Ukraine công bố các biện pháp khẩn cấp chống ly khai
Tổng thống tạm quyền Ukraine Alexander Turchinov vừa công bố một loạt biện pháp chống ly khai và chia tách lãnh thổ sau khi người biểu tình ở Donetsk tuyên bố thành lập nhà nước riêng.
Tổng thống tạm quyền Turchinov đau đầu đối phó với làn sóng ly khai ở miền Đông.
Phát biểu trên truyền hình được phát sóng rộng rãi ngày 7/4, ông Turchinov khẳng định chính quyền lâm thời Ukraine sẽ thành lập Ban chống khủng hoảng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn mưu đồ ly khai, chia tách lãnh thổ.
“Các chiến dịch chống khủng bố sẽ được triển khai để đối phó với những đối tượng cầm vũ khí, đặc biệt tại miền Đông”, ông Turchinov tuyên bố sau khi buộc phải hoãn chuyến thăm Litva để đối phó với làn sóng bất ổn bùng phát ở 3 tỉnh miền Đông gồm Lugansk, Donetsk và Kharkov.
Cũng theo ông Turchinov, các hành động chống đối, ly khai đang diễn ra ở Ukraine có sự tiếp tay của cơ quan tình báo Nga. Vì vậy, trong cuộc họp vào ngày 8/4, Quốc hội Ukraine sẽ xem xét dự luật tăng trách nhiệm hình sự đối với các hành động này.
Video đang HOT
“Ngày 8/4, một trong những vấn đề đầu tiên của Verkhovna Rada (Quốc hội) là xem xét luật về tăng trách nhiệm hình sự đối với hành động ly khai và cấm các chính đảng, các tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động ly khai hay chống đối nhà nước”, ông nói.
Được biết, chính quyền lâm thời Ukraine đang tăng cường triển khai các lực lượng an ninh tới những địa bàn nóng.
Trong khi đó, các giới chức cấp cao chia nhau tới 3 thành phố ở miền Đông để thị sát tình hình.
Cụ thể, quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov tới Kharkov. Phó Thủ tướng thứ nhất Vitaly Yarema tới Donetsk. Thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Andrey Parubyi và Giám đốc Cơ quan an ninh Valentin Nalivaichenko tới Lugansk.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát mạnh ở cả ba thành phố thân Nga ở miền Đông Ukraine từ tối 6/4 và hiện chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong diễn biến mới nhất, Hội đồng tỉnh Donetsk tuyên bố thành lập nhà nước riêng mang tên Cộng hòa nhân dân Donetsk, đồng thời vạch kế hoạch sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Nga chậm nhất vào ngày 11/5 tới.
Còn tại Lugansk, người biểu tình tràn vào bên trong trụ sở cơ quan an ninh và chiếm giữ kho vũ khí. Những người thân Nga ở Kharkov tiếp tục bao vây các trụ sở công quyền.
Giới lãnh đạo ở Kiev cáo buộc Nga đang tìm cách lặp lại kịch bản Crimea ở các thành phố miền Đông Ukraine hòng gây chia rẽ ở quốc gia láng giềng Đông Âu này.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Ukraine rút quân khỏi Crimea, Moldova lo lắng
Moldova, quốc gia láng giềng với Ukraine, và phương Tây lo ngại rằng "hiệu ứng Crimea" sẽ lan đến vùng lãnh thổ ly khai Trans-Dniester của nước này.
Lực lượng Crimea trong một chiến dịch giành căn cứ quân sự của Ukraine - Ảnh: The Guardian
Ngày 24.3, chính quyền lâm thời Ukraine ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ đang đóng tại Crimea ra khỏi khu vực này sau khi thêm một căn cứ hải quân lọt vào tay lực lượng tự vệ địa phương, theo AFP. Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov thông báo binh lính và gia đình của họ sẽ sớm được đưa đến các nơi khác còn lãnh đạo chính quyền Crimea cũng cho RIA-Novosti hay: "Toàn bộ quân nhân Ukraine đã rời đi hoặc theo về với Crimea".
Quyết định trên được đưa ra sau khi Lực lượng tự vệ Crimea giành quyền kiểm soát thêm một căn cứ hải quân của Ukraine ở cảng Feodosia vào rạng sáng 24.3. AFP dẫn lời nhân chứng cho hay một nhóm biệt kích được thả từ trực thăng xuống căn cứ nhanh chóng khống chế binh lính Ukraine. Đến nay, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, đã có 189 cơ sở quân sự và toàn bộ tàu chiến, tàu ngầm của Ukraine đóng ở Crimea treo cờ Nga. Hôm qua, truyền hình quốc gia Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Crimea để thị sát tình hình. Ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Moscow thăm vùng này kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý quyết định sáp nhập vào Nga hồi giữa tháng.
Những diễn biến ở Crimea càng khiến chính quyền Kiev, Moldova và phương Tây lo ngại khi NATO cáo buộc Nga đang tập trung một lực lượng lớn ở khu vực biên giới với Ukraine. AFP dẫn lời Tư lệnh NATO Philip Breedlove và Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Tony Blinken tuyên bố lực lượng Nga đang tập kết tại địa điểm trên có "quy mô rất đáng kể và rất sẵn sàng" còn Kiev nói lính Nga "có thể tràn vào Ukraine bất cứ lúc nào". Theo tướng Breedlove, có thể mục tiêu chính của Nga là băng qua Ukraine để tiến vào Trans-Dniester, vùng lãnh thổ tuyên bố ly khai từ năm 1990 nhưng chưa được bên nào công nhận của Moldova. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng trên đường tiến quân, Nga có thể "sáp nhập" luôn thành phố cảng quan trọng Odessa, phía nam Ukraine để tạo thành một vùng đệm bên bờ biển Đen kéo từ Crimea qua Odessa đến Trans-Dniester.
Trans-Dniester có phần lớn dân số nói tiếng Nga và giới lãnh đạo vùng này đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng được sáp nhập vào Nga. Moscow vẫn chưa phản hồi yêu cầu của Trans-Dniester nhưng đang duy trì 1.500 binh sĩ tại đây. Phản ứng trước tình hình trên, Tổng thống Moldova Nicolae Timofti lên tiếng thúc giục EU hãy nhanh chóng đẩy mạnh việc ký kết hiệp định liên kết với nước này còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen kêu gọi NATO phải có biện pháp bảo vệ các thành viên và đối tác ở phía đông, theo kênh ARD.
Đáp lại các tuyên bố trên, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định quân đội không có bất cứ động thái đáng nghi hay bất thường nào và không vi phạm các quy định của quốc tế.
Theo TNO
Tư lệnh NATO cảnh báo Nga dàn quân sát Ukraine, lo ngại cho Moldova Một chỉ huy cấp cao của NATO ngày 24.3 cảnh báo Nga đã điều động một lực lượng có quy mô "rất lớn" tại vùng biên giới với Ukraine, đồng thời bày tỏ lo ngại cho Cộng hòa Moldova. Binh sĩ vũ trang, được cho là quân đội Nga, đang đứng gác trước một căn cứ hải quân Ukraine ở thành phố cảng...