Ukraine: Quân đội Nga rút khỏi Kharkiv, tập trung tấn công phía đông Ukraine
Bộ Tổng tham mưu của Ukraine cho biết lực lượng Nga đang rút khỏi khu vực thành phố Kharkiv ở phía đông bắc, tập trung vào các tuyến đường tiếp tế và tấn công ở miền đông.
Vệ binh Quốc gia Ukraine kiểm tra một căn hầm ở ngoại ô Kharkiv, ngày 14/5/2022. Ảnh: AP
Hãng tin AP dẫn nguồn từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, các lực lượng quân sự Nga đang rút khỏi vùng xung quanh thành phố lớn thứ hai của Ukraine sau khi bắn phá thành phố này trong nhiều tuần qua, khoảng thời gian lực lượng của Kyiv (Kiev) và Moskva tham gia vào một trận chiến huỷ hoại trung tâm công nghiệp phía đông của đất nước.
Theo Bộ Tổng tham mưu của Ukraine, lực lượng Nga rút lui khỏi thành phố Kharkiv ở phía đông bắc và tập trung vào việc canh gác các tuyến đường tiếp tế, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công bằng súng cối, pháo binh và không kích vào tỉnh Donetsk phía đông nhằm “làm tiêu hao lực lượng Ukraine và phá hủy các công sự”.
Phía Nga hiện chưa có bình luận về thông tin nói trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết Ukraine đang “bước vào một giai đoạn mới – lâu dài – của cuộc chiến”. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy thì khẳng định người Ukraine đang cố gắng “tối đa” để đẩy lui lực lượng Nga và rằng kết quả của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ châu Âu và các đồng minh khác.
“Không ai ngày nay có thể dự đoán cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu hàng đêm vào cuối ngày 13/5 theo giờ địa phương. Nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo rằng cuộc chiến đang gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới do sự phong tỏa của Nga khiến ngũ cốc Ukraine không thể rời cảng.
Người dân đi qua nơi một quả rocket cắm xuống đất ở Lysychansk, vùng Luhansk, Ukraine, 13/5/2022. Ảnh: AP
Trong một động thái bày tỏ sự ủng hộ, phái đoàn Thượng viện Mỹ do lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell dẫn đầu đã gặp Tổng thống Ukraine tại Kyiv. Một đoạn video được đăng trên tài khoản Telegram của ông Zelenskyy cho thấy Thượng nghị sĩ McConnell và các thượng nghị sĩ Susan Collins, John Barrasso và John Cornyn đã đến chào nhà lãnh đạo Ukraine.
Sau khi tuyên bố kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo chuyển trọng tâm sang vùng Donbas ở phía đông, một khu vực công nghiệp nơi quân đội Ukraine đã chiến đấu với phe đòi độc lập do Moskva hậu thuẫn kể từ năm 2014.
Cuộc tấn công của Nga ở Donbas nhằm mục đích bao vây các đội quân có kinh nghiệm nhất và được trang bị tốt nhất của Ukraine – lực lượng đóng tại những vùng thuộc Donbas vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Ukraine.
Một cảnh sát đặc nhiệm Ukraine kiểm tra một địa điểm bị không kích ở Lysychansk, vùng Luhansk, đông Ukraine ngày 13/5/2022. Ảnh: AP
Theo AP, việc có được hình ảnh đầy đủ về hướng cuộc giao tranh đang diễn ra ở Donbas là rất khó khăn vì các cuộc không kích và pháo binh đã khiến hoạt động di chuyển của các phóng viên trở nên cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên lúc này trận chiến dường như mới chỉ là một cuộc đối đầu qua lại và không có đột phá lớn cho cả hai bên. Nga đã chiếm được một số làng và thị trấn ở Donbas, bao gồm cả Rubizhne, một thành phố có dân số trước chiến tranh khoảng 55.000 người.
