Ukraine dọa dùng vũ lực tại miền đông
Chính phủ lâm thời Ukraine ra tối hậu thư buộc những nhà hoạt động thân Nga ở miền đông phải đối thoại nếu không muốn đối mặt với vũ lực.
Cảnh sát chống bạo loạn Ukraine ở thành phố Donetsk – Ảnh: AFP
AFP ngày 9.4 dẫn lời quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giải quyết “trong vòng 48 giờ” tình trạng những người biểu tình thân Nga chiếm các cơ quan hành chính địa phương ở nhiều thành phố miền đông. Ông Avakov cho biết: “Với những ai muốn đối thoại, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp chính trị. Với thiểu số muốn đụng độ, câu trả lời của chính phủ Ukraine sẽ rất mạnh mẽ”. Tuy nhiên, theo tờ Le Figaro, việc Kiev dùng biện pháp mạnh tại các thành phố miền đông như Lugansk, Donetsk sẽ rất phức tạp. Trước tiên vì có khá đông cảnh sát ở những thành phố này ủng hộ Nga và phản đối chính phủ lâm thời. Đó là một trong những lý do lực lượng an ninh địa phương không chống trả quyết liệt khi các trụ sở hành chính ở Kharkov, Donetsk, Lugansk bị người biểu tình chiếm từ cuối tuần trước.
Kế đến, ngay cả khi đã điều một số đơn vị cảnh sát “trung thành” từ thủ đô đến miền đông, chính phủ lâm thời Ukraine cũng phải tránh tối đa nguy cơ các cuộc đụng độ gây ra thương vong cho người biểu tình. Nguyên nhân, Kiev vẫn lo ngại đây sẽ là cái cớ để Moscow đưa quân đang đóng gần biên giới vào Ukraine để “bảo vệ cộng đồng người Nga”. Chính vì vậy, chính quyền địa phương các thành phố Donetsk, Lugansk vẫn tiếp tục nỗ lực đàm phán với người biểu tình. Hôm qua, tại Lugansk, 56 trong số 60 “con tin” bị những người thân Nga tạm giữ ở trụ sở Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine (SBU) trong ngày 8.4 đã được thả sau cuộc điều đình giữa hai phía.
Trong lúc miền đông Ukraine đang “căng như dây đàn”, Mỹ đã điều thêm tàu chiến đến biển Đen như một thông điệp mạnh mẽ nhằm vào Nga. Đài CNN hôm qua dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ sẽ đến biển Đen trong ngày 10.4. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích các tàu chiến Mỹ nhiều lần vi phạm thời hạn hiện diện tại biển Đen theo Công ước Montreux về lưu thông hàng hải ở các eo biển. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov thì tố cáo một số thành viên NATO đang có kế hoạch dồn đại quân về biên giới với Nga.
Những ngày qua, phương Tây liên tục cáo buộc Moscow đã đứng sau những bất ổn ở miền đông Ukraine và cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua tuyên bố thẳng thừng rằng chính các đặc vụ Nga đã kích động hỗn loạn tại Ukraine. Theo tờ Kommersant, EU đã lập “danh sách đen mở rộng” gồm hàng trăm cá nhân và tổ chức của Nga “có trách nhiệm hoặc tham gia vào các hành động đe dọa lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”. Danh sách trên được chia thành 5 nhóm: nghị sĩ, quan chức cấp cao của chính phủ, lãnh đạo ngành quốc phòng – an ninh, doanh nhân và phóng viên. Nếu danh sách trừng phạt được áp dụng, hầu hết các chính trị gia cộm cán của Nga sẽ bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh và đóng băng tài khoản ngân hàng ở EU. Những động thái mới nhất nhiều khả năng sẽ làm quan hệ giữa Nga với phương Tây và Ukraine thêm rạn nứt. Cuộc hội đàm 4 bên giữa Mỹ, Nga, Ukraine và EU vào tuần sau cũng vì vậy mà khó có hy vọng mang lại đột phá cho khủng hoảng Ukriane.
Theo TNO
Tình hình Ukraine: Kiev dùng vũ lực, kịch bản Syria tái hiện?
Căng thẳng miền đông Ukraine ngày càng tăng. Kiev cho rằng chỉ có hai phương pháp, hoặc đàm phán chính trị-ngoại giao, hoặc vũ lực mới có thể kết thúc vấn đề.
Ukraine tăng mức xử tội phản quốc
Video đang HOT
Trong một tuyên bố bên lề một cuộc họp của chính phủ Ukraine hôm ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ tạm quyền Ukraine, ông Arsen Avakov nêu rõ:
"Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ được giải quyết trong vòng 48 giờ tới. Có hai giải pháp, một là giải pháp chính trị-thương lượng và hai là giải pháp dùng vũ lực. Với những người muốn đối thoại, chúng tôi đề xuất đàm phán và một giải pháp chính trị. Với số ít muốn xung đột, họ sẽ nhận được một câu trả lời mạnh mẽ từ nhà chức trách Ukraine."
Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Ukraine ngày 8/4 đã thông qua dự luật chống ly khai trong nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực của những người ủng hộ Nga tại các khu vực miền Đông của Ukraine.
Theo đạo luật mới, những người bị cáo buộc vi phạm chủ quyền lãnh thổ tối thượng của Ukraine có thể phải đối mặt với án tù giam lên tới 5 năm đối với một lần phạm tội và lên tới 10 năm cho lần vi phạm tiếp theo.
Ngoài ra, Quốc hội Ukraine cũng tăng hình phạt đối với tội phản quốc, theo đó các phạm nhân phải chịu mức án từ 12-15 năm tù giam. Trước đó, mức phạt trung bình cho loại tội này là 10 năm tù giam.
