Ukraine: Tỉ phú Kolomoisky thắng thế?
Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố các tiểu đoàn phòng vệ phải trực thuộc hệ thống lực lượng vũ trang Ukraine.
Binh sĩ Tiểu đoàn Dnepr-1 của tỉ phú Igor Kolomoisky tại Công ty Ukrnafta Ảnh: SEGODNYA.UA
Thống đốc vùng Dnepropetrovsk, tỉ phú Igor Kolomoisky, có vẻ đang thắng thế trong cuộc đối đầu với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, căn cứ vào báo chí Nga.
Tổng thống đáp trả
Thống đốc Kolomoisky được tiếp sức khi ông Vitaly Varvinenko – đại biểu thuộc phe “Phục hưng” – hôm 23-3 đệ trình quốc hội Ukraine dự thảo nghị quyết hủy bỏ những thay đổi trong đạo luật về công ty cổ phần.
Nếu dự thảo nghị quyết trên được thông qua, ông Kolomoisky sẽ giành lại quyền kiểm soát Công ty Dầu khí Ukrnafta.
Trước đó, chiều 22-3, xe bọc thép chở hàng chục tay súng vũ trang – được cho là thuộc tiểu đoàn tình nguyện Dnepr-1 của ông Kolomoisky – đến phong tỏa trụ sở Ukrnafta.
Theo đài RT (Nga), các công ty của ông Kolomoisky sở hữu khoảng 43% Ukrnafta, còn chính phủ kiểm soát quá nửa cổ phần.
Trước đây, luật pháp Ukraine quy định nhà nước chỉ có thể kiểm soát một công ty nếu nắm 60% cổ phần, đồng nghĩa với việc Ukrnafta gần như là công ty riêng của ông Kolomoisky.
Tuy nhiên, hôm 19-3, quốc hội Ukraine thông qua luật sửa đổi, cho phép nhà nước điều hành bất cứ công ty nào mà nhà nước chiếm đa số cổ phần.
Cùng ngày 23-3, theo báo điện tử Dni.ru, Tổng thống Poroshenko nhận ngón đòn từ các đồng minh cũ khi 4 đại biểu quốc hội Ukraine cùng lúc tuyên bố ra khỏi Đảng “Khối của Petro Poroshenko” để phản đối cuộc đối đầu căng thẳng giữa 2 nhà tài phiệt có ảnh hưởng nhất Ukraine hiện nay”.
Video đang HOT
Trong một động thái đáp trả ông Kolomoisky, Tổng thống Poroshenko ngày 23-3 ra lệnh đưa 2 tiểu đoàn vệ binh quốc gia đến vùng Dnepropetrovsk.
Thêm vào đó, ông tuyên bố các đơn vị và các tiểu đoàn phòng vệ phải trực thuộc hệ thống của các lực lượng vũ trang Ukraine. “Không một thống đốc nào có lực lượng an ninh riêng” – hãng tin Interfax-Ucraina dẫn lời ông Poroshenko.
Trước nguy cơ cuộc đối đầu giữa 2 ông Kolomoisky và Poroshenko có thể biến thành đụng độ vũ trang công khai, Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cảnh báo không một công dân nào được phép cầm súng trên đường phố Kiev.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng An ninh Ukraine Valentin Nalyvaichenko ra lệnh giải giáp những người mang vũ khí ở văn phòng Công ty Ukrnafta.
Thiệt hại 1/4 nền kinh tế
Tổng thống Poroshenko dè chừng ông Kolomoisky bởi trong tay nhà tài phiệt này không chỉ có khối tài sản khổng lồ mà còn cả những tiểu đoàn hùng mạnh đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Tiểu đoàn Azov thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine, thành lập ở Mariupol năm 2014, cũng được tỉ phú Kolomoisky tài trợ kinh phí hoạt động.