Video đang HOT
Kharkiv, cách biên giới Nga không xa và chỉ cách thành phố Belgorod của Nga 80 km về phía tây nam, đã trải qua nhiều tuần pháo kích dữ dội. Thành phố nói tiếng Nga chủ yếu với dân số 1,4 triệu người trước chiến tranh là một mục tiêu quân sự quan trọng của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Thống đốc khu vực Kharkiv, Oleh Sinegubov cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng không có cuộc tấn công pháo kích nào vào Kharkiv trong ngày qua. Ông cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công gần Izyum, một thành phố cách Kharkiv 125 km, vốn nằm trong sự kiểm soát của Nga từ đầu tháng Tư.
Người dân lấy nước từ một xe cứu hoả ở Lysychansk, Luhansk, Ukraine, ngày 13/5/2022. Ảnh: AP
Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự độc lập của Ukraine, cho biết giao tranh diễn ra ác liệt trên sông Siversky Donets gần thành phố Severodonetsk, nơi Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công nhưng không ngăn được bước tiến của Nga. Ông Zhdanov nói: “Số phận của một phần lớn quân đội Ukraine đang được quyết định – có khoảng 40.000 binh sĩ Ukraine”.
Một cầu phao bắc qua sông Siverskyi Donets ở đông Ukraine bị phá huỷ, ảnh chụp ngày 12/5/2022. Nguồn: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc chiến ở Ukraine, với một trong những lý do đưa ra là ngăn chặn sự mở rộng của NATO ở Đông Âu. Nhưng cuộc chiến đã khiến các quốc gia khác dọc theo sườn đông của Nga lo lắng rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo. Tuần này, Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan tuyên bố ủng hộ việc đất nước tìm kiếm tư cách thành viên NATO. Các quan chức Thụy Điển dự kiến sẽ công bố quyết định việc có nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này hay không vào ngày 15/5.
Tổng thống Nga Putin đã nói với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinist rằng không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan và việc gia nhập NATO sẽ là một “sai lầm” “ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Nga-Phần Lan”. Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã “trao đổi quan điểm thẳng thắn” trong một cuộc điện đàm ngày 14/5.
Trong một diễn biến khác, các tay súng Ukraine ẩn nấp trong nhà máy thép Azovstal ở cảng Mariupol, vẫn đối mặt với các cuộc tấn công liên tục của Nga vào thành trì kháng cự cuối cùng trong thành phố. Phó thủ tướng Ukraine cho biết các nhà chức trách Ukraine đang đàm phán về việc sơ tán 60 binh sĩ bị thương nặng khỏi nhà máy thép.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga, Anna Kuznetsova, đã đến thăm Kherson, một khu vực giáp Biển Đen của Ukraine bị Nga kiểm soát từ những ngày đầu xung đột. Nga đã thành lập tại đây một chính quyền khu vực thân Moskva, và Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Moskva có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại địa phương về việc sáp nhập Nga.
Bí ẩn 'pháo đài' Azovstal của Ukraine: Từ nhà máy thép đến chiến lũy cuối cùng
Nhà máy thép Azovstal (ở TP.Mariupol) đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu đến cùng của lực lượng Ukraine trước quân đội Nga trong cuộc xung đột có thể kéo dài và ngày càng khó đoán.
Nhà máy Azovstal nhìn từ xa hôm 12.5. Ảnh REUTERS
Đối với Nga, Mariupol có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thành phố cảng bên bờ biển Azov được xem là cầu nối giữa vùng Donbass ở miền đông Ukraine - nơi phe ly khai thân Nga đang kiểm soát, với bán đảo Crimea - khu vực mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014.
Do đó, việc kiểm soát được thành phố này đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của Nga trong "chiến dịch quân sự" tại Ukraine. Song trong suốt nhiều tuần, dù các binh sĩ Ukraine từng bước để mất Mariupol, Nga vẫn không thể kiểm soát nhà máy thép Azovstal, nơi được xem là "pháo đài cuối cùng" tại thành phố.
Pháo đài cuối cùng và những tối hậu thư
Mariupol đã trở thành địa điểm giao tranh trọng yếu trong nhiều tuần và cho đến ngày 15.4, Nga đã thiết lập vòng vây siết chặt thành phố. Tình thế này buộc khoảng 500 binh sĩ trong lực lượng Ukraine còn bám trụ ở đây phải rút về cố thủ tại nhà máy Azovstal, vì đạn dược của họ đang vơi dần. Phía Nga sau đó tuyên bố toàn bộ khu vực đô thị của Mariupol đã nằm dưới sự kiểm soát của họ và lực lượng Ukraine chỉ còn ở Azovstal.
