Ukraine cắt nguồn điện đến Crimea
Phần lớn thủ phủ Simferopol của Crimea bị mất điện trong ngày thứ hai liên tiếp vào hôm 24.3, khi chính quyền lâm thời Kiev dường như trả đũa Nga về hành động sáp nhập bán đảo ly khai này bằng cách cắt nguồn cung cấp điện.
Ảnh minh họa
Nhà ở và doanh nghiệp trên khắp thành phố đã không sáng đèn, cho thấy sự rủi ro của bán đảo chiến lược phụ thuộc mạnh vào Ukraine trong nhiều dịch vụ thiết yếu như điện và nước.
Giới chức tại Simferopol và cả ở Moscow (Nga) đã dự đoán được bước đi nói trên của chính quyền Ukraine. Trong những ngày gần đây, giới chức Crimea cho biết họ đã tiếp nhận 900 máy phát điện để cung cấp năng lượng cho những tòa nhà quan trọng, bao gồm bệnh viện. Hiện chưa rõ các máy phát điện có được đưa vào sử dụng hay chưa.
Video đang HOT
Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Ukrenergo đã ra thông báo cho biết tình trạng mất điện ở Crimea là hậu quả của việc sửa chữa khẩn cấp 2 đường dây truyền tải quan trọng. Một công ty khác, DTEK Krymenergo, vốn chuyển tải phần lớn điện năng được sử dụng ở Crimea, cho biết đường dây truyền tải đã bị ngắt để sửa chữa, buộc hãng phải cắt giảm mạnh việc cung cấp năng lượng.
Sau đợt cắt điện một phần ở Simferopol chiều 23.3, giới chức Crimea đã lập tức đổ lỗi cho chính quyền lâm thời Ukraine tại Kiev.
Tại Moscow, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết sự lệ thuộc của Crimea vào Ukraine là một rủi ro lớn và cũng có vẻ quy trách nhiệm cho Kiev. Tại một cuộc họp chính phủ, ông Medvedev tuyên bố trong ngắn hạn, vấn đề nên được giải quyết “tại các cuộc đàm phán quốc tế”, nhưng ông cũng thúc giục các bộ ngành của Nga nên bắt đầu công việc ở Crimea càng sớm càng tốt.
Vào ngày 21.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn hiệp ước chính thức sáp nhập Crimea vào Nga. Ukraine phản đối mạnh mẽ hành động của Moscow và phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào giới chức Nga.
Theo TNO
Crimea chọn nước Nga, Ukraine huy động quân đội
Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy gần 97% người đi bỏ phiếu ở Crimea ủng hộ ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
Người dân thủ phủ Simferopol của Crimea xuống đường mừng kết quả trưng cầu dân ý - Ảnh: AFP
Theo Đài RT, trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình ngày 17.3, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Crimea Mikhail Malyshev cho biết 96,77% cử tri đi bỏ phiếu chọn sáp nhập với Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 16.3. Ngay trong hôm qua, Hội đồng Tối cao Crimea tuyên bố độc lập tách khỏi Ukraine và chính thức đề đạt yêu cầu gia nhập Nga. Chính quyền Crimea còn tuyên bố "quốc hữu hóa" toàn bộ tài sản nhà nước của Ukraine ở bán đảo này và giải tán các đơn vị quân đội Ukraine trong khu vực. AFP dẫn lời Chủ tịch Nghị viện Crimea Volodymyr Konstantynov nói rõ binh sĩ Ukraine có 2 lựa chọn là trung thành với Crimea hoặc rời khỏi bán đảo. Ngoài ra, chính quyền Crimea còn tuyên bố chấp nhận đồng rúp của Nga là đồng tiền chính thức thứ hai bên cạnh đồng hryvnia của Ukraine vẫn có hiệu lực đến ngày 1.1.2016, đồng thời đổi sang múi giờ của Moscow.
