Ukraine: Lính tình nguyện biểu tình đòi Tổng thống Poroshenko từ chức
Khoảng 500 lính tình nguyện tham chiến tại đông Ukraine hôm qua 1/2 đã đổ về Quảng trường Độc lập tại trung tâm thủ đô Kiev, biểu tình yêu cầu Tổng thống Petro Poroshenko từ chức.
Các lính tình nguyện phong tỏa Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 31/1. (Ảnh: Cri)
Trang tin News.rin cho biết khoảng 500 lính tình nguyện của Ukraine, tới từ khu vực chiến sự ở miền đông nước này, hôm qua 1/12 đã biểu tình tại Quảng trường Độc lập yêu cầu Tổng thống Petro Poroshenko từ chức. Những người biểu tình cũng đề cập đến việc đưa ra luật chiến tranh và yêu cầu các quan chức đứng đầu Bộ quốc phòng, Hội đồng an ninh quốc gia, Bộ tham mưu và văn phòng viện trưởng viện công tố từ chức.
Các lính tình nguyện trên thuộc các tiểu đoàn tham chiến chống lại lực lượng ly khai ở Donetsk và Lugansk. Các tiểu đoàn này được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Ukraine. Theo thống kê, có khoảng 7.000 quân tình nguyện tham gia các tiểu đoàn này từ cuối tháng 9/2014.
Những người biểu tình hôm qua nói rằng các đơn vị tình nguyện tham chiến tại đông Ukraine không được cung cấp tài chính, vũ khí và cho rằng họ đang bị gạt ra ngoài rìa của cuộc chiến. “Bây giờ họ phải trả tiền lương cho chúng tôi, nên họ giải tán để khỏi phải trả tiền”, một lính tình nguyện nói.
Hôm 31/1, hãng tin Itar-Tass đưa tin tiểu đoàn Aidar, một tiểu đoàn tình nguyện của Ukraine với quân số khoảng 400 lính, đã rất phẫn nộ khi bị thương vong nặng trong những ngày chiến sự leo thang gần đây. Họ cho biết không chỉ bị dính đạn của phe ly khai mà lãnh đạn từ cả quân chính phủ Kiev.
Video đang HOT
Ông Sergey Melnichuk lãnh đạo của tiểu đoàn Aidar cáo buộc pháo binh Kiev đã nhắm mục tiêu vào vị trí của tiểu đoàn nhiều lần. Dù báo chí Ukraine cho rằng đây chỉ là những vụ bắn nhầm đáng tiếc, các binh sỹ Aidar vẫn coi đây là vụ bắn có chủ đích và rằng quân chính phủ trở mặt để ép tiểu đoàn này phải giải tán.
Hôm 31/1, tiểu đoàn này đã tập trung các tay súng phong tỏa Bộ quốc phòng Ukraine để đòi giải thích việc bắn nhầm 15-20 lần đồng thời đòi chất vấn việc có giải thể tiểu đoàn hay không.
Trong khi đó, sau khi cuộc hòa đàm tại Minsk (Belarus) hôm 31/1 lâm vào bế tắc, chiến sự ở đông Ukraine tiếp tục leo thang với những trận pháo kích không ngừng nhằm vào thành phố Donetsk.
Chỉ tính riêng đêm 31/1, đạn pháo rơi vào các khu dân cư ở Donetsk đã làm ít nhất 3 dân thường thiệt mạng và 14 người khác bị thương. Phe ly khai thân Nga cáo buộc quân đội chính phủ Kiev chiếm đóng 2 làng phía tây bắc thành phố này đã thực hiện các cuộc pháo kích trên, làm hơn 20 dân thường chết trong 24 giờ qua.
Xung đột giữa quân đội Kiev và các lực lượng ly khai ở tiền tuyến vẫn tiếp diễn. Chính phủ Ukraine cho biết trong 24 giờ qua quân đội nước này đã có 13 binh sĩ thiệt mạng, trong khi phe đối lập từ chối đưa ra con số thương vong. Sự tính con số thương vong sẽ còn tăng lên bởi xung đột tại vùng chiến sự này đang leo thang mạnh mẽ.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Biểu tình tại Ukraine đòi Tổng thống Poroshenko từ chức
Khoảng 500 lính tình nguyện đã tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ngày 1/2 tại trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine, yêu cầu Tổng thống đương nhiệm nước này Petr Poroshenko từ chức.
Phát biểu tại đây, những người lính tình nguyện tới từ khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine này tuyên bố các đơn vị tham chiến không được cung cấp tài chính và vũ khí.