Ngày 21.4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố đã "giải phóng" thành phố Mariupol, nhưng vẫn còn khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine cố thủ ở Azovstal và ước tính cần thêm 3-4 ngày để hoàn thành nhiệm vụ. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho lực lượng Nga không xông vào nhà máy Azovstal vì nguy cơ thiệt hại lực lượng. Thay vào đó, ông muốn nhà máy này bị phong tỏa hoàn toàn để "không một con ruồi nào có thể lọt qua".
Ông Putin cũng kêu gọi các binh sĩ Ukraine tại Azovstal đầu hàng và cam kết họ sẽ được đối xử tôn trọng, dù đây không phải là tối hậu thư đầu tiên từ phía Nga. Từ ngày 17 - 21.4, quân đội Nga đã 3 lần đưa ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng Ukraine ở Azovstal ra hàng, song không lần nào thành công. Các binh sĩ Ukraine đã phớt lờ những lời kêu gọi từ bỏ vũ khí.
Trong những ngày sau đó, Kyiv cho biết quân đội Nga đã liên tục tấn công nhà máy Azovstal. "Kẻ địch đang cố bóp nghẹt sự kháng cự cuối cùng của những người bảo vệ Mariupol tại nhà máy Azovstal", một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói.
Trong đêm 27-28.4, các máy bay Tu-22M3, Su-25 và Su-24 của Nga đã thực hiện 50 đợt tấn công vào nhà máy, theo phía Ukraine, dù những tuyên bố này không thể được xác thực một cách độc lập.
Lực lượng thân Nga trong một cuộc bắn phá gần nhà máy Azovstal. Ảnh REUTERS
Nỗ lực sơ tán dân thường
Theo Metinvest, tập đoàn sở hữu Azovstal, hệ thống đường hầm và công sự của nhà máy này được thiết kế để vận chuyển thiết bị giữa các tòa nhà, không dùng cho mục đích quân sự. Song các công nhân đã bắt đầu trú ẩn ở các tầng hầm của nhà máy từ năm 2014, khi lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine cố gắng chiếm Mariupol.
Hơn 2.000 thường dân đã ẩn náu ở nhà máy kể từ những ngày đầu chiến sự và nhiều người trong số họ là người nhà của nhân viên. Đến ngày 18.4, hội đồng thành phố Mariupol ước tính không dưới 1.000 dân thường đang mắc kẹt tại đây. Ukraine đã liên tục tố cáo Nga cản trở nỗ lực sơ tán trong khi Moscow cáo buộc Kyiv cố tình trì hoãn việc này vì tính toán riêng.
Ngày 30.4, Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế bắt đầu sơ tán người ở Azovstal thông qua các hành lang nhân đạo sau nhiều nỗ lực đàm phán. Hành lang nhân đạo này được thiết lập sau chuyến thăm Moscow của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres vào tuần trước đó. 20 dân thường Ukraine đầu tiên đã rời nhà máy trong ngày, dù phía Nga nói là 25.
Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục diễn ra để có thể sơ tán toàn bộ người dân. Vào ngày 2.5, hành lang nhân đạo đã đưa được khoảng 100 dân thường rời nhà máy Azovstal, trong khi lực lượng Nga được cho là rút dần khỏi Mariupol. Song sang ngày 3.5, Ukraine nói quân Nga đã tiến vào khu vực bên trong nhà máy sau các đợt tấn công mới. Dù vậy, quá trình sơ tán vẫn diễn ra, với 300 người ngày 5.5 và 500 người ngày 6.5.
Đến ngày 8.5, cả Nga và Ukraine cùng tuyên bố việc sơ tán dân thường ở Azovstal đã hoàn tất, với 40 người cuối cùng được đưa đến khu vực Zaporizhzhya do Ukraine kiểm soát. Chính quyền Mariupol cũng cho biết 3 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong quá trình này.
