Thế nhưng ngay tại cửa chính của tòa nhà tỉnh trưởng, tuyên bố của ông Taruta đã bị thách thức bởi người biểu tình muốn tổ chức trưng cầu dân ý. Được tổ chức thành 3 nhóm khác nhau, họ đều có kỷ luật và quyết tâm.
Sau khi hát vang quốc ca Nga qua những loa lớn ngay trên thềm tòa nhà, Robert Donia, một lãnh đạo biểu tình khẳng định sẽ không dùng vũ lực để xông vào tòa nhà. “Chúng ta đã gửi đi yêu cầu của mình”, ông tuyên bố. “Quốc hội của vùng phải gửi công văn tới Kiev yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của chúng ta. Họ phải chấp nhận điều này”.
Đứng ngay trước hàng rào cảnh sát chống bạo động, Donia đã tranh luận với một đại diên do ông Taruta cử tới trong suốt gần nửa giờ. “Tại Crimea hôm qua, họ đã tổ chức trưng cầu dân ý. Donetsk cũng có thể làm vậy. Chúng ta có thể thành công”, Donia hô vang.
Trong khi đó, nhiều người trung thành với Ukraine tại Donetsk đã yêu cầu chính quyền có quan điểm cứng rắn hơn, sau khi một nhà hoạt động bị các đối thủ đối lập sát hại hôm thứ Năm. Thông tin Ukraine đang động viên binh sỹ để đối với phó sự can thiệp từ Nga là một sự khích lệ hiếm hoi cho các nhà hoạt động đã bị bao vây tại đây.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Nga và Ukraine đồng loạt điều động quân trước giờ Crimea bỏ phiếu
Quân đội Ukriane đêm qua (15/3) lần đầu tiên đã được huy động để chặn một đợt tiến quân được cho là của Nga, giữa lúc các lực lượng lính dù được Kiev cử tới bảo vệ một cơ sở khí đốt gần Crimea do căng thẳng leo thang trước giờ trưng cầu dân ý.
Theo tờ Telegraph của Anh, Bộ ngoại giao của chính phủ lâm thời Ukraine đã lên án "một cuộc xâm lược" của các lực lượng Nga vào lãnh thổ đại lục của mình, khi 80 binh sỹ Nga được sự hậu thuẫn của các trực thăng trang bị súng và các xe thiết giáp bao vây một trạm bơm khí đốt gần làng Strilkove trên mũi Arabat, nằm bên trong vùng Kherson ở phía Bắc Crimea.
Các binh sỹ vũ trang kiểm soát một khách sạn tại thủ phủ Crimea
Hiện chưa rõ liệu những binh sỹ Nga đổ bộ này - lần đầu tiên được Mátxcơva điều tới khu vực bên ngoài bán đảo Crimea - có báo hiệu cho sự mở màn một cuộc chiếm đóng hay chỉ là một hoạt động thăm dò.
Bộ quốc phòng Ukraine thì cho biết đã triển khai máy bay và lính dù tới để ngăn chặn một nỗ lực của các lực lượng Nga tiến vào khu vực Arbatskaya Strelka, một dải đất dài gần kề Crimea.
Ban đầu Bộ này khẳng định Nga đã rút đi sau khi lính dù và các đơn vị quân đội được triển khai để ngăn cản hoạt động đổ bộ. Tuy nhiên các hãng thông tấn địa phương sau đó cho biết lính Nga vẫn còn hiện diện tại đây.
Một quan chức giấu tên của Nga cho biết đợt điều động được thực hiện để đề phòng "các vụ tấn công khủng bố".
Bộ ngoại giao Nga khẳng định đã nhận được "nhiều yêu cầu" bảo vệ người dân tại Ukraine. "Những kiến nghị này sẽ được xem xét", một thông báo viết.
Trong khi đó, tại trung tâm Mátxcơva, hàng chục nghìn người biểu tình hôm qua đã xuống đường trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Mang theo cờ Nga, cờ Ukraine và cờ EU, người biểu tình đã phản đối việc can thiệp vào Ukraine và hô khẩu hiệu "Rút binh sỹ Nga về nước".