Người biểu tình thân Nga lập chiến lũy tại các tòa nhà trụ sở công quyền của các thành phố miền đông Ukraine
Động thái này của Kiev chứng tỏ chính quyền này quyết tâm ngăn chặn sự leo thang đòi tự trị mà kinh nghiệm Crimea cho thấy sự tự trị sẽ chỉ dẫn đến những thiệt thòi dành cho Ukraine về lãnh thổ. Những dự luật này cũng đồng nghĩa với việc Kiev đã khép những cộng đồng nói tiếng Nga đang tiến hành biểu tình vào chủ nghĩa khủng bố và những người phản bội đất nước.
Trong khi trước đó, tại Paris, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp mặt. Tại đây, Nga cho rằng giải pháp tốt nhất để chấm dứt tình thế Ukraine lúc này là thành lập một chính thể nhà nước Liên bang, tương tự như cách mà Liên bang Đức hay Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang tiến hành.
Đụng độ bùng lên ở miền đông Ukraine
Như vậy, dự luật chống ly khai của Kiev cũng không khác gì gáo nước lạnh tạt vào biện pháp mà Nga đưa ra.
Trong khi đó, Mỹ - EU không ngừng chỉ trích Nga đang đứng đằng sau giật dây những diễn biến bất ổn tại miền đông Ukraine. Đồng thời, Moscow đang âm thầm dịch chuyển quân sự tại những khu vực sát biên giới quốc gia Đông Âu này.
Ngược lại, Moscow cũng thẳng thừng đáp trả về việc không hề có dấu hiệu quân sự nào, và chính đặc vụ Mỹ, cũng như lính đánh thuê của phương Tây đang đổ về những thành phố miền đông để làm phức tạp tình hình. Đồng thời, Nga kêu gọi một sự hợp tác tốt hơn, tôn trọng hơn với NATO.
Lực lượng người biểu tình được giấu mặt và trang bị vũ khí thô sơ. Tại Donets, bom xăng cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng đáp trả hành động đàn áp của chính quyền Kiev
Ukraine đứng trước kịch bản của Syria
Xung quanh việc chính quyền Kiev hứa hẹn sẽ có những đòn giáng trả đích đáng vào thế lực không chịu thỏa hiệp tại miền đông, Nga đã khẳng định việc Ukraine phải tôn trọng dân quyền của cộng đồng những người nói tiếng Nga. Và Moscow cũng ngầm thông tin về việc sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ cộng đồng này:
"Tôi hy vọng chính quyền lâm thời sẽ không làm điều gì để sau này không thể khắc phục được sai lầm." hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống V.Putin nói.
Đến thời điểm này, có thể dễ dàng vẽ ra những kịch bản cho tương lai gần của Ukraine, khi tất cả các bên liên quan không ai nhịn ai.
Người thân Nga chiếm tòa nhà chính quyền ở đông Ukraine
Để đạt được sự thỏa hiệp trong thương lượng, Ukraine buộc phải sửa hiến pháp và thành lập thể chế liên bang. Nhưng với thể chế này, các nơi có quyền tự quyết và Nga hoàn toàn dễ dàng thâu tóm các tỉnh miền đông hầu hết là người dân tộc Nga bằng chính "chiêu bài Crimea." Do đó, Kiev không thể đồng tình, và như vậy, sẽ buộc phải dùng đến vũ lực.
Khi dùng đến vũ lực, thứ nhất, Ukraine sẽ đối diện với việc Nga can thiệp quân sự để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga, những người thuộc dân tộc Nga. Trong khi đó, NATO không thể bênh vực Ukraine chỉ vì đất nước này không thuộc liên minh quân sự bắc Đại Tây Dương. Nếu Nga không sợ búa rìu dư luận và các lệnh trừng phạt tăng cường, thì phần thiệt thòi chắc chắn thuộc về Kiev.
Miền đông Ukraine đang dần biến thành những chiến lũy và nguy cơ nội chiến là rất cao
Thứ hai, nếu Nga giữ lập trường không can thiệp quân sự, thì như Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hôm 9/4/2014, việc chính quyền Ukraine sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình tại miền Đông có thể sẽ dẫn đến nội chiến tại nước này. Khi đó, lực lượng tham gia sẽ là những người thân Nga tại miền đông và đối thủ sẽ là chính quyền Kiev thân phương Tây,
Người ta có thể dễ dàng nhận thấy một kịch bản Syria từ Trung Đông được lặp lại tại quốc gia Đông Âu này. Chỉ có điều, Nga đứng về phía những người nổi dậy còn phương Tây đứng về chính quyền.
Ukraine: Miền Đông sôi sục đòi liên bang hóa
Tuy nhiên, việc để xảy ra nội chiến là hạ sách theo tính toán của ngài Putin, bởi trong phát biểu trước báo giới ngày 9/4, ông cho rằng những nỗ lực của Nga nhằm làm giảm căng thẳng thông qua đàm phán "sẽ có kết quả" và là một kết quả "tích cực."
Còn kết quả này tích cực cho Moscow, Kiev, hay phương Tây, thì điều đó còn tùy thuộc vào quan điểm của mỗi bên liên quan.
Theo Báo Đất Việt
Mỹ: TQ phải biết tôn trọng các nước láng giềng "Việc cường quốc đi khắp nơi tìm cách vẽ lại bản đồ bằng vũ lực là sai trái." Trước thềm chuyến công du tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố rằng việc một cường quốc "đi vòng quanh thế giới tìm cách vẽ lại đường biên giới và vi phạm chủ quyền lãnh thổ" là không đúng...