Trong khi đó, cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ đồng hồ nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và Chính phủ Ukraine đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết lực lượng đòi độc lập không sẵn sàng thảo luận về các đề nghị của Nhóm tiếp xúc mà muốn đàm phán lại thỏa thuận tháng 9/2014. Tuy nhiên, Nhóm tiếp xúc khẳng định sẵn sàng tham vấn vào bất kì thời gian nào, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện thỏa thuận Minsk.
Lực lượng đòi độc lập cho biết phía chính quyền Ukraine yêu cầu đường ranh giới theo thỏa thuận ngày 19/9/2014, tuy nhiên họ cho rằng đường ranh giới này không phù hợp với thực tế thời gian đó cũng như thỏa thuận khi đó không có chữ ký của người đứng đầu 2 nước CH tự xưng là Lugansk và Donesk.
Một bất đồng khác là phía chính quyền Kiev yêu cầu chính quyền Lugansk và Donesk tự xưng phải cử người đứng đầu tới đàm phán, trong khi lực lượng đòi độc lập cho rằng điều này không phù hợp vì đại diện phía chính quyền Kiev tham gia đàm phán là cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma không có thẩm quyền cần thiết.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Hợp tác và phát triển Bỉ Alexander De Croo vừa thông báo Bỉ sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 2 triệu euro cho Ukraine. Khoản viện trợ này nhằm hỗ trợ cho khoảng 1,5 triệu người dân Ukraine phải dời bỏ nhà cửa do xung đột vẫn đang tiếp diễn tại đất nước này. Nhờ sự hỗ trợ của Bỉ, Hội Chữ thập đỏ quốc tế có thể trợ giúp người dân bị nạn bằng cách cung cấp cho họ nơi tạm trú, thức ăn và nước uống.
Bộ trưởng Alexander De Croo nhấn mạnh tình hình nhân đạo tại Ukraine không ngừng xấu đi. Hơn 1,5 triệu người đã phải trốn chạy khỏi khu vực chiến sự ở miền Đông. Thuốc men thiếu trong khi bệnh sởi lan mạnh, tình trạng cắt điện và thiếu nước ngọt luôn tái diễn. Thêm vào đó, mùa Đông khắc nghiệt càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng. Cùng với việc không chi trả lương hưu, rất nhiều người không có phương tiện để trợ cấp nhu cầu hàng ngày. Bộ trưởng De Croo cũng cho biết kể từ cuộc chiến tranh Balkan trong những năm 90 của thế kỷ trước, châu Âu chưa có một cuộc khủng hoảng nhân đạo nào nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
* Đại diện toàn quyền của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng tham gia cuộc đàm phán Minsk, Vladislav Deinego tối 31/1 cho biết chính quyền LPR và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng có bằng chứng cho thấy các lực lượng của Chính phủ Ukraine đang sẵn sàng mở một cuộc tấn công mới.
Đại diện cấp cao lực lượng li khai miền đông Denis Pushilin (phải) và Vladislav Deynego trong cuộc họp báo tại Minsk ngày 31/1 (ảnh: AFP/ TTXVN)
Ngay khi kết thúc cuộc họp Nhóm tiếp xúc về Ukraine, ông Deinego cho rằng các lực lượng tự vệ ở miền Đông Ukraine cần tổ chức cuộc đối thoại chứ không phải độc thoại với chính quyền Kiev. Theo ông, các bên tham gia cuộc gặp Nhóm tiếp xúc hôm 31/1 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đã không bàn về thời điểm tổ chức cuộc gặp tiếp theo. Ông nói: "Thông tin về cuộc gặp tiếp theo không được thảo luận. Cả chúng tôi và phía Chính phủ Ukraine đều đưa ra quan điểm riêng. Các bất đồng vẫn liên quan tới ranh giới rút quân. Như chúng tôi đã đề cập trước đó rằng chúng tôi tính từ ranh giới tồn tại trên thực tế hiện nay, trong khi phía Kiev lại đòi áp dụng ranh giới tồn tại hôm 19/9/2014".
Trong khi đó, ngày 1/2, quan chức chính quyền Kiev và lực lượng nổi dậy cho biết ít nhất 19 người, trong đó có 13 binh sĩ chính phủ Ukraine, đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine trong 24 giờ qua. Ngoài ra còn có 20 binh sĩ Ukraine bị thương.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Pháo kích Mariupol: Lại một "thuyết âm mưu" chống Nga Vụ pháo kích tại Mariupol thuộc Donetsk được coi là diễn biến mới nhất trong các bước leo thang chiến sự ở miền Đông Ukraine. Vụ pháo kích hôm 24/1 làm 30 người chết và hơn 100 người khác bị thương, với việc các bên liên quan đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Ukraine ngày 25/1 tuyên bố quân ly khai Donetsk là...