Ukraine dọa chặn mọi đường quá cảnh từ Nga
Ukraine sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt đối mọi đường quá cảnh của Nga qua lãnh thổ nước này, trong đó có vận chuyển khí đốt sang châu Âu và các chuyến bay thương mại, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 8/8 tuyên bố.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk.
Quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu về biện pháp trừng đối với Nga vào thứ 3 tuần tới, Valeria Hontareva, chủ tịch ngân hàng trung ương Ukraine, cho hay.
Kiev cũng chuẩn bị một danh sách gồm 172 công dân Nga và 65 công ty phần lớn của của Nga để áp đặt các lệnh trừng phạt vì “hỗ trợ khủng bố, ủng hộ việc sáp nhập Crimea và vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Thủ tướng Yatsenyuk cho biết trong cuộc họp báo ngày 8/8.
Các lệnh trừng phạt được đề xuất bao gồm đóng băng tài sản, cấm một số công ty, cấm tư nhân hóa sở hữu nhà nước, từ chối cấp các giấy phép và cấm một phần hoặc hoàn toàn quá cảnh hàng không và vận chuyển khí đốt.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, ông Yatsenyuk cho biết, nói thêm rằng Ukraine sẽ sử dụng một phần của gói viện trợ dự kiến của IMF trị giá 17 tỷ USD để tìm cách độc lập về năng lượng và có thể tìm kiếm sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới. Ukraine, hiện đang trên bờ vực vỡ nợ, đã nhận được đợt viện trợ đầu tiên trị giá 3,2 tỷ USD hồi tháng 5.
Ukraine muốn chấm dứt sự phụ thuộc khí đốt vào Nga, nhưng cũng hiểu rằng đó là một quá trình không dễ dàng, Thủ tướng Yatsenyuk phát biểu trước báo giới.
Ông Yatsenyuk cũng ước tính rằng Ukraine có thể mất 7 tỷ USD nếu áp đặt các lệnh trừng phạt nằm vào Nga, đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine sau EU.
Video đang HOT
Hôm thứ 2, chính phủ Ukraine cho biết đang có kế hoạch noi gương các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhằm vào các lĩnh vực kinh tế, tài chính và năng lượng của Nga.
Ukraine nhập khẩu gần 50% khí đốt tự nhiên từ Nga, với 27,7 tỷ m3 khí đốt vào năm 2013.
Nếu lệnh trừng phạt của Ukraine được phê chuẩn, việc ngừng quá cảnh khí đốt của Nga có thể ảnh hưởng tới châu Âu vì châu lục này nhập khẩu 15% khí đốt từ Nga.
Trước đó, sự bất đồng giữa Kiev và Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom về giá cả và các khoản nợ đã khiến Ukraine phải giảm bớt tiêu thị năng lượng.
Ukraine hiện đang tìm kiếm các lựa chọn khác về năng lượng, như nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia EU láng giềng.
Trong trường hợp Ukraine chấm dứt trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này, một loạt các quốc gia châu Âu như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech sẽ bị ảnh hưởng.
Gazprom đã có một đường ống khí đốt ở phía bắc, vốn tránh lãnh thổ Ukraine để vận chuyển khí đốt tới Đức và các nước nhập khẩu lớn khác, và đang xây dựng hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Nam để đưa khí đốt tới các quốc gia Nam và Trung Âu.
EU sẽ gánh chịu hậu quả
Các đường vận chuyển khí đốt từ Nga sang Ukraine và các nước EU.
Nhà phân tích chính trị Matthias Dornfeldt tại Trung tâm nghiên cứu vùng Caspi tại Berlin (Đức), cho hay EU sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất nếu Kiev cấm vận chuyển khí đốt từ Nga, đặc biệt trong những tháng mùa đông.
“Nghe đề xuất này từ Thủ tướng Yatsenyuk, tôi đã rất sốc vì Ukraine đang nhắm vào EU hơn và an ninh năng lượng đối với các quốc gia ở phía đông châu Âu hơn là Nga”.
Tuy nhiên, theo ông Dornfeldt, “đề xuất này sẽ không bao giờ được thông qua vì sức ép từ Brussels và các nhân tố khác từ quốc tế nhằm ngăn chặn nó”.
Đe dọa của Ukraine nhằm chặn tất cả đường quá cảnh từ Nga “cho thấy chính phủ Ukraine không sẵn lòng hợp tác chút nào và chỉ nhìn thấy lợi ích của mình”, ông Dornfeldt nói.
Hệ quả của một đe dọa như vậy sẽ chỉ làm gia tăng sự ủng hộ của EU đối với các dự án của Nga vốn liên quan tới việc tránh lãnh thổ Ukraine, như dự án Dòng chảy phương Nam.
“Sau khi nghe đề xuất đó (của Thủ tướng Yatsenyuk), rõ ràng là tất cả các quốc gia ở đông nam châu Âu – như Áo, Hungary, Serbia và Bulgaria – sẽ vận động tích cực cho việc xây dựng Dòng chảy phương Nam để nhận được nguồn cung khí đốt đảm bảo nhất”, ông Dornfeldt nói.
An Bình
Theo Dantri/RT
Bulgaria ủng hộ dự án "Dòng chảy phương Nam" của Nga
Theo Ngoại trưởng Bulgaria, dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho Bulgaria, khu vực Đông Nam Âu mà cả Liên minh châu Âu.
Ngoại trưởng Bulgaria, Kristian Vigenin ngày 7/7 bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Nam" của Nga, vì cho rằng đây là một dự án quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào đường ống trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau những căng thẳng vừa qua giữa hai nước khiến nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu bị ảnh hưởng.
Dự án "Dòng chảy phương Nam" được xây dựng nhằm vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung và Nam Âu (Ảnh: Gazprom)
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đang ở thăm Bulgaria, ông Vigenin cho biết: "Dự án dòng chảy phương Nam không chỉ mang lại lợi ích cho Bulgaria, khu vực Đông Nam Âu mà cả Liên minh châu Âu".
Ông Vigenin nói thêm: "Dự án đó có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng của Bulgaria, Đông Nam Âu và Liên minh châu Âu. Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng dự án phù hợp với các quy định luật pháp của châu Âu".
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, dự án trên vẫn đang được triển khai theo kế hoạch, đồng thời kêu gọi EU nối lại đàm phán về dự án này vì nó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng châu Âu.
Dự án "Dòng chảy phương Nam" trị giá gần 40 tỷ USD, được xây dựng nhằm vận chuyển khí đốt của Nga tới Trung và Nam Âu, nơi 1/3 nhu cầu khí đốt phụ thuộc vào Nga. Dự án này sẽ xây dựng các đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga, qua Biển Đen đến Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và có thể đến cả Italy.
Nga cáo buộc EU gây sức ép với một số đối tác của Nga trong dự án này trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine./.
Theo VOV
Bulgaria quyết tâm tham gia dự án "Dòng chảy phương Nam" Ngày 25/6, Chính phủ Bulgaria tuyên bố việc nước này ký kết thỏa thuận tham gia dự án khí đốt "Dòng chảy phương Nam" không vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Các công nhân làm việc tại đoạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam qua Bulgaria ngày 31/11/2013. (Nguồn: TTXVN) Chính phủ nước này cũng...