Kết quả trên là điều đã được dự đoán ngay sau khi cuộc trưng cầu được thông báo. Nga khẳng định cuộc bỏ phiếu là hoàn toàn hợp pháp còn chính quyền Kiev và phương Tây lại lên án kịch liệt. Tại Crimea, khoảng 30% dân số người Ukraine và người Tarta cũng tuyên bố tẩy chay cuộc trưng cầu. Ngày 17.3, chính quyền lâm thời ở Kiev tiếp tục phản đối "các hành động can thiệp, khiêu khích và tăng cường quân sự của Nga" và khẳng định binh sĩ Ukraine ở Crimea vẫn sẽ giữ nguyên vị trí. Cùng ngày, quốc hội nước này thông qua sắc luật huy động một phần quân đội trên cả nước để ứng phó các diễn biến mới, theo AFP. Theo đó, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ được chuyển sang tình trạng như trong thời chiến và sẽ gọi nhập ngũ khoảng 40.000 người. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và châu Âu cho biết hành động quân sự là không khả thi đối với vấn đề Crimea, còn Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Andriy Deshchytsya cũng tuyên bố không kêu gọi hiện diện quân sự của NATO ở nước ông.
Dự kiến vào ngày 21.3, quốc hội Nga sẽ thảo luận dự luật liên quan đến việc tiếp nhận Crimea, theo BBC. Đây cũng là thời điểm kết thúc thỏa thuận hòa hoãn tạm thời giữa Ukraine với lực lượng "dân quân tự vệ" và Hạm đội biển Đen của Nga đóng tại Crimea. Bên cạnh đó, AFP dẫn lời giới chức Moscow thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu chính thức về kết quả trưng cầu dân ý nói trên vào hôm nay 18.3.
Trong lúc chờ đợi, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi chính quyền Ukraine chuyển đổi sang mô hình nhà nước liên bang, trao thêm nhiều quyền cho các khu vực của nước này và tiến hành bầu cử mới. Theo Moscow, đây là một phần trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp chính trị và ngoại giao. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh "hiệu ứng Crimea" đã bắt đầu lan ra miền đông Ukraine. Theo RT, hàng ngàn người đã đổ ra đường ở các thành phố Kharkov và Donetsk để kêu gọi tổ chức trưng cầu về áp dụng thể chế liên bang hoặc tăng quyền tự trị.
Hôm qua, Mỹ và EU thông qua các biện pháp trừng phạt như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản nhằm vào hơn 20 quan chức, chính trị gia Crimea, Ukraine và Nga bị cho là đứng sau cuộc trưng cầu, theo CNN. Trong số này, có 2 cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một phó thủ tướng Nga cùng 2 lãnh đạo chính quyền và nghị viện Crimea.
Hôm qua giá cổ phiếu thế giới đã tăng trở lại sau nhiều ngày biến động do nhà đầu tư lo ngại nguy cơ xuất phát từ khủng hoảng ở Ukraine, theo Reuters. Giới phân tích lý giải rằng nhờ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea kết thúc mà không xảy ra bạo lực nghiêm trọng nên thị trường có phần ổn định. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiển hiện khi căng thẳng vẫn chưa xuống thang và phương Tây vẫn cảnh báo sẽ có thêm biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế Nga. AFP dẫn lời ông Erik Nielsen, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng Unicredit nhận định: "Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ khiến tăng trưởng ở Nga bị chững lại, thậm chí nước này có thể lâm vào suy thoái". Tuy nhiên, thiệt hại sẽ không chỉ do một mình Moscow gánh. Theo chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, "hậu quả sẽ rất nghiêm trọng với cả 2 phía. Cần nhớ là 1/3 nhập khẩu dầu khí của EU đến từ Nga. Riêng ở Đức thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa".
Theo TNO
Ngoại trưởng Nhật hoãn thăm Nga? Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida có thể hoãn chuyến thăm Nga dự kiến diễn ra vào tháng tới, khi quan hệ giữa Tokyo và Moscow nguội lạnh vì... Crimea, hãng tin Nhật Jiji ngày 25.3 dẫn các nguồn tin chính phủ. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida - Ảnh: AFP Bộ phận phụ trách quan hệ với Nga của Bộ Ngoại giao Nhật đã...