Trong khi nội bộ Ukraine lún sâu vào bất ổn, kinh tế nước này cũng không hề sáng sủa. Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk hôm 24-3 nhận định 1/4 nền kinh tế đất nước đã bị thiệt hại do tình hình chiến sự ở Donbass và hàng trăm xí nghiệp buộc phải đóng cửa.
Theo ông, kho bạc duy nhất của Ukraine hiện chỉ còn 15,5 tỉ hryvnia (gần 670 triệu USD). Ông Yatsenyuk cũng tuyên bố Ukraine cần có hiến pháp mới.
Kiev đã đề ra hạn chót hoàn thành chương trình tái cơ cấu nợ vào tháng 6-2015 để nhận được khoản cứu trợ 15,3 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngày 23-3, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko cho biết nước này đã nhận được gói cứu trợ đầu tiên trị giá 5 tỉ USD từ IMF, đồng thời kêu gọi phương Tây trợ giúp nhiều hơn nữa.
Bộ trưởng Yaresko cho biết thêm Ukraine đã chính thức mời Nga tham gia đàm phán tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo Reuters, hiện Moscow nắm giữ khoản nợ 3 tỉ USD từ trái phiếu Ukraine và vẫn giữ quan điểm Ukraine cần phải trả khoản nợ mà hãng tin Bloomberg gọi là “lưỡi gươm” 3 tỉ USD kề sát cổ Kiev.
Thêm vào đó, Ukraine sẽ tạm thời ngừng mua khí đốt của Nga từ ngày 1-4 với lý do giá cao.
Theo Trí Thức Trẻ
Ukraine: Nếu chiến sự tái diễn, thảm họa là không thể cứu vãn
Tình hình Ukraine tuy đang yên ắng nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khiến Thỏa thuận Minsk 2 bị phá vỡ và cuộc nội chiến sẽ bùng lên, không thể cứu vãn.
Ngày 21-3, Người đứng đầu Cộng hoà Nhân dân Lugansk tự phong, ông Igor Plotnitsky e ngại rằng, thiếu sự kiểm soát cứng rắn đối với chính quyền Kiev có thể khiến chiến sự ở khu vực đông nam Ukraine bùng lên bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, điều quan trọng là phương Tây có muốn làm điều đó hay không?
"Người dân đã quen với chiến tranh, dù có đau đớn và nặng nề. Điều mà chúng tôi nói hoàn toàn được khẳng định bằng ý kiến dư luận và suy nghĩ của người dân là, nếu không có sự kiểm soát cứng rắn chính quyền Kiev thì Ukraine sẽ bắt đầu chiến tranh", ông Igor Plotnitsky nói.
Nhà lãnh đạo phe ly khai Lugansk lên án, chính quyền Kiev luôn mồm nói về hoà bình, nhưng đồng thời mua thiết bị quân sự, mời lính đánh thuê nước ngoài huấn luyện quân đội, thực hiện các hoạt động chuyển quân, củng cố các vị trí. "Tất cả được chúng tôi quan sát thấy không chỉ một lần" - ông Plotnitsky nói trong cuộc phỏng vấn của RIA Novosti.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo Nga và Donbass cũng phê phán việc chính quyền Hoa Kỳ chưa kịp nghiên cứu kỹ lưỡng đạo luật về quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass, nhưng đã "tin rằng việc thông qua văn kiện kể trên chứng tỏ ý định nghiêm túc của Kiev trong việc thực hiện Thỏa thuận Minsk".
Thỏa thuận Minsk 2 đang bị đe dọa phá vỡ từ cả Kiev lẫn Donbass
Tuyên bố của Đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đưa ra, được đăng tải trên trang web của cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ có đoạn: "Chúng tôi hiện thời chưa nghiên cứu sâu nội dung của đạo luật, nhưng rõ ràng theo quan điểm của người Ukraine, nó cần được áp dụng cho tuyến ranh giới đã phân định hồi tháng 9 năm 2014.