Các nhà tổ chức, bao gồm lãnh đạo các phong trào đối lập ở Nga, cho biết có tới 70.000 người tham gia tuần hành. Tuy nhiên cảnh sát nói rằng chỉ khoảng 3000 người Mátxcơva xuất hiện, và xem những người này là "đối tượng chống lại sự tái hợp của Crimea với Nga".
Phương Tây tiếp tục gây sức ép
Phát biểu trong ngày 15/3, Tổng thống Pháp Franois Hollande cảnh báo rằng việc Nga sáp nhập Crimea sẽ kích hoạt ngay lập tức các cấm vận về hợp tác quân sự. Có khả năng điều này sẽ ảnh hưởng tới hợp đồng đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral mà Nga đang đặt hàng với Pháp.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố phía Đông Ukraine
William Hague, Ngoại trưởng Anh thì kêu gọi về một phản ứng "mạnh mẽ và nhất quán" từ Liên minh châu Âu. Ông Hague sẽ có cuộc nhóm họp với các ngoại trưởng EU khác trong ngày 17/3, nơi họ dự kiến sẽ công bố lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 120 - 130 người Nga có nhiều ảnh hưởng.
Lo ngại về việc Nga đang tạo tiền đề cho hoạt động can thiệp quy mô lớn hơn vào Ukraine, chia tách nước này thành hai khu vực Đông và Tây, đã làm gia tăng bạo lực tại các thành phố nói tiếng Nga ở Ukraine.
Một làn sóng biểu tình thân Nga đã diễn ra khắp các khu vực phía Đông Ukraine hôm thứ Bảy, sau khi hai người bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại thành phố Kharkiv, lớn nhất khu vực này.
Oleksander Turchinov, quyền Tổng thống Ukraine, đã cáo buộc các đặc vụ của Kremlin khiến làn sóng bạo động biến thành đụng độ chết người.
"Các bạn cũng như chúng tôi biết rõ ai tổ chức những cuộc tuần hành lớn tại phía Đông Ukraine - đó chính là các nhân viên từ Kremlin, những người đang tổ chức và tài trợ cho hoạt động này, những người khiến có người bị sát hại", ông Turchinov khẳng định trong một cuộc phát biểu trước phe đối lập tại quốc hội.
Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Mátxcơva ngày 15/3
Trong khi không ai nghi ngờ việc Nga có thể sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình, những cư dân phản đối cho rằng động thái trên sẽ khiến Mátxcơva chịu hậu quả.
"Nếu Putin tới Ukraine, thì ông ấy coi như xong", Vasily Golovin, một người nghỉ hưu nói. "Tôi không thể hiểu ông ta nghĩ gì, nhưng nếu ông ấy cho rằng có thể xâm lược chúng tôi thì trò chơi của ông ấy đã kết thúc".
Những ngày qua, trước thềm cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, các lực lượng Nga với cả các đơn vị pháo binh được cho là đã đào công sự tại thị trấn Dzhonkoi ở phía Bắc Crimea, trong một động thái đề phòng khả năng bị phản công từ lục địa Ukraine theo hướng này.
Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào 8 giờ sáng nay, và kết thúc sau đó 12 giờ. Người Crimea sẽ được đề nghị chọn một trong hai lựa chọn: gia nhập liên bang Nga với tư cách một vùng mới, hoặc khôi phục hiến pháp của Crimea năm 1992, cho phép khu vực này có quyền tự trị rộng rãi trong khuôn khổ Ukraine.
Theo Dantri
Nga điều tàu chiến, đưa thêm lính và xe bọc thép vào Crimea Theo Reuters, ngày 14.3, Nga đưa thêm lính và xe bọc thép vào Crimea, lặp lại lời đe dọa đưa quân vào các khu vực khác của Ukraine, phớt lờ lời cảnh báo rút quân và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tàu đổ bộ Yamal 156 của Nga đưa xe tải quân sự, xe bọc thép chở quân và lính vào...