"Đoàn xe nhân đạo là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời và là sự cứu rỗi lớn lao đối với những người vốn đã phải chịu đựng những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến cận kề trong quá nhiều tuần. Họ đã phải chịu đựng sự kinh hoàng mà không một con người nào phải trải qua", ông Pascal Hundt, trưởng phái đoàn Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế ở Ukraine, nói.
Người dân được sơ tán từ nhà máy Azovstal hôm 6.5. Ảnh REUTERS
Tương lai nào cho Azovstal?
Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine còn ở Azovstal thề sẽ không rời khỏi đây "chừng nào chúng tôi còn sống để đánh đuổi quân Nga", theo phó chỉ huy Trung đoàn Azov, Sviatoslav Palamar. "Chúng tôi không có nhiều thời gian, chúng tôi đang bị pháo kích dữ dội", ông nói.
Tổng thống Zelensky cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực "cực kỳ khó khăn nhưng quan trọng" để sơ tán toàn bộ những ai còn ở lại nhà máy Azovstal trong "giai đoạn hai của nhiệm vụ này". Theo Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchukho, Kyiv đang kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế gây áp lực lên Nga để có thể sơ tán người bị thương nặng, lực lượng quân y và lực lượng phi chiến đấu, theo Công ước Geneva.
"Phải có các thỏa thuận và đảm bảo rằng Nga không nổ súng", bà Vereshchukho nói. "Chúng tôi cần những lời bảo đảm bằng sắt đá bằng văn bản. Đó là những gì chúng tôi đang làm việc để có được ngay lúc này". Bà cũng cho biết "Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng" hỗ trợ việc sơ tán bằng đường biển từ Azovstal, và quá trình này có thể mất khoảng một tuần.
Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo ông đã đến thăm Mariupol cũng như một số thành phố khác của Ukraine trong ngày 8.5. Ông Khusnullin là quan chức cấp cao nhất của Nga đặt chân đến Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra. Trong chuyến thăm, ông nói "quá trình khôi phục cuộc sống bình yên đã bắt đầu" ở các khu vực này.
Trong khi đó, ông Denis Pushilin, lãnh đạo lực lượng "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng, mới đây nói ông có kế hoạch biến Mariupol thành một "thị trấn nghỉ dưỡng", theo hãng thông tấn TASS. Ông đã tổ chức một cuộc diễu binh tại Mariupol nhân ngày chiến thắng phát xít của Nga hôm 9.5.
"Nga ở đây mãi mãi, và cuối cùng các bạn cũng đã ở nhà... Nếu Azovstal không được khôi phục, thì chúng tôi sẽ biến Mariupol thành một thị trấn nghỉ dưỡng", ông Pushilin nói và cho biết thêm rằng nhà máy thép "ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của thành phố và vùng nước ven biển".
Theo ước tính của Ukraine, khoảng 1.000 binh sĩ của họ vẫn đang cố thủ ở nhà máy. Một chỉ huy khác của lực lượng tại đây hôm 8.5 nói lúc này họ "chỉ có thể hy vọng vào một phép màu".
"Đau đớn, dày vò, đói khát, khốn khổ, nước mắt, sợ hãi, chết chóc. Tất cả đều là thật ở Azovstal", ông Serhiy Volinski, chỉ huy Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 36, nói trong một bức tâm thư. Ông đăng kèm một bức ảnh cho thấy ông chưa cạo râu, mắt mờ và có vẻ như mũi bị thương.
Trận chiến ác liệt trên Đảo Rắn quyết định ưu thế của Nga và Ukraine ở Biển Đen Sau 11 tuần giao tranh, Nga và Ukraine hiện giờ tập trung vào cuộc chiến khốc liệt nhằm tranh giành Đảo Rắn. Đảo Rắn là một địa điểm quan trọng về mặt chiến lược và mang tính biểu tượng tại Biển Đen. Vai trò chiến lược của Đảo Rắn Đảo Rắn - khu vực mà Hải quân Nga tiếp quản ngay trong tuần...