Vị nữ phát ngôn viên này lưu ý rằng, "như vậy là Kiev đã hoàn thành trách nhiệm của mình về thông qua đạo luật xác định quy chế đặc biệt của Donbass. Bây giờ các bên có liên quan sẽ bắt đầu thảo luận về việc thực thi văn kiện này" - Bà Psaki tuyên bố trong bối cảnh luật này đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của cả Nga và Donbass.
Dự luật mới chỉ thay đổi một vài điểm trong luật cũ hồi năm 2014, trong đó, chỉ cho phép một vài khu vực tại miền Đông được hưởng quy chế đặc biệt trong 3 năm, song phải tổ chức bầu cử hợp với luật pháp Ukraine và dưới sự giám sát của quan sát viên quốc tế.
Phe ly khai đe dọa sẽ có hành động đáp trả nếu chính quyền Kiev không điều chỉnh lại Luật quy chế đặc biệt cho Donbass
Thêm vào đó, Ukraine sẽ đề nghị Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm quân đội nước ngoài tới 2 thành trì của ly khai để giám sát lệnh ngừng bắn, mặc dù trước đó Nga và phe ly khai Donbass đã phản đối quyết liệt vấn đề này.
Nga chỉ trích Ukraine là "vi phạm trắng trợn và cố ý muốn viết lại thỏa thuận Minsk 2, đặc biệt là chính quyền Kiev không hề trao đổi với lực lượng ly khai về những sự thay đổi này". Moscow đã kêu gọi Berlin và Paris phải có một động thái chính trị với Kiev vì hành vi mà họ cáo buộc là vi phạm thỏa thuận Minsk 2.
Lãnh đạo phe ly khai Donetsk và Lugansk cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận hòa bình khi cho rằng, những sửa đổi của Kiev đã làm suy yếu luật trao quy chế đặc biệt cho 2 khu vực Donetsk và Lugansk. Họ khẳng định sẽ có hành động đáp trả nếu chính quyền Kiev không điều chỉnh lại Luật này.
Kiev khẳng định luôn tôn trọng thỏa thuận Minsk 2 nhưng lại đang tích cực chuẩn bị vũ khí
Sự việc càng thêm trầm trọng khi Kiev dường như muốn "đổ thêm dầu vào lửa" bằng tuyên bố rất "vô trách nhiệm" của Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ Alexandr Motsyk rằng, quân đội nước này đang trong tình trạng hấp hối và chỉ có vũ khí của Mỹ mới có thể cứu vãn được tình thế.
Tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy, nhà ngoại giao này kêu gọi Washington và các đồng minh trợ giúp vũ khí cho quân đội nước này, đồng thời biện minh bằng một giải thích hết sức kỳ quặc là "chính vũ khí và chỉ có vũ khí mới thúc đẩy hòa bình ở Ukraine"!?
Trước nguy cơ đổ vỡ của Thỏa thuận Minsk 2, Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đã bày tỏ sự lo lắng về việc, mặc dù các điểm mục đầu tiên của thỏa thuận Minsk về một lệnh ngừng bắn và rút lui vũ khí hạng nặng đang được thực thi nhưng phần sau của nó đang tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn.
Các thỏa thuận đạt được tại Minsk ngày 12-2 là nền tảng thực tế duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nền tảng này cần được phát huy bởi nếu chiến sự lại tiếp diễn ở Ukraine sẽ dẫn đến những thảm họa không thể cứu vãn - ông Thorbjorn Jagland cho biết tại Aftenposten.
Theo Nguyễn Ngọc (tổng hợp)
An ninh Thủ đô
Chuyên gia Ấn Độ: Khủng hoảng Ukraine chỉ kết thúc khi NATO bỏ cuộc Hiện nay cộng đồng quốc tế đã nhìn thấy những mối quan ngại nghiêm trọng về nguy cơ cuộc xung đột ở Ukraine có thể phát triển thành đụng độ giữa Nga và Mỹ. Với sự thất bại của hai bên tham chiến trong việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, cuộc nội chiến ở Ukraine đang có nguy cơ leo...