Ukraine cân nhắc tiếp tục tăng phí vận chuyển qua lãnh thổ đối với dầu mỏ của Nga
Phí vận chuyển dầu mỏ của Nga qua Ukraine đã tăng gấp đôi trong năm nay, nhưng sẽ chưa dừng lại.
Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN
Ngày 21/11, ông Igor Demin, người phát ngôn công ty Transneft điều hành đường ống dẫn dầu của Nga, cho biết doanh nghiệp này đã nhận được yêu cầu của công ty điều hành đường ống dẫn dầu Ukrtransnafta (Ukraine) về việc tăng phí vận chuyển dầu của Nga qua lãnh thổ Ukraine và đang nghiên cứu các đề xuất này.
Trước đó cùng ngày, hãng tin Bloomberg cho biết Ukraine có kế hoạch tăng phí vận chuyển dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba đến Đông Âu từ năm 2023. Dẫn nguồn bức thư của Ukrtransnafta gửi Transneft, Bloomberg cho biết thêm từ ngày 1/1/2023, Ukraine muốn tăng phí vận chuyển dầu tới Hungary và Slovakia thêm 2,1 euro/tấn lên 13,6 euro/tấn. Lý do được đưa ra là các vấn đề liên quan đến thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, cũng như sự gia tăng chi phí cho việc tổ chức các điều kiện làm việc và bảo vệ các cơ sở.
Phí vận chuyển dầu mỏ của Nga qua Ukraine đã tăng gấp đôi trong năm nay, lần tăng gần đây nhất là vào tháng 4. Đường ống dẫn dầu Druzhba bắt đầu từ tỉnh Samara của LB Nga, đi qua thành phố Bryansk rồi phân thành 2 nhánh, nhánh Bắc qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan, Đức và nhánh Nam qua lãnh thổ Ukraine, CH Séc, Slovakia, Hungary.
Cùng ngày, khi phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga không có kế hoạch cung cấp dầu mỏ hoặc các sản phẩm từ dầu mỏ cho các nước áp giá trần đối với mặt hàng này của Nga. Thay vào đó, Moskva sẽ xem xét lại nguồn cung cho các đối tác định hướng thị trường hoặc cắt giảm sản lượng.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Alexander Novak cũng cảnh báo rằng việc áp đặt giá trần đối với hàng hóa năng lượng, cũng như chính trị hóa ngành năng lượng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và các vấn đề về nguồn cung.
Theo Phó Thủ tướng Novak, việc áp giá trần là hành động can thiệp chưa từng có vào các nguyên tắc thị trường của thị trường dầu mỏ, có thể dẫn đến giảm đầu tư, giảm nguồn cung và thiếu hụt các loại hàng hóa khác.
Trước đó, tại cuộc họp chính sách hôm 5/10 vừa qua tại Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 này.
Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày từ tháng 11
Báo Saudi Gazette ngày 31/10 đưa tin căn cứ theo quyết định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC ), Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày kể từ tháng 11.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, OPEC đã thông báo quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11, như một phần của các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, ngăn chặn các điều kiện biến động và đối phó với tình hình bất ổn chưa từng có trên thị trường dầu mỏ. Đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2020, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Với việc cắt giảm sản lượng này, thị phần của Saudi Arabia và Nga trong sản xuất dầu mỏ sẽ đạt mức 10,478 triệu thùng/ngày.
Theo quan sát của tờ Saudi Gazette, Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác dầu trong thời gian 16 tháng liên tiếp, bắt đầu từ tháng 4/2021 khi sản lượng ở mức khoảng 8.134 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của nước này trong tháng 8/2022 đạt khoảng 11.051 triệu thùng/ngày, tăng 35,86% trong 16 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc Saudi Arabia đã nâng sản lượng dầu của mình lên khoảng 2,917 triệu thùng/ngày trong suốt giai đoạn nêu trên.
Tuần này, giá dầu thô Brent tăng khoảng 2% và dầu WTI tăng khoảng 3%. Trước đó ngày 28/10, giá dầu thô đã giảm sau khi các thành phố của Trung Quốc thông báo tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, nước này ghi nhận 1.506 trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày 27/10, tăng từ 1.264 trường hợp của ngày trước đó.
IEA: Thế giới lần đầu tiên rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng các thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thắt chặt và các nước sản xuất lớn cắt giảm nguồn cung đã khiến thế giới lần đầu tiên rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự. Một cơ sở lọc dầu ở gần thị trấn...